Nếu chẳng may bị mang thai ngoài tử cung, các chị em thường chọn cách dùng thuốc để ngưng quá trình phát triển từ đó loại bỏ thai nhi. Khi đó, thai ngoài tử cung thoái triển rồi tự tiêu mà mẹ không cần phải làm phẫu thuật nữa. Dưới đây là những điều mẹ cần biết về thai ngoài tử cung tự tiêu.
Thai ngoài tử cung có thể tự tiêu đi được không?
Tình trạng mang thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng sau khi thụ tinh sẽ di chuyển đến làm tổ và phát triển ở vị trí ngoài buồng tử cung như ở buồng trứng (1%), cổ tử cung (0,5%) hoặc ngay trong ổ bụng mẹ. Trong đó, vị trí thai “đi lạc” ra bên ngoài tử cung ở ngay chỗ phần tiếp nối giữa vòi trứng và tử cung được xem là nguy hiểm nhất vì rất khó chẩn đoán sớm.
Nếu không được xử lý kịp thời, túi thai ở ngoài tử cung sẽ lớn lên và vỡ ra, gây mất máu nhiều và nhanh do các mạch máu cùng lúc bị vỡ ra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng có thai sau này ở người mẹ. Chính vì vậy, phẫu thuật là phương pháp điều trị được ưu tiên sử dụng hàng đầu từ nhiều năm nay.
Phẫu thuật lấy thai ngoài tử cung là phương pháp ưu tiên hàng đầu
Trong nhiều năm trước, khi chưa có phẫu thuật nội soi, việc mổ bụng hở (mổ phanh) được coi là cách duy nhất để giải quyết thai ngoài tử cung. Các bác sỹ có thể cắt đi vòi trứng mang túi thai, hoặc chỉ mở vòi trứng để lấy túi thai ra và tiến hành cầm máu. Việc làm trên nhằm mục đích giữ lại vòi trứng để không làm ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này của mẹ.
Tuy nhiên, nếu thai ngoài tử cung được phát hiện sớm thì việc điều trị khá đơn giản, không nhất thiết phải phẫu thuật. Với những trường hợp túi thai chưa vỡ và có đường kính khoảng 3cm trở xuống, chị em có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc Methotrexate để giúp thai nhi tự tiêu đi.
Methotrexate là loại thuốc khi tiêm vào bắp tay hoặc đùi của người mẹ sẽ có công dụng ngăn cản men chuyển hoá acid folic thành một dạng mà tế bào có thể sử dụng được và túi thai sẽ tự tiêu dần đi.
Trong việc điều trị thai ngoài tử cung, các bác sỹ sẽ có 2 cách dùng thuốc: 1 là dùng 1 liều 50mg/m2 (tại Việt Nam thường là 50mg/lần) tiêm vào bắp tay hoặc đùi người mẹ. Sau quá trình theo dõi 4-7 ngày, nếu thấy cần thiết thì có thể lặp lại liều lượng trên, nhưng tối đa không quá 3 liều.
Còn cách thứ hai là tiêm bắp 1mg/kg/ngày, 4 lần liên tiếp và cách nhật cho đến khi túi thai ngoài tử cung thoái triển rồi tự tiêu đi. Tuy nhiên, tình trạng đau có thể còn trong một thời gian nhất định, cũng như khối thai ở vòi trứng, nhìn thấy qua siêu âm, có thể tồn tại khá lâu cho nên chị em phải kiên nhẫn điều trị.
Khi tiến hành xét nghiệm máu, nếu có sự sụt giảm liên tục và đáng kể nồng độ beta HCG (là chất do nhau tiết ra) trong máu của mẹ, chứng tỏ tế bào nhau đã bị thuốc tiêu diệt và loại bỏ dần dần.
Với cách điều trị bằng thuốc như trên, thành công của điều trị thai ngoài tử cung tương đối cao, có thể đạt trên 80%. Đồng thời, tỷ lệ tái phát hiện tượng thai ngoài tử cung trên vòi trứng cũng thấp hơn vì trường hợp này chị em vẫn có thể giữ lại được vòi trứng.
Nguyên tắc điều trị thai ngoài tử cung khiến thai tự tiêu đi
Việc xử lý thai ngoài tử cung cho dù là bằng phẫu thuật hay dùng thuốc cũng đều dựa trên nguyên tắc làm cho bào thai không tiếp tục phát triển được nữa bằng cách mổ lấy thai ra hoặc để thai ngoài tử cung tự sảy.
