Dư ối là tình trạng nước ối nhiều hơn định mức, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Nhiều mẹ bầu băn khoăn dư ối có nên uống nhiều nước không? Sự thật như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Hiểu đúng về hiện tượng dư nước ối trong thai kỳ
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, nước ối là dung dịch bao quanh thai nhi gồm có nước tiểu, dịch tiết từ phổi thai nhi và hệ thống tuần hoàn của mẹ được khuếch tán qua dây rốn ra túi ối. Nước ối có vai trò quan trọng giúp tái tạo năng lượng, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Đồng thời, nước ối cũng giúp em bé tránh được sự chèn ép quá mức do sự co bóp của cơ tử cung, bảo vệ thai nhi tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài.
Trong những tuần đầu tiên, nước ối có chức năng di chuyển chất lỏng từ máu vào trong túi ối. Đến tháng thứ 3 của thai kỳ, bé bắt đầu nuốt nước ối và bài tiết nước tiểu ra túi ối. Chính vì vậy ở giai đoạn này, nước ối có thành phần chính là nước tiểu của bé.
Nước ối có thành phần chính là nước tiểu của thai nhi
Thông thường, lượng nước ối sẽ được các bác sĩ chẩn đoán thông qua hình ảnh siêu âm thai. Phần lớn, cơ thể của mẹ và thai nhi sẽ tự tiến hành điều tiết lượng nước ối cho cân bằng. Nếu quá trình điều tiết gặp phải sự cố sẽ xảy ra tình trạng quá ít (thiểu ối) hay quá nhiều nước ối (đa ối).
Lượng nước ối được xem là bình thường khi đạt 250 – 600 ml tại thời điểm thai từ 16 – 32 tuần tuổi. Khi tuổi thai tăng lên thì lượng nước ối cũng tăng dần và đến khoảng tuần thứ 34 thì lượng nước ối vào khoảng 800ml và tiếp tục duy trì như vậy cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ đạt mức cao nhất khoảng 1150ml. Những tuần sau đó cho đến khi chuyển dạ, lượng nước ối lại giảm dần xuống còn khoảng 600 – 800ml để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình sinh nở của mẹ.
Những dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết mình có bị dư ối không
Trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể rơi vào tình trạng dư ối khi cơ thể xảy ra một số bất thường khiến cho mực nước ối sinh ra nhiều hơn mức bình thường. Tình trạng dư ối gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vậy làm sao có thể nhận biết sớm tình trạng dư ối để kịp thời xử lý? Mẹ bầu có thể để ý các dấu hiệu như bụng bỗng nhiên to hơn so với tuổi thai, khi đi khám khó nghe được nhịp tim thai. Đồng thời, nếu số đo vòng bụng của mẹ bầu (vị trí qua rốn) lớn hơn 100cm, bụng căng bóng, mẹ luôn cảm thấy đau bụng, khó thở, ăn ít nhưng vẫn bị khó tiêu, việc hô hấp cũng trở nên khó khăn hơn thì chắc chắn mẹ đã bị dư ối.
Thông thường, các mẹ bầu sẽ bị dư ối khi thai nhi bước vào tuần thứ 30, tuy nhiên cũng có một số ít mẹ bầu bị dư ối ở trong tuần thứ 20 của thai kỳ. Khi dư ối, tĩnh mạch mẹ bầu bị giãn căng ra có thể dẫn đến bệnh trĩ. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu bị dư ối quá nhiều, cần đi gặp bác sĩ để được theo dõi cẩn thận.
Quá nhiều nước ối sẽ khiến cho mẹ và thai nhi gặp nguy hiểm. Bởi lẽ, tình trạng dư ối có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị vỡ màng ối sớm, dẫn đến việc sinh non. Trẻ sinh non sẽ bị mắc nhiều bệnh hơn những trẻ khác, trong đó sự rối loạn tăng trưởng và những dị tật xương sẽ xảy ra phổ biến ở bé. Mặt khác, đây cũng là một trong những lý do chính khiến thai bị chết lưu và mẹ bị xuất huyết sau sinh.
