Updated at: 08-05-2020 - By: admin

Trẻ 9 tháng tuổi là độ tuổi “lò dò biết đi” nên rất hiếu động. Việc chăm sóc con yêu bằng chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi như thế nào là điều mà đông đảo các mẹ đều muốn tìm hiểu. Mời các mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Xem thêm:

Tổng Hợp Kiến Thức Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Dưới 12 Tháng Tốt Nhất Cho Mẹ

Trẻ 9 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu kg?

Vấn đề mẹ cần biết nhất trong giai đoạn trẻ 9 tháng tuổi đó là cân nặng và chiều cao, để nhận biết xem bé của mình có đang phát triển đúng hướng hay không. Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc đó, mẹ sẽ áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp để đảm bảo cho con yêu phát triển tốt nhất.

Nếu như trong 6 tháng đầu đời, tốc độ tăng trưởng trung bình của trẻ rất nhanh (khoảng 0,6 – 1 kg mỗi tháng) thì từ tháng thứ 7 trở đi đến tháng thứ 12, tốc độ tăng trưởng của bé bắt đầu chậm lại, chỉ còn khoảng 0,4 – 0,7 kg/ tháng.

Đa phần ở độ tuổi này, nhiều em bé của chúng ta rất hiếu động, đã có thể tự vịn vào ghế hoặc men theo thành giường để đứng dậy. Đây là giai đoạn con yêu bắt đầu chập chững những bước đi đầu đời. Đôi chân của bé cưng bây giờ bắt đầu cứng cáp hẳn, khi đứng dậy trông khá thẳng, chuẩn bị cho việc tập đi.

Vì ham muốn khám phá thế giới của bé ở thời điểm 9 tháng đã tăng lên rất nhiều nên bé hoạt động gần như toàn bộ thời gian thức. Chính vì vậy, năng lượng của bé cũng tiêu hao nhiều, kéo theo nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng tăng lên.

Việc ăn nhiều và hấp thu tốt sẽ giúp bé yêu ngày một lớn lên trông thấy. Đây cũng là lý do, ngoài sữa mẹ/ sữa công thức là thức ăn chính, bé 9 tháng cần phải ăn dặm bổ sung nhiều hơn giai đoạn trước cả về lượng và chất.

Không chỉ có vậy, nỗi lo về chiều cao và cân nặng của em bé cũng trở thành “nỗi ám ảnh” thường trực trong đầu các mẹ. Thông thường, trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi sẽ có cân nặng khoảng 7,9 – 10kg (đối với bé trai) và khoảng 7,3 – 9,3kg (bé gái). Chiều cao trung bình của trẻ lúc này sẽ đạt khoảng 69 – 74cm (em bé trai) và khoảng 67 – 72cm (em bé gái).

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, bé yêu cũng đã tới quá trình mọc răng với các biểu hiện sưng lợi, nứt lợi, đi tướt,… thế nên mẹ phải chú ý chăm sóc bé kỹ càng hơn. Bé 9 tháng có thể đã mọc được 2 chiếc răng cửa dưới, 1 chiếc răng cửa cùng 1 chiếc răng hàm trên.

Tuy nhiên, nếu trẻ 9 tháng tuổi chưa mọc răng thì mẹ cũng không nên bấn loạn tinh thần vì không phải lúc nào trẻ 9 tháng cũng mọc đủ số răng như trên. Có những trẻ hơn 1 tuổi mới mọc răng là thường. Lúc này trẻ cần có chế độ dinh dưỡng, thực đơn phù hợp và quan trọng là mẹ cũng cần kiên nhẫn hơn.

Trẻ 9 tháng tuổiTrẻ 9 tháng tuổi chưa mọc răng mẹ không nên lo lắng quá

Trẻ 9 tháng biết làm những gì?

Nhiều mẹ cho rằng trẻ 9 tháng tuổi chưa nhận biết được gì cả. Thực ra, trong giai đoạn này con của mẹ đã phát triển rất nhiều về trí não và cảm xúc đấy nhé. Con đã hiểu và phân biệt được những từ  như: “có”, “không”, biết đáp lại khi có người gọi tên mình rồi đấy.

Vậy, trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Con yêu cũng đã biết nhún nhảy, đung đưa theo tiếng nhạc, biết làm trò, đùa giỡn “ú òa” và chỉ tay vào những thứ con thích. Tóm lại, tất cả kĩ năng của con đã tiến lên thêm một bậc mới. Ở giai đoạn 9 tháng tuổi , bé đã rất linh hoạt, hiếu động, tinh nghịch và mong muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình.