Trước khi tiến hành chọn lựa phương pháp để khiến thai nhi tự tiêu đi, các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố: kích thước thai nhi lớn hay nhỏ, tình trạng túi thai đã vỡ hay chưa. Đồng thời, cần quan tâm đến yếu tố sức khỏe của người mẹ, thậm chí cả khả năng tài chính cũng như nhân sự tại cơ sở y tế để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Nếu túi thai chưa vỡ: khi túi thai còn nguyên vẹn và có kích thước nhỏ hơn 3cm, tim thai chưa hoạt động thì các mẹ bầu có thể lựa chọn cách dùng thuốc để chấm dứt hoạt động của thai kỳ. Loại thuốc được sử dụng phổ biến đó Methotrexate, thuốc này có thể làm chết các tế bào axit folic và khiến thai ngoài tử cung tự tiêu đi mà không cần mổ lấy thai.
Mặc dù Methotrexate còn có một số tác dụng phụ như viêm da, viêm dạ dày,… nhưng trong trường hợp này, nó chỉ được sử dụng với một liều lượng thấp nên không có gì đáng lo ngại.
Nếu thai ngoài tử cung có kích thước nhỏ, có thể tiêm thuốc để thai tiêu đi
Tiêm thuốc xong, các bác sỹ sẽ theo dõi trong vòng 3 – 4 tuần để kiểm tra, nếu thai nhi chưa hoàn toàn tiêu biến, bắt buộc phải chuyển sang phẫu thuật. Đối với phương pháp điều trị bằng thuốc như trên, người mẹ phải đợi ít nhất sau 2 tháng mới được mang thai tiếp.
- Nếu túi thai chưa vỡ nhưng có kích thước lớn không thể điều trị bằng tiêm thuốc, mẹ bầu sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật để lấy thai ra. Nếu chọn phương pháp nội soi sẽ có ưu điểm là khả năng hồi phục nhanh sau phẫu thuật và ít gây dính bụng cho mẹ bầu. Bởi lẽ, không giống như mổ phanh, các bác sĩ sẽ chỉ mở một số lỗ nhỏ trên thành bụng rồi đưa dụng cụ vào bụng mẹ để lấy thai ra. Đồng thời, sau mổ nội soi, thai ngoài tử cung có dấu hiệu thoái triển và tiêu đi thì vết sẹo cũng không lớn, ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Cho dù dùng phương pháp nào, các bác sỹ cũng ưu tiên bảo tồn vòi trứng để tăng tỷ lệ thụ thai cho mẹ. Khi mổ, bác sĩ sẽ rạch dọc vòi trứng lấy khối thai rồi tiến hành cầm máu và khâu phục hồi đường rạch. Thủ thuật này sẽ gây ra một vết sẹo trên vòi trứng và có thể khiến thai ngoài tử cung làm tổ tại đó, nhưng tỷ lệ có thai vẫn cao hơn là cắt bỏ 1 bên vòi trứng.
- Khi khối thai đã vỡ: Chắc chắn mẹ sẽ phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay để cầm máu, vệ sinh ổ bụng và lấy khối thai ra ngoài. Trong quá trình phẫu thuật, người mẹ sẽ mất một lượng máu rất lớn, các bác sĩ sẽ truyền máu để bù vào lượng máu đã mất, đồng thời buộc phải cắt bỏ bên vòi trứng đã vỡ.
- Trường hợp thai bị huyết tụ thành nang, tức là khi túi thai đã bị vỡ nhưng máu không còn chảy ồ ạt nữa mà rỉ từ từ rồi tụ lại một chỗ cùng với vòi trứng và các cơ quan khác tạo thành một khối u nang lại càng nguy hiểm hơn. Thông thường, người mẹ sẽ thấy đau bụng âm ỉ, đau nhói từng cơn và rong huyết kéo dài, dai dẳng.
Các cơn đau thường đi kèm với các dấu hiệu như: đi tiểu són nhiều lần, muốn đi tiêu và buồn rặn nhưng không có gì để rặn. Khi chẳng may rơi vào tình trạng này, người mẹ cũng cần phải tiến hành mổ ngay để tránh trường hợp khối nang bị vỡ, mạch máu sẽ vỡ theo và các bộ phận trong nang cũng bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.
