Hiện tượng Raynaud hay hội chứng Raynaud là tình trạng khiến máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu bị hẹp và thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress. Da ở các vị trí trên sẽ trở nên trắng, chuyển xanh, sau đó tím đi và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nếu không điều trị kịp thời, bạn sẽ bắt đầu bị nhức và nổi nhọt. Nếu tuần hoàn máu quá thấp trong thời gian dài, chỗ da đó có nguy cơ bị hoại tử vĩnh viễn.
Maurice Raynaud (1834 – 1881) là tên của một bác sĩ người pháp mô tả bệnh lần đầu tiên vào năm 1862 nên tên của ông được đặt cho tên của bệnh. Hội chứng Raynaud xảy ra trong khoảng 4% dân số, phổ biến hơn ở nữ giới. Độ tuổi thường khởi phát bệnh rơi vào khoảng 15 đến 30. Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu lạnh.
Hội chứng Raynaud được phân loại thành hai nhóm:
- Raynaud nguyên phát: gọi được gọi là bệnh Raynaud. Đây là nhóm thường gặp và ít nghiêm trọng hơn.
- Raynaud thứ phát: dạng này tuy không phổ biến như Raynaud nguyên phát nhưng có các biểu hiện nặng nề hơn và thường xảy ra ở nhóm người lớn tuổi.
Ai thường mắc phải hiện tượng Raynaud?
Hiện tượng Raynaud xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng đa số bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud có tuổi từ 20 tới 40 tuổi và là phụ nữ. Bệnh thường xảy ra ở những vùng có khí hậu lạnh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Dấu hiệu và triệu chứng hiện tượng Raynaud là gì?
Triệu chứng của hiện tượng Raynaud bao gồm:
- Thay đổi màu sắc da ở vị trí bị ảnh hưởng: khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, mạch máu co thắt làm giảm lượng máu lưu thông nên da ngón tay, ngón chân thường chuyển sang màu trắng, sau chuyển sang màu xanh, đỏ tím và sưng lên. Tai, chóp mũi hay núm vú là những khu vực khác có thể bị ảnh hưởng cùng với tay và chân. Biến đổi màu sắc da không nhất thiết phải trải qua theo thứ tự hay đầy đủ cả ba màu kể trên. Những người bệnh khác nhau sẽ có các thay đổi màu sắc da khác nhau. Về sau khi tuần hoàn lưu thông trở lại các ngón sẽ khôi phục lại màu sắc như bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.
- Rối loạn cảm giác: những khu vực bị ảnh hưởng sẽ có cảm giác tê, dị cảm hay đau nhức, xảy ra song song với sự thay đổi màu sắc da.
- Loét và hoại tử: nếu quá trình co thắt mạch máu lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc thiếu máu nuôi dưỡng các khu vực bị ảnh hưởng, cuối cùng sinh ra các vết loét da và hoại tử. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Dấu hiệu này hiếm khi xảy ra.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám ngay nếu bạn có triệu chứng Raynaud nặng hoặc vùng da có hiện tượng Raynaud bị nhức hay nhiễm trùng. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud
Hiện tượng Raynaud được chia làm hai dạng: hiện tượng Raynaud nguyên phát và thứ phát.
Ở hiện tượng Raynaud nguyên phát, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng nhiệt độ lạnh và áp lực tinh thần là nhân tố chính khiến bạn bị hiện tượng Raynaud.
Ở hiện tượng Raynaud thứ phát, nguyên nhân là do các bệnh lý tiềm ẩn, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác. Cụ thể như:
Các bệnh lý và tình trạng
Hiện tượng Raynaud có thể liên quan đến các bệnh và tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu và dây thần kinh điều khiển mạch máu ở tay và chân. Hai bệnh lý thường gây ra hiện tượng Raynaud nhất là xơ cứng bì và lupus. Một số bệnh lý và tình trạng khác có thể gây ra hiện tượng Raynaud bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Xơ vữa động mạch;
- Các tình trạng rối loạn máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu;
- Hội chứng Sjogren, viêm bì cơ và viêm đa cơ;
- Bệnh Buerger.
Các hành động lặp đi lặp lại
Các hành động lặp lại nhiều lần làm tổn thương động mạch máu và dây thần kinh điều khiển động mạch ở bàn tay và chân có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud. Do đó, đánh máy, chơi piano và các cữ động lặp đi lặp lại tương tự khác có thể dẫn dến hiện tượng Raynaud thứ phát.
Tay hoặc chân bị chấn thương
Chấn thương ở tay hoặc chân do tai nạn, phẫu thuật, tê cóng hoặc các nguyên do khác có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud.
Chất hóa học
Phơi nhiễm một số chất hóa học nhất định có thể dẫn đến hiện tượng Raynaud, chẳng hạn như chất vanyl cloric dùng trong ngành công nghiệp nhựa.
