Updated at: 08-05-2020 - By: admin

Khi bước sang tháng thứ 5, bé đã dần lớn hơn và bắt đầu có những đổi khác: tinh nghịch hơn, biểu đạt cảm xúc nhiều hơn và nhận biết mọi thứ xung quanh rõ ràng hơn. Cha mẹ cũng có thể thấy được hành trình trưởng thành đầy kỳ diệu của con. Vậy mẹ nên làm gì để chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi được tốt nhất và làm sao để bé có thể phát triển tối ưu?

Xem thêm:

Tổng Hợp Kiến Thức Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Dưới 12 Tháng Tốt Nhất Cho Mẹ

Trẻ 5 tháng tuổiTrẻ sẽ thay đổi thế nào khi bước qua giai đoạn 5 tháng tuổi?

Trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

So với 4 tháng tuổi còn nhỏ bé và non nớt, trẻ 5 tháng tuổi đã có những thay đổi nhất định. Rõ nhất chính là trọng lượng cơ thể của bé. Và chỉ số cân nặng cũng chính là chỉ số thể hiện khả năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ. Nếu bé nhà bạn khỏe mạnh, mập mạp, tăng cân đều đều thì có nghĩa là lượng dưỡng chất nạp cho cơ thể bé đều được hấp thụ và đem đi nuôi dưỡng khắp cơ thể.

Ngược lại, nếu trẻ nhìn vẫn gầy gầy hay chẳng có dấu hiệu nào của sự mập lên dù việc ăn uống hằng ngày không hề gặp trở ngại hay thiếu chất thì có khả năng cơ thể bé không thể hấp thụ hoàn toàn các chất dinh dưỡng này. Tuy nhiên, theo chỉ số tiêu chuẩn mà WHO – Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt ra, trẻ 5 tháng phải đạt được 7,5kg với bé trai và 6,9kg với bé gái thì mới được coi là phát triển bình thường, ổn định.

Trẻ 5 tháng tuổi biết làm gì?

5 tháng tuổi cũng có nghĩa rằng trẻ đã lớn hơn và nhận biết được mọi thứ xung quanh. Với sự tinh nghịch, dễ thương, vô tư của mình, trẻ có thể gây sự chú ý từ bạn bằng những hành động ngộ nghĩnh. Không chỉ vậy, trẻ em 5 tháng tuổi còn có thể giao tiếp tự nhiên với những người khác ngoài cha mẹ của chúng.

Và cũng nhờ những kỹ năng xã hội có từ nhỏ này, bé sẽ ngày càng tự tin bước ra thế giới bên ngoài. Vậy còn điều gì thay đổi ở trẻ nữa hay không? Tất nhiên, câu trả lời sẽ là có. Khi bé đã bước lên một nấc thang mới thì những vấn đề sau cũng theo đó mà trưởng thành lên.

  • Bữa ăn và giấc ngủ của trẻ

Lớn  hơn cũng là lúc trẻ suy nghĩ được nhiều hơn. Tính tò mò, hiếu kỳ cũng từ đó mà tăng dần lên. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể tự mình nghĩ ra điều thú vị để làm như nhìn bạn, nhìn cách bạn cho ăn mà không chớp mắt một cách rất chăm chú, chuyên tâm. Và mẹ cần lưu ý rằng độ tuổi tập ăn dặm thích hợp nhất vẫn là khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi và bú sữa vẫn là nguồn thức ăn chính.

Việc tập ăn từ sớm có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như rối loạn chức năng đường ruột, khó nuốt, khó tiêu, hay nôn trớ, không thể hấp thu dưỡng chất cần thiết, cơ thể mệt mỏi… Tuy nhiên, nếu trẻ 5 tháng tuổi mà có những biểu hiện thích ăn món ăn của người lớn và không gặp vấn đề sau khi ăn thì trẻ vẫn có thể được cho ăn dặm vào thời điểm này.

Về tư thế ngủ của bé cũng có thay đổi. Khi đã biết lật thì bé sẽ không chịu nằm im tư thế ngửa trong thời gian dài. Nhưng khi mẹ muốn ru bé ngủ thì vẫn nên giữ cho trẻ nằm ngửa. Đến khi khi việc lật sấp, lật ngửa đã trở thành thói quen của bé thì mẹ có thể bỏ khăn quấn quanh người bé vì nó có thể gây nghẹt thở cho bé mỗi khi lật úp người.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh vẫn còn thói quen với việc vừa bú sữa mẹ vừa ngủ nên trẻ có thể sẽ khó ngủ nếu không được ngậm ti mẹ. Mặc dù thói quen này lúc đầu cũng không gây ra ảnh hưởng gì nhưng càng về sau thì tính tự giác ngủ, giờ giấc ngủ của trẻ sẽ bị thất thường, không cố định. Vì vậy, mẹ nên bắt đầu tập dần dần cho trẻ ngủ mà không cần ngậm ti để trẻ xây dựng thói quen ngủ đúng giấc.

Bên cạnh bú sữa mẹ, bé sẽ còn bú thêm sữa ngoài. Lượng bình ở những bé 5 tháng có thể bú thường là 5 bình một ngày. Tuy nhiên, tùy từng khả năng ăn của mỗi trẻ, bé có thể bú nhiều hơn. Mẹ có thể pha thêm để bé không bị đói nhưng không nên quá nhiều vì khi ăn quá no bé có thể bị trào ngược dạ dày.

  • Cách ứng xử của trẻ

Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể lật người và nâng đầu dễ dàng. Vì vậy mà bé sẽ tỏ ra vui vẻ và thích thú. Tuy vậy, vẫn sẽ có những lúc bé thể hiện sự cáu kỉnh, không vui khi cảm thấy khó chịu trong người hay mệt mỏi. Cha mẹ sẽ thấy được phần tính cách của con càng ngày càng thể hiện rõ ràng. Mọi cảm xúc từ trầm lắng, dễ chiều, dễ hiểu đến chút kích động, nhạy cảm đều được bé biểu đạt theo từng suy nghĩ. Có thể thấy bé đang dần dần độc lập với những tính cách rất riêng làm nên con người của trẻ.

  • Các dấu mốc phát triển

Không chỉ thể hiện qua cách cư xử hằng ngày, những cảm xúc bất chợt của bé còn được lời nói diễn đạt. Dù ngôn từ với trẻ là không nhiều và chưa thể hiện được rõ ràng mọi ý muốn nhưng khi trẻ vui vẻ, tức giận cha mẹ đều có thể nhận ra được. Tất cả chúng đều được bé dùng tiếng hét, những tiếng bi bô, ríu rít, nói thầm hay cười một cách thoải mái, vô tư để biểu đạt lại.

Trẻ 5 tháng tuổiTrẻ 5 tháng tuổi thể hiện các cảm xúc của bản thân rõ ràng hơn trước

Bên cạnh đó, trẻ còn thích thử thách bản thân, cố gắng với tay lấy những món đồ cách xa mình. Cha mẹ sẽ thấy được sự tập trung, cố gắng hết mình của bé. Nhưng đây cũng là một bài luyện tập. Khi cha mẹ thấy trẻ gần đến món đồ đó thì nên đưa chúng đi xa hơn. Như thế, bé lại càng cố gắng và điều khiển cơ thể để di chuyển. Về sau, bé sẽ có thể vận động dễ dàng và di chuyển linh hoạt.

  • Phát triển

Khi đã được 5 tháng tuổi, cơ thể trẻ cũng sẽ thay đổi theo: tay, chân dài ra hơn, cơ thể nặng hơn và vòng đầu to hơn. Bé nhà bạn lớn được chừng nào đều sẽ được thể hiện qua những chỉ số này. Tuy vậy, có những trẻ lại tăng trưởng không đồng đều. Có thể tuần này bé tăng rất nhanh nhưng khi sang tuần sau thì lại khựng lại. Nhưng đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và sức khỏe của bé không có vấn đề gì lớn. Mẹ chỉ cần xem lại biểu đồ tăng trưởng trong nhóm tuổi của con rồi điều chỉnh lại sinh hoạt, ăn uống nếu cần thiết thì bé có thể phát triển như bình thường.

  • Đảm bảo sức khỏe của trẻ

Ngoài các vấn đề ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, tiêm phòng là điều mà bất cứ bà mẹ nào cũng không thể bỏ qua. Với tiêm chủng phòng ngừa, trẻ sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh và sức khỏe sẽ luôn được đảm bảo. Cho nên, khi đã đến lịch đi chích ngừa thì mẹ nên đưa bé đi để bảo vệ cho sự phát triển của bé.

  • Vui chơi với trẻ

Việc dành thời gian chơi cùng trẻ sẽ rất có ích hơn nhiều lần so với việc mua hàng tá đồ chơi. Điều này không chỉ giúp cả hai mẹ con có được những khoảnh khắc vui vẻ mà còn gia tăng tình cảm. Không chỉ có cha mẹ, mà ông bà, anh chị em đều vui chơi với trẻ thì niềm vui của trẻ sẽ không bao giờ dứt. Tuy nói vậy nhưng mẹ vẫn có thể mua vài món đồ chơi cho bé. Khi mua thì mẹ nên lựa những loại có màu sáng và đảm bảo an toàn cho bé ngậm.

Vì những cảm xúc yêu ghét đã biểu hiện rõ rệt hơn so với trước nên sở thích của trẻ cũng dần lộ rõ hơn. Những gì bé thích, những gì bé không thích cha mẹ đều có thể biết. Khi đã yêu thích một đồ nào đó, chắc chắn rằng trẻ sẽ giữ mãi không buông. Điều mẹ cần làm chỉ là chú ý hơn tới sự an toàn các món đồ chơi với trẻ. Những thứ nào dễ gây nguy hiểm thì mẹ nên cất chúng đi tới khi bé lớn hơn hẳn mới cho chơi.

Trẻ 5 tháng tuổi bị ho

Dù ở lứa tuổi nào, tình trạng ho đều có thể xuất hiện. Và với những em bé sơ sinh thì điều này lại càng dễ xảy ra bởi hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa đủ khỏe để ngăn cản tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, khi thời tiết lúc mưa, lúc nắng bất thường hay trong giai đoạn chuyển mùa thì trẻ lại càng dễ mắc phải hiện tượng ho khó chịu này.

Khi đó, để giúp trẻ giảm các cơn ho, mẹ nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Hoặc mẹ cũng có thể áp dụng một số phương thuốc dân gian như hấp lá hẹ với đường phèn, cũng có thể kết hợp thêm cho hỗn hợp lá hẹ đường phèn bằng hoa đu đủ cùng hạt chanh, gừng hấp với lá hẹ có đường phèn. Ngoài những cách cho uống này, mẹ cũng có thể dùng dầu tràm xoa cho bé để massage toàn thân, nấu rau diếp cá với nước vo gạo rồi chắt lấy nước hoặc tỏi chưng với đường phèn.

Trẻ 5 tháng tuổiHấp hoa đu đủ đực với đường phèn để trị ho cho trẻ

Mẹ không nên tự ý cho bé dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ vì những tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Trẻ 5 tháng tuổi ăn dặm mấy bữa một ngày

Mặc dù 5 tháng tuổi chưa phải là thời điểm thích hợp để tập ăn dặm nhưng tùy vào cơ thể của từng trẻ mà thời gian này có thể xê dịch. Có một số trẻ sớm có biểu hiện thích ăn và uống những món của người lớn và thường thèm ăn, sau khi ăn cũng không bị vấn đề gì. Đây chính là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc nên cho trẻ tập ăn dặm.

Tuy nhiên, vì bé còn quá nhỏ và mới bắt đầu giai đoạn này nên nhiều mẹ, đặc biệt là những ai lần đầu làm mẹ, sẽ cảm thấy bối rối trẻ 5 tháng tuổi ăn dặm thế nào cho đúng và hiệu quả. Thực chất, vấn đề này không quá phức tạp, mẹ chỉ cần chú ý rằng ăn dặm với bé lúc này chỉ là bữa ăn phụ để giúp trẻ dần làm quen với nhai nuốt sau này nên không cần ép bé ăn, không cần ăn quá nhiều trong một bữa hay ăn quá nhiều trong một ngày. Thêm nữa, sữa mẹ vẫn là món chính nên mẹ cần đảm bảo một ngày trẻ phải bú đủ sữa.

Tóm lại, trẻ 5 tháng tuổi mà muốn tập ăn dặm thì mẹ chỉ nên cho bé ăn mỗi ngày 1 bữa, mỗi bữa ăn với lượng rất ít, lúc đầu nên nấu thật loãng đến khi bé quen mới tăng dần độ thô và đặc biệt trong món ăn dặm phải cung cấp được đầy đủ dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, chất xơ, tinh bột và vitamin.

Trẻ 5 tháng tuổi ăn được hoa quả gì?

Vì thời gian này cũng là lúc bé bắt đầu tập ăn dặm nên trẻ sẽ có thể ăn được một số loại trái cây. Hoa quả vừa ngọt, vừa mát vừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu nên đây sẽ là một món giúp kích thích vị giác của trẻ và ăn được ngon hơn. Tuy nhiên, không phải trái cây nào bé cũng có thể ăn. Với hệ tiêu hóa còn non nớt và đang trong quá trình làm quen với các loại thực phẩm mới, mẹ nên chọn ra những loại dễ tiêu hóa nhất cho trẻ. Không chỉ vậy, khi cho bé ăn hoa quả thì mẹ nên nghiền nát để bé dễ ăn và thường xuyên thay đổi để bé không bị ngán. Phù hợp nhất thì mẹ nên cho bé thử đào, lê, bơ, đu đủ, chuối trước rồi từ từ sẽ chuyển dần sang các loại quả khác.

Trẻ 5 tháng tuổi ăn được gì?

Với thời kỳ tập ăn dặm của trẻ 5 tháng tuổi, bé sẽ phải dần dần làm quen không chỉ ở vị giác mà còn ở hệ tiêu hóa. Từ đó, thực phẩm bé có thể ăn được sẽ ngày càng nhiều lên. Trong khoảng thời gian ở tuần đầu tiên của hành trình ăn dặm, bé chỉ có thể ăn cháo trắng loãng. Đến khi quen hơn, mẹ có thể chuyển sang nấu những món cháo rau củ (khoai lang, đậu hà lan, cà rốt, khoai tây, bí xanh, bông cải xanh…).

Lúc này, bé có thể vừa được làm quen món mới vừa có thể bổ sung thêm chất xơ từ rau củ và hạn chế được tình trạng táo bón. Nhưng có một điều các mẹ cần lưu ý chính là bé vẫn chưa mọc đủ răng, chưa thể nhai nát thức ăn nên các loại rau củ đều cần được rây nhuyễn sau khi nấu và đảm bảo được tất cả đều nấu chín. Còn về trái cây thì mẹ nên lựa những loại hoa quả mềm, chứa nhiều dinh dưỡng như bơ, đu đủ, chuối…

Về phần chất đạm cho bé thì chỉ khi bé đã ăn dặm quen được 2 đến 3 tuần rồi thì mẹ mới có thể bổ sung thêm thịt, cá. Nhưng vì bé đang quen với những món cháo rau củ đã được làm mịn, nhuyễn nên với thịt cá khó làm nhuyễn thì trẻ sẽ không thể ăn được. Chính vì thế, để cung cấp được nguồn chất đạm này, mẹ có thể dùng nước luộc thịt cá đem đi nấu cháo. Như vậy, bé vừa dễ tiêu vừa có thêm protein. Dù ăn dặm cũng bổ sung thêm không ít dinh dưỡng nhưng sữa mẹ vẫn là món không thể thiếu và mẹ vẫn nên cho bé bú đến khi được 12 tháng tuổi.

Trẻ 5 tháng tuổiMẹ có thể luộc thịt cá lấy nước nấu cháo ăn dặm cho trẻ

Mẹ nên làm gì khi trẻ 5 tháng tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày

Việc bé đi ngoài nhiều lần trong một ngày thường làm cho nhiều cha mẹ lo lắng về hệ tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng gây nguy hiểm. Nếu sau khi đi ngoài, phân của trẻ có màu vàng, lợn cợn, hơi sền sệt nhưng bé vẫn ăn, ngủ, chơi vui vẻ bình thường thì trẻ không hề gặp vấn đề gì nghiêm trọng cả.

Nhưng nếu một ngày đi đại tiện nhiều lần mà còn có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, hay khóc, sốt nhẹ thì cha mẹ sẽ cần phải lưu tâm. Và khi thấy trẻ khóc mà không hề có nước mắt thì chứng tỏ bé đang bị thiếu rất nhiều nước. Với tình hình này, cha mẹ phải lập tức đưa bé đi bệnh viện.

Nguyên do khiến bé gặp tình trạng này có thể là vì sữa bé đang uống khiến bé bị dị ứng dẫn đến rối loạn đường ruột. Lúc này, mẹ nên bỏ ngay loại sữa này và mua loại khác có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, việc hăm tã ở trẻ sơ sinh cũng khiến bé đi đại tiện nhiều lần. Để hạn chế tình trạng này, mẹ cần phải bôi kem chống hăm sau khi tắm cho bé, trước khi mặc bỉm và vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng mới cho bé mang bỉm. Và lý do cuối cùng là bé bị bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy sẽ khiến cho bé mất nhiều nước gây kiệt sức, vô cùng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ sau khi thấy bé đi ngoài nhiều lần như vậy thì nên đưa đi khám sớm để biết cách điều trị.

Trẻ 5 tháng tuổi bị sốt

Hiện tượng sốt ở trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi không phải là trường hợp hiếm gặp. Với sức đề kháng chưa được cứng cáp thì khi vi khuẩn, virus có hại có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp và ăn uống. Khi đó, một số bệnh lý thường gặp có thể xảy ra. Nếu đi kèm với sốt là biểu hiện trẻ 5 tháng tuổi bị ho và sổ mũi thì có khả năng bé đã bị cảm cúm. Thêm vào đó, tình trạng sốt này cũng có thể có từ việc tiêm phòng hay giữ quá ấm cho trẻ. Tùy vào từng trường hợp, cơn sốt của trẻ có thể cao hoặc thấp.

Và để giúp cho trẻ giảm cơn sốt khó chịu này, mẹ nên làm những việc như đổi sang loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, tạo không gian xung quanh thông thoáng, mát mẻ, có thể dùng quạt hoặc điều hòa nhưng phải để bé nằm khác hướng gió thổi. Không chỉ vậy, mẹ cũng nên cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, dùng khăn đã thấm nước ấm lau người hay chườm trán cho bé, tắm bằng nước ấm ở nơi kín gió và dùng siro hạ sốt sau khi đã tham khảo bác sĩ.

Kết luận

Tuy trẻ 5 tháng tuổi có khá nhiều thay đổi nhưng về mặt thể chất trẻ vẫn còn khá yếu và dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe. Do đó, để bé có thể phát triển khỏe mạnh, cha mẹ phải luôn quan tâm và trở thành những người bạn đồng hành đáng tin cậy của con.

Xem thêm:

Tổng Hợp Các Vấn Đề Thường Gặp Ở Trẻ 6 Tháng Tuổi Mẹ Nên Biết

Nguồn tham khảo

  • https://eva.vn/lam-me/tre-5-thang-tuoi-nang-bao-nhieu-kg-la-chuan-c10a342004.html
  • https://www.huggies.com.vn/cham-soc-be/phat-trien-cua-be-qua-tung-thang/be-5-thang-tuoi
  • https://eva.vn/lam-me/cach-tri-ho-cho-tre-so-sinh-khong-can-dung-thuoc-c10a362976.html
  • https://www.huggies.com.vn/cham-soc-be/thuc-pham-va-thuc-an-cho-be/thuc-don-an-dam-cho-be-5-thang-tuoi
  • https://www.easybabylife.com/5-month-old.html
  • https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/cough
  • https://www.thebump.com/baby-month-by-month/5-month-old-baby
  • https://healthyeating.sfgate.com/many-calories-should-46-month-old-baby-eat-daily-3787.html

 

5/5 - (1 vote)