Trong suốt thai kỳ, nước ối được coi là lớp lá chắn giúp bảo vệ thai nhi khỏi những va chạm, tác động từ bên ngoài. Thiếu ối hay dư ối đều mang đến những mối nguy hiểm riêng. Vậy, nếu mẹ bầu bị thiếu nước ối phải làm sao?
Nước ối có tầm quan trọng như thế nào?
Nước ối có liên quan mật thiết đến thai nhi bởi vì trong giai đoạn sớm của thai kỳ, da của bé sẽ hỗ trợ cho việc tạo thành nước ối và khi chất gây bám trên da xuất hiện từ tuần thứ 20 – 28, đường tạo ối mới chấm dứt hoàn toàn.
Từ ngày thứ 12 sau khi trứng đã gặp tinh trùng và thụ thai thành công, nước ối đã được cấu thành từ ba yếu tố chính: Thai nhi, màng ối và máu của mẹ. Thời gian sau, nước ối có thành phần chủ yếu là nước tiểu của bé vì bé đã bắt đầu bài tiết nước tiểu vào buồng ối từ tuần 16 thai kỳ trở đi.
Sau tuần 20, nước ối có nguồn gốc chủ yếu từ khí – phế – quản, do huyết tương của thai nhi được thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Cũng tại thời điểm này, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối vào và nước ối được cơ thể bé tái hấp thu qua da, dây rốn và màng ối. Không chỉ có vậy, lớp màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn cũng là nguồn gốc tiết ra nước ối.
Nước ối có ổn định thì mới đủ cho sự phát triển của thai nhi an toàn. Bởi lẽ, nước ối chính là môi trường dung dịch được hình thành ngay trong tử cung sau khi thụ thai. Đồng thời, nước ối còn giúp tạo ra sự cân bằng giữa mẹ và bé, tránh thai nhi bị nhiễm trùng hay va chạm mạnh. Khi bị rỉ ối, vỡ ối báo hiệu mẹ đang chuẩn bị chuyển dạ, con yêu sắp chào đời.
Dấu hiệu mẹ bầu bị thiếu nước ối
Thiếu lớp màng bao quanh như 1 bức “tường rào” bảo vệ thai nhi thì hẳn là không tốt rồi. Đó là lý do chị em phụ nữ cần đi khám thai định kỳ để biết được rõ nhất tình trạng nước ối đang “đầy hay vơi”.
Mẹ cần nắm rõ các cột mốc quan trọng của nước ối theo tuần tuổi thai như sau: Khi thai nhi được 4 – 8 tuần thì lượng nước ối là 50ml, nhưng lượng ối phải đạt khoảng 350ml ở tuần thứ 20 của thai kỳ và tăng lên nhanh chóng (khoảng 670ml) vào tuần thứ 25-26. Đến khi thai nhi được 32 – 36 tuần thì lượng nước ối phải nằm trong khoảng 800ml và lên đến 1.000ml khi thai nhi được 38 tuần.
Tuy nhiên, ở tuần 40-42 thai kỳ, lượng nước ối sẽ không tăng mà giảm xuống còn khoảng 540-600ml và bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dạ. Với những trường hợp đặc biệt, nếu lượng nước ối bị giảm bất thường sau 34 tuần, thai nhi có thể bị ngạt. Khi đó, mẹ bầu cần tham vấn ý kiến bác sĩ về khả năng tiếp tục thai kỳ hay phải mổ lấy thai sớm hơn ngày dự sinh.
Đối với những mẹ bầu được coi là thiếu nước ối nếu ở những cột mốc khám thai nhất định có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Bên cạnh đó, mẹ bầu bị thiếu ối ở những tuần cuối thai kỳ có thể gây vỡ ối non, làm tăng tỉ lệ sảy thai, sinh non lên tới 80%.
Thiếu ối trầm trọng có thể gây vỡ ối non, làm tăng tỉ lệ sảy thai, sinh non,…
Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu bị thiểu ối
Có nhiều nguyên nhân khiến thai nhi rơi vào tình trạng thiểu ối, đầu tiên phải kể đến nguyên nhân do người mẹ. Nếu mẹ mắc một số bệnh như: cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường, các bệnh lý về gan, thận,… thì sẽ khiến cho thai nhi kém phát triển, hạn chế chức năng tái tạo nước ối. Bởi lẽ, những bệnh lý này có ảnh hưởng khá lớn đến chức năng của nhau thai và khả năng thấm của màng ối.
