Updated at: 08-05-2020 - By: admin

Trong suốt thai kỳ, bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn con yêu chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, một số mẹ bầu có thể gặp phải những biến cố thai kỳ nguy hiểm, chẳng hạn như rỉ ối non, vỡ ối sớm. Để phòng tránh được nguy cơ này, mẹ bầu cần nắm rõ dấu hiệu và cách xử lý khi bị rỉ ối non để tránh không để xảy ra điều đáng tiếc.

Dịch ối có vai trò như thế nào đối với thai nhi?

Dịch ối là một chất lỏng màu vàng trong, bao quanh thai nhi. Dịch ối thường được sản xuất liên tục trong thai kỳ, kể từ tuần thứ 16 của thai kỳ trở đi, phần lớn dịch ối tùy thuộc vào lượng nước tiểu của em bé thải ra. Ngoài ra, dịch ối cũng được bài tiết ra từ màng nhau, nhau, dây rốn và dịch phổi của bé yêu, góp phần tăng lượng nước ối trong tử cung. 

Dịch ối có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thai nhi, giúp bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng, tránh được các chấn thương và cả sự chèn ép của dây rốn. Không chỉ có vậy, dịch ối còn giúp cho thai nhi cử động tốt, dễ thở hơn. Nhờ đó, tạo điều kiện cho phổi của bé ngày càng hoàn thiện hơn, lồng ngực và tứ chi cũng phát triển cân đối hơn. 

Rỉ ối nonDịch ối có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thai nhi

Chính vì vậy, nếu có sự cố rỉ ối sớm xảy ra, lượng nước ối bị giảm sút nhanh chóng sẽ dẫn đến sự chèn ép dây rốn và giảm sự tưới máu cho thai nhi. Trầm trọng hơn là sự cố vỡ ối sớm sẽ khiến thai nhi không được bảo vệ, rơi vào tình trạng ngạt thở, gây nguy hiểm cho thai nhi.

Nguyên nhân dẫn đến rỉ ối non ở mẹ bầu

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị rỉ ối sớm. Hiện nay, một số các yếu tố nguy cơ gây ra ối vỡ non thường gặp đó là: các bệnh lây truyền qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn như: giang mai, lậu, HPV, herpers sinh dục,… và các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo do vi trùng, do nấm Chlamydia trachomatis, Trichomonas,… Tất cả các căn bệnh trên là “thủ phạm” chính gây ra tình trạng ối vỡ non. 

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khiến cho thai nhi phát triển không tốt cũng gây ra tình trạng rỉ ối sớm như: ngôi thai bất thường, ngôi mông, ngôi ngang, nhau tiền đạo, đa ối, đa thai, khung xương chậu hẹp,… 

Những thói quen xấu của người mẹ trong lúc mang thai như hút thuốc lá, dùng các chất kích thích cũng gây ối vỡ non cao gấp đôi so với những người mẹ khác. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như: cơ địa cổ tử cung ngắn dưới 35cm, tình trạng hở eo tử cung, thể trạng suy dinh dưỡng do mẹ bầu bị ốm nghén, ăn uống kém,… cũng khiến cho ối vỡ non.

Các dấu hiệu rỉ ối non gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi

Màng ối chính là màng bảo vệ cho sự an toàn, quyết định sự sống còn của thai nhi. Chính vì vậy, hiện tượng rỉ ối sớm có thể dẫn đến sinh non, đồng thời, gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như: nhiễm trùng huyết và bất thường chức năng vận động, thần kinh, nhiễm khuẩn ối, nhiễm trùng bào thai, hội chứng suy hô hấp, xuất huyết não thất, xuất huyết giảm tiểu cầu, hoại tử ruột,… 

Nếu mẹ chỉ bị rò rỉ ối thông thường thì lượng nước ối sẽ ít và không có màu gì. Còn khi nước ối rỉ ra nhiều và có màu sắc khác thì mẹ bầu sẽ có khả năng gặp phải các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Mẹ bầu cần lưu ý đến màu sắc nước ối để nắm được tình trạng thai nhi. 

