Tỷ lệ trẻ em bị đau đầu đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Các cơn đau đầu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần mà cả vấn đề học tập của bé. Do đó, mẹ cần nắm rõ cách xử trí khi cơn đau đầu xảy ra cho bé để giúp con yêu nhanh chóng vượt qua những cơn đau khó chịu này.
Một số trường hợp bé bị đau đầu là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm ở bé, vì vậy mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi thấy con bị đau đầu. Bài viết sau đây của Healthyblog.net có thể giúp mẹ giải quyết một số thắc mắc liên quan đến chứng hay đau đầu ở trẻ nhỏ, mẹ dành ít phút để đọc nhé.
1. Vì sao trẻ hay bị đau đầu?
Việc biết được nguyên nhân dẫn đến các cơn đau đầu của bé là vô cùng quan trọng. Vì khi chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể đưa ra biện pháp điều trị phù hợp và đúng đắn được. Cũng vậy, khi mẹ biết được nguyên nhân khiến trẻ hay bị đau đầu, mẹ mới có thể giúp con cách tốt nhất được. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu ở bé có thể kể đến là:
a. Bé bị chấn thương đầu
Trong quá trình hoạt động, vui chơi, vì tính hiếu động khiến các bé dễ gặp phải các tai nạn như té ngã. Một số cú ngã mạnh có thể khiến các bé bị chấn thương đầu và dẫn đến tình trạng đau đầu.
b. Bé thường xuyên ở ngoài nắng
Bé vui chơi ngoài nắng hoặc đi ngoài nắng quá lâu có thể dẫn đến triệu chứng bị đau đầu. Vì với nhiệt độ quá cao khiến giãn mạch máu, xuất mồ hôi và dẫn đến việc bé bị đau đầu. Ngoài ra, đi dưới trời nắng lâu còn dễ khiến bé bị chảy máu cam và chóng mặt.
c. Bé bị mắc các bệnh nhiễm trùng
Một nguyên nhân khác có thể khiến trẻ hay bị đau đầu đó là khi bé bị mắc các bệnh nhiễm trùng như sốt, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang,… Đây là nguyên nhân cực kỳ phổ biến dẫn đến đau đầu ở trẻ nhỏ. Khi đó, trẻ bị đau đầu vùng trán hoặc có thể đau nửa đầu.
d. Bé bị mắc bệnh về não
Nếu mắc các bệnh về não, về hệ thần kinh trung ương thì đau đầu là một triệu chứng vô cùng phổ biến. Chẳng hạn như bé bị viêm não, u não, chảy máu trong não, áp xe vùng não,… Tuy nhiên, trường hợp này rất ít gặp phải ở trẻ nhỏ.
e. Bé bị bệnh về mắt
Nếu bé bị các bệnh về mắt như viêm mắt, cận thị, loạn thị,.. cũng có thể khiến các bé thường xuyên rơi vào tình trạng bị đau đầu.
f. Bé bị bệnh về răng
Trẻ bị đau đầu cũng có thể do bé mắc phải một số bệnh về răng như sâu răng, viêm răng, sưng nướu, áp xe chân răng,… Khi đó, bé không chỉ bị đau răng mà còn có thể bị đau đầu, mệt mỏi và khó chịu.
g. Bé bị đau đầu do thực phẩm
Các loại thức ăn, nước uống bé dùng hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Việc uống các chất kích thích, chất có chứa nhiều caffeine như cafe, soda, socola cũng có thể dẫn đến triệu chứng đau đầu.
Ngoài ra, thịt xông khói hay xúc xích thường chứa chất bảo quản cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu thường thấy ở trẻ nhỏ.
h. Bé gặp vấn đề tâm lý
Khi gặp một số vấn đề về tâm lý cũng có thể khiến bé bị đau đầu. Chẳng hạn như bé quá căng thẳng, sợ hãi, bé bị áp lực, trầm cảm, lo âu quá mức,.. tất cả những yếu tố tâm lý trên đều có thể dẫn đến tình trạng đau đầu ở trẻ nhỏ.
i. Môi trường tác động gây đau đầu
Các yếu tố từ môi trường xung quanh cũng là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên bị đau đầu. Chẳng hạn như gia đình bạn sống ở gần trường học, công ti xí nghiệp, chợ, quán ăn,… có thể gây ồn ào thường xuyên khiến bé bị đau đầu.
k. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, bé có thể bị đau đầu do thay đổi giấc ngủ, bị thiếu ngủ, do di truyền, do dị ứng thức ăn, do bị bệnh hen suyễn,…
Như vậy, có rất nhiều lí do khiến bé dễ bị đau đầu. Một số vấn đề bệnh lý có thể khiến trẻ bị đau đầu buồn nôn hoặc đau đầu kèm sốt. Tùy từng trường hợp mà mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau nên bố mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện khác của con trong cơn đau đầu để việc chẩn đoán bệnh được chính xác hơn nhé.
2. Nhận biết các cơn đau đầu của bé
Tùy thuộc nguyên nhân khác nhau khiến bé bị đau đầu mà những biểu hiện của bé sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi bị đau đầu, các bé thường có biểu hiện ôm đau, rên rỉ, khó chịu và hay quấy khóc.
Một số trường hợp trẻ bị đau đầu và sốt hoặc chóng mặt, buồn nôn, cực kỳ nhạy cảm với tiếng ồn. Bé cũng có biểu hiện cáu gắt, ngủ nhiều hơn bình thường. Một số cơn đau đầu dữ dội có thể khiến bé phản ứng cực kỳ mạnh và rất khó chịu.
3. Xử lý khi con bị đau đầu như thế nào?
Khi thấy bé yêu có dấu hiệu bị đau đầu, mẹ cần xử lý như thế nào? Sau đây là một số việc mẹ cần thực hiện ngay khi thấy cơn đau đầu ở bé xuất hiện:
- Một số bé sẽ phản ứng mạnh trước cơn đau đầu, điều này không có lợi vì chúng có thể khiến bé bị đau hơn. Do đó, mẹ cần giúp bé bình tĩnh lại bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, an ủi và động viên bé.
- Bé cần nghỉ ngơi khi cảm thấy đau đầu. Vì vậy, mẹ hãy giúp bé nằm xuống với tư thế đầu hơi ngẩng lên và thư giãn, nếu bé có thể ngủ được sẽ cảm thấy đỡ đau đầu hơn.
- Dùng một chiếc khăn ấm hoặc lạnh (tùy trường hợp) đắp lên trán bé có thể giúp giảm đau đầu hiệu quả trong tức thời. Hoặc mẹ có thể cho bé tắm qua nước ấm cũng sẽ giúp bé được thư giãn và thoải mái hơn.
- Cần tránh để bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi trẻ bị đau đầu chóng mặt. Nếu được nghỉ ngơi trong điều kiện phòng ngủ tốt, yên tĩnh sẽ giúp giảm đau đầu hiệu quả.
- Nếu bé bị đau đầu dữ dội, mẹ có thể cho bé uống thuốc giảm đau hoặc thoa một ít tinh dầu oải hương lên thái dương của bé sẽ giúp bé dễ chịu và giảm đau hiệu quả hơn.
Cách xử lý khôn ngoan của mẹ trong các cơn đau đầu của con sẽ giúp bé có thể giảm bớt sự đau đớn.Vì vậy, mẹ cần tinh ý nhận ra biểu hiện đau đầu của bé và giúp bé giảm đau cũng như thư giãn nhé.
4. Điều trị chứng hay đau đầu ở trẻ ra sao?
Điều trị chứng hay bị đau đầu ở trẻ như thế nào? Đây là thắc mắc mà hầu hết các chị em có con hay bị đau đầu đều rất quan tâm. Ngoài cách xử lý cơn đau đầu như đã chia sẻ ở trên, mẹ có thể giúp con thoát khỏi tình trạng đau đầu hay xảy ra bằng cách sau:
a. Massage cho bé
Massage sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn và đây cũng là cách giúp bé được thư giãn, giảm căng thẳng nên có thể giúp xoa dịu chứng đau đầu hiệu quả. Vì vậy, nếu thấy bé bị đau đầu hoặc bé thường hay bị đau đầu thì mẹ hãy thường xuyên massage đầu hoặc toàn thân cho bé nhé.
b. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ bị đau đầu. Dinh dưỡng hợp lý, bé đầy đủ chất thì sẽ ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả hơn. Khi cơ thể khỏe mạnh, bé vui vẻ thoải mái thì các cơn đau đầu sẽ dễ dàng lánh xa hơn.
c. Dùng thuốc giúp giảm đau đầu
Bé có thể được chỉ định dùng thuốc để giảm đau đầu. Acetaminophen là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất dành cho bé. Tuy nhiên, mẹ cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn và theo liều dùng của bác sĩ mà cho bé uống thuốc.
Tuyệt đối không nên dùng thuốc Aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi vì có thể dẫn đến hội chứng Reye rất nguy hiểm cho bé.
d. Sử dụng các loại tinh dầu
Mẹ có thể sử dụng các loại tinh dầu để giúp giảm cơn đau đầu cho bé. Tinh dầu oải hương, tinh dầu hoa cúc,.. có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon giấc hơn. Mẹ có thể thêm vài giọt tinh dầu vào nước tắm của bé hoặc massage đầu cho bé bằng tinh dầu để giúp bé giảm chứng đau đầu phiền toái.
Các phương pháp điều trị cho trẻ em bị nhức đầu trên khi bé bị đau nhẹ hoặc đau đầu do say nắng, căng thẳng hoặc một số bệnh nhẹ như cảm lạnh, cúm,… Nếu đau đầu kèm với các triệu chứng khác thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám.