Thứ hai, nếu mẹ bầu dùng một số thuốc ức chế men chuyển, ức chế tổng hợp Prostaglandin,… trong thai kỳ dù ít hay nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi nói chung và chỉ số nước ối nói riêng.
Thứ ba là những nguyên nhân bắt nguồn từ thai nhi, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ, hậu quả thường gặp nhất của tình trạng thiểu ối là vỡ ối sớm, sinh non, thai lưu,… mẹ bầu hết sức cảnh giác nhé. Không chỉ có vậy, một số bất thường bẩm sinh còn xuất hiện trong thai kỳ kèm theo thiểu ối như: bất thường nhiễm sắc thể, các dị tật bẩm sinh: tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, thai chậm phát triển trong tử cung, nhiễm trùng thai, thai quá ngày sinh (dân gian hay gọi là chửa trâu hay thai già tháng),…
Một nguyên nhân không thể không kể đến, đó là do các phần phụ của thai gặp phải các sự cố bất thường như rỉ ối non, vỡ ối sớm, nhồi máu bánh rau, hội chứng truyền máu thai nhi (trường hợp mang đa thai hoặc song thai).
Mẹ bầu bị thiếu ối có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Khi mẹ bầu bị thiếu ối, số đo, chiều cao của tử cung thường thấp và nhỏ hơn so với tuổi thai. Thậm chí, các chỉ số này còn có chiều hướng đi xuống so với đường chuẩn. Bên cạnh đó, thai nhi sẽ cử động yếu, khó làm động tác di động đầu thai nhi vì lượng nước ối bị cạn kiệt khiến thai nhi không thể xoay người được nữa.
Khi siêu âm có chỉ số nước ối thấp trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc vài tuần sau đó, thì rất có khả năng mẹ sẽ bị sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu. Đồng thời, việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và chức năng phổi của thai nhi. Phần lớn những trẻ bị thiếu ối khi sinh ra thường thở khò khè vì hệ hô hấp quá yếu ớt.
Nếu mẹ bầu bị thiếu ối trong 3 tháng cuối thai kỳ thì mẹ có thể yên tâm hơn phần nào. Vì đa số những mẹ bầu bị thiếu ối khi gần đến ngày dự sinh sẽ ít gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng thiểu ối trong giai đoạn này có thể khiến ngôi thai bị ngược gây khó khăn cho việc sinh nở, cho nên khả năng sinh mổ là rất cao. Bởi lẽ lúc này, thai nhi sẽ không đủ lượng nước ối cần thiết để xoay đầu xuống dưới chuẩn bị chào đời.
Thiếu ối có thể khiến ngôi thai bị ngược, gây khó khăn cho việc sinh nở
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu ối cũng có thể khiến mẹ bầu bị vỡ ối sớm hoặc sinh non. Khi đó, các bác sĩ sẽ xem xét thai nhi có nguy cơ nhiễm trùng ối không để quyết định có nên can thiệp giúp mẹ bầu sinh sớm hay không.
Mẹ bầu bị thiếu nước ối phải làm sao?
Cùng với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý thì có một vài cách khác cũng giúp cải thiện tình trạng thiếu ối, chẳng hạn như vận động nhiều hơn. Các bác sĩ chuyên khoa đưa ra lời khuyên các mẹ bầu bị thiếu nước ối nên vận động nhẹ nhàng (ít nhất 30-45 phút mỗi ngày).
Chỉ đơn giản là những bài tập nhẹ nhàng như: đi tản bộ, tập yoga cũng sẽ giúp mẹ bầu tăng được lưu lượng tuần hoàn máu trong tử cung và nhau thai. Đồng thời, đây cũng là cách để tăng lượng chất lỏng trong bọc ối do thai nhi đi tiểu ra đó.
