Updated at: 09-05-2020 - By: admin

Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) là một trong những chỉ số quan trọng giúp cho mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi. Vậy trong trường hợp siêu âm thấy đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai thì đây có phải là dấu hiệu bất ổn hay không? Hãy cùng tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) của thai nhi là gì?

Trong thai kỳ, bên cạnh việc theo dõi sát sao lượng nước ối, mẹ bầu còn phải chú ý đến việc đo đường kính lưỡng đỉnh. Bằng phương pháp siêu âm, các bác sĩ có thể thấy được đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi một cách chính xác nhất. Đó là đường kính mặt cắt ngang theo chu vi hộp sọ của thai nhi. Đường kính này sẽ được tính bắt đầu từ trán ra phía sau gáy của thai nhi, cho nên còn được gọi là chu vi đầu của thai.

Đường kính lưỡng đỉnhĐường kính lưỡng đỉnh chính là chu vi hộp sọ của thai nhi

Trong quá trình siêu âm thai, chỉ số đường kính lưỡng đỉnh (viết tắt là BPD) được các bác sĩ dùng để ước lượng về cân nặng, tính tuổi và qua đó đánh giá sự phát triển của thai nhi một cách tổng quan. Giai đoạn đo BPD chính xác nhất bắt đầu từ tuần thứ 13 – 20 của thai nhi. Nếu trễ hơn sau tuần 20 thì chỉ số này sẽ không còn chính xác nữa bởi vì bắt đầu từ tuần thứ 26 chỉ số đường kính lưỡng đỉnh có thể sai lệch đến 3 tuần.

Thông thường, chỉ số BPD của thai nhi sắp chào đời sẽ ở vào khoảng 88 – 100mm. BPD được coi là trung bình nếu đạt 94mm, cao hơn mức độ này thì được xem là to và thấp hơn mức này sẽ được coi là đường kính lưỡng đỉnh nhỏ.

Bên cạnh tình trạng nước ối, chỉ số BPD của thai nhi cũng góp phần quan trọng vào việc quyết định hình thức sinh con của mẹ bầu. Nếu BPD của con quá to thì bắt buộc phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, đặc biệt là ở những chị em mang thai lần đầu. Chính vì vậy, để không bỏ lỡ cột mốc kiểm tra chỉ số BPD quan trọng này, chị em nên đi khám thai định kỳ, thường xuyên theo đúng lịch của bác sĩ.

Những nguyên nhân gây ra tình trạng đường kính lưỡng đỉnh nhỏ

Như đã nói ở trên, đường kính lưỡng đỉnh (hay còn gọi là chu vi đầu) chính là một yếu tố quan trọng tiết lộ tình trạng phát triển của thai nhi. Hiện tượng đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai là một trong những dấu hiệu báo cho mẹ biết được quá trình phát triển của thai nhi đang gặp sự cố, thậm chí có thể bị dị tật.

Chỉ số BPD thì có thể do các nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Thai nhi bị chậm phát triển: Khi sự tăng trưởng về thể chất và sự phát triển của não bộ thai nhi đều kém hơn bình thường tức là bé đang bị chậm phát triển. Não bộ không được phát triển đầy đủ sẽ gây ra tình trạng đường kính lưỡng đỉnh nhỏ. Tình trạng này khiến cho bé rất dễ gặp phải các di chứng thần kinh, trí não kém phát triển, khi ra đời thể chất không bắt kịp đà tăng trưởng. Đồng thời sức đề kháng của trẻ kém hơn những trẻ khác, do đó rất dễ mắc bệnh lý về huyết áp.
  • Bé bị mắc hội chứng đầu phẳng: Trong thai kỳ, nếu mẹ bị thiếu nước ối và chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ khiến trẻ sinh ra bị hội chứng đầu phẳng hay kém phát triển. Hội chứng này sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của hộp sọ khiến thai nhi có đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn chuẩn. Do đó, em bé có thể bị tật vẹo đổ cổ khi bé chào đời, cổ bé sẽ giống như bị xoắn lại, đầu bị vẹo về bên này còn cằm lại bị nghiêng về bên kia.
  • Dị tật đầu nhỏ: Đây là “nỗi ám ảnh” của nhiều mẹ bầu khi thấy chỉ số BPD của con mình nhỏ hơn so với bình thường. Tuy nhiên, nếu đầu nhỏ mà cấu trúc não của thai nhi vẫn bình thường thì mẹ không nên lo lắng nhiều, bé sẽ vẫn phát triển khỏe mạnh. Trường hợp thai nhi bị tật đầu nhỏ do nguyên nhân di truyền hay ảnh hưởng từ môi trường ô nhiễm hoặc những bất thường về cấu trúc não,… thường sẽ bị chậm phát triển cả trí tuệ và giác quan.

