Updated at: 07-05-2020 - By: admin

Đôi mắt rất quan trọng với cuộc sống của mỗi người, thường được gọi là “cửa sổ tâm hồn” nhất là đối với trẻ em. Nhưng nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc tốt, đôi mắt của trẻ rất dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều bệnh gây ảnh hưởng cho đôi mắt theo thời gian. Khi bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt, cha mẹ phải làm sao để bảo vệ bé tốt nhất? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ quanh mắt rất đa dạng. Mắt của bé có thể sinh bệnh từ thói quen vệ sinh mắt không sạch sẽ khi cha mẹ vô tình dùng nước bẩn, khăn bẩn để lau mặt cho bé. Tác nhân gây bệnh về mắt cho bé thường gặp là các vi khuẩn như: liên cầu, tụ cầu, nấm, ký sinh trùng (thường là Demodex). Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của các yếu tố khác cũng khiến bệnh phát triển nhanh như: gió, ánh sáng, khói bụi, hóa chất, …

Bên cạnh đó, sự thay đổi đột ngột từ môi trường an toàn, vô trùng trong bụng mẹ ra bên ngoài cũng khiến trẻ sơ sinh bị dị ứng, nổi mẩn đỏ quanh mắt. Thực ra, khi bị kích ứng da, trẻ sơ sinh không chỉ bị nổi mẩn đỏ trên mặt, mắt hay cổ mà còn nổi rải rác ở khắp toàn thân từ chân, tay, bụng cho đến lưng.

Mặc dù vậy, nhưng bố mẹ cũng đừng quá lo lắng, vì tình trạng nổi mẩn này rất dễ gặp ở hầu hết các em bé sơ sinh, nhất là khi thời tiết vào mùa nóng nực. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây mẩn đỏ ở mắt của trẻ mà mẹ cần nắm để biết cách phòng ngừa cho đúng.

Bé bị mẩn đỏ quanh mắt do mụn sữa: Mụn sữa là tình trạng rất dễ gặp ở các em bé mới sinh trong khoảng 3 tuần đầu. Mụn sữa có thể xuất hiện thành những đốm nhỏ li ti ở mặt, cổ, tay chân và lưng của trẻ. Hiện tượng trên sẽ tự biến mất trong khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng mà bố mẹ không cần can thiệp gì cả. Lý do chính của hiện tượng này là do sự thay đổi môi trường sống từ trong bụng mẹ ra bên ngoài nên bé chưa thích ứng kịp và các tuyến bã nhờn trên da bé đang học cách bài tiết.

Khi có tình trạng trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ quanh mắt do mụn sữa, mẹ cần lau người cho bé bằng nước muối ấm cho sạch sẽ. Thường xuyên thay quần áo thoáng mát cho bé và tuyệt đối không ủ bé quá nóng khiến da bé bị chảy mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu sau 3 tháng mà mụn sữa của bé không mất đi hoặc mụn mọc to hơn và có mủ, các mẹ cần mang bé đi khám để xem có phải bé bị bệnh viêm da không nhé.

Trẻ nổi mụn đỏ quanh mắtLàn da của bé sơ sinh rất mỏng manh, dễ bị kích ứng và nổi mẩn

Trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh mắt do rôm sảy: Thời tiết nước ta ở vùng nhiệt đới nóng ẩm rất dễ khiến da trẻ sơ sinh nổi rôm sảy ở mặt, đầu và lưng khiến bé ngứa ngáy khó chịu. Khi bé bị rôm sảy, mẩn đỏ quanh mắt, các mẹ nên thường xuyên lau người cho bé, không quấn khăn hoặc mặc quần áo quá chật. Đặc biệt, phòng ngủ của bé cần thông thoáng, có thể bật quạt nhẹ để không khí lưu thông. Nếu cho bé bú, các mẹ không nên ăn các loại thức ăn gây nóng như: mít, nhãn, sầu riêng, vải,… mà nên uống nhiều nước và ăn rau xanh cho hạ nhiệt.

Phát ban cũng khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh mắt: Khi bị phát ban do thời tiết nóng nực hoặc do dị ứng, làn da của trẻ sơ sinh thường có những vết đỏ như muỗi đốt kèm đầu mủ li ti trắng hoặc vàng trên da mặt trông rất mất thẩm mỹ. Các vết ban này thông thường sẽ tự biến mất sau vài ngày, cho nên các mẹ cần tránh cọ xát vùng da này và đặc biệt không được nặn mụn để cho da bé không bị tổn thương.

Trẻ nổi mụn đỏ quanh mắtPhát ban cũng khiến bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt

Bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt do hăm da: Nhiều bé có da dị ứng rất dễ bị hăm do thời tiết nóng và mặc quần áo chật và bí. Không chỉ nổi mẩn đỏ quanh mắt, nhiều bé còn bị hăm ở cổ, vành tai, cổ tay, chân, nách, bẹn,… Mẩn đỏ do hăm thường tập trung thành mảng xung quanh những vùng da mỏng và căng bóng. Nếu cha mẹ không biết cách vệ sinh sạch sẽ, vùng da này dễ bị trầy và tạo mủ khiến bé ngứa, đau rát và quấy khóc.

Khi bé bị hăm da, mẩn đỏ, mẹ nên chú ý vệ sinh vùng da này sạch sẽ. Dùng kem chống hăm để bôi cho bé, lưu ý hạn chế cọ sát vùng da bị hăm, chú ý mặc những bộ quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi cho trẻ. Nếu tình hình không tiến triển mà lên mủ và đỏ hơn, mẹ cần cho bé đi khám để được bác sỹ kê đơn các loại kem bôi và sữa tắm đặc trị.

Lác sữa (còn gọi là chàm sữa) gây mẩn đỏ quanh mắt chỉ thường xuyên xuất hiện ở các bé có cơ địa dị ứng. Đây là căn bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở các bé từ 2 tháng đến 2 năm tuổi. Khi bị chàm sữa, da bé sẽ bị khô, bong tróc và nứt gây đau rát.

Với những bé có cơ địa dị ứng như vầy, nếu có cho con bú thì mẹ nên tránh ăn những thực phẩm dễ gây ngứa như hải sản, bơ đậu phộng, một số loại hạt,… Khi tắm cho bé, mẹ nên dùng xà bông có độ tẩy rửa dịu nhẹ, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để lau da cho bé. Trong một số trường hợp, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để có thuốc bôi chống khô da, nứt nẻ phù hợp.

Bé bị mẩn đỏ quanh mắt do dị ứng: Khi thời tiết chuyển mùa hoặc khi các bé vô tình tiếp xúc với các tác nhân khác như phấn hoa, khói thuốc cũng khiến da bé ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ quanh mắt. Cá biệt có một số em bé còn dị ứng với đạm có trong sữa bò. Dấu hiệu dễ thấy là bé bị nổi mẩn đỏ ở quanh mắt sau đó lan ra khắp mặt.

Khi bé bị nổi mẩn do dị ứng thường không có thuốc điều trị mà chỉ có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Bên cạnh đó, khi trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ trên mặt do dị ứng, mẹ nên tránh để bé chà xát hoặc cào xước lên vết ngứa khiến cho tình trạng dị ứng càng thêm trầm trọng. Đồng thời, cần cho bé bổ sung vitamin cần thiết qua các thực phẩm ăn dặm của bé hoặc qua chế độ ăn uống của mẹ để tăng sức đề kháng cho bé.

Trẻ nổi mụn đỏ quanh mắtKhông nên để bé cào xước khiến cho tình trạng dị ứng càng thêm trầm trọng

Triệu chứng trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ quanh mắt

Các biểu hiện thường thấy khi trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh mắt là viêm đỏ bờ mi khiến trẻ luôn có cảm giác ngứa kèm theo cộm như có bụi trong mắt. Do đó, trẻ thường phải chớp mắt liên tục và có chất màu trắng ở 2 góc trong và ngoài mắt rỉ ra.

Đối với trường hợp bé bị viêm bờ mi có vảy, bé sẽ cảm thấy ngứa nhiều và thường xuyên phải day dụi chà xát nhiều lần lên mi mắt, nhất là sau khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, ánh sáng, lông chó mèo,…

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng loét đỏ mi mắt kéo dài, dai dẳng và ngày càng trầm trọng khiến cho các bé cảm thấy ngứa mắt rất nhiều. Thậm chí có bé day dụi mắt nhiều làm trầy cả da khiến mi mắt sưng đỏ và có nguy cơ nhiễm trùng. Khi tiếp xúc với nắng, gió, ánh sáng mạnh, bé sẽ có phản xạ là nhắm mắt lại, chảy nước mắt.

