Updated at: 22-04-2020 - By: admin

Hội chứng Steven-Johnson (Stevens-Johnson Syndrome, SJS) được hai bác sĩ người Mỹ là Albert Mason Stevens và Frank Chambliss Johnson mô tả lần đầu tiên vào năm 1922.

Đây là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, gây nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất bệnh trong dân số chỉ 2/1.000.000 người, nhưng tỉ lệ tử vong lên tới 5-30%.

Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi nam có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi nữ, tỉ lệ bệnh xuất hiện cao vào mùa hè và mùa xuân.

Những ai thường mắc phải hội chứng Stevens-Johnson (viêm da dị ứng cấp tính)?

Nam giới thường có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn phụ nữ. Đa số các trường hợp mắc bệnh có liên quan nhiều đến việc sử dụng một vài loại thuốc đặc trị, bệnh thường bắt đầu từ 1 đến 3 tuần sau khi sử dụng thuốc lần đầu tiên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.Hội Chứng Stevens-Johnson Và Hoại Tử Biểu Bì Nhiễm Độc 1

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Stevens-Johnson (viêm da dị ứng cấp tính) là gì?

Hội chứng này thường bắt đầu bằng một cơn sốt cao và các triệu chứng giống như cảm cúm. Sau 1 đến 3 ngày, chứng tổn thương da bắt đầu xuất hiện. Chứng phát ban bao gồm các thương tổn nổi lên ở da trông giống như các vết phồng giộp. Các nốt phồng này sẽ tróc ra dẫn đến bị chảy nước và để lại làn da mẫn đỏ.

Bạn có thể bị đau nhức ở miệng gây khó khăn cho việc nuốt và có xuất hiện các vết loét ở niêm mạc mũi, mắt và bộ phận sinh dục. Chứng viêm loét miệng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Những triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm chứng nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt hoặc khô mắt, lo lắng hoặc có vấn đề về thị giác.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện chứng đau da lan rộng mà không rõ nguyên nhân;
  • Sưng mặt;
  • Xuất hiện các vết phồng giộp ở da và niêm mạc;
  • Nổi mày đay;
  • Sưng lưỡi;
  • Xuất hiện chứng phát ban đỏ hoặc đỏ tía ở da và có khả năng lan rộng;
  • Lột da.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng Stevens-Johnson (viêm da dị ứng cấp tính) là gì?

Nguyên nhân của hội chứng này thường là do phản ứng với thuốc. Đa số các loại thuốc đều có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson, nhưng những loại thuốc thường có khả năng gây ra hội chứng này nhiều hơn là thuốc kháng sinh sulfa, thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), thuốc chống co giật và allopurinol (sử dụng để trị bệnh gút). Trong các trường hợp hiếm gặp, chứng nhiễm trùng (gây ra bởi vi khuẩn và virus) hoặc ung thư có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson.

Phần lớn các thuốc đều có nguy cơ gây hội chứng Stevens-Johnson, nhưng có một số thuốc có nguy cơ gây bệnh cao hơn, đó là:

  • Một số kháng sinh như Penicillin, Cotrimoxazol, kháng sinh nhóm Sulfamid (Sulfasalazin, sulfonamid). Các kháng sinh Amoxicillin, nhóm Cephalosporin, nhóm Quinolon thì xác suất gây bệnh ít hơn.
  • Các thuốc chống động kinh, co giật: Carbamazepin, Phenytoin, Phenobarbital
  • Thuốc điều trị gout: Allopurinol
  • Thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc giảm đau- kháng viêm nonsteroid (NSAIDS) như Ibuprofen, Naproxen, meloxicam,…

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson (viêm da dị ứng cấp tính)?Hội chứng Steven Johnson

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson, bao gồm:

  • Bệnh nhiễm trùng do virus: nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson sẽ tăng cao nếu bạn mắc phải một chứng bệnh nhiễm trùng do virus gây ra như bệnh mụn giộp, bệnh viêm phổi do virus, HIV hoặc viêm gan.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson nhiều hơn. Hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi việc cấy ghép cơ quan, bệnh HIV/AIDS và bệnh tự miễn dịch.
  • Tiền sử đã từng mắc hội chứng Stevens-Johnson: nếu bạn đã từng mắc phải hội chứng này khi dùng một loại thuốc nào đó, bạn sẽ có nguy cơ bị tái phát hội chứng này nếu bạn dùng lại loại thuốc đó.
  • Tiền sử gia đình mắc phải hội chứng Stevens-Johnson: Nếu một thành viên trong gia đình đã từng mắc phải hội chứng Stevens-Johnson hoặc một chứng bệnh có liên quan được gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis), bạn cũng có thể dễ bị mắc phải hội chứng Stevens-Johnson.
  • Mang một loại gen đặc biệt: Nếu bạn mang một loại gen được gọi là HLA-B 1502, bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson nhiều hơn, đặc biệt là nếu bạn dùng các loại thuốc chuyên trị co giật hoặc bệnh thần kinh.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị

Điều trị tại chỗ:

Chăm sóc da:

  • Tránh cầm nắm, lôi kéo người bệnh nặng, sử dụng bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh. Dùng kháng sinh nếu có bằng chứng nhiễm khuẩn, dùng thuốc giảm đau nếu đau nhiều thương tổn da. Ở những bệnh nhân không di chuyển được hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tránh để phân, chất bẩn vào vùng da bị tổn thương.
  • Rửa vùng da tổn thương bằng nước muối sinh lý, nước ấm vô trùng hoặc dung dịch sát trùng. Dùng kem dưỡng ẩm như vaseline, paraffin lên khắp da. Bôi thuốc kháng sinh lên vùng da có vảy tiết, bị trợt. Các vùng da bị mất thượng bì nên được băng lại bằng các gạc không dính. Các mảnh thượng bì bong ra nên được giữ lại để bảo vệ da.

Chăm sóc các niêm mạc bị tổn thương:Hội chứng Steven Johnson

  • Niêm mạc mắt: niêm mạc mắt nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như loét giác mạc, dính mi- cầu mắt, dính góc mắt và dẫn đến mù lòa. Do đó, bệnh nhân nên được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, theo dõi suốt tiến trình của bệnh.
  • Niêm mạc miệng: làm sạch bằng các dung dịch sát trùng, sử dụng corticosteroid dạng dung dịch để súc miệng, dùng gạc ẩm đắp môi, miệng. Sử dụng các thuốc điều trị herpes, candida với các trường hợp thương tổn niêm mạc miệng lâu lành.
  • Niêm mạc âm hộ, âm đạo cần được thăm khám thường xuyên, vệ sinh bằng các dung dịch sát trùng, bôi corticosteroid tại chỗ để giảm viêm.

Điều trị toàn thân:

  • Bổ sung nước- điện giải: bổ sung dịch bằng đường uống nếu người bệnh uống được. Đặt đường truyền ở những vùng da không bị tổn thương, theo dõi cân bằng dịch bằng catheter, theo dõi lượng dịch vào và lượng dịch ra (lượng nước tiểu). Tính lượng dịch cần bù phù hợp.
  • Có chế độ dinh dưỡng tốt: bệnh nhân hội chứng Stevens-Johnson cần chế độ dinh dưỡng cao hơn so với bình thường. Nếu vùng miệng bị tổn thương, không ăn được, nên đặt sonde dạ dày cho bệnh nhân. Lượng calo cần cung cấp trong giai đoạn cấp của bệnh là 20-25kcal kg-1 mỗi ngày, trong giai đoạn hồi phục là 25-30 kcal kg-1 mỗi ngày.
  • Lọc máu nếu có nhiễm trùng máu

Bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson dựa trên tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân và dựa trên kết quả khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ cũng có thể sẽ dựa vào mức độ biểu hiện trên da của người bệnh để xác định xem bạn có bị hội chứng Stevens-Johnson hay không. Ngoài ra, sinh thiết da cũng là một phương pháp giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng Stevens-Johnson:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
  • Rửa tay cẩn thận: bất cứ người nào đang chăm sóc vùng da thương tổn cần phải rửa sạch tay để phòng chống bệnh nhiễm trùng;
  • Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: bạn có thể ăn uống bằng chất lỏng nếu có xuất hiện chứng đau khi nuốt;
  • Uống đủ nước để chống mất nước;
  • Liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị sốt cao hoặc không thể uống đủ nước hay ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý do bị mắc phải chứng tổn thương ở miệng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Xem thêm:

Hội Chứng Thận Hư Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết

5/5 - (1 vote)