Trước hết, kỹ năng giao tiếp của con đã phát triển mạnh, con đã biết “hóng hớt” mọi người nói chuyện xung quanh mình bằng cách nhoài người theo. Khi đó, con thích chú ý nhìn vào miệng của người ta một cách say sưa. Đôi khi, trẻ còn ê a, bi bô theo những từ ngữ không rõ.

Chính vì vậy, bố mẹ hãy dành thời gian giao tiếp với con nhiều hơn bằng cách đọc hoặc kể cho con nghe những câu chuyện. Việc này sẽ giúp ngôn ngữ của con yêu phát triển rất tốt. Đồng thời, những trẻ được nhận đủ tình yêu thương của gia đình, cha mẹ sẽ phát triển toàn diện về cảm xúc, tinh thần và trí tuệ.

Trẻ 9 tháng tuổiMẹ nên bên con nhiều hơn nữa để con có cảm giác an toàn

Bé 9 tháng đã có kỹ năng vận động tốt, bé biết trườn và với tay tới để lấy những món đồ bé thích ở trên mặt sàn. Thậm chí có những đứa trẻ đã biết bò, trườn và quậy phá đồ đạc ở khắp mọi nơi. Nhìn chung, hầu hết tất cả các kĩ năng của trẻ đều đã phát triển lên một tầm cao mới.

Chính vì vậy, bố mẹ nên chú ý dọn dẹp các vật dụng quanh con, luôn đặt con trong tầm quan sát của mình. Tránh những trường hợp có những tai nạn không may xảy ra, có thể ảnh hưởng đến cơ thể con yêu nhé.

Bên cạnh đó, cảm xúc của con đang dần thay đổi. Con bắt đầu có biểu hiện đòi theo mẹ, “bám” lấy mẹ cả ngày để đòi bế. Nhiều mẹ còn cảm thấy không có thời gian để làm việc khi con cứ khóc đòi mẹ liên tục. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng cáu nhé, vì con chỉ muốn có cảm giác an toàn bên mẹ mà thôi.

Trong giai đoạn này, kỹ năng nhận thức của bé yêu đã phát triển mạnh, bé hình thành sự yêu, ghét rõ ràng và được biểu hiện ngay trên hành động và nét mặt. Biểu hiện dễ thấy nhất đó chính là con rất thích làm trò, thích chơi trò chơi trốn tìm, ú òa. Bên cạnh đó, con cũng thích tự tay ném mọi thứ đi và di chuyển ánh mắt hướng vào vật đó.

Giai đoạn 9 tháng đầu đời nhìn chung con yêu đã phát triển khá nhiều so với giai đoạn sơ sinh trước kia. Tuy nhiên, nếu bé của bạn gặp phải các trường hợp như không phản ứng khi được ai đó gọi tên, không tự ngồi được, không phân biệt được các thành viên trong gia đình, mặc dù mẹ đã dùng tay đỡ nhưng bé cũng không thể đứng lên được, không cầm nắm, di chuyển được đồ vật từ tay này sang tay kia,… thì mẹ nên chú ý vì đây có thể là những dấu hiệu bất thường. Lúc này, mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn, kiểm tra và có cách giải quyết phù hợp giúp trẻ phát triển bình thường.

Trẻ 9 tháng tuổi ăn gì?

Trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu bước sang một giai đoạn ăn dặm mới. Giai đoạn này đối với nhiều mẹ dường như đã trở nên khó khăn hơn, bởi lẽ mẹ đã phải “ngâm cứu” kỹ lưỡng sao chi thực đơn khoa học hơn, phong phú hơn cho con.

Lúc này, nhu cầu ăn uống của bé đã tăng nhiều hơn trước nên vấn đề trẻ 9 tháng tuổi ăn được những gì lại trở thành thắc mắc chung của nhiều mẹ bỉm sữa. Mẹ nên nhớ rằng đối với trẻ 9 tháng cần được bổ sung cháo dinh dưỡng, trái cây, súp rau củ cùng các loại hải sản nhé. Để cùng tìm hiểu rõ hơn về thực đơn của trẻ, mẹ hãy xem những gợi ý từ chuyên gia sau đây:

Trong 3 bữa ăn chính: Trẻ sẽ ăn cháo, bột hoặc cơm nhão (có thể xay nhuyễn) với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, tức là khoảng 60 – 90 gram thịt (tôm, cá, cua,…), từ 60 – 90 gram gạo tẻ trắng, 15 gram dầu ăn (mỡ), rau xanh, hoa quả chín ăn theo nhu cầu.

Trong 2-3 bữa phụ: Trẻ sẽ ăn trái cây chín mềm và các chế phẩm từ sữa như yaourt, phomai, bánh quy, bánh ăn dặm,… Đồng thời, đối với trẻ 9 tháng tuổi, nhu cầu sữa mẹ hoặc sữa công thức vào khoảng 500 đến 600 ml/ngày.

Thực đơn hàng ngày cho bé yêu cần được đảm bảo đầy đủ các loại vitamin, chất xơ, chất đạm và chất béo. Bên cạnh đó, mẹ nên biết cách thay đổi cách chế biến món ăn, áp dụng thực đơn sao cho đa dạng, phong phú để kích thích sự ngon miệng, thèm ăn của trẻ.

Khi cho trẻ 9 tháng tuổi ăn dặm, mẹ lưu ý cho bé ăn theo nguyên tắc: lượng thức ăn phải từ ít đến nhiều, từ loãng đến đậm đặc. Đặc biệt, mẹ nên dành từ 3 – 5 ngày để trẻ làm quen với từng loại thực phẩm mới.

Trẻ 9 tháng tuổiThực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi đã tăng lên cả về lượng và chất

Mẹ cần lưu ý những gì khi lên thực đơn ăn dặm cho bé?

Để đảm bảo cho bé 9 tháng tuổi có thể hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, các mẹ nên tiếp tục duy trì cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức từ 3 – 4 lần/ ngày. Song song với những bữa ăn dặm, mẹ cần cho bé bú sao cho đảm bảo một ngày bé bú được khoảng 500 – 600 ml sữa.

Nếu bé yêu lười uống sữa, mẹ có thể trộn sữa mẹ với trái cây hoặc cháo nấu nhuyễn để con không bị mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá này. Tuy nhiên, mẹ không nên vì lười biếng hoặc tiết kiệm mà nấu một nồi cháo to để cho con ăn cả ngày hay ngày này sang ngày khác.

Trẻ 9 tháng tuổiCó thể trộn sữa mẹ với trái cây hoặc cháo nấu nhuyễn cho trẻ ăn

Hơn nữa, mẹ tuyệt đối không lạm dụng việc trữ đông lạnh thức ăn cho bé, vì như vậy vừa làm cho đồ ăn bị mất chất dinh dưỡng vừa khiến bé chán ăn. Không nên cho trẻ ăn vặt trước mỗi bữa ăn chính để tránh làm cho con bị ngang bụng, dần dần mất cảm giác ngon miệng và trở nên lười ăn.

Cho con uống đủ nước mỗi ngày cũng là điều rất quan trọng mẹ nên làm để tránh cho trẻ bị táo bón. Tổng lượng nước tính cho bé trong ngày bên cạnh nước đun sôi để nguội còn bao gồm sữa, súp, canh và các thức uống khác như nước trái cây, nước dừa.

Mặt khác, trẻ sơ sinh đến tháng thứ 9 do hệ tiêu hóa vẫn còn non yếu nên vẫn không thể uống mật ong hay ăn lòng trắng trứng gà đâu nhé. Bởi vì đây đều là những thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao, mẹ phải hết sức thận trọng.

Kết luận

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các mẹ đã tháo gỡ được thắc mắc về cách chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi sao cho nhanh lớn và thông minh. Thêm vào đó, mẹ cũng có thể biết được chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và đủ chất trong các bữa ăn hàng ngày của con yêu để giúp bé phát triển toàn diện nhất. Đồng thời, mẹ cũng đừng quên dành thời gian bên con nhiều hơn nữa nhé.

Xem thêm:

Tổng Hợp Các Vấn Đề Thường Gặp Ở Trẻ 10 Tháng Tuổi Mẹ Nên Biết

Nguồn tham khảo:

  • https://yeutre.vn/bai-viet/be-9-thang-tuoi-an-gi-va-nhung-luu-y-cho-me-khi-len-thuc-don-dinh-duong-cho-con.21558/
  • https://yeutre.vn/bai-viet/tre-9-thang-biet-lam-gi-nhung-thay-doi-cua-con-va-cach-cham-soc-be.21540/
  • https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-development-9-month-old#1

 

5/5 - (1 vote)