Updated at: 29-03-2020 - By: admin

Làm cha mẹ, chúng ta hầu như ai cũng phải thường xuyên đối mặt với những cơn sốt của trẻ, từ sốt nhẹ, vừa đến sốt cao, co giật kèm nôn trớ.

Phương pháp hạ sốt được ưu tiên hàng đầu luôn là dùng thuốc hạ sốt. Thế nhưng, trên thị trường thì có vô vàn loại thuốc hạ sốt như paracetamol, aspirin, ibuprofen … vậy cách sử dụng từng loại thuốc hạ sốt như thế nào thì các mẹ đã nắm rõ chưa? Mời các mẹ theo dõi bài viết sau nhé.

TRẺ BỊ SỐT NÊN DÙNG NHỮNG LOẠI THUỐC HẠ SỐT NÀO?

Các thuốc có thành phần Paracetamol là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ do độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có Ibuprofene và Aspirin nhưng chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ do có nhiều tác dụng phụ.

Các qui tắc chung khi sử dụng thuốc hạ sốt.

– Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ.

– Tính liều theo cân nặng của trẻ.

– Đọc kỹ nhãn thuốc, chỉ dẫn trước khi dùng.

– Cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng.

– Dùng thuốc còn trong hạn sử dụng.

PARACETAMOL

Hạ sốt cho trẻ

An toàn cao cho trẻ, liều dùng là 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ. Nên cân trẻ để tính liều cho chính xác. Trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 8 giờ.

Ví dụ: Bé nặng 13kg thì sẽ cho trẻ uống mỗi 4 giờ là 130mg hoặc 195mg mỗi 6 giờ (Tương đương 1 gói Hapacol 150mg + ½ gói Hapacol 80mg).

Thông dụng nhất là các dạng tọa dược (thuốc đút hậu môn) và dạng uống, ngoài ra còn có dạng tiêm truyền nhưng chỉ được sử dụng ở bệnh viện.

Dạng tọa dược:

– Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc trẻ ngủ, ói nhiều và trẻ đang lên cơn sốt cao co giật.

– Điều trị bằng tọa dược ngắn hạn, sau đó chuyển sang dạng uống vì dạng tọa dược có thể gây ngứa, kích thích trực tràng.

– Cách dùng: Làm lạnh viên thuốc trước khi đặt. Chỉ đặt cho viên thuốc vừa vào hết hậu môn là được. Không đặt thuốc quá sâu vì như thế thuốc sẽ giảm tác dụng. Nên cho trẻ nằm yên vài phút sau khi đặt viên thuốc. Trong trường hợp đặt 2 viên mới đủ liều thì sau khi đặt viên thứ nhất, phải đợi 1-2 phút mới đặt tiếp viên thứ 2. Tốt nhất nên chọn loại viên tọa dược có hàm lượng phù hợp.

Dạng uống:

– Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc bé thức, có nhiều dạng như thuốc bột, thuốc giọt, xirô, thuốc viên.
– Gói bột sủi bọt là dạng uống phổ biến nhất.
– Cách dùng: Cho thuốc vào một cốc nhỏ nước để hòa tan, cho trẻ uống ngay sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn.

Ở Việt Nam, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo các bậc phụ huynh sử dụng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ vì tính an toàn, ít tác dụng phụ và dễ uống. Tuy nhiên, thuốc chỉ là nhất thời, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng liên tục mà nên có sự hỗ trợ cùng với biện pháp lau mát liên tục, mặc áo mỏng, thoáng mát để các bé giảm sốt.

ASPIRIN

– Không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.

– Từ nhiều năm nay, Aspirin ít được dùng để hạ sốt cho trẻ em vì có thể gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và có liên quan đến hội chứng Reye’s (gây tổn thương gan và thần kinh).

– Liều dùng 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ.

– Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

IBUPROFENE

– Chỉ dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

– Ở trẻ nhỏ, Ibuprofene thường gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ bị thủy đậu.

– Không được dùng khi trẻ bị lóet dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.

– Liều dùng 20-30mg/kg/ngày hoặc 7-10mg/kg mỗi 6-8 giờ đường uống.

– Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Hạ sốt cho trẻ

Cách dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ bị sốt

Thuốc đặt hậu môn là giải pháp thay thế hiệu quả cho thuốc uống trong một số trường hợp bệnh nhân nôn mửa, hôn mê, trẻ em không chịu uống thuốc, tuy nhiên cần phải dùng đúng cách thì thuốc mới có tác dụng tốt.

Thuốc đặt hậu môn (trực tràng) thường được khuyên dùng nhằm mục đích trị táo bón, bệnh trĩ, viêm nhiễm hậu môn. Tác dụng toàn thân là giảm đau hạ sốt, hen suyễn.