Chất nicotine trong thuốc lá cũng có thể làm tăng khả năng phát triển hiện tượng Raynaud.
Một số loại thuốc
Thuốc đau đầu chứa ergotamine, thuốc điều trị ung thư như cisplatin và vinblastine, một số loại thuốc cảm, dị ứng, hỗ trợ ăn kiêng, thuốc chẹn beta và thuốc tránh thai có thể gây ra hiện tượng Raynaud.
Phòng ngừa Hội chứng Raynaud
Các biện pháp có khả năng dự phòng và kiểm soát các đợt cấp xuất hiện như:
- Giữ ấm cơ thể, nhất là các khu vực ngoại vi phải tiếp xúc nhiều với môi trường ngoài như tay, chân, vùng mặt. Vào mùa lạnh cần mang găng tay, tất ấm và đội mũ khi đi ra ngoài, không để cơ thể bị lạnh vì không khí lạnh là yếu tố khởi phát các đợt co thắt mạch máu gây ra các biểu hiện lâm sàng.
- Hạn chế tắm nước lạnh
- Khi chế biến các thực phẩm đông lạnh nên mang găng tay, tránh dùng tay tiếp xúc trực tiếp.
- Di chuyển đến những vùng có khí hậu ấm: người mắc hội chứng Raynaud nặng nên cân nhắc đến việc chuyển đến sinh sống ở nơi nóng ấm hơn.
- Không hút thuốc lá
- Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
Biện pháp chẩn đoán Hội chứng Raynaud
Khám hội chứng Raynaud cần bao gồm cả việc khai thác tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình người bệnh, phối hợp với việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Hội chứng Raynaud có các biểu hiện lâm sàng khác đặc trưng, tuy nhiên để chắc chắn hơn khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm như:
- Kiểm tra kích thích lạnh: người bệnh được yêu cầu đặt tay vào nước lạnh để kích thích sự khởi phát của hội chứng Raynaud. Nếu thời gian cần để khôi phục lại trạng thái bình thường của tay kéo dài hơn 20 phút có thể kết luận người bệnh đã mắc hội chứng Raynaud.
- Soi mạch: bác sĩ sẽ quan sát và phát hiện các mạch máu bất thường ở vị trí nếp gấp móng dưới kính hiển vi.
Hội chứng Raynaud cần được phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện tương tự như hiện tượng co thắt mạch ngoại biên, viêm động mạch đầu chi.
Biện pháp điều trị Hội chứng Raynaud
Điều trị hội chứng Raynaud cần có sự phối hợp giữa các biện pháp điều trị và phòng ngừa mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Tránh lạnh là nguyên tắc đầu tiên mà người bệnh cần tuân thủ, thông qua các cách như:
- Mang găng tay, tất ấm cho chân khi đi ra ngoài vào mùa đông
- Tắm bằng nước ấm
- Sưởi ấm, mát xa tay chân
- Di chuyển đến khu vực nóng ấm hơn đối với các trường hợp nặng
Người bệnh cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như:
- Không hút thuốc lá
- Bảo vệ bàn tay, bàn chân khỏi các chấn thương
- Sống vui vẻ, tìm cách cân bằng cuộc sống, tránh các căng thẳng.
- Hạn chế chất caffeine
Thuốc điều trị
Việc sử dụng thuốc trong điều trị HCRN phụ thuộc vào tần suất, thời gian, mức độ nghiêm trọng của HCRN. Các thuốc được sử dụng trong điều trị HCRN là những thuốc có tính chất giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu, làm ngưng sự co thắt các mạch máu nhỏ ở ngoại biên, nên được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của HCRN.
Sau đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị HCRN:
- Nhóm thuốc đối kháng canxi: amlodipin, verapamil, ditilazem…
- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: losartan, valsartan…
- Nhóm thuốc chẹn alpha: alfuzosin, doxazosin, prazosin…
- Nhóm thuốc nitrat: glyceryl trinitrat, isosorbid mononitrat, isosorbid dinitrat…
- Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase5 (PDE5): sildenafil, tadalafil, vardenafil…
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: fluoxetin, paroxetin…
Cần lưu ý khi sử dụng các nhóm thuốc trên trong điều trị HCRN:
- Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, phù…
- Không sử dụng các thuốc trên cho người mắc bệnh huyết áp thấp hay đang bị thiếu máu nghiêm trọng, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú…
- Không được sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym PDE5 (sildenafil, tadalafil, vardenafil…) vì gây ra tác hại nguy hiểm trên tim.
- Các thuốc được sử dụng trong điều trị HCRN là những thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ, nên phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, hạn chế cà phê (thuốc lá và cà phê làm gia tăng co thắt mạch máu), giữ ấm cơ thể, chăm sóc tốt ngón tay, ngón chân, tránh căng thẳng, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị HCRN.
Xem thêm: