Updated at: 09-05-2020 - By: admin

Trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày, không chỉ có hiện tượng rỉ ối, thiếu ối mới khiến mẹ bầu lo lắng. Đôi khi, tình trạng đa ối cũng gây nguy hiểm cho thai nhi nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong bài viết dưới đây, các mẹ bầu sẽ được tìm hiểu hiện tượng đa ối là gì, nguyên nhân và cách xử lý khi bị đa ối.

Hiện tượng đa ối là gì?

Trên thực tế, không ít mẹ bầu sẽ băn khoăn không biết đa ối là gì, có triệu chứng như thế nào. Đa ối (Polyhydramnios) là hiện tượng tích tụ dư thừa nước ối mà mẹ bầu thường gặp ở tuần thứ 30 của thai kỳ. Theo các bác sĩ chuyên khoa, lượng ối tiêu chuẩn ở tuần 30 mà thai nhi cần có là khoảng 1,15 lít. Tuy nhiên, khi lượng nước ối vượt quá mức 2 lít, có nghĩa là thai nhi đang bị thừa nước ối.

Như các mẹ bầu đã biết, nước ối là chất lỏng bao xung quanh thai nhi sau vài tuần đầu của thai kỳ. Trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn sau, nước ối có nguồn gốc gần như hoàn toàn do thai nhi sản xuất ra. Nước ối giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi mẹ vận động hoặc va chạm nhẹ.

Đa ối khi mang thaiNước ối giúp bảo vệ thai nhi khỏi những va chạm nhẹ

Đồng thời, nước ối cũng có tính chất kháng khuẩn, do đó có thể bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng và tạo môi trường giúp phổi phát triển. Không chỉ có vậy, nước ối còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định, thích hợp.

Vào khoảng ngày thứ 12 sau khi thụ thai, nước ối sẽ được hình thành và sau đó luôn thay đổi, biến động theo từng giai đoạn của thai kỳ. Theo thống kê, đa ối sẽ xảy ra tương đối ít, vào khoảng 0,2 đến 1,6 % trường hợp mang thai. Nhưng hiện tượng này cũng rất khó phát hiện vì không có dấu hiệu rõ ràng, đặc biệt là ở những trường hợp nhẹ.

Lượng nước ối từ tuần thứ 3 sẽ dần dần tăng lên cho đến khi đạt khoảng 1,15 lít ở tuần thứ 37. Sau đó, lượng nước ối bắt đầu giảm dần xuống còn khoảng 0,5 lít trong tuần thứ 40 của thai kỳ. Trong khi đó, bé yêu ở trong bụng mẹ sẽ thường xuyên nuốt nước ối, sau đó bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Cơ chế nuốt vào – thải ra này sẽ giúp mẹ bầu cân bằng được lượng nước ối, giúp thai nhi phát triển bình thường.

Một khi cơ chế hoạt động như trên bị xáo trộn, chẳng hạn như thai nhi bài tiết ra quá nhiều cũng khiến thể tích nước ối tăng nhanh đột biến, khi đó mẹ bầu sẽ cảm thấy nặng nề và khó chịu. Tình trạng đa ối thường được chẩn đoán và tìm biện pháp xử lý khi lượng ối trong túi thai lên đến 2 lít hoặc hơn.

Thậm chí, có trường hợp nặng, túi ối có thể chứa đến 3 lít nước ối (gần gấp ba lần lượng dịch bình thường). Để chẩn đoán mẹ bầu có bị đa ối hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm và tính toán để ước lượng về thể tích nước ối. Mẹ bầu sẽ được xác định là đa ối khi chỉ số nước ối (A.F.I) qua siêu âm vượt quá 25cm.

Tình trạng đa ối khi mang thai có nguy hiểm không?

Tình trạng đa ối khi mang thai xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối trong túi ối càng cao thì nguy cơ thai nhi gặp phải các biến chứng càng lớn. Khi mắc chứng đa ối, lượng chất lỏng trong tử cung tăng lên quá cao, mẹ bầu sẽ bị mắc chứng đa ối cấp và có nguy cơ bị vỡ màng ối sớm gây ngạt thở cho thai nhi.