Bên cạnh các dấu hiệu trên thì chắp và lẹo là hai thể cũng thường gặp khi mắt bé bị nổi mẩn đỏ. Trong đó, chắp là một dạng khối khối u lành tính nằm ngay trên mi, khiến mi mắt bị sưng phồng lên. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, chắp sẽ trở thành nang hóa, gây cộm và khó chịu cho mắt. Khi đó, bắt buộc các bác sỹ sẽ phải chích tháo mủ, hóa mủ và áp-xe hóa khiến cho mi mắt tự vỡ mủ hoặc rò mủ ra ngoài da và tự khỏi.

Còn tình trạng lẹo mắt là hiện tượng viêm cấp của tuyến bã quanh chân lông mi (tuyến Zeiss) và tuyến lệ phụ ở chân các lông mi hướng ra phía bờ mi (tuyến Moll). Biểu hiện lúc đầu của lẹo chỉ là phù mi mắt, sau đó sẽ xuất hiện một ổ sưng, đỏ và rất đau khi chạm tay vào. Sau vài ngày, bé luôn bị nhức buốt kèm theo sự hoá mủ vàng tại chân lông mi khiến cho bé không mở được mắt, bỏ ăn, quấy khóc.

Trẻ nổi mụn đỏ quanh mắtNổi mẩn quanh mắt khiến trẻ bị đau nhức mắt, bỏ ăn, quấy khóc

Cách điều trị và phòng tránh nổi mẩn đỏ quanh mắt ở trẻ sơ sinh

Vùng da quanh mắt là một trong những vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể của bé và khi có các tác nhân gây dị ứng, mẩn đỏ có thể xuất hiện ở đó trước những nơi khác. Bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt có thể do dị ứng, do chà xát mạnh khiến da bị tổn thương hoặc do kích thích từ bên ngoài như khói bụi, lông súc vật,…

Giải pháp tự chăm sóc tại nhà cho bé là cách điều trị duy nhất và cần thiết cho hầu hết các trường hợp bé bị nổi mẩn đỏ ở quanh mắt. Khi đó, bố mẹ chủ yếu chăm sóc vệ sinh cá nhân cho bé, rửa tay sạch, thay quần áo thoáng mát cho bé.

Khi vệ sinh vùng mắt cho bé, cha mẹ cần dùng khăn lau lại một lần, massage nhiều lần trong ngày lên bờ mi cho bé, lưu ý có dùng găng tay và gạc chườm nóng, sau đó nhỏ thuốc nhỏ mắt thông thường. Nếu sau vài ngày, bệnh vẫn chưa khỏi, cha mẹ cần đưa ngay bé đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế để có chỉ định dùng kháng sinh hợp lý hay dẫn lưu tuyến Meibomius từ phía các bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ ở quanh mắt và căn bệnh viêm bờ mi mắt, trước hết bố mẹ cần tạo một thói quen luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho mắt.  Bố mẹ lưu ý, khi vệ sinh mắt cho bé chỉ cần dùng nước sạch, khăn sạch để rửa. Khi đưa bé đi ngoài đường cần đeo kính để bảo vệ mắt, tránh các yếu tố kích thích như: gió, bụi, ánh sáng, dị vật khiến mắt bị cộm và sưng đỏ.

Bên cạnh đó, các mẹ còn cần tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, khăn tay, khăn tắm với trẻ, nhất là khi bé đang bị các bệnh về mắt.

Điều quan trọng là khi bé bị nổi mẩn đỏ quanh mắt, bố mẹ tuyệt đối không lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hay tiêm từ các chế phẩm của kháng sinh khi chưa có chỉ định và đơn thuốc của bác sĩ. Bởi vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ các phản ứng phụ có hại, khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, dai dẳng hơn, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Xem thêm:

Trẻ Bị Nổi Mẩn Đỏ Xung Quanh Miệng Nên Xử Lý Thế Nào, BS Khuyên

Nguồn tham khảo: huggies.com.vn, marrybaby.vn, conlatatca.vn

 

5/5 - (1 vote)