Khi đặt thuốc cho trẻ bị sốt, phụ huynh cần rửa tay sạch bằng xà phòng, tháo bỏ bao thuốc, đặt trẻ nằm nghiêng một bên ở tư thế gối gập vào bụng.

Một tay giữ mông và bộc lộ vùng hậu môn, tay còn lại nhẹ nhàng đặt thuốc vào hậu môn của trẻ cách hậu môn khoảng 1 cm (khoảng cách này giúp thuốc hấp thu tốt nhất, thuốc không phải chuyển hóa qua gan), đầu nhọn vào trước.

Hạ sốt cho trẻ

Động tác cuối cùng là khép giữ hai nếp mông trẻ để thuốc không rơi ra ngoài trong 2 – 3 phút.

Khi dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ cần lưu ý thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, nên để trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2oC – 8 oC. Tốt nhất trước khi dùng nên để vào đá hay ngăn mát tủ lạnh vài phút để bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa thuốc vào trực tràng.

Phụ huynh nên dùng đúng liều, không nên dùng đồng thời thuốc đặt có chung tác dụng với thuốc uống vì sẽ gây ngộ độc do quá liều. Thuốc đặt hậu môn có hiệu quả tương đương với thuốc uống và thời gian có tác dụng chậm hơn thuốc uống. Thuốc có thể gây ngứa tại chỗ, gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần hoặc khoảng cách quá gần.

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn:

– Không dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ đang bị tiêu chảy, viêm da vùng hậu môn – trực tràng, hoặc đang chảy máu hậu môn.

– Không dùng cho trẻ thường bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn vì ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc.

– Không cho bé uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn vì có thể gây quá liều.

– Tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho bé.

Dược sĩ Trương Anh Thư – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM

Hạ sốt cho trẻ

NHỮNG SAI LẦM KHI DÙNG THUỐC HẠ SỐT

Thuốc dùng để hạ sốt hiện nay rất phong phú, đa dạng, dễ kiếm, dễ sử dụng nhưng đối tượng người dùng cũng vô cùng phức tạp. Điều quan trọng là dùng thuốc sao cho đúng và an toàn, đạt hiệu quả chữa bệnh tối ưu… Trên thực tế vẫn gặp nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc do việc tự ý dùng thuốc chưa đúng của người dân.

Tâm lý dùng cho chắc:

Nhà bên có cháu nhỏ mới 5 tháng tuổi, vừa đi tiêm phòng vaccin về cháu hâm hấp sốt. Đây cũng là phản ứng rất bình thường của cơ thể. Nhưng vì quá lo lắng nên khi cặp nhiệt độ cho con thấy 37,5oC, chị Thúy (mẹ của cháu) vội cho con dùng ngay thuốc hạ sốt để ngăn chặn sốt có thể tăng cao.

Chị cho rằng, sốt nhẹ thì dùng phương án nhẹ nhất là dán cao. Bởi theo chị dùng thuốc viên thì phải sốt nặng hơn, trên 38oC và thuốc đạn là nặng nhất (39 – 40oC). Nếu con sốt cao trên 38oC thì chị sẽ cho uống thuốc hoặc viên đạn nhét hậu môn.

Qua đó có thể thấy rằng nhiều người dùng thuốc hạ sốt mà chưa hiểu về bản chất của sốt và công dụng của các loại thuốc.

Sự thật như thế nào?

Sự thật là các thuốc hạ sốt đều có chung hoạt chất giống nhau, chúng chỉ khác nhau ở dạng bào chế. Hiện nay, có hai loại thuốc hạ sốt cơ bản thông thường là acetaminophen (paracetamol) và axít acetylsalicylic (aspirin). Các loại thuốc khác như bạc hà chỉ tạo ra cảm giác lạnh, hydrogel chỉ là dạng tinh thể ngậm nước (như trong miếng dán lạnh) không phải là thuốc hạ sốt.

Các thuốc chỉ khác nhau ở dạng bào chế là thuốc dạng viên nén, viên sủi, dạng viên đạn nhét hậu môn, dạng gel bôi, dạng bột trong gói và dạng cao dán.

Quan điểm của chị Thúy sai thứ nhất về phản ứng sốt. Thực ra sốt là một phản ứng cấp tính của hệ miễn dịch, tạo ra các chất trung gian hóa học của viêm, mà người ta cho rằng, các chất này chịu trách nhiệm tạo ra sốt bao gồm: các prostagladin, các cytokin và intereukin.

Những chất trung gian này là chất làm sai lạc nhận cảm của hệ dưới đồi về thân nhiệt. Lẽ ra cơ thể đang ở nhiệt độ bình thường thì chúng lại cảm nhận là nhiệt độ thấp và tăng tốc tạo ra phản ứng sinh nhiệt nhằm nâng nhiệt cơ thể lên. Ngay lập tức, cơ thể sốt cao. Nhưng ngoài tác dụng không có lợi là gây ra sốt, các chất trung gian này rất có ích về mặt miễn dịch. Chúng là các chất hóa ứng động (thu hút) bạch cầu hiệu quả.

Chúng thu hút và hấp dẫn bạch cầu (các tế bào có thẩm quyền miễn dịch) đến vị trí nhiễm khuẩn và thực hiện phản ứng. Hoạt động này như là một quá trình tập luyện cho hệ miễn dịch khỏe thêm.

Vì thế, khi trẻ sốt không cao, bạn không cần phải can thiệp gì. Bạn cần để cho cơ thể tập chống chọi với các phản ứng sinh học bất lợi. Có thể nói rằng, trong trường hợp trên, phản ứng sốt nhẹ sẽ tập cho cơ thể bé khả năng chống đỡ. Nếu dùng ngay khi nhiệt độ mới tăng nhẹ lên như trên, thực không thu được lợi ích lớn.

Sai lầm thứ hai ở quan điểm chọn thuốc. Thuốc nặng nhẹ khác nhau ở liều của thuốc chứ không ở dạng bào chế. Quan điểm cho rằng thuốc dán thì nhẹ hơn thuốc viên, thuốc viên thì không mạnh bằng thuốc đạn là phi thực tế.

Dù là thuốc dán, thuốc viên, thuốc bột hay thuốc viên đạn thì chúng đều được bào chế dưới công nghệ sao cho chất chính (là thuốc hạ sốt) có thể ngấm dễ dàng và đi vào cơ thể.

Chất thuốc từ miếng dán sẽ ngấm qua da và vào trực tiếp hệ thần kinh. Thuốc đạn và thuốc viên sẽ đi qua thành ruột, vào máu rồi cũng lên hệ thần kinh. Khả năng hạ sốt hoàn toàn phụ thuộc vào lượng thuốc tồn trong máu chứ không phụ thuộc vào việc bạn chọn miếng dán hay gói bột, gel bôi.Hạ sốt cho trẻ

Dùng cho đúng

Vậy dùng đúng thuốc hạ sốt thế nào cho đúng để vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra và đạt được hiệu quả.

Thứ nhất, dùng đúng thời điểm: Bạn chỉ nên dùng khi em bé có nhiệt độ sốt cao từ 38,5oC trở lên. Từ 37,1oC – 38,4oC là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ và mang tính kích thích miễn dịch.

Thứ hai, dùng đúng loại thuốc: Bé bị trớ thì dùng thuốc cao dán, thuốc viên đạn. Bé bị tiêu chảy thì dùng thuốc cao dán và thuốc uống. Nếu bé có phát ban ở da thì không dùng miếng dán hạ sốt.

Thứ ba, dùng đúng liều: Không nên dùng quá 2.000mg/ngày (4 viên 500mg) với người lớn và 1.000mg/ngày (4 gói 250mg) với trẻ em. Khi dùng cho trẻ em phải tính toán liều lượng (hoặc theo sự chỉ định cụ thể của bác sĩ hoặc là phải tính toán theo cân nặng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tính liều).

Thứ tư, kết hợp đúng cách: Trước hết, nên hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như chườm mát (nước từ 25oC trở lên), lau nước mát. Sau đó nếu bé vẫn sốt thì cho uống thuốc hoặc kết hợp uống thuốc và lau mát. Nhớ là chỉ lau tối đa 3 lần trong cơn sốt. Lau lần 1 khô thì mới lau tiếp lần 2, lần 3.

BS. Nguyễn Thu Hiền giải đáp

Hy vọng qua bài viết trên đây, các mẹ đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi quyết định sử dụng thuốc hạ sốt cho bé cưng của mình. Các mẹ nhớ lưu ý là sốt là biểu hiện ban đầu khi cơ thể bé đang gặp và phải đối kháng các đối tượng lạ xâm nhập.

Sốt không phải là bệnh, do đó, các mẹ cần phải luôn theo dõi gắt gao tình trạng bé để có thể nhận biết sớm các bệnh để có hướng điều trị kịp thời nhé. Việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể sẽ làm mất đi những dấu hiệu nhận biết bệnh ban đầu, sẽ làm cho các bác sĩ càng thêm khó chuẩn đoán bệnh.

5/5 - (1 vote)