Updated at: 09-05-2020 - By: admin

Trong quá trình mang thai, các vấn đề về nước ối luôn là mối quan tâm hàng đầu của mẹ bầu. Trong đó, bên cạnh tình trạng thiếu ối thì dư ối và đa ối cũng đem đến những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe thai nhi. Vậy, tình trạng đa ối và dư ối có khác nhau không? Trong bài viết dưới đây, xin mời các mẹ bầu hãy cùng phân biệt rõ 2 hiện tượng này.

Nước ối từ đâu mà có?

Nước ối là lớp nước bao quanh thai nhi, thực chất là sản phẩm được đào thải từ thận của thai nhi. Chất lỏng này được bé nuốt vào và sau đó lại được thải ra khỏi phổi và dạ dày của em bé trong bụng mẹ theo một chu kỳ liên tục và khép kín.

Sau khi nước ối được em bé nuốt vào vào và qua đường tiêu hóa, nó lại được thận bài tiết ra ngoài túi ối. Trong trường hợp quá trình nuốt vào – thải ra gặp “trục trặc”, lượng nước ối ở mức cao và nếu không tự điều chỉnh được, em bé có thể sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe.

Đa ối và dư ốiNước ối thực chất là sản phẩm được đào thải từ thận của thai nhi

Trong một số trường hợp, nếu quá trình sản sinh nước ối bị rối loạn, em bé sẽ bị chậm phát triển, thậm chí là suy giảm khả năng nuốt hoặc hấp thu chất dinh dưỡng. Trên thực tế, tất cả các hoạt động của ruột non, thực quản, dạ dày, hệ thống thần kinh trung ương,… nếu gặp rối loạn đều có thể dẫn đến tình trạng dư ối hoặc đa ối. Chính vì vậy, những bà mẹ bị đa ối hoặc dư ối cần được theo dõi chặt chẽ các biến chứng để xử lý kịp thời.

  1. Các dấu hiệu và triệu chứng của đa ối ở mẹ bầu

Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu bị tăng cân quá nhanh và quá nhiều thì hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Bởi lẽ, tăng trọng được xem là bình thường của một thai kỳ là vào khoảng từ 9 – 12 kg.

Song song với cân nặng, kích thước vòng bụng của mẹ bầu cũng tăng nhanh, bụng trở nên to hơn và cảm giác khó chịu cũng tăng lên. Hơn nữa, khi mẹ bầu cảm thấy bị sưng chân bất thường, kéo theo tình trạng sưng phù chung của cơ thể cũng là triệu chứng của đa ối.

Khi đó, bụng của mẹ bầu sẽ trở nên căng cứng hơn, khó sờ nắn và mẹ có thể cảm nhận rõ được chân tay của em bé ở bên trong. Đồng thời, chuyển động của thai nhi có xu hướng giảm, mẹ sẽ thấy khó thở, thường xuyên bị ợ nóng, khó tiêu, không ăn được nhiều như bình thường nữa.

Đa ối và dư ốiMẹ bầu bị đa ối thường cảm thấy khó thở, sưng phù chân

Tình trạng đa ối cũng có thể xảy ra trong thai kỳ khi mẹ bầu bị chứng phù thai (Hydrops). Ở trường hợp này, thai nhi sẽ bị thiếu máu nghiêm trọng và có sự tích lũy chất lỏng một cách bất thường, dẫn đến suy tim.

Dư ối và đa ối khác nhau như thế nào?

Trong suốt thai kỳ, nước ối đóng vai trò rất quan trọng như chiếc “tổ” an toàn đối với sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Đây là môi trường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, giúp thai nhi có khả năng tự tái tạo và trao đổi chất với bên ngoài. Bên cạnh đó, nước ối còn giúp bảo vệ thai nhi khỏi những tác động từ bên ngoài khi mẹ vận động, tránh được tình trạng nhiễm trùng và cấp nước giúp dây rốn không bị khô.

