Bé yêu bước vào giai đoạn ăn dặm, hẳn rằng đây là giai đoạn mà bà mẹ nào cũng mong chờ vì nó cho thấy bé yêu của bạn đang lớn lên từng ngày. Với các chị em lần đầu làm mẹ chưa có kinh nghiệm, hẳn rằng bạn rất quan tâm đến cách nấu cháo ăn dặm cho bé yêu như thế nào là phù hợp. Hiểu được tâm sự đó của các chị em, Healthyblog.net sẽ gửi đến bạn bí quyết nấu cháo ăn dặm cho bé ngay sau đây.
1. Khi nào thì bé bắt đầu ăn dặm
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế Thế giới và Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia thì trẻ sơ sinh nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Sữa mẹ có thể cung cấp đầy đủ mọi dưỡng chất mà bé cần trong những tháng đầu đời mà bé không cần thêm bất cứ nguồn thực phẩm nào khác.
Khi bé được 6 tháng, lúc này cơ thể bé đang phát triển mạnh và bé cần nhiều dưỡng chất hơn nên sữa mẹ không còn đủ cho bé nữa. Vì vậy, trẻ bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6 và nên tiếp tục được uống sữa mẹ cho đến khi bé được 2 tuổi. Nghĩa là khi bé được 6 tháng thì mẹ cần nắm được cách nấu cháo cho bé ăn dặm rồi.
2. Những sai lầm thường gặp của các bà mẹ khi nấu cháo cho bé
Trước khi đi vào tìm hiểu cụ thể cách nấu cháo cho bé yêu trong giai đoạn ăn dặm, Healthyblog.net sẽ gửi đến mẹ những sai lầm thường thấy của nhiều bà mẹ khi nấu cháo cho bé. Mẹ nên lưu ý để tránh mắc phải những sai lầm này nhé.
a. Nêm nhiều gia vị vào thức ăn dặm của bé
Khi nấu cháo để bé ăn dặm, nhiều bà mẹ nghĩ rằng việc nêm thêm nhiều gia vị sẽ giúp cháo thơm ngon và dễ nuốt hơn. Tuy nhiên, các bé khi mới làm quen với việc ăn chưa thể tiếp nhận được nhiều gia vị như chúng ta. Việc nêm nếm thêm nhiều loại gia vị có thể gây ảnh hưởng đến thận và sức khỏe của bé sau này. Vị ngọt từ xương hầm hay rau củ đã đủ với bé nên mẹ không cần nêm thêm bất kỳ gia vị nào. Khi bé được 1 tuổi, mẹ mới nên bắt đầu nêm thêm một vài gia vị lượng ít vào cháo của bé nhé.
b. Thêm sữa vào quá sớm.
Sữa là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất và rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thêm sữa vào cháo sẽ giúp món cháo thêm phần thơm béo và dưỡng chất hơn. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý rằng việc nấu sữa quá lâu trên bếp sẽ khiến sữa mất đi chất dinh dưỡng. Do đó, mẹ nên đợi khi cháo đã chín và nêm các nguyên liệu khác vào rồi mới cho sữa vào nồi và chỉ đợi thêm 1 phút là tắt bếp ngay.
c. Thêm nước lạnh vào nước hầm xương
Ninh nước hầm xương rồi lấy nước đó để nấu cháo cho bé là cách mà rất nhiều bà mẹ thực hiện. Nước hầm xương sẽ đem lại vị ngon ngọt khiến món cháo thêm hấp dẫn hơn. Việc đang ninh xương ở nhiệt độ cao rồi cho nước lạnh vào sẽ làm giảm chất dinh dưỡng và dễ tạo kết tủa.
d. Luôn xay nhuyễn rau củ
Khi bé yêu mới bắt đầu tập ăn dặm, việc xay nhuyễn rau củ để bé dễ ăn, dễ tiêu hóa là điều cần thiết. Tuy nhiên, công thức nấu cháo cho bé trong từng giai đoạn sẽ có những sự khác biệt nhất định. Bé càng lớn thì mẹ càng tập cho bé ăn các thực phẩm đặc hơn, lớn hơn. Vì vậy, mẹ đừng lạm dụng sử dụng máy xay để luôn nghiền nát thực phẩm nhé. Khi bé lớn hơn mẹ có thể cắt nhuyễn rồi cắt nhỏ rau củ quả để bé làm quen trong từng giai đoạn sao cho phù hợp.
3. Một số lưu ý khi nấu cháo ăn dặm cho bé
Trước khi chia sẻ về cách nấu cháo cho bé ăn dặm, Healthyblog.net cũng muốn lưu ý với mẹ một vài điểm quan trọng sau đây:
a. Nên nấu cháo ăn dặm cho bé theo từng tháng tuổi
Mẹ cần biết, việc nấu cháo ăn dặm cho bé cần phù hợp cho từng tháng tuổi. Cách nấu cháo ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi sẽ có sự khác biệt khi nấu cháo cho bé 12 tháng tuổi. Đầu tiên, bé có thể ăn bột, sau đó đến cháo xay nhuyễn nấu loãng, rồi cháo sệt, cháo hột loãng, cháo hột đặc rồi đến ăn cơm nhão và cuối cùng là ăn cơm.
Lượng thức ăn dành cho các ở từng tháng tuổi cũng có sự khác biệt vì càng lớn, bé sẽ càng ăn nhiều hơn. Mặt khác, nhiều loại thực phẩm bé chưa thể dùng được ở giai đoạn này nhưng ở giai đoạn khác bé lại nên ăn nhiều thực phẩm đó. Vì vậy, mẹ cần phải học cách nấu thức ăn dặm với bé theo từng giai đoạn sao cho phù hợp.
- Với bé 6 tháng tuổi:
Lúc này mẹ chỉ nên cho bé thử các loại rau củ quả trước, chưa nên cho bé ăn thịt vào giai đoạn này. Mẹ cũng nhớ xay nhuyễn tất cả các loại rau củ để tránh làm bé bị nôn trớ vì chưa quen.
Một số loại rau củ mà mẹ nên cho bé ăn ở giai đoạn này là rau ngót, rau cải, mồng tơi, rau dền, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, khoai lang, hạt sen,… Mẹ có thể hầm nước củ, quả để tạo vị ngọt cho cháo như nước hầm lê, táo, củ cải,…
- Với bé 7 tháng tuổi:
Bé được 7 tháng tuổi thì mẹ đã có thể cho bé thử ăn các loại thịt như thịt heo, thịt bò, thịt gà. Các loại thịt gia cầm, gia súc ít gây dị ứng nên bé đã có thể tập ăn ở tháng thứ 7. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé ăn cháo trứng, cháo phô mai ở giai đoạn này đều rất tốt. Cách nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng cũng tương tự như khi bé 6 tháng, tuy nhiên mẹ có thể tăng lượng cháo nhiều hơn một chút và có thể nấu cháo sệt hơn một chút là được.
- Với bé từ 8 đến 12 tháng tuổi:
Khi bé yêu được 8 tháng tuổi, lúc này mẹ có thể tập cho bé ăn rất nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá hồi, tôm, cua, lươn, ếch,.. Thật ra, khi bé được 7 tháng thì mẹ đã có thể cho bé ăn các loại thực phẩm nêu trên. Tuy nhiên, vì đây là những thực phẩm dễ gây dị ứng nên để đảm bảo an toàn, mẹ nên chờ đến khi bé yêu được 8 rồi mới bắt đầu tập cho con ăn cũng không muộn.
b. Nấu cháo ăn dặm cho bé theo tỉ lệ gạo nước phù hợp
Khi nấu cháo cho bé yêu ăn dặm, mẹ cần chú ý đến tỉ lệ gạo và nước sao cho phù hợp ở từng giai đoạn. Cháo nên được nấu từ loãng, sệt cho đến đặc. Có như vậy thì hệ tiêu hóa của bé mới có thể dễ dàng tiếp thu được và cũng kích thích men tiêu hoá tiết ra để giúp dạ dày hoạt động tốt hơn.
Chẳng hạn như:
- Bé 6 tháng tuổi: Dùng 20g gạo nấu với 250ml nước.
- Bé 7 tháng tuổi: Dùng 20g gạo nấu cùng 200ml nước.
- Bé 8 – 9 tháng tuổi: Dùng 30g gạo nấu cùng 250ml nước
- Bé 10 – 12 tháng: Dùng 40g gạo nấu cùng 250ml
c. Nên cho dầu ăn vào cháo ăn dặm của bé
Nhiều bà mẹ nghĩ rằng việc cho dầu ăn vào cháo là không tốt. Tuy nhiên, dầu ăn không chỉ giúp món cháo của bé thêm phần thơm ngon, hấp dẫn hơn mà dầu ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho bé. Vì vậy, mẹ đừng quên nêm thêm ít dầu ăn vào cháo của bé với lượng nhỏ vừa phải nhé. Tốt nhất là mẹ nên dùng loại dầu chuyên dùng cho trẻ như dầu ô liu khi nấu thức ăn cho bé.
d. Không nên nấu quá nhiều cháo một lúc
Một lưu ý khác trong cách nấu cháo ăn dặm cho bé đó chính là mẹ không nên nấu quá nhiều cháo một lúc. Nhiều chị em nấu vì bận rộn nên thường nấu một nồi cháo to rồi hâm đi hâm lại để bé ăn cả ngày. Tuy nhiên, việc hâm lại nhiều lần dễ làm mất đi dưỡng chất có trong cháo nên mẹ cần hạn chế việc này. Mặc khác, thời tiết, khí hậu khác nhau thì thời gian ôi thiu của cháo cũng khác nhau nên mẹ cần hết sức thận trọng.
Thay vào đó, mẹ có thể nấu cháo trắng nhiều rồi trữ đông. Mỗi lần nấu thì mẹ lấy ra một ít rồi mới cho thêm các loại thực phẩm khác vào.
e. Tập cho bé từng chút một và theo dõi phản ứng của con
Trong giai đoạn bé ăn dặm, vì bé chưa quen với việc ăn và hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện nên mẹ cần tập cho bé từng chút một. Khi mới làm quen với bất kỳ loại thực phẩm nào, mẹ chỉ nên cho bé ăn thử một lượng rất nhỏ và theo dõi phản ứng của con. Nếu bé có dấu hiệu dị ứng như nổi mẩn đỏ, đỏ mắt,… thì mẹ nên ngưng cho bé ăn loại thực phẩm đó lại cho đến khi được sự đồng ý của bác sĩ.
Mẹ cũng cần phân bổ các món ăn hợp lý, tránh để bé ăn quá nhiều thực phẩm này nhưng lại thiếu đi những chất dinh dưỡng cần thiết khác. Thông thường, đối với các loại thực phẩm như tôm, cá, cua, trứng gà,… thì bé chỉ nên ăn 3 lần một tuần là mức độ hợp lý.
4. Cách nấu cháo ăn dặm cho bé
Sau đây, Healthyblog.net xin chia sẻ đến mẹ công thức nấu 6 món cháo thơm ngon và dinh dưỡng cho bé yêu:
a. Cách nấu cháo yến mạch
Yến mạch là loại thực phẩm dồi dào dưỡng chất nên thường được các bà mẹ ghi ngay vào thực đơn ăn dặm cho bé yêu. Trong yến mạch có chứa nhiều khoáng chất như sắt, canxi, magie, vitamin B, B6 cùng protein và chất xơ. Tất cả những chất dinh dưỡng đều cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé yêu, đặc biệt là bộ não của bé. Do đó, mẹ đừng quên ghi ngay cách nấu cháo yến mạch cho bé ăn dặm nhé.
Nguyên liệu:
- ½ củ cà rốt
- 30g yến mạch
- 20g thịt bò
- ¼ củ khoai tây
- Dầu cho bé
- Hành lá
- Gia vị
Cách thực hiện:
- Cà rốt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc. Sau đó đem ninh cà rốt với 200ml nước
- Ngâm yến mạch vào nước khoảng 15 phút
- Thịt bò rửa sạch rồi đem đi xay nhuyễn
- Khoai tây bỏ vỏ, hấp mềm rồi nghiền nhuyễn
- Khi cà rốt đã ninh nhừ, mẹ vớt bỏ phần cà rốt rồi cho yến mạch vào khuấy đều.
- Cho thêm thịt bò, khoai tây vào nồi và nấu thêm khoảng 2 phút.
- Mẹ nêm gia vị cho phù hợp với bé, tắt bếp và cho một chút dầu ăn, hành lá cắt nhuyễn lên trên là xong.
Ngoài cách nấu trên, mẹ cũng có thể nấu cháo yến mạch cùng với các loại thực phẩm khác như cá hồi, thịt heo, rau củ quả,…
b. Cách nấu cháo trứng
Trứng gà cũng là một loại thực phẩm mà mẹ không nên bỏ qua nếu muốn con yêu khỏe mạnh. Trong trứng gà có chứa nhiều cholesterol tốt, canxi, axit béo, vitamin E, B12, sắt,… Các chất này sẽ giúp bé có được một đôi mắt tinh anh, trí tuệ phát triển hơn, xương chắc khỏe hơn, hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn,… nên mẹ hãy học cách nấu cháo trứng cho bé ăn dặm để chăm sóc bé yêu nhé.
Nguyên liệu:
- 100gr xương heo
- 20gr gạo
- ¼ lòng đỏ trứng gà
- 50gr bí đỏ
- Hành lá
- Dầu ô liu
- Gia vị
Cách thực hiện:
- Xương heo rửa sạch rồi đem ninh nhừ, mẹ nên chú ý vớt bọt thường xuyên
- Cho gạo vào nấu cùng nước hầm xương
- Bí đỏ rửa sạch, cắt khúc rồi xay nhuyễn
- Khi cháo chín, mẹ vớt bỏ phần xương heo
- Cho bí đỏ vào nồi, khuấy đều
- Từ từ cho lòng đỏ trứng gà vào kết hợp khuấy đều tay, tránh để trứng gà vón cục
- Nêm nếm gia vị cho phù hợp với bé
- Nấu thêm khoảng 1 phút thì tắt bếp
- Thêm một chút dầu ô liu và hành cắt nhuyễn vào là hoàn tất món ăn
Thay vì cho trứng vào trực tiếp, mẹ cũng có thể đem hấp cách thủy lòng đỏ rồi nghiền nhuyễn để nấu cho bé cũng được. Ngoài cách thực hiện trứng gà bí đỏ trên, mẹ cũng có thể thử nấu trứng gà hạt sen, trứng gà rau ngót hay trứng gà đậu đỏ đều được.
c. Cách nấu cháo lươn
Healthyblog.net sẽ chia sẻ với bạn gợi ý về cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm ngay sau đây. Bởi cớ, Đông Y cho rằng lươn là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong lươn có chứa nhiều kali, canxi, sắt, chất đạm, chất béo và nhiều loại vitamin. Trẻ em ăn lươn sẽ giúp chữa tiêu chảy, chữa suy dinh dưỡng vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý không nên cho bé ăn lươn sớm và cũng không lạm dụng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Nguyên liệu:
- 100gr lươn
- 2- 3 lá rau cải
- 3 thìa gạo
- Gia vị
- Dầu ăn cho em bé
- Hành lá
Cách thực hiện:
- Lươn mua về mẹ sơ chế sạch với chanh hoặc nước vo gạo để loại bỏ hoàn toàn nhớt.
- Loại bỏ nội tạng lươn, sau đó rửa sạch với nước ấm pha chút muối.
- Ướp lươn với rượu trắng và muối để khử mùi tanh.
- Lươn ướp được 15 – 20 phút thì đem luộc chín
- Gỡ thịt lươn đã chín và thái nhỏ
- Ninh nhừ cháo với 200 – 250ml nước
- Rau cải rửa sạch, xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ (tùy độ tuổi của bé)
- Cháo chín thì cho lươn với rau vào, khuấy đều
- Nêm gia vị phù hợp
- Tắt bếp rồi nêm thêm chút hành lá là xong
d. Cách nấu cháo tôm
Từ tháng thứ 7 là mẹ đã có thể cho bé ăn tôm rồi. Cháo tôm vốn thơm ngon lại giàu dinh dưỡng nên được các bà mẹ đặc biệt ưa chuộng. Có thể nói, trong tôm có rất nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể bé rất cần để phát triển chiều cao, xương chắc khỏe, tránh tình trạng thiếu máu và thiếu sắt. Trong tôm chứa nhiều sắt, canxi, protein, vitamin A, D và nhiều khoáng chất thiết yếu khác. Vì vậy, mẹ cũng ghi ngay vào sổ tay công thức về cách nấu tôm cho bé ăn dặm sau đây nhé.
