Ngôi thai là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp sinh của các mẹ bầu trong ngày vượt cạn. Ngôi thai thuận hay nghịch thường được xác định vào tuần cuối cùng của thai kỳ hoặc trước ngày dự sinh vài ngày.
Thế nào là ngôi thai thuận?
Ngôi thai là phần thấp nhất của thai nhi khi chuẩn bị đi vào khung xương chậu, đến ống dẫn sinh và là phần sẽ đi ra khỏi cơ thể mẹ đầu tiên. Tùy vào chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ, vị trí ngôi thai thường khác nhau.
Có 3 kiểu ngôi thai chính, đó là: ngôi đầu (ngôi thuận), ngôi mông và ngôi ngang (ngôi nghịch). Việc xác định ngôi thai dựa vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, vị trí thai, nhau thai.
Xác định ngôi thai thuận hay nghịch nên dựa vào nhiều yếu tố
Vậy, ngôi thai thuận là gì? Ngôi thai thuận (còn gọi là ngôi thai đầu) là khi thai nhi nằm trong bụng mẹ ở tư thế đầu chúc xuống dưới, gáy quay hẳn về phía bụng mẹ. Tư thế ngôi thai thuận sẽ giúp mẹ vượt qua cuộc chuyển dạ dễ dàng hơn. Khi xuất hiện các cơn co thắt trong quá trình chuyển dạ, thai nhi sẽ tạo áp lực lên buồng tử cung, khiến cho buồng tử cung mở rộng hơn để chui ra.
Ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ bắt đầu quay đầu xuống thành ngôi thuận. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có 1 kiểu xoay đầu ở những thời điểm khác nhau. Nhưng thông thường, thai nhi sẽ quay đầu khi mẹ bầu ở tuần thứ 35 của thai kỳ, lúc đó ngôi thai sẽ thuận.
Đối với những chị em mang thai lần 2, thời điểm bé xoay đầu có thể muộn hơn, thông thường sẽ rơi vào khoảng tuần thai thứ 36, 37. Trên thực tế, vẫn có khoảng 3% thai bị ngôi ngược, tức là thai không quay đầu về đúng vị trí mà có thể ở tư thế quay mông về phía dưới tử cung.
Cũng có khi, đầu em bé đã chúc xuống dưới nhưng phần gáy của trẻ lại nằm bên phía cột sống (ngôi sau) hay thai nằm ngang trong bụng mẹ (ngôi ngang). Hầu hết những mẹ bầu rơi vào trường hợp này sẽ được các bác sĩ khuyến khích sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Thế nào là ngôi thai ngược?
Ngôi thai ngược là tình trạng ngôi thai chưa thuận, khi đó thai nhi đang ở tư thế mông quay xuống cổ tử cung, còn đầu thì xoay về hướng đáy tử cung. Theo thống kê, các mẹ bầu thường có khoảng 25% thai nhi bị ngôi ngược trong tuần thai thứ 32. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 3% ở 8 tuần tiếp theo.
Có 3 loại ngôi thai ngược phổ biến nhất, 1 là ngôi mông đủ, tức là khi sinh ra, phần mông của bé sẽ chui ra trước. Khi đó, bé ở tư thế đầu gối co lại, đùi gập vào bên trong. Thứ 2 là ngôi mông thiếu, tức là phần mông sẽ được sinh ra trước, bé sẽ ở tư thế chân duỗi thẳng lên đầu. Thứ 3 là ngôi ngược kiểu chân, tức là bé ở tư thế chân thấp hơn mông, do đó chân bé sẽ ra trước khi sinh.
Thông thường, những mẹ bị ngôi thai ngược nếu ở những tuần trước khi sinh thì có thể được các bác sĩ gắn 1 đầu điện cực lên trên bụng mẹ ở vị trí mông bé và 1 điện cực cho mẹ để dễ dàng nhận biết được sự chuyển động của bé. Bên cạnh đó, một số bà bầu cũng có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp cho thai nhi quay xuống đúng ngôi thai thuận.
Những mẹ bầu bị ngôi thai chưa cố định có thể tham khảo 2 bài tập như sau: Bài tập 1 là mẹ bầu thực hiện thao tác quỳ bò 10 phút mỗi ngày. Bài tập 2 là mẹ bầu nằm thẳng lưng, vùng xương chậu nâng cao so với mặt sàn khoảng 20 – 30cm. Sau đó, giữ nguyên tư thế đó trong khoảng 15 phút.
Bài tập giúp cố định ngôi thai cho các mẹ bị ngôi thai ngược
Các kiểu ngôi thai thường gặp trong thai kỳ
Ngôi thai đầu: Thai nhi ở ngôi đầu trong trường hợp em bé ở tư thế quay đầu hướng xuống âm đạo, mông hướng về tử cung của mẹ. Tùy vào mức độ của việc thai nhi cúi hoặc ngửa đầu nhiều hay ít, trong ngôi thai đầu còn chia thành các loại ngôi như:
- Ngôi chỏm tức là lúc đầu bé cúi xuống nhiều nhất.
- Ngôi trán là lúc em bé hơi ngửa đầu, khi đó trục của thai nhi sẽ song song với trục của mẹ. Khi thăm khám cho mẹ, bác sĩ chỉ sờ được vào thóp trước.
- Ngôi thóp trước tức là khi đầu em bé ngửa ở lưng chừng, bác sĩ sẽ sờ được từ mũi đến miệng nhưng không sờ được cằm, nên còn gọi là ngôi trán.
- Ngôi mặt: đó là khi em bé ngửa đầu nhiều nhất, mặt bé sẽ là điểm thấp nhất chui ra ngoài trước tiên. Khi khám, bác sĩ có thể sờ được cả cằm bé.
- Trong các ngôi đầu ở trên, ngôi chỏm và ngôi mặt là vị trí thuận lợi nhất để mẹ có thể sinh thường, nếu em bé không bị quá nặng cân. Nếu thai nhi có ngôi trán hoặc ngôi mặt nhưng có cằm lại xoay về phía lưng mẹ thì mẹ buộc phải thực hiện sinh mổ. Bởi lẽ, khi đó đầu em bé đang ngửa lưng chừng nên đường kính của đầu khi đi qua khung chậu quá lớn, không đi qua được.
Ngôi mông: là 1 trong các trường hợp ngôi thai ngược, khi đó đầu em bé hướng lên phía trên và mông hướng về phía âm đạo của mẹ. Ngôi mông lại được chia thành 4 kiểu nhỏ:
- Ngôi mông đủ, tức là khi em bé ngồi xếp bằng tròn trong tử cung, bác sĩ có thể sờ vào chân và đầu của bé khi khám cho mẹ.
- Ngôi mông thiếu là các trường hợp nhỏ như: kiểu mông tức là em bé vắt ngược hai chân lên để ôm sát vào ngực, bác sĩ khám sẽ sờ thấy mông bé nhưng không thấy chân. Còn kiểu chân là khi em bé đứng, bác sĩ sẽ sờ được chân mà lại không thấy mông. Kiểu gối là lúc em bé quỳ, sẽ sờ được đầu gối.
- Ngôi thai mông là trường hợp mẹ sẽ sinh khó hơn so với ngôi thai đầu. Với kiểu ngôi mông, bác sĩ sẽ xác định xem mẹ nên sinh bằng đường âm đạo hay sinh mổ. Tuy nhiên, phương pháp sinh mổ thường được các mẹ lựa chọn nhiều hơn vì sinh bằng đường âm đạo sẽ có nguy cơ sổ thai chậm. Nếu thai ra chậm, chẳng may đầu em bé bị kẹt lại thì có thể bị mắc các di chứng ở não sau này.
Ngôi thai thuận giúp cho quá trình chuyển dạ được dễ dàng hơn
Chính vì vậy, với sản phụ sinh con đầu lòng, bác sĩ thường khuyên mổ lấy thai khi ước lượng thai nhi lớn khoảng 3kg và con thứ trên 3.2kg. Với những thai non tháng, dù cân nặng còn nhỏ nhưng nếu em bé có kích thước đầu to hơn mông thì cũng sẽ được chỉ định sinh mổ.
Ngôi thai xiên hay ngôi thai ngang là tư thế lưng của bé sẽ hướng xuống phía dưới, một bên bả vai của bé có thể chạm vào “cửa ra” của mẹ. Khi bác sĩ thăm khám cho mẹ bầu, có thể sờ vào vai của em bé.
Đến đây hẳn sẽ có nhiều mẹ thắc mắc ngôi thai ngang có sao không? Đối với trường hợp ngôi thai này, các bộ phận của bé đều phát triển lớn hơn so với âm đạo của mẹ. Do đó, các mẹ không thể sinh thường được mà chỉ có một cách duy nhất là sinh mổ mà thôi.