Làm thế nào để khắc phục dư nước ối cho mẹ bầu?
Nhiều mẹ bầu đã gặp những biến chứng nguy hiểm do đa ối gây ra như: túi ối bị căng quá sẽ làm cho nhau bong thai, bị vỡ ối sớm, sinh non, ngôi thai bị ngược bất thường có thể dẫn đến sinh mổ. Ngoài ra, quá nhiều nước ối ở mẹ bầu cũng gây nên tình trạng “đờ” tử cung dẫn đến nguy cơ bị xuất huyết ồ ạt, băng huyết sau khi sinh.
Trong thực tế, nhiều mẹ bầu khi được các bác sĩ chẩn đoán là bị dư nước ối thường tỏ ra hoang mang, lo lắng và cố gắng tìm mọi cách để chữa trị. Do đó, mẹ cũng không ngại áp dụng những “bí kíp” dân gian như không uống nước, uống ít nước, dùng các loại thảo dược lợi tiểu để giảm nước ối,…
Bởi lẽ, theo suy luận thuận tự nhiên thì nếu bị dư nước ối mà uống nhiều nước sẽ càng dư hơn. Ngược lại, nếu uống ít nước hoặc không uống nước thì ối sẽ giảm và không còn bị dư nữa. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Chỉ khi mẹ bầu bị dư ối quá nhiều dẫn đến đa ối (mức AFI từ 25cm trở lên) thì khi đó thai nhi mới gặp nguy hiểm.
Để xử lý hiệu quả tình trạng dư ối ở mẹ bầu, các bác sĩ cần căn cứ vào những nguyên nhân gây dư ối, tuổi thai và tình trạng sức khỏe của 2 mẹ con, từ đó sẽ chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp, an toàn. Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân và diễn biến của hiện tượng dư ối không quá nghiêm trọng thì mẹ bầu cũng không nên lo lắng nhiều.
Tốt nhất, chị em nên dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn để cơ thể sớm lấy lại cân bằng. Nếu nguyên nhân gây dư ối là do lượng đường trong máu quá cao (mẹ bị tiểu đường) thì mẹ bầu cần khắc phục bằng cách cắt giảm đi lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày.
Mẹ bầu cần dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn
Đồng thời, chị em cần đi khám định kỳ để được theo dõi và kiểm tra tình trạng bệnh một cách thường xuyên. Nếu vấn đề bất thường có nguồn gốc từ thai nhi thì mẹ bầu cần được theo dõi và can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Đối với những mẹ bầu có tình trạng dư ối nhẹ thì có thể được xử lý bằng cách sử dụng các loại thuốc lợi tiểu để rút bớt nước ối. Còn những mẹ bầu bị dư ối nhưng đã gần đến ngày dự sinh, các bác sĩ sẽ đề nghị thai phụ nhập viện theo dõi trước kỳ hạn và cân nhắc việc kích thích chuyển dạ sớm hoặc chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả 2 mẹ con.
Dư ối có nên uống nhiều nước hay không?
Nước ối là lớp chất lỏng bao quanh thai nhi, vốn được chuyển từ hệ tuần hoàn của mẹ và thai nhi vào trong túi ối. Nếu mẹ bầu bị dư ối, việc ăn uống quá nhiều chất lỏng sẽ khiến cho tình trạng dư nước ối càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, mẹ không nên uống quá nhiều nước, nhất là khi đã được chẩn đoán là dư ối. Đồng thời, mẹ cũng nên hạn chế ăn các món được chế biến ở dạng súp hay các loại trái cây nhiều nước như cam, bưởi…
Khi bị dư ối, mẹ bầu không nên uống quá nhiều nước
Tuy nhiên, mẹ cũng không nên kiêng khem quá nhiều vì thiếu nước ối sẽ nghiêm trọng hơn dư ối. Mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho môi trường sống của thai nhi. Điều này có nghĩa rằng, dư ối không nên uống nhiều nước nhưng vẫn phải duy trì một lượng nhất định nhằm đảm bảo lượng nước ối cần thiết cho bé và đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Mẹ bầu bị dư ối có nên uống nước râu ngô không?
