Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, việc tìm hiểu về cách bảo quản sữa mẹ đúng cách là điều mà tất cả chị em cần nắm rõ. Nếu sữa mẹ sau khi được vắt ra không được bảo quản đúng cách có thể làm mất chất hoặc gây hại đến sức khỏe của bé yêu.
Do đó, các chị em đừng tiếc vài phút để tham khảo hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng cách của Healthyblog.net nhé.
1. Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ:
Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích đáng kể. Đó chính là lý do vì sao các chị em cần học cách bảo quản sữa mẹ. Sau đây là một số lợi ích dễ thấy của việc nuôi con bằng sữa mẹ:
- Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu đời vô cùng quý giá và thiết yếu dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. So với sữa công thức, việc uống sữa mẹ sẽ giúp các bé dễ hấp thu hơn và có thể phòng tránh được các bệnh về đường ruột như tiêu chảy. Trong sữa mẹ có chứa các kháng thể, chất chống dị ứng và chất chống ký sinh trùng để nuôi dưỡng một cơ thể khỏe mạnh cho bé. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo giúp bé phát triển trí tuệ. Vì vậy, đừng từ chối nuôi con bằng sữa mẹ nếu bạn muốn con yêu được khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
- Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp các chị em phòng tránh được bệnh ung thư vú.
- Các chị em cũng có thể tiết kiệm chi phí mua sữa công thức khi nuôi con bằng sữa mẹ.
- Phụ nữ sinh cho bé bú sẽ nhanh chóng lấy lại vóc dáng hơn.
- Nuôi con bằng sữa mẹ là cơ hội để tăng tình cảm mẹ con, giúp bé có gần gũi với mẹ hơn.
2. Tại sao bạn cần vắt sữa?
Để học cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, dĩ nhiên các chị em cần phải vắt sữa ra trước. Vậy thì tại sao bạn cần phải vắt sữa?
- Vắt sữa được xem là một trong những cách gọi sữa về nhiều hơn hữu hiệu. Do đó, chị em nào ít sữa muốn có đủ sữa cho bé bú lâu dài thì cần thực hiện việc hút sữa thường xuyên.
- Đối với các chị em có nguồn sữa dồi dào, việc hút sữa ra sẽ giúp bạn tránh được tình trạng căng tức ngực rất khó chịu.
- Một vài trường hợp vì điều kiện sức khỏe mà các chị em không thể cho bé ti mẹ trực tiếp và cần phải vắt sữa ra.
- Thỉnh thoảng, bạn không tiện cho bé ti mẹ trực tiếp như khi đi đến nơi nhiều người hoặc có khách đến thăm nhà. Vì vậy, việc hút sữa mẹ và bảo quản sẽ giúp chị em giải quyết được tình trạng con đói khi ở nơi đông người.
Một số quan niệm cho rằng việc bảo quản sữa mẹ là không cần thiết, đặc biệt là đối với các chị em có nguồn sữa dồi dào. Tuy nhiên, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu đời vô cùng quý giá và bạn cũng không thể biết được khi nào mình sẽ mất sữa. Do đó, đừng bỏ đi dù chỉ là một giọt sữa mẹ bạn nhé. Nếu thực hiện đúng hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ thì bạn vẫn có thể mang đến nguồn dinh dưỡng an toàn cho bé y như khi bé ti trực tiếp mẹ vậy.
3. Hướng dẫn cách vắt và hút sữa mẹ
Cách hút và bảo quản sữa mẹ như thế nào là đúng cách? Trước hết, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách hút sữa mẹ đúng cách. Bởi nếu không thực hiện đúng cách thì việc sử dụng máy vắt sữa có thể gây đau đớn hay thậm chí gây tắc sữa. Tuy nhiên, dùng máy hút sữa đúng cách sẽ là biện pháp kích sữa hiệu quả để các chị em luôn có đủ sữa cho bé uống.
a. Cách 1: Massage trước khi hút sữa
- Bước 1: Massage bầu ngực theo hướng kim đồng hồ khoảng 5 phút nếu bạn sử dụng máy vắt sữa bằng tay. Còn nếu máy hút sữa bằng điện thì bạn chỉnh chế độ massage trong khoảng 5 phút trước.
- Bước 2: Chuyển sang chế độ vắt sữa trong khoảng 10 phút sau đó tắt máy.
- Bước 3: Nghỉ khoảng 5 phút thì bắt đầu mở lại chế độ massage trong 3 phút rồi chuyển sang chế độ vắt trong khoảng 5 phút nữa.
b. Cách 2: Đắp khăn ấm trước khi hút sữa
- Bước 1: Massage bầu ngực bằng tay khoảng 2 phút
- Bước 2: Lấy một chiếc khăn sữa, nhúng vào nước nóng, vắt khăn cho ráo nước rồi đắp lên bầu ngực cho đến khi hết ấm. Thực hiện 3 lần trước khi tiến hành hút sữa.
- Bước 3: Hút sữa trong khoảng 10 – 15 phút.
Khi hút sữa đúng cách, các chị em sẽ không cảm thấy đau mà lại có thu được nhiều sữa.
c. Cách 3: Vắt sữa bằng tay
Khi tìm hiểu cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt, các chị em cũng nên tìm hiểu về cách vắt sữa bằng tay.
- Bước 1: Lựa chọn một tư thế ngồi thoải mái. Đặt bình sữa gần bầu ngực.
- Bước 2: Đặt ngón cái lên núm vú, ngón trỏ ở phía dưới hiệp với ngón cái thành hình chữ C. Các ngón tay còn lại nâng ngực.
- Bước 3: Ấn nhẹ nhàng ngón cái và ngón trỏ vào thành ngực nhiều lần cho đến khi sữa bắn ra.
- Bước 4: Thực hiện khoảng 3 phút và dừng lại khi thấy sữa ít dần. Sau 2 phút thì bắt đầu lại từ đầu. Mỗi bên ngực mẹ nên thực hiện khoảng 2 lần như vậy.
Lưu ý:
- Các chị em nên vắt sữa liên tục cứ 3 giờ 1 lần.
- Các thời điểm vắt sữa:
- Vắt song song với khi đang cho bé bú
- Vắt sau khi cho bé bú
- Vắt trước khi cho bé bú khoảng 1 tiếng đồng hồ
4. Bảo quản sữa mẹ như thế nào thì đúng cách?
Sau đây, Healthy xin được chia sẻ các cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra cùng các mẹ bỉm sữa.
a. Cách 1: Bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng
Sữa mẹ sau khi được vắt ra sẽ được cho vào dụng cụ trữ sữa đã được vệ sinh sạch sẽ, đậy kín. Nếu các chị em muốn tìm hiểu cách bảo quản sữa mẹ dùng trong ngày thì có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng. Sữa sau khi vắt ra nếu để ở nhiệt độ từ khoảng 25 đến 30 độ C có thể giữ được 6 tiếng đồng hồ. Còn nếu ở nhiệt độ thấp hơn thì có thể giữ được lâu hơn. Tuy nhiên, khi bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng thì các chị em cần lưu ý để sữa tránh xa ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào hay không để gần khu vực có nguồn nhiệt và bức xạ.
Mặt dù cách bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng có thể giữ được tối đa là 6 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bà mẹ không nên sử dụng sữa được vắt ra đã để quá 4 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ phòng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé.
b. Cách 2: Bảo quản sữa ở ngăn mát tủ lạnh
Để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra được lâu hơn, đa số các chị em sẽ chọn cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh. Nếu bạn không có ý định dùng sữa trong ngày thì bạn nên bỏ vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Khi bảo quản sữa ở ngăn mát tủ lạnh từ 4 độ C, sữa có thể giữ được khoảng 3 ngày mà không sợ mất chất. Tuy nhiên, sữa mẹ được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh sẽ dùng tốt nhất trong vòng 24 tiếng đồ hồ.
c. Cách 3: Bảo quản sữa ở ngăn đá tủ lạnh
Nếu các chị em có nhiều sữa và bé không thể dùng hết trong vài ngày thì nên bảo quản sữa ở ngăn đá tủ lạnh. Nếu để ở ngăn đá tủ lạnh thì sữa có thể giữ được lên đến 3 tháng. Tuy nhiên, sữa không nên giữ quá lâu trong tủ lạnh, tốt hơn hết là bạn nên dùng sữa mẹ đã được vắt ra trong khoảng thời gian 7 ngày thôi
Lưu ý về cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh đúng cách như sau: Mẹ nên cho sữa vào ngăn mát tủ lạnh trước rồi mới cho vào ngăn đá tủ lạnh.
Các lưu ý trong cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra ngoài:
- Dụng cụ trữ sữa: Thủy tinh là gợi ý hàng đầu vì các thành phần sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt nhất khi ở trong bình thủy tinh. Ngoài ra, các chị em có thể dùng bình nhựa cứng hoặc túi trữ sữa chuyên dụng.
- Ở trường hợp các chị em có nguồn sữa dồi dào, vắt nhiều thì nên ghi ngày giờ vắt sữa ra để sau khi sử dụng, bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là sữa được vắt ra trước để sử dụng trước.
- Không đặt bình sữa ở bên cửa tủ lạnh vì nhiệt độ ở đây không chính xác.
5. Lưu ý khi sử dụng sữa mẹ đã qua bảo quản:
Sau khi đã biết cách bảo quản sữa mẹ, chắc hẳn các chị em cũng rất muốn biết cách sử dụng sữa mẹ đã qua bảo quản như thế nào là đúng.
Bác sĩ bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo rằng sữa được bảo quản trong tủ lạnh sẽ được hâm ấm (10 – 20 độ C) rồi cho bé dùng mà không sợ bị mất chất.
Để có thể đảm bảo nguồn sữa qua cách bảo quản sữa mẹ vắt ra, các chị em cũng cần chú ý một số lưu ý sau đây:
- Khi muốn rã đông sữa, mẹ nên chuyển sữa từ ngăn đá sang ngăn mát trong khoảng 12 tiếng rồi mới tiến hành hâm sữa cho bé uống nhé.
- Nên tách sữa ra thành nhiều túi đựng nhỏ, tránh việc đựng sữa trong túi trữ quá đầy có thể làm đổ sữa ra ngoài. Mặt khác, sữa đựng quá đầy sẽ tốn nhiều thời gian làm đông hay rã đông nên cũng sẽ khó khăn hơn cho các chị em khi muốn cho bé uống.
- Tuyệt đối không đun sữa mẹ hay hâm sữa bằng lò vi sóng vì sẽ bị hỏng do mất hết dưỡng chất.
- Trước khi hâm sữa, các chị em nên lắc nhẹ bình sữa vì sữa khi được bảo quản trong tủ lạnh sẽ tách lớp. Bạn sẽ nhìn thấy một lớp vàng mỏng bên trên bề mặt và phần phía dưới trong suốt như nước.
- Nếu bé không uống hết phần sữa vừa hâm, mẹ nên bỏ chứ không nên trữ lại trong tủ lạnh. Vì sữa được hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ mất đi chất dinh dưỡng và không còn tốt cho bé nữa.
- Các chị em cần kiểm tra kỹ sữa đã được hâm để đảm bảo sữa chỉ ấm chứ không lạnh hay nóng quá có thể gây bỏng cho bé.
- Các bình sữa khi sử dụng luôn cần được đảm bảo đã vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho bé nhé. Các chị em nên thường xuyên luộc bình sữa, dụng cụ vắt sữa thay vì chỉ dùng cọ rửa với nước rửa bình sữa.
Healthyblog.net đã chia sẻ cùng các chị em về cách bảo quản sữa mẹ đúng cách. Tin rằng nếu các chị em áp dụng đúng như hướng dẫn trên thì có thể đảm bảo nguồn sữa cho bé yêu của mình.