Tình trạng này sẽ khiến quá trình sinh nở của mẹ bầu gặp nhiều khó khăn, ngôi thai bị ngược, ngôi mông hoặc các vấn đề khác cho mẹ như hiện tượng bong nhau thai, thai nhi bị sa dây rốn. Khi mẹ bầu bị đa ối tuần 34, quá trình tăng trưởng và phát triển của thai nhi sẽ bị hạn chế, và có thể gây ra các vấn đề cho sự phát triển khung xương của bé.

Để an toàn cho tính mạng của mẹ và con, mẹ bầu buộc phải sinh mổ và do đó lại có thêm rủi ro hơn so với sinh thường, chẳng hạn như tình trạng nhiễm trùng hậu sản. Bên cạnh đó, các chức năng bộ phận em bé sinh non chưa được hoàn thiện, sau này dễ gặp các vấn đề về tim, phổi. Tùy vào tình trạng sức khỏe và số tuần thai, mẹ bầu có thể sẽ được bác sĩ tiêm thuốc steroid để hỗ trợ phổi của em bé trưởng thành nhanh hơn.

Xem thêm: Đa Ối Có Sinh Thường Được Không? BS Trả Lời

Đa ối khi mang thaiTình trạng đa ối thường xảy ra vào giai đoạn cuối thai kỳ

Khi bị đa ối tuần 39, 40, khả năng sản phụ bị chảy máu ồ ạt hay băng huyết sau sinh sẽ cao hơn. Tình trạng này xảy ra do tử cung người bị chèn ép do lượng ối quá lớn và sau khi sinh vẫn không thể co lại hoàn toàn như trước được nữa. Thậm chí, nếu mẹ bầu bị đa ối nặng ở những tuần đầu có thể xảy ra trường hợp xấu nhất là sinh non hoặc thai chết lưu khiến mẹ bầu bị “mất con”.

Trên thực tế, phần lớn các trường hợp đa ối ở thể nhẹ thường không có biến chứng nguy hiểm. Bởi lẽ, những rủi ro này có thể thay đổi tùy thuộc vào tuần tuổi thai nhi và nguyên nhân gây ra đa ối khi mang thai. Ngay sau khi em bé chào đời, lượng nước ối dư thừa dù nhiều đến đâu cũng bị tháo ra hết và người mẹ sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hẳn.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đa ối ở mẹ bầu?

Nước ối chủ yếu là sản phẩm được đào thải từ thận của thai nhi mà ra. Trong thai kỳ, nước ối được hấp thu vào và thải ra khỏi phổi và dạ dày của thai nhi theo một chu kỳ tuần tự, liên tục và khép kín. Sau khi chất lỏng được em bé nuốt vào và qua đường tiêu hóa, nó sẽ được thận bài tiết ra ngoài túi ối thông qua dây rốn. Tại đó, nước ối lại tiếp tục được tái chế và lặp lại chu kỳ như trên.

Với cơ chế này, nếu tình trạng sức khỏe của thai nhi tốt, lượng nước ối luôn được duy trì ở một mức nhất định, không bị quá ít hay quá nhiều trong bào thai của mẹ.Trường hợp lượng nước ối ở mức cao (khoảng 2 lít) và không tự điều chỉnh được sau một thời gian, sức khỏe của mẹ và bé sẽ gặp phải 1 số vấn đề nghiêm trọng.

Trên thực tế, phần lớn trường hợp đa ối nhẹ sẽ không có nguyên nhân chính xác. Các nguyên nhân chủ yếu gây đa ối ở mẹ bầu có thể do người mẹ bị mắc bệnh tiểu đường. Theo thống kê, khoảng 10% thai phụ mắc chứng tiểu đường, nhất là trong quý 3 của thai kỳ sẽ rơi vào tình trạng đa ối.

Đa ối khi mang thaiNguyên nhân gây đa ối có thể do người mẹ bị mắc bệnh tiểu đường

Bởi lẽ, khi mẹ bầu bị tiểu đường thì lượng đường trong máu sẽ không được kiểm soát tốt, thai nhi có thể sinh ra nhiều nước tiểu hơn, do đó, lượng nước ối sẽ tăng lên đáng kể. Ngược lại, nếu giảm lượng đường trong máu thì mẹ bầu sẽ giảm được lượng nước ối, tránh được nguy cơ đa ối khi mang thai.