Nếu nước ối rỉ ra có màu đỏ nâu là dấu hiệu cho biết thai đã bị chết lưu, mẹ cần đi khám gấp. Trong trường hợp nước ối rỉ ra có màu xanh đục kèm theo mùi hôi thì có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng ối, còn nếu nước ối có màu vàng sẫm, mẹ bầu cần nghĩ tới khả năng suy thai mạn tính (thai bị thiếu oxy). 

Đồng thời, mẹ bầu cũng cần lưu ý khi nước ối có màu hồng hay nâu, bởi lẽ đây là dấu hiệu đầu tiên của việc chuyển dạ (còn gọi là máu báo hay máu cá). Nếu nước ối rỉ ra có màu xanh rêu thì chứng tỏ mẹ bầu đã từng bị suy thai, nên cẩn thận trong lần mang thai này nhé. 

Làm thế nào để xử lý tình trạng rỉ ối non hiệu quả nhất?

Tình trạng rỉ ối non cực kỳ nguy hiểm trong thai kỳ, bởi lẽ, trước khi nước ối bị rò rỉ, màng ối cũng mỏng dần đi và có thể bị vỡ ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, khi phát hiện bị rỉ ối sớm, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ để thăm khám và tìm ra biện pháp xử lý ngay. 

Thông thường, nếu thai nhi còn quá nhỏ (dưới 24 tuần tuổi) thì mẹ bầu buộc phải uống kháng sinh để chống các nguy cơ nhiễm trùng ối, đồng thời cần chuyển dịch và dùng thuốc chống co bóp tử cung để ổn định túi ối nhằm giữ thai. Tuy nhiên, khả năng sống của thai nhi không cao, bởi vì ngoài nguy cơ non tháng và nhiễm trùng, thai nhi non tháng còn phải đối diện với những nguy cơ khác như: thiểu sản phổi, dị tật chi và những hậu quả khác của tình trạng thiểu ối kéo dài. 

Rỉ ối nonKhi nghi ngờ bị rỉ ối, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để khám kịp thời

Ở giai đoạn đầu thai kỳ nếu bị rỉ ối non, thai nhi không thể cử động tự do trong tử cung được do nước ối quá ít, điều này sẽ dẫn đến co cứng và biến dạng các chi. Trong trường hợp túi ối bị vỡ non trước khi thai có thể sống được, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sỹ về việc chấm dứt thai kỳ nếu tiên lượng xấu. Nếu điều trị bằng kháng sinh cho đến thai đạt đến khả năng sống được, mẹ bầu nên nhập viện để được chăm sóc cho phổi thai nhi được hoàn thiện.

Nhiều mẹ bầu còn băn khoăn, nếu bị rỉ ối sớm ở tuần thứ 24 – 33 tuần tuổi thì phải làm sao? Tốt nhất mẹ bầu nên nhập viện để điều trị. Các bác sỹ sẽ theo dõi cho người mẹ một cách kỹ lưỡng đến hết 33 tuần của thai kỳ để ổn định sức khỏe cho người mẹ và thai nhi. 

Trường hợp này cũng có thể dùng thuốc kháng sinh kéo dài dự phòng Septocoocuc nhóm B ở dạng toàn thân. Sử dụng thuốc theo đường tiêm hay đường uống tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng trên người mẹ. Lúc này, các bác sỹ sẽ tham vấn cho người mẹ và gia đình về tình trạng bệnh, những nguy cơ tiềm ẩn và mức độ, khả năng sống còn của thai nhi. Nếu cần thiết buộc phải chấm dứt thai kỳ để giữ an toàn cho người mẹ.

Nếu thai nhi đã được 34 – 36 tuần tuổi mà mẹ bầu bị rỉ ối non, việc thai sống được hay không khi chấm dứt thai kỳ còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Mẹ bầu cần nhập viện để được theo dõi sát sao tình trạng thai nhi trên monitoring. Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cần tầm soát nguy cơ nhiễm trùng của thai nhi, dùng kháng sinh dự phòng Septocoocuc nhóm B để giữ thai. Đồng thời, cần giám sát kỹ lượng nước ối hằng ngày bằng phương pháp siêu âm thai nhi.

Trong trường hợp thai nhi đã đủ sức sống (lớn hơn 37 tuần) mà mẹ bầu bị rỉ ối hoặc vỡ ối thì bác sĩ có thể sẽ quyết định giục sinh sớm để tránh những rủi ro cho cả mẹ và bé. 

Mục tiêu cuối cùng của việc điều trị rỉ ối non là cố gắng duy trì thai nhi ở lại trong tử cung người mẹ càng gần với ngày dự sinh càng tốt. Tuy nhiên, việc giữ thai còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi thai lúc vỡ ối, tình trạng sức khỏe của thai nhi, khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ bầu có chuyển dạ chưa, có bị nhiễm trùng hay không, lượng nước ối còn lại nhiều hay ít và mức độ trưởng thành của thai nhi. 

Đề phòng nguy cơ bị rỉ ối non cho mẹ bầu như thế nào?

Rò rỉ ối rất nguy hiểm cho cả mẹ và con, tuy nhiên, nhiều mẹ bầu thường tỏ ra chủ quan, không thăm khám kịp thời để phát hiện và xử lí đúng cách. Một số chị em gặp hiện tượng rỉ ối nhẹ thì không đi khám mà tự ý “điều trị” bằng cách bổ sung thật nhiều nước dừa, nước mía và các loại nước trái cây mỗi ngày với mong muốn “bù” lại lượng ối bị giảm. 

Đó là một quan niệm sai lầm. Bởi lẽ, nước dừa và nước mía không có tác dụng cứu vãn tình trạng rò rỉ ối, thậm chí còn khiến lượng đường trong máu tăng lên quá cao, gây ra nguy cơ tiểu đường thai kỳ. 

Người mẹ bị rò rỉ nước ối có thể gây ra hiện tượng ối vỡ non, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai nhi. Để phòng ngừa hiện tượng này, các bệnh nhiễm trùng qua đường sinh dục của mẹ bầu như nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung, nấm âm đạo,… phải được điều trị dứt điểm. Nếu cần, có thể khâu eo tử cung khi bị hở eo tử cung. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần có lối sống lành mạnh, khoa học, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích có hại. 

Đồng thời, chế độ dinh dưỡng trong lúc mang thai cho mẹ bầu cũng cần được chú trọng, nên ăn đủ chất. Để dự phòng nước ối không bị suy giảm, đặc biệt là vào mùa hè do lượng mồ hôi tiết ra nhiều, chị em cần uống nhiều nước hơn. Nên uống các loại nước mát, trái cây, không nên ăn mặn quá, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với thai nhi và bà bầu. 

Nếu mẹ bầu được chẩn đoán suy nước ối có thể uống nước râu ngô, rau má, mã đề, bổ sung nhiều nước canh, nước lọc,… Ngoài ra, thai phụ cũng cần thường xuyên thăm khám thai và đo chỉ số nước ối, nhất là trong những tuần cuối thai kỳ. Nếu đang có dấu hiệu rỉ ối sớm, mẹ bầu hãy nhớ tuyệt đối kiêng quan hệ vợ chồng, vận động mạnh hoặc ngâm mình trong bồn tắm vì sẽ làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Rỉ ối nonMẹ bầu bị rỉ ối non cần tránh ngâm mình trong bồn tắm

Khi xảy ra hiện tượng rỉ ối non, tốt nhất mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ có phương pháp xử lí kịp thời. Đối với những thai nhi còn nhỏ (dưới 24 tuần tuổi) có thể sẽ phải nằm điều trị đến tận lúc sinh, hoặc cũng có thể buộc phải ngừng thai kì để tránh gây nguy hiểm cho người mẹ.

Xem thêm:

Rỉ Ối Có Đau Bụng Không ? Các Dấu Hiệu Nhận Biết RỈ ỐI

Nguồn tham khảo:

  •  https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-va-du-phong-oi-vo-non-n79571.html
  • https://bibomart.com.vn/3-cach-giup-me-phan-biet-nuoc-oi-va-nuoc-tieu-d502.html
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/307082.php

 

Rate this post