Nguyên liệu:
- ½ củ khoai lang
- 3 con tôm
- 1 bát cháo trắng
- Dầu ăn cho bé
- Gia vị
Cách thực hiện:
- Mẹ có thể ninh nước hầm xương, rồi cho gạo vào nấu cháo
- Tôm bỏ vỏ, đường chỉ cùng râu và đầu tôm. Xay nhuyễn tôm rồi ướp với một chút gia vị.
- Khoai lang bỏ vỏ, cắt khoanh rồi đem đi hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn.
- Cho khoai lang, tôm vào cháo rồi khuấy đều
- Nấu thêm khoảng 2 phút
- Nêm nếm gia vị cho phù hợp với bé rồi tắt bếp, cho ít dầu ăn vào là xong.
e. Cách nấu cháo gà
Gà là loại thịt phổng thông và rất lành tính nên ngay từ khi bé mới bắt đầu ăn dặm thì có thể sớm ăn thịt gà. Ăn cháo thịt gà sẽ giúp cung cấp protein, vitamin B6, chất chống ung thư, chất giúp sáng mắt nên rất cần thiết trong thực đơn dinh dưỡng của bé hàng tuần. Mẹ có thể học cách nấu cháo gà cho bé ăn dặm mà chúng tôi chia sẻ ngay sau đây:
Nguyên liệu:
- ½ đùi gà
- 20g gạo
- ½ quả lê
- 30gr hạt sen
- Dầu ăn
- Gia vị
Cách thực hiện
- Lê để nguyên vỏ, rửa sạch rồi cho vào hầm với 250ml nước và gạo
- Cháo chín thì vớt bỏ lê
- Thịt gà rửa sạch, bỏ xương rồi xay nhuyễn, ướp chút gia vị
- Hạt sen hấp chín rồi nghiền nhuyễn
- Cháo chín thì cho thịt gà và hạt sen vào khuấy đều
- Nêm gia vị rồi tắt bếp, thêm một chút dầu ăn nữa là hoàn tất món ăn.
Ngoài gợi ý món cháo gà hạt sen như trên, mẹ cũng nên nấu cháo gà với các loại rau khác để cân bằng dưỡng chất cho bé. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về cách nấu cháo cho bé ăn dặm thì mẹ cũng có thể thay đổi thực đơn linh hoạt và bổ sung thêm phô mai, cá, cua,… là những thực phẩm dinh dưỡng rất cần cho bé.
5. Bảo quản cháo ăn dặm của bé như thế nào?
Khi ăn dặm, thông thường các bé sẽ ăn rất ít và uống thêm sữa. Do đó, mẹ có thể nấu sẵn cháo và chuẩn bị trước các nguyên liệu nấu ăn rồi phân ra thành các phần nhỏ đủ cho từng lần nấu. Sau đó, mẹ có thể trữ các nguyên liệu và cháo ở tủ đông. Mỗi lần nấu thì chỉ việc lấy nguyên liệu ra và nấu cho bé đủ 1 lần ăn là được.
Khi thực hiện cách trên, mẹ sẽ không mất quá nhiều thời gian nấu cháo cho bé mà cũng không sợ thức ăn mất chất. Thay vì nấu một nồi cháo lớn rồi hâm đi hâm lại để cho bé ăn nhiều lần thì cách trên sẽ giúp bảo vệ giá trị dinh dưỡng của các thực phẩm hơn.
Mẹ cũng lưu ý là chỉ nên trữ các thực phẩm để nấu đủ thức ăn của bé trong 1 tuần thôi nhé. Tránh để các thực phẩm trong tủ lạnh lâu ngày cũng có thể gây mất chất.
Healthyblog.net đã chia sẻ cùng mẹ bí quyết về cách nấu cháo ăn dặm cho bé. Mong rằng những thông tin trên sẽ thật sự hữu ích cho bạn trong chặng đường chăm nuôi con nhỏ. Hãy để chúng tôi được đồng hành cùng bạn vì sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé yêu nhé.