Tình trạng đa ối còn xuất hiện ở những mẹ bầu bị mắc chứng loạn tăng trương lực cơ. Đây là trường hợp khá hiếm gặp trong thai kỳ, song không phải là không xảy ra. Bên cạnh đó, nếu người mẹ mang song thai hoặc đa thai cũng có nhiều nguy cơ mắc đa ối. Nếu sự trao đổi chất giữa các bào thai không được cân bằng thì cũng có thể xảy ra hiện tượng đa ối ở bào thai có nhiều nước ối hơn.

Đồng thời, hiện tượng đa ối còn xảy ra do các khác thường ở bào thai, chẳng hạn như bé sẽ ngừng quá trình uống nước ối và đi tiểu, từ đó dẫn tới hiện tượng thừa nước ối. Tình trạng này phần lớn gặp ở những em bé bị dị tật bẩm sinh như: hở hàm ếch, hẹp môn vị,…

Mặt khác, mẹ bầu cũng cần lưu ý các yếu tố khác như: thiếu máu ở bào thai, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé, nhiễm trùng bào thai,… cũng có thể làm gia tăng tình trạng đa ối.

Mẹ bầu bị đa ối cần phải làm gì?

Trong hầu hết các trường hợp mẹ bầu bị dư ối nhẹ thì không cần lo lắng nhiều vì hiện tượng đa ối và cách chữa trị cũng khá đơn giản. Bác sĩ sẽ dặn dò mẹ bầu thăm khám thường xuyên và cho mẹ uống một số thuốc lợi tiểu để giảm bớt nước ối trong bào thai. Nếu mẹ bầu bị đa ối do nhiễm khuẩn thì có thể nhập viện để điều trị bằng kháng sinh nhằm giữ an toàn cho thai nhi.

Đối với những mẹ bầu bị đa ối nặng (đa ối cấp), có dấu hiệu đe dọa đến sự an toàn của thai nhi thì mẹ bầu cần phải nhập viện để theo dõi càng sớm càng tốt. Khi đó, các bác sĩ sẽ đo đạc kỹ lượng nước ối trong tử cung, nếu tăng quá nhanh thì mẹ bầu có thể phải tiến hành phẫu thuật hoặc chọc ối để rút bớt nước ối ra.

Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần thường xuyên thăm khám để tiện theo dõi tình trạng thai nhi. Thậm chí, khi mẹ bầu gặp phải các triệu chứng đa ối kèm theo các biểu hiện như khó thở, tức ngực nhiều, bụng to lên nhanh và rõ rệt, đau tức đột ngột,… thì phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức.

Mách mẹ bầu cách đề phòng hiện tượng đa ối

Trong quá trình mang thai, cho dù đang cảm thấy ổn nhưng mẹ bầu vẫn nên đi khám thai định kỳ. Mỗi khi có bất kỳ sự bất thường nào về bản thân người mẹ hoặc thai nhi như: bụng bỗng to lên đột ngột, da bụng bị kéo căng và sáng bóng, khó chịu, khó thở, sưng phù ở chân,… thì hãy lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn khi có các dấu hiệu bất thường như: các cơn co thắt bất thường ở tử cung, các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, táo bón hay tiêu chảy,… Để phòng tránh hiện tượng đa ối khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý chế độ dinh dưỡng phải đủ chất, khoa học và hợp lý.

Đa ối khi mang thaiMẹ bầu cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường

Không chỉ có vậy, mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu chẳng may bị đa ối,  bởi lẽ đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Tốt nhất, khi mang bầu mẹ hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và chăm sóc bản thân. Với những mẹ bầu làm công việc nặng nhọc thì nên bắt đầu nghỉ thai sản sớm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả mẹ và bé.

FAQ – Câu hỏi thường gặp

Đa ối nên ăn gì?

Dù bị dư ối nhưng bà bầu vẫn cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển thai nhi. Vì vậy, việc cung cấp đủ lượng đạm vẫn cần được mẹ bầu chú trọng. Để có được chất đạm tốt nhất, mẹ bầu có thể ăn các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ… , thịt động vật như bò, trâu, heo, gà… Những loại thực phẩm này mẹ nên ăn những đồ tươi sống, không để đông lạnh và phải luôn nấu chín trước khi ăn. Hơn nữa, khi nấu nên hạn chế muối vì muối có thể ngậm nước và làm cho chứng dư ối trở nên nghiêm trọng.