Mách mẹ “bí kíp” nhận biết ngôi thai thuận
Thông thường sẽ rất khó để nhận biết thai nhi trong bụng mẹ ngôi đã thuận hay chưa. Phương án tốt nhất để kiểm tra là dựa trên hình ảnh siêu âm của bác sĩ hoặc mẹ có thể tự phán đoán bằng cách dùng tay. Để sớm nhận biết được thai nhi đã quay đầu xuống chưa, mẹ bầu nên nằm xuống và nhờ chồng tiến hành các bước sau một cách nhẹ nhàng:
- Bước 1: Đặt hai tay vào vị trí đáy của tử cung. Sau đó, dùng cả hai bàn tay lần lượt đẩy nhẹ trên phần bụng dưới của mẹ để nhận biết xem bộ phận nào là của thai nhi ở dưới đáy tử cung. Nếu sờ tay có cảm giác cưng cứng thì đó chính là phần đầu của thai nhi.
- Bước 2: Dùng 2 tay đặt vào bên phải và sau đó là bên trái của vùng bụng. Đầu tiên, bố hãy giữ tay phải cố định và tay trái nhẹ nhàng sờ nắn để kiểm tra. Sau đó, đổi tay ngược lại, tay trái để cố định, dùng tay phải sờ nắn để xác định xem vùng lưng thai nhi ở bên nào.
- Bước 3: Lần lượt đặt ngón tay cái và sau đó là 4 ngón còn lại vào vị trí đầu ra của thai nhi để ước chừng đó là phần đầu hay phần mông. Nếu vẫn chưa nhận biết được thì hãy nhẹ nhàng xoay tay sang bên phải rồi lại sang bên trái để xác định xem đầu của bé đã quay xuống chưa.
- Bước 4: Hai tay lần lượt đặt vào vị trí “cửa ra” của thai nhi để phỏng đoán xem đầu hay mông của bé sẽ ra trước và độ tụt của thai nhi. Đồng thời, tiến hành siêu âm thai cũng là 1 phương pháp giúp mẹ bầu có thể nhận biết chính xác được thai nhi đã quay đầu xuống chưa nhờ vào hình ảnh.
Siêu âm thai là 1 phương pháp giúp mẹ bầu nhận biết ngôi thai
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu đi xác định ngôi thai quá sớm (trước tuần 34), em bé có thể tiếp tục di chuyển và thay đổi ngôi thai sau đó. Nếu ngôi thai chưa thuận, mẹ nên chủ động hẹn lịch khám thai vào tuần thứ 35, 36, vì đây là thời điểm thai nhi thường xoay trở về ngôi thuận.
Mẹ không nên để tới gần ngày sinh rồi mới đi siêu âm. Bởi lẽ, khi đó nếu ngôi thai ngược, rất khó để xử lý tình trạng này, mẹ bầu chỉ còn 1 cách là sinh mổ mà thôi.
Một trong những yếu tố khiến ngôi thai bị ngược đó là một số mẹ mới mang thai lần đầu là do có thành bụng dày và chắc nên em bé rất khó xoay đầu trong các tuần cuối thai kỳ. Còn các mẹ đã sinh con nhiều lần, thành bụng giãn thì lại không thể cố định được em bé. Ngoài ra, những mẹ bầu có tử cung bị u xơ hoặc mắc các bệnh về sinh sản cũng dễ khiến ngôi thai không cố định mà thai nhi xoay đầu thường xuyên.
Kết luận
Tốt nhất mẹ bầu nên thực hiện siêu âm khi thai ở vào tuần thứ 32, vì đây là dấu mốc quan trọng để kiểm tra, tầm soát các dị tật thai nhi. Tại đây, bác sĩ cũng sẽ thông báo cho mẹ là thai nhi đã quay đầu xuống, ngôi đã thuận hay chưa.
Việc ngôi thai thay đổi vào những tuần cuối là do cơ thể mẹ, cũng có thể là do bé. Siêu âm chẩn đoán ngôi thai chính là phương pháp để mẹ bầu dự phòng trước các phương án để xử lý kịp thời nếu ngôi thai bị ngược.
Xem thêm:
Chỉ Số BPD Là Gì? Chỉ Số Phát Triển Này Quan Trọng Với Thai Nhi Như Thế Nào?
Nguồn tham khảo:
- http://beyeume.vn/cac-kieu-ngoi-thai-me-bau-can-biet/
- https://dichvuhay.vn/ngoi-thai-thuan-va-ngoi-thai-nguoc.html
- https://parenting.firstcry.com/articles/types-of-pregnancy-you-should-be-aware-of/