Chảy sữa sau sinh – Mong muốn lớn nhất của hầu hết các bà mẹ là có thật nhiều sữa để đảm bảo đủ cho nhu cầu ăn của trẻ. Tuy nhiên, việc sữa ra quá nhiều dẫn đến tình trạng chảy sữa lại gây ra nhiều điều phiền toái cho mẹ.
Sự bất tiện khi bị chảy sữa sau sinh
Sữa mẹ được xem là một loại thực phẩm tối ưu khi cung cấp đủ những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có sự khác nhau về lượng sữa ở từng cơ địa của người mẹ, có mẹ thì sữa vừa đủ cho trẻ, trường hợp lại ít sữa phải dùng thêm sữa bột và cũng có trường hợp sữa nhiều đến mức lúc nào bầu ngực cũng căng tức và ướt đẫm vì chảy sữa.
Việc có sữa nhiều là một điều rất tốt vì không lo thiếu sữa cho trẻ bú, nhưng nó cũng đi kèm với một loạt những bất tiện như sau:
- Lúc nào áo ngực cũng trong tình trạng ẩm ướt do rỉ sữa, chảy sữa,… Nếu vệ sinh không cẩn thận sẽ gây ra hiện tượng viêm tắc tia sữa do nhiễm trùng hoặc bị áp xe bầu ngực rất nguy hiểm.
- Khi cho trẻ bú mà gặp phải tình trạng sữa ra ồ ạt sẽ rất dễ khiến cho trẻ bị sặc hoặc trớ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp khó khăn khi bú do ngậm ti không đúng cách.
- Thông thường lượng sữa đầu khi trẻ bú mẹ không giàu chất dinh dưỡng bằng lượng sữa cuối. Do đó, nếu mẹ có quá nhiều sữa sẽ làm cho trẻ no nhanh, không tiếp cận được với lượng sữa cuối, dẫn đến tình trạng trẻ sẽ nhanh đói và kém cân hơn.
Cách làm chậm dòng sữa mẹ
Để làm giảm tình trạng chảy sữa ồ ạt, mẹ có thể thực hiện một số cách sau đây để làm giảm sự chảy sữa quá nhiều khi cho trẻ bú.
- Đang bú mà trẻ có biểu hiện như thở gấp, há miệng do trào sữa thì cần nhanh chóng ngưng cho trẻ bú, dùng khăn hay tay bịt nhanh đầu ti lại, tránh trường hợp trẻ bị sặc rất nguy hiểm. Sau đó, chờ cho lưu lượng sữa ra ổn định thì mới cho trẻ bú trở lại.
- Khi bú thì mẹ cần chú ý cho trẻ bú một bên bầu sữa mẹ, bởi khi bú một bên sữa sẽ trào ra một lần trong khoảng thời gian đầu, sau đó thì trẻ có thể bú bình thường khi lưu lượng sữa ra đã ổn định.
- Khi trẻ đang bú mẹ có thể dùng ngón tay ấn vào phần núm vú để làm chậm tốc độ chảy của sữa và giữ cho dòng chảy được ổn định.
- Mẹ có thể linh hoạt thay đổi tư thế và vị trí khi cho trẻ bú, hạn chế cho trẻ bú khi đang nằm mà mẹ có thể ngồi để cho trẻ bú sẽ giúp cho lượng sữa tiết ra ít hơn.
- Mẹ nên vắt dòng sữa mạnh ban đầu cho đến khi sữa ra chậm và đều lại rồi hãy bắt đầu cho trẻ bú để giảm áp lực dòng sữa.
Biện pháp khắc phục chảy sữa cho mẹ
Để giảm sự khó chịu của tình trạng chảy sữa, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện tình hình.
- Sử dụng miếng lót chuyên dụng sạch sẽ, mềm mại và có khả năng hút ẩm tốt đặt phía trong áo ngực để giảm tình trạng ẩm ướt hoặc nguy cơ dị ứng cho mẹ.
- Mặc quần áo tối màu khi đi ra ngoài, vì khi chảy sữa thấm ra ngoài, vết bẩn có thể được che chắn lại giúp mẹ không bị mất tự nhiên. Bên cạnh đó, nếu mẹ nào đã đi làm trở lại thì nên mang theo quần áo dự phòng để có thể thay khi bị chảy sữa nhiều.
- Tuyệt đối không sử dụng máy hút sữa khi mẹ đang trong tình trạng chảy sữa quá nhiều, đơn giản là càng hút sữa sẽ càng ra nhiều hơn.
Xem thêm: