Dị tật bẩm sinh nói chung và dị tật sứt môi hở hàm ếch nói riêng ở trẻ em là điều không bố mẹ nào mong muốn sẽ xảy ra với bé yêu của mình. Tuy nhiên các cặp vợ chồng thường chưa có đủ kiến thức hoặc chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe cho thai nhi.
Việc siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi rất quan trọng nhưng đôi khi lại được các mẹ bầu bỏ qua vì tự cảm nhận thấy cơ thể mình vẫn khỏe mạnh bình thường và không có thay đổi gì, chính những sự chủ quan này đã khiến nhiều ông bố bà mẹ phải ân hận khi phát hiện ra những dị tật của thai nhi ở thời gian quá muộn. Vậy dị tật bẩm sinh sứt môi hở hàm ếch phát hiện khi nào và làm sao để phát hiện ra, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.
Siêu âm sàng lọc phát hiện dị tật sớm của thai nhi rất quan trọng và cần thiết.
Thế nào là dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ em?
Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu của các tổ chức y tế cộng đồng cũng như các bác sỹ chuyên khoa thì tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ khá cao, lên đến gần 30%, trong đó dị tật sứt môi hở hàm ếch chiến từ 3 đến 4%, loại dị tật này xuất hiện nhiều ở Việt Nam cũng như những quốc gia ở châu Á. Dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ rất dễ nhận biết bởi nó là phần thiếu khuyết ở môi, ở vòm miệng. Sự khiếm khuyết này xảy ra do sự phát triển không bình thường của mô cơ thể, các cơ và tế bào ở môi, ở vòm miệng nên không tạo được sự liên kết với nhau, tạo ra những khe hở trên môi, hàm.
Sứt môi là dị tật mà ở đó các mô hình thành nên môi không liên kết, kết nối hoàn toàn được với nhau dẫn đến các khe hở ở môi trên của trẻ. Khe hở ở môi trên của trẻ có thể chỉ là một khe hở nhỏ hoặc cũng có thể là kẽ hở rộng, chạy dài từ môi trên đến mũi. Trẻ có thể xuất hiện một khe hở ở một bên miệng hoặc có khi là cả hai miệng hoặc ở chính giữa của miệng (những trường hợp này ít xảy ra hơn).
Hở hàm ếch là dị tật xảy ra do mô cấu thành vòm miệng không liên kết hoàn toàn được với nhau trong thời kỳ mang thai. Trẻ bị hở hàm ếch có thể xuất hiện khe hở ở trước hoặc sau hoặc ở giữa vòm miệng, khe hở ở khoang mũi. Trên thực tế dị tật sứt môi hở hàm ếch thường tồn tại ở 3 dạng khác nhau như trẻ bị hở hàm ếch và không bị sứt môi; trẻ bị sứt môi và không hở hàm ếch; trẻ bị cả sứt môi và hở hàm ếch.
Theo kết quả thống kê cho thấy số trường hợp bé gái bị mắc hở hàm ếch xuất hiện nhiều hơn ở bé trai và ngược lại số trường hợp bé trai mắc dị tật sứt môi nhiều hơn ở bé gái.
Sứt môi hở hàm ếch là việc các mô ở môi và vòm miệng không liên kết hoàn toàn với nhau tạo ra những kẽ hở.
Những dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ hình thành trong quá trình phát triển phần đầu và khuôn mặt của thai nhi, thông thường môi của bé được hình thành vào khoảng thời gian từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 5 của thai kỳ, hàm được hình thành trong khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ. Đây là thời điểm rất sớm của thai kỳ, trong giai đoạn này thai nhi còn rất nhỏ, chưa có sự phát triển rõ rệt gây khó khăn trong sự phát hiện dị tật.
Dị tật này không chỉ gây ra những vấn đề về thẩm mỹ cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến việc ăn, uống, nuốt của trẻ, trẻ dễ mắc các bệnh về tai, mũi như nhiễm trùng tai, dễ bị cảm cúm hay những vấn đề về răng miệng. Vậy đâu là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị tật này ở thai nhi?
Những yếu tố có thể làm thai nhi mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch.
Hầu hết những trường hợp mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch hiện nay đều không xác định được chính xác nguyên nhân của nó là gì, các chuyên gia nghiên cứu chỉ có thể chỉ ra được hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến nguy cơ mắc dị tật này của trẻ là do yếu tố di truyền và những yếu tố khách quan tác động từ bên ngoài đến thai nhi.
Yếu tố di truyền được hiểu là bố hoặc mẹ hoặc những người thân thích ở hai bên gia đình có người mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch, khi nó thai nhi sẽ mang gen di truyền mắc dị tật này. Điều này không có nghĩa là trong gia đình hai bên có người mắc dị tật này thì thai nhi sinh ra đều mắc nhưng tỷ lệ mắc dị tật của những đứa trẻ này sẽ cao hơn bình thường, hoặc trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc sứt môi hở hàm ếch thì khả năng con sinh ra cũng mắc dị tật cũng cao hơn bình thường.
Những yếu tố khách quan ở bên ngoài đôi khi không được mẹ bầu quan tâm như yếu tố từ sự di truyền nhưng trên thực tế có rất nhiều yếu tố đã tác động xấu lên thai nhi và là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Một số tác nhân bên ngoài được kể đến bao gồm mẹ bầu sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ; sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chất có cồn thường xuyên; mẹ bầu tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm, độc hại, với hóa chất, chất phóng xạ; mẹ bầu bị stress nặng, chấn động tâm lý; mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường; …
Mẹ bầu sử dụng rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ con bị sứt môi hở hàm ếch.