Đường kính lưỡng đỉnhHình ảnh siêu âm thai nhi bị đường kính lưỡng đỉnh nhỏ

Thai nhi có đường kính lưỡng đỉnh nhỏ có sao không?

Việc siêu âm đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi sẽ cho mẹ biết được tình trạng sức khỏe của con. Đồng thời, nhờ vào chỉ số BPD mà bác sĩ cũng sẽ tính được tuổi thai, cân nặng thai nhi chính xác hơn.

Trong trường hợp thai nhi bị chẩn đoán là đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai thì có thể mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định siêu âm lại một lần nữa hoặc làm một số xét nghiệm bổ sung để đưa ra kết quả chính xác hơn.

Vậy tại sao đường kính lưỡng đỉnh nhỏ lại gây nguy hiểm cho thai nhi? Bởi lẽ, chỉ số BPD quá nhỏ chứng tỏ thai nhi bị chậm phát triển hoặc mắc chứng đầu phẳng dẫn đến việc trẻ không nhanh nhẹn, hoạt bát như những trẻ khác khi chào đời. Vì vậy, trong thai kỳ mẹ bầu cần phải tái khám thường xuyên để nếu gặp phải tình trạng này sẽ được bác sĩ tư vấn, tìm phương pháp điều trị kịp thời.

Ngược lại, đối với trường hợp chỉ số BPD cao hơn mức chuẩn, chứng tỏ thai nhi có vòng đầu lớn hơn các trẻ khác. Việc này sẽ khiến cho quá trình sinh nở của mẹ trở nên khó khăn hơn và thường sẽ được can thiệp bằng phương pháp sinh mổ.

Đường kính lưỡng đỉnhĐường kính lưỡng đỉnh nhỏ có khả năng gây nguy hiểm cho thai nhi

Bên cạnh đó, chỉ số đường kính lưỡng đỉnh lớn đi kèm với tình trạng cân nặng, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng của thai nhi,… đều vượt chuẩn còn là hậu quả của chứng tiểu đường thai kỳ. Bởi lẽ, đa phần các mẹ bầu mắc tiểu đường đều có xu hướng sinh con thừa cân hơn các mẹ bình thường.

Siêu âm đường kính lưỡng đỉnh nhỏ, mẹ phải làm sao?

Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi là một trong những số đo cơ bản giúp các bác sĩ có thể đánh giá được phần nào sự bất thường của hệ thần kinh trung ương và sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp đầu của bé vốn có hình dạng không tròn đều (quá dài hoặc quá bẹt) thì việc đo chu vi vòng đầu sẽ giúp đánh giá chính xác hơn.

Thông thường, khi nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành siêu âm đường kính lưỡng đỉnh nhỏ kết hợp với các xét nghiệm, kiểm tra sâu hơn để biết chính xác. Đồng thời, để chẩn đoán chính xác thai nhi có mắc phải hội chứng đầu nhỏ hay không buộc phải xác định thật chính xác tuổi thai. Mặt khác, các thiết bị, kỹ thuật đo chỉ số BPD phải đảm bảo đúng chuẩn, phù hợp để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.

