Hầu hết chị em phụ nữ khi mang thai đều phải trải qua giai đoạn ốm nghén nhẹ hoặc nặng. Nhưng đặc biệt kỳ lạ hơn, nhiều ông chồng cũng đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, chán ăn như đang bị nghén vậy. Tại sao lại có hiện tượng chồng ốm nghén thay vợ, làm sao để khắc phục?
Vì sao có hiện tượng chồng bị ốm nghén thay vợ?
Nhiều anh chồng thấy kì lạ khi vợ mang thai mà mình đột nhiên lại mệt mỏi, buồn ngủ, nhạy cảm với mùi và buồn nôn như bị nghén. Nguyên nhân của việc chồng ốm nghén thay vợ, khoa học lý giải, đầu tiên là do yếu tố tâm lý, người đàn ông khi biết mình sắp được làm bố sẽ có những thay đổi. Đó là cảm giác hạnh phúc, vui mừng xen lẫn với căng thẳng, lo lắng.
Đặc biệt với những người chồng lần đầu được “lên chức” bố, lại phải chứng kiến người vợ của mình đang vật vã bởi ốm nghén sẽ rất dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, do đó cơ thể sinh ra hiện tượng tương tự.
Ốm nghén thay vợ là “cơn ác mộng” của nhiều ông bố tương lai
Bên cạnh đó, một số ông bố tương lai cũng có sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi vợ mang thai. Thông thường là nội tiết tố corticosteroid và hormone prolactin trong cơ thể người chồng sẽ tăng lên, do đó dẫn đến tình trạng như ốm nghén giống vợ mình. Phản ứng lạ lùng này cũng sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn trong quá trình thai nhi lớn lên.
Không chỉ có vậy, khi em bé chuẩn bị ra đời, cả bố lẫn mẹ, đặc biệt là người bố sẽ phải chịu thêm những áp lực trong vấn đề tài chính để nuôi và chăm sóc con. Bởi một lẽ đơn giản, ai cũng muốn dành cho con mình những gì tốt đẹp nhất. Chính vì vậy, đôi khi các ông bố sẽ vì lo lắng quá mà làm việc quá sức, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, suy nhược như đang bị ốm nghén.
Nhiều người chồng vì yêu thương vợ quá cũng dẫn đến hiện tượng ốm nghén thay vợ. Theo hướng tâm lý học giải thích rằng, nhiều người đàn ông hiện đại thường có xu hướng quá “cưng chiều”, lo lắng và quan tâm đến vợ và đứa con sắp chào đời. Điều đó có thể là do hai vợ chồng luôn có sự đồng cảm, yêu thương nhau, mong muốn được cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui, khó khăn. Khi người đàn ông sẵn sàng làm mọi thứ để được san sẻ những gánh nặng, mệt mỏi với vợ thì sẽ có hiện tượng nghén thay vợ.
Hơn nữa, một lý do khiến đàn ông nghén thay vợ còn là vì đắp chung chăn. Nghe có vẻ khó tin, nhưng vợ chồng vốn là một mối quan hệ gắn kết giữa hai con người với nhau. Thông thường cả hai sẽ có những sở thích, biểu hiện tâm lý rất giống nhau hoặc tương tự nhau.
Đối với những cặp vợ chồng có nhiều thời gian va chạm thể xác, quấn quýt bên nhau dễ sinh ra dòng điện sinh vật. Sự tương tác này sẽ khiến cho các ông chồng bị “lây” cảm giác nghén của vợ mình. Với người phụ nữ khi mang thai rất vất vả, gian nan, nếu được người chồng thương yêu, chia sẻ, đồng cảm về mọi mặt thì không còn gì tuyệt vời bằng.
Hiện tượng chồng ốm nghén thay vợ hoàn toàn do yếu tố tâm lý
Chồng ốm nghén thay vợ sẽ có những biểu hiện như thế nào?
Tuy hiện tượng nghén thay vợ không phải là hiếm nhưng mức độ ốm nghén của các ông bố tương lai phải chịu đựng cũng không khủng khiếp như các bà mẹ. Bởi lẽ, trên thực tế chưa có ông chồng nào nghén thay vợ đến nỗi không ăn uống được, cơ thể suy nhược, kiệt sức đến mức phải truyền đạm cả.