Sự nhầm lẫn tai hại giữa dấu hiệu thai ngoài tử cung và có kinh
Những dấu hiệu đặc trưng thường gặp của thai ngoài tử cung là mẹ bị ra máu và đau bụng bất thường. Lượng máu cũng không đoán trước được, có thể ra nhiều, hay ít, kéo dài vài ngày và có màu sẫm gần như máu kinh nguyệt. Kèm theo chảy máu là hiện tượng đau bụng âm ỉ như đau bụng kinh.
Chính vì hai biểu hiện này rất giống với dấu hiệu của chu kỳ kinh nguyệt nên nhiều mẹ bầu không phân biệt được và nhầm lẫn dẫn đến chủ quan trước tình trạng thai ngoài tử cung. Nhiều mẹ bầu không để ý nên không đi khám kịp thời, khiến thai nhi bị vỡ ra, gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ bầu.
Cho nên, ngay khi có hiện tượng ra máu bất thường, bất kể là vì nguyên nhân gì, mẹ bầu nên dùng băng vệ sinh để xác định xem máu có màu gì. Đồng thời, cần theo dõi xem cơ thể có các biểu hiện khác không, chẳng hạn như máu có màu nâu đen, đau nhói một bên vùng bụng, chuột rút đi kèm, rong kinh kéo dài,… Khi bị ra máu kèm 1 trong những dấu hiệu trên thì chị em cần tới ngay bệnh viện chuyên khoa sản để thăm khám và xử lý kịp thời vì rất có khả năng đây là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung.
Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?
Hiện tượng có thai ngoài tử cung thường gặp nhất là thai ở vòi trứng. Đặc biệt, nếu thai làm tổ ở vị trí ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung (gọi là thai đoạn kẽ, thai sừng hay thai góc tử cung) được coi là nguy hiểm nhất. Bởi vì thai ở vị trí này rất khó chẩn đoán được sớm. Mặt khác, khi thai vỡ sẽ kéo theo các mạch máu ở gần đó vỡ ồ ạt theo, gây mất máu nhiều và nhanh, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến khả năng có thai sau này của chị em.
Viêm nhiễm đường sinh dục sẽ gây ra hiện tượng mang thai ngoài tử cung
Một số chị em bị viêm nhiễm ở đường sinh dục sẽ gây ra hiện tượng tắc, hẹp vòi trứng và dễ bị mang thai ngoài tử cung. Đặc biệt, ở các chị em đã từng nạo phá thai, các triệu chứng viêm nhiễm sinh dục thường dễ xuất hiện và phát triển âm thầm, gây ra biến chứng này.
Không chỉ có vậy, vòi trứng cũng có thể bị tắc hay hẹp do cấu tạo bẩm sinh hoặc do một can thiệp trước đó trên vòi trứng như mổ lấy thai. Bởi vì những ca phẫu thuật ở vùng bụng cũng có thể khiến chị em bị viêm dính, tắc vòi trứng và làm thay đổi hướng đi của vòi trứng, bị kéo dài, bị gập góc vòi trứng làm giảm khả năng thụ thai sau này.
Làm sao để đề phòng mang thai ngoài tử cung?
Để phòng ngừa tình trạng mang thai ngoài tử cung, chị em phụ nữ nên giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ, nhất là trong kỳ kinh nguyệt, giai đoạn sau sinh và cho con bú. Nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn, ưu tiên sử dụng các biện pháp phòng tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày,…
Bên cạnh đó, chị em cần hạn chế tối đa nạo phá thai để tránh nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa – một trong những nguyên nhân gây thai ngoài tử cung. Ngay khi nghi ngờ có thai hoặc bị đau bụng hay ra máu bất thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ, chị em nên đi khám thai sớm để nhận được sự trợ giúp từ phía các bác sỹ.
Đồng thời, chị em phụ nữ nên duy trì thói quen khám phụ khoa định kỳ và ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm nhiễm đường sinh dục để có biện pháp điều trị thích hợp. Để biết thêm về các biện pháp làm cho thai ngoài tử cung thoái triển rồi tự tiêu, các chị em cần tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ nhé.
Link bài viết tham khảo: songkhoe.com.vn, conlatatca.vn, benhvienvanhanh.com
Xem thêm: Sau Khi Mổ Thai Ngoài Tử Cung Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì ? BS Trả Lời