5. FAQ – Các thắc mắc liên quan khác
Sau đây là một số câu hỏi được các chị em quan tâm nhiều khi tìm hiểu về chứng đau đầu ở trẻ nhỏ. Healthyblog.net xin được giải đáp những thắc mắc này ngay bây giờ.
a. Bé bị đau đầu, bao giờ thì nguy hiểm?
Nếu bé bị đau đầu do say nắng, do căng thẳng, do ồn ào,… thì không phải vấn đề nghiêm trọng vì cơn đau sẽ nhanh chóng qua đi và rất ít khi tái phát. Tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu sau đây mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra vì chúng có thể nguy hiểm cho bé như:
- Bé thường xuyên bị đau đầu dữ dội
- Mỗi sáng thức dậy bé bị đau đầu và cơn đau có xu hướng tăng về mức độ cũng như số lần xuất hiện
- Bé bị đau đầu do gặp tai nạn gây chấn thương vùng đầu
- Bé bị đau đầu kèm sốt cao
- Bé bị đau đầu và nôn mửa
- Bé đau đầu và kiệt sức
- ….
Với một số trường hợp bé bị đau đầu như trên, tốt hơn hết mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được làm xét nghiệm để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng cách nhé.
b. Làm sao để chẩn đoán đau đầu ở trẻ?
Để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị đau đầu, bác sĩ sẽ hỏi qua về bệnh sử của bé để đoán biết nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, bé có thể được chỉ định làm các xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, chọc dò tủy sống thắt lưng,… hay một số xét nghiệm tâm lý khác.
c. Trẻ bị đau đầu nên ăn gì?
Như đã đề cập ở trên, chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần hỗ trợ điều trị bệnh đau đầu cho bé. Thế thì trẻ hay bị đau đầu nên ăn gì? Sau đây là một số thực phẩm mẹ nên thêm vào thực đơn của bé:
- Các thực phẩm giàu vitamin B2 có thể giúp giảm cơn đau đầu của bé. Thịt, cá, ngũ cốc, sữa và các chế phẩm từ sữa là những thực phẩm chứa nhiều vitamin B2 mà bé cần bổ sung ngay lúc này.
- Các thực phẩm giàu magie cũng là một lựa chọn tốt dành cho trẻ hay bị đau đầu. Magie là chất có chứa nhiều trong các loại rau có màu xanh thẫm và các loại đậu hạt.
- Coenzyme Q10 là một hoạt chất chống oxy hóa trong cơ thể người. Việc thiếu hụt chất này sẽ tăng nguy cơ bị đau đầu cho bé nên mẹ cần bổ sung các thực phẩm giàu coenzyme Q10. Thịt bò, thịt gà và các loại hạt chính là loại thực phẩm cung cấp.
- Uống trà xanh hoặc ăn hoa quả tươi có thể giúp giảm thiểu tình trạng bị đau đầu do thời tiết nóng bức hiệu quả.
Nếu mẹ tinh ý chọn các loại thực phẩm phù hợp cho bé trong giai đoạn này thì tin chắc các cơn đau đầu sẽ nhanh chóng được đẩy lùi hiệu quả.
d. Phòng đau đầu ở trẻ như thế nào?
Để giúp con yêu ngăn ngừa các cơn đau đầu khó chịu, mẹ có thể giúp bé bằng các cách sau đây:
- Giúp bé thư giãn thoải mái bằng cách cho bé nghe nhạc nhẹ nhàng, massage cơ thể, tập thể dục.
- Thể phòng đau đầu cho bé, mẹ cũng nên tăng cường nhóm thực phẩm nêu trên cách hợp lý trong thực đơn của bé.
- Không để bé rơi vào tình trạng quá căng thẳng, lo âu hay sợ sệt. Việc bắt bé học quá nhiều rất dễ khiến bé bị stress dẫn đến đau đầu.
- Không nên để bé bị ngoài trời nắng nóng vì rất dễ khiến bé bị đau đầu, choáng váng, chóng mặt và chảy máu cam. Trường hợp cần ra ngoài thì mẹ nên che cẩn thận cho bé.
- Tránh việc để cho cơ thể thay đổi nhiệt độ cách đột ngột không tốt và cũng dễ khiến bé bị đau đầu.
Phòng bệnh bao giờ cũng hơn là chữa bệnh. Vì vậy, mẹ hãy giúp bé phòng chứng đau đầu với một số cách như trên nhé.
Healthyblog.net đã gửi đến mẹ các thông tin cần thiết về vấn đề: trẻ bị đau đầu. Xử lý và điều trị đúng cách sẽ giúp bé yêu không bị các cơn đau đầu quấy rối nữa. Vì trẻ nhỏ chưa tự chăm sóc mình được nên bé cần mẹ giúp đỡ để có thể lớn lên trong sự khỏe mạnh. Chúc mẹ thông thái để bé yêu luôn khỏe mẹ nhé.