Bên cạnh đó, có nhiều mẹ bầu sẽ băn khoăn không biết dư ối và đa ối khác nhau thế nào? Trong điều kiện bình thường, lượng nước ối trong bào thai sẽ dao động trong khoảng 300-800ml. Khi nước ối của mẹ lên cao ở mức 800-1500ml được xem là dư ối. Trong trường hợp lượng nước ối vượt mức 2000ml thì được gọi là đa ối, tình trạng này nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, khi siêu âm, các bác sĩ thường dùng chỉ số nước ối (AFI) để chẩn đoán tình trạng nước ối. Khi chỉ số nước ối (AFI) vượt trên 25cm thì mẹ bầu được xác định là đa ối, còn chỉ số AFI từ 15-25cm được gọi là dư ối. Tùy vào tình trạng sức khỏe và tuổi thai, mẹ bầu sẽ được chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị dư ối và đa ối

Một nguyên nhân khiến mẹ bầu bị dư ối cũng tương tự với nguyên nhân đa ối, đó là khi mẹ bầu bị tiểu đường. Khi đó, thai nhi gặp vấn đề bất thường về chức năng sản sinh nước ối, bé sẽ không thể nuốt nước ối vào và cũng không tự điều chỉnh lượng nước ối quanh mình được.

Trong một số trường hợp thai nhi bị mắc một số bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Edwward hay bệnh Down cũng khiến mẹ bầu rơi vào tình trạng dư ối. Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu bị nhiễm một số vi trùng như Parvovirus hoặc Toxoplasmosis thì dư ối cũng là điều khó tránh khỏi.

Nguyên nhân khiến mẹ gặp tình trạng đa ối đó là khi mẹ bầu mang đa thai. Trong trường hợp song thai hoặc đa thai, một bào thai có quá nhiều nước ối và bào thai còn lại thì có quá ít nước ối cũng gây ra tình trạng đa ối.

Đa ối và dư ốiMẹ bầu mang đa thai có thể gây nên tình trạng đa ối

Bên cạnh đó, nếu thai nhi bị mắc phải các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hẹp môn vị, não úng thủy,… thì chắc chắn sẽ khiến mẹ bị đa ối cấp. Cũng có trường hợp thai nhi xảy ra vấn đề khác khiến con ngừng nuốt nước ối trong khi thận vẫn tiếp tục bài tiết nước tiểu.

Có một mối quan hệ giữa mức nước ối cao và biến dị di truyền, như hội chứng Down. Quá nhiều nước ối có thể là một dấu hiệu của một số bệnh thiếu máu ở bé hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.

Mẹ bầu bị dư ối hoặc đa ối có nguy hiểm không?

Đến đây, chắc hẳn mẹ bầu đã nắm được tình trạng đa ối và dư ối có khác nhau không. Trên thực tế, đa ối và dư ối đều là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng khối lượng nước ối trong bụng mẹ đang bị tăng lên một cách bất thường, vượt quá ngưỡng chuẩn của thai kỳ. Hai hiện tượng này có thể do nguyên nhân từ phía người mẹ nhưng cũng có thể là do thai nhi đang gặp phải một vấn đề nào đó.

Hầu hết các trường hợp dư ối sau một thời gian điều chỉnh thì chỉ số nước ối (AFI) sẽ trở về bình thường. Rất ít trường hợp dư ối diễn biến thành đa ối nên mẹ bầu chớ lo lắng quá. Điều quan trọng là các mẹ phải thường xuyên đi khám thai định kỳ đúng hạn kết hợp với khám phụ khoa và theo dõi cẩn thận lượng nước ối trong thời gian này.

Mẹ bầu mắc phải tình trạng đa ối sẽ dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn là dư ối. Tốt nhất, khi bị đa ối, mẹ bầu nên đến ngay bệnh viện để nhận được sự hỗ trợ từ phía các y bác sĩ. Bởi lẽ, tình trạng đa ối cấp có thể gây ra hiện tượng vỡ màng ối sớm, gây sinh non hoặc dị tật bẩm sinh cho bé.

Bên cạnh đó, đa ối cũng gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bé, làm rối loạn các chức năng của tim, phổi và có thể gây dị tật xương. Nguy hiểm hơn, tình trạng đa ối còn có thể dẫn đến nguy cơ thai bị chết lưu và mẹ bị xuất huyết ồ ạt sau sinh.

Cách xử lý tình trạng đa ối và dư ối khi mang thai

Nhiều mẹ bầu cũng băn khoăn không biết cách xử lý khi bị đa ối và dư ối có khác nhau không? Thực ra, cách điều trị 2 hiện tượng này cũng tương tự như nhau.

Khi phát hiện thai bị dư ối, nếu tình trạng ở mức độ nhẹ (không dư quá nhiều ối) thì mẹ bầu có thể tự điều chỉnh cho lượng nước ối trở về bình thường bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn và dinh dưỡng hợp lý, đủ chất. Nếu mẹ bị dư ối do lượng đường huyết quá cao thì ngay lập tức mẹ bầu cần chú ý cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày là được.

Đa ối và dư ốiNếu bị dư ối do đường huyết quá cao, mẹ bầu cần cắt giảm lượng đường

Đồng thời, cũng cần thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra, theo dõi tình trạng nước ối xem có gì bất thường không. Nếu hiện tượng dư ối có nguyên nhân do những bất thường của thai nhi như các dị tật bẩm sinh thì mẹ cần phải theo dõi cẩn thận và can thiệp kịp thời. Ở dạng nhẹ, mẹ bầu có thể sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Còn nếu tình trạng dư ối nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ được kích thích sinh sớm hoặc mổ lấy thai mà không cần chờ chuyển dạ.

Đối với tình trạng đa ối, hiện nay không có phương pháp điều trị cụ thể nào ngoài việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người mẹ. Nếu lượng ối trở nên dư thừa quá mức và nguy cơ sinh non cao, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối để lấy ra bớt lượng chất lỏng dư thừa.

Một phương pháp điều trị đa ối khác là dùng thuốc làm giảm sản xuất ối trong túi thai. Tuy nhiên, phương pháp này không được sử dụng với thai nhi lớn hơn 32 tuần thai vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu tình trạng đa ối xảy ra do người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cũng sẽ được các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán kỹ càng và tiến hành điều trị ngay lập tức.

Đa ối là một dấu hiệu bất thường, chủ yếu phản ánh các bệnh lý của mẹ bầu hoặc các dị tật của thai nhi. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán đa ối, các mẹ cũng không nên quá lo lắng vì như vậy chỉ có thể khiến tình trạng tồi tệ thêm. Tốt hơn hết, các mẹ bầu hãy bình tĩnh làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên nhớ rằng, có rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán là đa ối nhưng con sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường.

Đến đây, chắc hẳn các mẹ bầu đã biết được đa ối và dư ối có khác nhau không Điều quan trọng là các mẹ bầu bị đa ối hay dư ối cũng cần phải giữ tâm lý thoải mái và đảm bảo nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, việc mang một lượng chất lỏng quá mức sẽ khiến cho mẹ bầu rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau chân và khó chịu nói chung. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần tránh lao động nặng nhọc và có chế độ ăn uống đủ chất, phù hợp (hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo, ngọt). Tốt nhất, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày để không tạo áp lực cho bào thai.

Xem thêm:

Đa Ối Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không

Nguồn tham khảo:

  • https://www.conlatatca.vn/thai-nhi-32-tuan/du-oi-va-da-oi-khi-mang-thai-co-giong-nhau-khong-59953.html
  • https://vicare.vn/bai-viet/phan-biet-da-oi-va-du-oi-nguyen-nhan-cach-dieu-tri/
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/323232.php
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4893386/

 

Rate this post