Với việc cung cấp chất xơ, mẹ bầu cũng không nên quá kiêng khem mà vẫn có thể ăn uống như bình thường. Chỉ có một điều cần lưu ý chính là không ăn rau cải vì trong rau cải có chứa nhiều nước. Khi chế biến, bà bầu nên ăn theo kiểu xào chín hoặc ăn sống, việc nấu thành canh để ăn không nên thực hiện nhiều vì nó cũng cung cấp nhiều nước.

Đa ối nên ăn gì

Xem thêm: Đa Ối Nên Ăn Gì? Kiêng Gì, Và Lời Khuyên Từ BS Chuyên Khoa

Dư ối và đa ối khác nhau như thế nào?

Trong suốt thai kỳ, nước ối đóng vai trò rất quan trọng như chiếc “tổ” an toàn đối với sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Đây là môi trường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, giúp thai nhi có khả năng tự tái tạo và trao đổi chất với bên ngoài. Bên cạnh đó, nước ối còn giúp bảo vệ thai nhi khỏi những tác động từ bên ngoài khi mẹ vận động, tránh được tình trạng nhiễm trùng và cấp nước giúp dây rốn không bị khô.

Bên cạnh đó, có nhiều mẹ bầu sẽ băn khoăn không biết dư ối và đa ối khác nhau thế nào? Trong điều kiện bình thường, lượng nước ối trong bào thai sẽ dao động trong khoảng 300-800ml. Khi nước ối của mẹ lên cao ở mức 800-1500ml được xem là dư ối. Trong trường hợp lượng nước ối vượt mức 2000ml thì được gọi là đa ối, tình trạng này nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, khi siêu âm, các bác sĩ thường dùng chỉ số nước ối (AFI) để chẩn đoán tình trạng nước ối. Khi chỉ số nước ối (AFI) vượt trên 25cm thì mẹ bầu được xác định là đa ối, còn chỉ số AFI từ 15-25cm được gọi là dư ối. Tùy vào tình trạng sức khỏe và tuổi thai, mẹ bầu sẽ được chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: Đa Ối Và Dư Ối Có Khác Nhau Không? Mẹ Cần Làm Gì

Thai đa ối có nguy hiểm không?

Ở hầu hết các trường hợp bà bầu bị thai đa ối, mực nước ối bị dư thừa ra thường không quá cao nên không gây ra quá nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hơn nữa, sau một thời gian nước ối có thể được cơ thể mẹ tái hấp thu giúp cho tình hình trở lại ổn định như bình thường. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có thể may mắn như vậy. Vẫn có những bà bầu bị đa ối gặp không ít nguy hiểm khi trong tình trạng có lượng nước ối dư ra quá nhiều.

Vì khi bị đa ối, tử cung của mẹ có thể bị căng quá mức khiến màng ối không chịu nổi mà vỡ ra dù chưa tới ngày sinh đẻ. Khi đó, em bé sẽ phải sinh non. Thêm nữa, khi nước ối bị vỡ ra có thể gây nên tình trạng ứ dịch làm bong nhau thai hoặc sa dây rốn. Không những vậy khả năng mẹ bầu sinh ngôi ngược sẽ tăng cao hơn vì bào thai có thể xoay trở dễ dàng hơn khi có nhiều nước ối xung quanh.

Thêm vào đó, việc không chú ý, điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống hằng ngày có thể khiến tình trạng này ngày một nghiêm trọng hơn. Khi đó, thai nhi có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hại tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Vì vậy, khi bà bầu thấy mình có những biểu hiện giống đa ối, mẹ nên đến bệnh viện khám lại để bản thân có được cách xử lý phù hợp.

Xem thêm: Đa Ối Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không

 

Xem thêm:

Cạn Ối Là Gì, Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Phòng, Điều Trị

Nguồn tham khảo:

  • https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/da-oi-khi-mang-thai-co-nguy-hiem-khong/
  • https://baomoi.com/hien-tuong-da-oi-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc/c/27232217.epi
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2703595/
  • https://www.todaysparent.com/pregnancy/pregnancy-health/why-amniotic-fluid-levels-matter/

 

5/5 - (2 votes)