Khi bị thiếu ối, mẹ bầu cần có chế độ ăn uống, vận động phù hợp
Bên cạnh đó, mẹ cần biết rằng tư thế nằm ngủ tốt nhất đối với bà bầu là nằm nghiêng về phía bên trái. Bởi vì khi nằm ở tư thế này, lưu lượng máu từ cơ thể mẹ sẽ được lưu thông một cách thông suốt hơn. Khi máu được vận chuyển với 1 lượng vừa phải và tốc độ đều đặn thì chỉ số nước ối do đó cũng tăng lên.
Cuối cùng, cho dù tình trạng sức khỏe như thế nào, mẹ bầu cũng nên đi khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp cho mẹ và bé cùng an toàn. Nếu chẳng may bị thiểu ối, mẹ có thể sử dụng những biện pháp y tế như truyền tĩnh mạch, tiêm nước ối hoặc đặt ống truyền ối nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của bác sĩ.
Nếu thai nhi bị nước ối ít nên uống gì?
Hẳn nhiều mẹ bầu sẽ băn khoăn không biết được nước ối ít nên uống gì? Bằng con đường ăn uống, mẹ bầu sẽ khắc phục tình trạng thiếu ối trong thai kỳ 1 cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bởi lẽ, thực phẩm chính là bài thuốc tự nhiên an toàn mà hiệu quả cho mẹ bầu. Để bổ sung lượng nước ối cần thiết, mẹ đừng quên uống các loại nước sau nhé.
- Nước dừa: Để lượng nước ối cán mốc “chuẩn” một cách nhanh nhất, mẹ bầu đừng quên bổ sung nước dừa vào thực đơn hằng ngày nhé. Bởi lẽ, trong nước dừa có chứa các khoáng chất như clorua, kali, muối, protein, magie, đường tự nhiên,… sẽ giúp mẹ ổn định đường huyết và phòng ngừa được nhiều biến chứng sản khoa nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ bầu phải đợi đến tháng thứ 4 mới bắt đầu uống nước dừa nhé.
Chữa thiếu ối bằng thực phẩm là bài thuốc tự nhiên an toàn, hiệu quả
- Nước mía: Không chỉ là thức uống giải khát được nhiều người yêu thích trong mùa hè mà uống nước mía còn giúp thai nhi tăng cân nhanh trong những tháng cuối thai kỳ. Đồng thời, nước mía chính là bài thuốc trị thiếu ối, ốm nghén rất hiệu quả cho mẹ bầu. Nước mía giúp bổ sung rất nhiều khoáng chất như canxi, magie, các loại vitamin A, B, C, kali, sắt,… Hơn nữa, nước mía còn giúp bổ sung gần 30 axit hữu cơ khác cho thai nhi khỏe mạnh.
- Các loại nước ép trái cây nguyên chất: Mẹ bầu nên chọn các loại trái cây theo mùa như táo, ổi, cam, dâu, nho,… để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho bà bầu và thai nhi. Không chỉ có vậy, trái cây còn cung cấp chất xơ, ngăn ngừa táo bón và tăng lượng nước ối trong thai kỳ.
- Nước đun sôi để nguội: Sau tất cả, nước lọc vẫn là loại nước rẻ tiền mà quan trọng nhất trong thai kỳ mà mẹ bầu cần uống đủ. Hàng ngày, mẹ bầu nên uống khoảng 2,5 – 3 lít nước. Tuy nhiên, đối với những mẹ bầu mới vận động cơ thể bị thoát mồ hôi nhiều hoặc trong thời tiết nắng nóng thì lượng nước lọc có thể tăng lên theo nhu cầu.
Tình trạng thiểu ối gây ra những hậu quả nặng nề cho thai nhi, có thể khiến thai chậm phát triển đồng thời gây tâm lý hoảng sợ cho thai phụ. Đến đây, chắc hẳn các mẹ đã giải đáp được phần nào thắc mắc thiếu nước ối phải làm sao. Vì thế, trong thai kỳ, các mẹ bầu nhớ đừng bỏ qua các buổi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những “trục trặc” không mong muốn nhé.
Xem thêm:
Tất Tật Về Chỉ Số Nước Ối Afi Theo Tuần Thai Và Những Điều Lưu Ý
Nguồn tham khảo:
- https://www.marrybaby.vn/suc-khoe-dinh-duong/nuoc-oi-it-phai-lam-sao
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/lam-gi-khi-me-bau-bi-thieu-oi/?link_type=related_posts
- https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/oligohydramnios/