Nếu chỉ đơn giản là chu vi vòng đầu nhỏ hơn chuẩn cũng không đủ kết luận là thai nhi bị dị tật đầu nhỏ. Cũng có khi, có nhiều khả năng thai bị chậm phát triển từ trong tử cung (hiện tượng này thường hay đi kèm với nhau tiền đạo). Chính vì vậy, mẹ bầu cần khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để tiếp tục theo dõi, đánh giá lại các chỉ số vào 2 tuần sau.

Đồng thời, mẹ nên kết hợp đo chu vi vòng đầu và chu vi vòng bụng, các thông số tưới máu của động mạch rốn vào não giữa để nhận biết chính xác hơn tình trạng sức khỏe của con. Từ đó, mẹ sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp dưới sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa.

Điều quan trọng là cho dù là đo bằng máy móc nhưng đôi khi cũng có những sai số. Vì thế, mẹ bầu cũng không nên lo lắng quá mà cần phải thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để giúp cho thai nhi phát triển bình thường.

Đường kính lưỡng đỉnhKhi thai nhi có đường kính lưỡng đỉnh nhỏ, mẹ bầu không nên lo lắng quá

Mẹ bầu nên ăn gì để cải thiện kích thước đường kính lưỡng đỉnh?

Các mẹ bầu đều biết, sự phát triển của bé cả về thể chất lẫn não bộ đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của mẹ bầu. Chính vì vậy, để cải thiện tình trạng đường kính lưỡng đỉnh nhỏ, mẹ phải có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất để hỗ trợ phát triển trí não cho thai nhi.

Đường kính lưỡng đỉnhMẹ bầu cần ăn uống đa dạng, nhưng cũng nhất thiết phải có đủ các chất sau:

  • Acid folic: có rất nhiều trong các loại sữa và chế phẩm từ sữa (sữa cho bà bầu, bơ, phô mai,…), cam, chanh, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, quả bơ, khoai tây, ngũ cốc khô nguyên hạt,… Đây là loại vitamin nhóm B mẹ bầu nên bổ sung nhiều bởi chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất tế bào mới.

Đồng thời, acid folic có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của hệ thần kinh thai nhi. Bởi vậy mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ acid folic trong 12 tuần đầu của thai kỳ để đảm bảo cho thai nhi phát triển tốt.

  •  Cholin: Mẹ bầu cần bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình các món ăn từ thịt gia cầm, cá hồi, trứng, gan, bông cải xanh (xúp lơ) hay chocolate. Đây là dưỡng chất giúp thai nhi có thể duy trì chức năng của các tế bào não, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh, giúp trẻ phát triển trí não, có khả năng ghi nhớ tốt.
  •  DHA: Có nhiều trong các loại hạt (đậu phộng, hạnh nhân, điều) và các loại cá (cá mòi, cá hồi) sẽ giúp thai nhi phát triển thị giác, các tế bào thần kinh, từ đó tăng cường trí não, phòng tránh được các dị tật về não.

Có thể thấy, việc đo đường kính lưỡng đỉnh sẽ giúp mẹ bầu có thể phát hiện những bất thường về trí não của thai nhi. Khi đã siêu âm và được chẩn đoán chỉ số đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hoặc lớn hơn mức chuẩn, mẹ bầu nên yêu cầu bác sĩ tiến hành các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra kỹ hơn tình trạng của con và có những biện pháp can thiệp kịp thời. Điều quan trọng nhất, mẹ bầu không nên quá lo lắng, mà hãy thường xuyên thăm khám, duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý để cải thiện tình trạng này.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.conlatatca.vn/thai-nhi-13-tuan/duong-kinh-luong-dinh-nho-hon-so-voi-tuoi-thai-co-phai-dau-hieu-bat-on-hay-khong-63760.html
  • https://www.marrybaby.vn/40-tuan-thai/bao-thai-duong-kinh-luong-dinh-nho-va-nhung-dieu-me-can-quan-tam
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5113683/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24802187

 

5/5 - (1 vote)