Nhiều mẹ bầu thường truyền tai nhau về việc dư ối uống nước râu ngô sẽ khắc phục được tình trạng nước ối dư thừa. Việc này hoàn toàn có cơ sở khoa học vì các chuyên gia cũng cho rằng râu ngô có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, vị ngọt, có thể giúp mẹ bầu giảm lượng nước ối dư thừa.
Tuy nhiên, mẹ bầu không nên lạm dụng điều này mà uống quá nhiều nước râu ngô sẽ không tốt cho thai nhi. Bởi lẽ nước râu ngô sẽ các mẹ sẽ đi tiểu liên tục, do đó nước ối sẽ bị giảm đi nhanh chóng. Thực tế, chỉ cần sử dụng khoảng 1 – 2 ly nước râu ngô mỗi ngày là đã đủ để rút bớt lượng ối không cần thiết rồi.
Ngoài công dụng giảm ối, nước râu ngô còn đem lại rất nhiều tác dụng khác cho mẹ bầu. Đặc biệt, râu ngô còn là bài thuốc giúp giảm viêm đường tiết niệu, từ đó có thể loại bỏ những vi khuẩn ra khỏi đường niệu đạo ở bà bầu rất tốt. Để cho dễ uống hơn, mẹ bầu có thể cho vài khúc mía vào nấu chung với râu ngô để có vị ngọt tự nhiên, thanh mát.
Bên cạnh đó, râu ngô còn chứa rất nhiều vitamin nhóm B và chất xơ có tác dụng hạn chế chảy máu, tiểu tiện ra máu, giúp mẹ bầu phòng tránh được các bệnh chảy máu cam và chảy máu chân răng. Bằng cách uống một ly nước râu ngô mỗi ngày, mẹ bầu có thể hạn chế được những hiện tượng chảy máu thay cho các loại thuốc kháng sinh có hại cho thai nhi rồi.
Những điều cần lưu ý để phòng tránh tình trạng dư nước ối
Mẹ bầu cần đảm bảo uống 1,5 lít nước hằng ngày nhưng lưu ý không nhiều hơn 2 lít. Lượng nước theo thời tiết mà điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn mùa đông uống ít nước hơn mùa hè. Mẹ bầu cũng cần chú ý chế độ ăn uống khoa học, giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với các mẹ bầu bị dư ối thì nên ưu tiên các loại hoa quả giàu chất xơ như táo, đu đủ, chuối,… hạn chế những hoa quả mọng nước.
Mẹ bầu bị dư ối thì nên ưu tiên các loại hoa quả giàu chất xơ
Nhiều chị em bầu bí chắc hẳn sẽ băn khoăn không biết dư ối có nên uống nước dừa không? Câu trả lời là không nhé. Bởi lẽ, nước dừa có tác dụng tăng ối trong trường hợp thiểu ối, còn các mẹ bầu bị dư ối thì không nên sử dụng vì có thể làm tình trạng dư ối nghiêm trọng thêm đấy.
Với các chị em bị “nghiện” đồ muối chua hoặc các loại gia vị, mắm muối cũng nên hạn chế ăn nhiều các loại thức ăn này. Bởi lẽ, muối có khả năng giữ nước trong cơ thể, nếu mẹ bầu ăn mặn thì rất có khả năng dư ối sẽ chuyển thành đa ối.
Đến đây, chắc hẳn các mẹ bầu đã tìm được đáp án cho câu hỏi dư ối có nên uống nhiều nước hay không. Thực ra, tình trạng dư ối chưa phải là quá nghiêm trọng, mẹ bầu vẫn có thể tự điều chỉnh được thông qua chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Xem thêm:
Bầu Dư Ối Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Nguồn tham khảo:
- https://www.marrybaby.vn/suc-khoe-dinh-duong/du-nuoc-oi-co-nen-uong-nhieu-nuoc
- http://voh.com.vn/tam-ly-suc-khoe/the-nao-la-du-oi-trong-thai-ky-cach-khac-phuc-hieu-qua-danh-cho-me-293217.html
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/323232.php