Những dấu hiệu nghén thay vợ cũng khá nhẹ nhàng và khó nhận biết như:
- Tâm trạng thất thường: Các ông chồng nghén thay vợ sẽ có tâm trạng thất thường do lượng hormone thay đổi. Khi mang thai, tâm trạng của các mẹ bầu cũng thay đổi rất nhanh, “sớm nắng chiều mưa”, đặc biệt rất hay nổi cáu và các ông chồng cũng có thể giống như vậy. Dù sự thay đổi hormone làm tâm trạng mẹ bầu thay đổi, nhưng nguyên nhân sâu xa ở cả vợ và chồng là do dây thần kinh.
- Thay đổi cảm giác, ham muốn tình dục: Khi mang thai, ham muốn tình dục của chị em phụ nữ thường tăng cao hơn ở trong 1 tuần, đặc biệt là từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6. Cá biệt có một số mẹ bầu lại cảm thấy rất uể oải, khó chịu hoặc “bỗng nhiên tủi thân”, rất muốn được quan tâm, vỗ về.
- Tuy nhiên, nhu cầu tình dục ở đàn ông thì lại rất khó đoán. Một số ông bố cảm thấy phấn khích trước sự thay đổi của vợ, ham muốn tăng cao, nhưng số khác lại cảm thấy giảm ham muốn vì họ cần phải giữ gìn cho vợ và con mình. Một số ông bố còn sợ làm bé bị đau khi làm “chuyện ấy”.
Các ông chồng nên thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ ốm nghén của các bà vợ
- Tăng cân, vòng bụng to lên: Đây là điều hiển nhiên ở phụ nữ mang thai nhưng lại có những ông chồng cũng tăng ký vùn vụt trong khoảng thời gian này. Việc cùng nhau ăn vặt và ăn nhiều hơn có thể là nguyên nhân.
- Tuy nhiên, việc “đức lang quân” của bạn tăng cân nhiều khả năng là do hormone cortisol thường tiết ra khi căng thẳng. Cortisol sẽ điều chỉnh lượng insulin và đường huyết, do đó cơ thể cả 2 vợ chồng sẽ thường xuyên có cảm giác đói. Đồng thời, cortisol tiết ra nhiều cũng khiến cho khẩu vị mẹ bầu bị thay đổi và làm tích mỡ ở vòng bụng.
- Đau nhức toàn thân: Nhiều nghiên cứu cho thấy các ông chồng thường xuyên bị đau đầu, đau răng, đau lưng, chuột rút ở chân,… khi vợ mang bầu. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy đau nhức ở những vị trí trên cơ thể giống như ở vợ mình. Hiện nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phỏng đoán, điều này là do tâm lý “lây lan”.
- Lo lắng, căng thẳng: Cho dù là người đàn ông cứng rắn nhất, các quý ông cũng có nguy cơ phải trải qua những đêm mất ngủ, táo bón, ợ nóng và mệt mỏi khi vợ mang bầu. Tại sao có tình trạng lạ lùng như vậy? Trên thực tế, đa số đàn ông thường có xu hướng lo lắng, chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn cùng người vợ “đầu ấp tay gối” của mình.
- Buồn nôn, buồn ngủ, mệt mỏi: Bị ốm nghén, nôn ói mỗi sáng không phải là triệu chứng chỉ có ở các mẹ bầu. Các ông bố cũng có thể bị buồn nôn, thậm chí nôn thốc nôn tháo dù không mong muốn. Triệu chứng điển hình này xuất hiện là do lượng hóc môn tăng lên trong cơ thể mẹ khi mang thai. Tuy nhiên, đàn ông cũng có thể phải chịu cảnh “nghén ngẩm” này và phải chạy vào nhà vệ sinh để nôn.
Các “đức ông chồng” phải làm gì khi bị ốm nghén thay vợ?
Nếu các ông chồng có “may mắn” chia sẻ được với vợ mình những cảm giác khó chịu khi cô ấy mang thai thì cũng đừng lo lắng quá. Bởi lẽ, lo lắng không giải quyết được điều gì, thậm chí còn làm cho tình trạng ốm nghén thay vợ của các ông chồng trở nên trầm trọng hơn.
Để bản thân cảm thấy đỡ mệt hơn, giảm thiểu cảm giác buồn nôn trong giai đoạn này, các ông chồng nên chú ý hạn chế tiếp xúc với những loại mùi vị khó chịu ví dụ như: mùi dầu ăn, mắm tôm, tỏi, cá,… Nếu chẳng may bị “nghén ngủ” và không muốn bị ngáp quá nhiều trong giờ làm việc, sau mỗi 30 phút làm việc, các ông chồng hãy đứng lên đi lại vài vòng, vươn vai, hít thở thật sâu nhé. Làm như vậy sẽ giúp oxy cung cấp đủ cho não, do đó bạn sẽ hạn chế được phần nào cơn buồn ngủ.
Đối với những ông chồng luôn cảm thấy buồn nôn thì nên tích cực hoạt động thể chất để tinh thần được thoải mái, phấn chấn hơn. Nếu quá lo lắng, căng thẳng và tăng cân, bạn hãy chọn cách chia sẻ những mối lo với vợ mình hoặc bạn bè, gia đình. Chú ý chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế rượu bia, thuốc lá, kiểm soát nồng độ cồn nạp vào để duy trì cân nặng lý tưởng.
Trong trường hợp tính nết của bạn bị thay đổi thất thường thì bạn cũng không nên để tâm nhiều. Bởi những điều này đều rất đỗi bình thường và bạn cần học cách kiềm chế cảm xúc của mình để không nổi nóng bất chợt. Hãy xem như đây là cơ hội để bạn tập kiên nhẫn, làm quen với vai trò mới trước khi bé ra đời.
Những ông chồng bị đau nhức toàn thân khi có vợ mang bầu cần phải thẳng thắn chia sẻ những lo âu, tình trạng công việc và sức khỏe của mình với vợ. Cách này hiệu quả hơn bất kì loại thuốc giảm đau nào.
Nếu đời sống tình dục của bạn bị thay đổi, ngưng trệ, các ông chồng nên cố gắng gần gũi, chia sẻ với vợ để cải thiện vấn đề này. Có rất nhiều cách để bày tỏ tình cảm thân mật với vợ mà không nhất thiết phải đụng chạm gì cả. Hai vợ chồng có thể thức dậy sớm để cùng nhau uống cà phê sáng trước khi đi làm. Hay chỉ đơn giản là nắm tay nhau đi dạo vào buổi tối, hoặc cùng nhau thư giãn, nằm trên ghế xem phim. Đôi khi chỉ cần những hành động, cử chỉ nhỏ nhặt cả ở trong và ngoài phòng ngủ cũng có thể chia sẻ tình yêu và cảm xúc với vợ.
Các ông chồng bị ốm nghén thay vợ hãy bình tĩnh chia sẻ với vợ nhé
Còn đối với những quý ông cảm thấy quá lo lắng mà không thể bộc bạch cho vợ mình biết thì cũng có thể “nhập hội” với các ông bố có hoàn cảnh, triệu chứng tương tự. Biết đâu nhiều người trong số họ có thể sẽ hỗ trợ, đồng cảm với nỗi niềm của bạn. Bằng cách chuẩn bị thấu đáo và kiểm soát được cảm xúc của mình, các ông bố sẽ cảm thấy khá hơn, sẵn sàng tâm lý để cùng vợ đón con yêu chào đời.
Sau khi trải qua một vài lần ốm nghén thay vợ, các “đức lang quân” sẽ phần nào thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của vợ khi mang thai, sinh nở. Cùng thông qua đó, các ông bố sẽ càng thêm yêu quý và trân trọng những hy sinh của vợ hơn. Chúc các ông bố tương lai nhanh chóng lấy lại được sức khỏe để sớm vượt qua khoảng thời gian khó khăn, “khủng hoảng” này.
Xem thêm:
Mệt Mỏi Óm Nghén Khi Mang Thai 3 Tháng Đầu
Nguồn tham khảo:
- https://eva.vn/ba-bau/4-ly-do-ro-rang-nhat-khang-dinh-vi-sao-co-nhung-ong-chong-lai-bi-om-nghen-thay-vo-c85a321096.html
- https://gonhub.com/6-trieu-chung-om-nghen-o-cac-ong-chong-khi-vo-mang-thai-va-cach-khac-phuc.html
- https://www.washingtonpost.com/posteverything/wp/2014/09/26/morning-sickness-isnt-just-for-women-expectant-fathers-really-do-get-pregnancy-symptoms/?noredirect=on&utm_term=.87f765e7c449