Như vậy có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ, với mỗi nguyên nhân đều có những biện pháp nhằm hạn chế và phát hiện dị tật ở thai nhi. Vậy làm thế nào để phát hiện ra những dị tật này và có thể phát hiện vào thời gian nào?
Dị tật sứt môi hở hàm ếch phát hiện khi nào, làm sao để phát hiện?
Dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ hình thành rất sớm trong thai kỳ, trong khoảng thời gian từ tuần thứ 4 thứ 5, khi đó thai nhi còn rất nhỏ nên rất khó có thể phát hiện ra, ngay cả việc siêu âm thai nhi trong thời gian này cũng không quan sát được nhiều hình ảnh của trẻ cũng như những dị tật trẻ đang gặp phải. Việc phát hiện những dị tật của thai nhi nói chung và sứt môi hở hàm ếch nói riêng thường chỉ được thực hiện bằng phương pháp siêu âm.
Thông thường phải đến khoảng thời gian từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ (tuần thứ 21 đến tuần thứ 24) việc siêu âm mới cho ra được những hình ảnh cụ thể hơn của thai nhi, đồng thời khi đó những dị tật của thai nhi mới được phát hiện rõ ràng . Những dị tật bẩm sinh có thể được phát hiện khi siêu âm thai nhi trong khoảng thời gian này như não úng thủy, nứt đốt sống, chân tay khoèo, dị dạng bàng quang… và sứt môi hở hàm ếch.
Nếu mẹ bầu không quá béo, máy siêu âm đủ tốt thì việc siêu âm này có thể phát hiện được hầu hết những dị tật nêu trên.Chính vì vậy siêu âm kiểm tra sức khỏe của thai nhi đúng trong khoảng thời gian này là rất cần thiết, việc phát hiện sớm những dị tật này có thể giúp mẹ bầu có những quyết định đúng đắn tiếp theo vì nếu cần đình chỉ thai nhi thì phải thực hiện trước tuần thứ 28 của thai kỳ.
Siêu âm đúng thời điểm có thể phát hiện những dị tật và bất thường ở thai nhi.
Điều trị trẻ bị sứt môi hở hàm ếch như thế nào?
Với những thai nhi được chẩn đoán mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch trong 3 tháng giữa có thai kỳ, các bác sỹ có thể đưa ra lời khuyên đình chỉ thai trong trường hợp cần thiết khi mà trẻ còn mắc thêm một hoặc một số vấn đề khác trên cơ thể.
Quyết định đình chỉ thai là vô cùng khó khăn và đau xót với gia đình nên bạn cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng bởi nếu đứa trẻ sinh ra mắc nhiều dị tật không chỉ là gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là sự thiệt thòi lớn với chính đứa bé. Còn với những trường hợp đứa trẻ đã ra đời mà mắc dị tật này thì phương pháp phẫu thuật tạo hình là rất cần thiết với trẻ, tùy vào tình hình thể trạng, mức độ dị tật mà các bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên về thời điểm nên tiến hành phẫu thuật với trẻ.
Tuy nhiên việc tiến hành phẫu thuật cho trẻ sớm sẽ giúp trẻ có thời gian để hồi phục và không ảnh hưởng đến hệ hộ hấp cũng như việc sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Bố mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín, đảm bảo chất lượng để được tư vấn và thực hiện phẫu thuật tốt nhất.
Phẫu thuật tạo hình là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay với trẻ bị sứt môi hở hàm ếch.
Các biện pháp hạn chế nguy cơ sứt môi hở hàm ếch ở trẻ.
Với những yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ thì việc đề ra và thực hiện những biện pháp để hạn chế dị tật này là rất cần thiết đối với các mẹ bầu. Với yếu tố di truyền , trong gia đình hai bên vợ chồng hoặc bản thân vợ hoặc chồng đã bị sứt môi hở hàm ếch là điều không thể thay đổi được, do đó điều cần thiết nên làm ở các cặp vợ chồng là khám sức khỏe sinh sản trước khi có ý định mang thai để được tư vấn về khả năng mắc dị tật nếu sinh con của mình.
Với những yếu tố tác nhân từ bên ngoài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi thì mẹ bầu hoàn toàn có thể thay đổi và điều chỉnh được, điều này không những giảm nguy cơ trẻ bị sứt môi hở hàm ếch mà còn giảm nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh khác, đồng thời trẻ sẽ có một sức khỏe tốt khi ra đời.
Theo đó mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, vận động nhẹ nhàng giúp máu lưu thông tốt, mỗi ngày dành khoảng 30 phút tập thể dục bạn sẽ không còn cảm thấy uể oải, mệt mỏi; tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, rượu bia, thuốc lá, mẹ bầu uống trên 4 ly rượu sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc dị tật sứt môi hở hàm ếch ở thai nhi; mẹ bầu cần được nghỉ ngơi thư giãn tuyệt đối, tránh làm việc căng thẳng, stress nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ; hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm độc hại, nơi chứa nhiều mầm bệnh, hóa chất…
Xem thêm:
Dị Tật Hở Hàm Ếch Có Di Truyền, Có Nguy Hiểm Không
Nguồn tham khảo:
- https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-khi-sieu-am-thai-bi-sut-moi-n120102.html
- https://www.webtretho.com/forum/f13/con-sinh-ra-sut-moi-ho-ham-ech-vi-hai-thang-dau-me-khong-dam-lieu-lam-dieu-ma-ba-bau-nao-cung-ngai-2341012/
- https://www.conlatatca. vn/thai-nhi-5-tuan/sieu-am-thai-bi-sut-moi-ho-ham-ech-vao-tuan-thai-thu-may-la-chinh-xac-nhat-64222.html