Trẻ bị viêm amidan thường gặp ở lứa tuổi trên 2 tuổi. Bệnh viêm amidan thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Trẻ bị viêm amidan liên tục sẽ làm cho cha mẹ hết sức lo lắng, việc dùng thuốc kháng sinh kéo dài cũng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Mời các bậc phụ huynh tham khảo các tư vấn về bệnh viêm amidan ở trẻ em từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm sau đây.
Thế nào là bệnh viêm amidan?
– Amidan là những tế bào lympho có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch và là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
– Viêm amidan tức là nói đến amidan khẩu cái, khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng amidan bị sưng viêm, đỏ và hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan.
– Viêm Amidan Mãn Tính: Việc phải chữa viêm amidan nhiều lần làm khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.
– Bệnh amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra. Trong 1 năm người bệnh tái phát viêm Amidan 5 lần trở lên được coi là Viêm Amidan mãn tính.
Bệnh viêm amidan ở trẻ em
Khi trẻ hả to miệng ra, ta sẽ quan sát thấy hạch nhân to nhất trong vòng bạch huyết hai bên đáy lưỡi, đó chính là amidan.
Bình thường, mặt ngoài của tuyến amidan có màu hồng nhạt, trơn láng, hai amidan có thể tích nhỏ nằm sát hai bên thành họng. Khi cơ thể phải chống lại các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, bản thân amidan có thể sẽ sưng lên và bị nhiễm trùng.
Khi trẻ lớn dần, thể tích amidan cũng tăng lên và có thể đạt đến độ cực đại vào khoảng từ 7 đến 10 tuổi, đến tuổi dậy thì thể tích amidan sẽ nhỏ dần xuống.
Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm amidan?
Thời gian giao mùa và thời tiết lạnh là lúc đường hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn và amidan phải phòng vệ để bảo vệ cho đường hô hấp nên amidan sẽ có thể bị nhiễm trùng và sưng to lên.
Nếu trẻ giữ vệ sinh không sạch, không thường xuyên rửa tay, khi chơi tay bẩn sau đó cho miệng vi khuẩn sẽ vào họng ồ ạt, amidan phải làm việc hết công suất để tiêu diệt được số vi khuẩn to lớn này nên amidan cũng có thể viêm nhiễm và sưng tấy.
Tuy là cơ quan làm nhiệm vụ miễn dịch cho cơ thể nhưng amidan là một cơ quan có cấu tạo nhiều khe hốc nên nó có thể làm cho thức ăn ứ động và là ổ trú ngụ của vi khuẩn trong một số trường hợp. Nếu trẻ không thường xuyên đánh răng súc miệng sau khi ăn thì các vi khuẩn tại amidan sẽ làm cho cơ quan này viêm nhiễm.
Chẩn đoán viêm amiđan
1. Viêm amidan cấp tính
Viêm amiđan cấp thường làm người bệnh sốt cao, ớn lạnh, đau họng, vướng họng , ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng đau hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức các bắp thịt toàn thân và xương khớp…..nếu không được điều trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh amiđan, mưng mủ quanh amiđan làm cho người bệnh nuốt đau dữ dội, há miệng hạn chế do bị khít hàm và giọng nói của người bệnh bị thay đổi giống như khi ta nghe một người vừa ngậm củ khoai nóng trong miệng vừa nói chuyện.
Trẻ em khi bị viêm amiđan có thể bị biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí – phế quản… , đặc biệt viêm amiđan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu, choáng nhiễm độc tố (trẻ sốt cao, tiểu ít, khó thở, tụt huyết áp đột ngột, suy thận, suy hô hấp, ngưng thở).
2. Viêm amidan mạn tính
Viêm amiđan mạn tính là tình trạng nhiễm trùng tiềm tàng, dai dẳng của amiđan và dễ bị tái phát. Thể bệnh này thường gặp ở người lớn và trẻ lớn, triệu chứng ‘nghèo nàn’, không rầm rộ như viêm cấp.
Người bệnh chỉ than phiền nóng rát họng, nuốt vướng, hôi miệng, đau tai, sờ thấy hạch cổ, hạch dưới hàm, hạch góc hàm và mệt mỏi mạn tính…
Trong đợt tái phát, người bệnh có các triệu chứng của viêm amiđan tái phát cấp. Khi người bệnh há miệng, chiếu đèn vào họng, có thể nhìn thấy amiđan to hoặc teo và các hốc amiđan có chứa nhiều chất bã đậu. Khi đó, bác sĩ thường chẩn đoán là Viêm amiđan hốc mủ mạn tính.
Triệu chứng khi trẻ bị viêm amidan
– Triệu chứng đầu tiên khi trẻ bị viêm amindan, trẻ sẽ cảm thấy khó nuốt, đau trong họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trẻ có thể lạc giọng hoặc mất hẳn giọng nói.
– Trong trường hợp nếu nếu trẻ viêm họng do virus coxsackie thì ở khu vực amidan và vùng vòm họng của trẻ sẽ có những mụt phỏng. Nếu không điều trị dứt điểm thì những mụt này sẽ vỡ ra thành những vết loét rất đau và rát. Nếu viêm họng do nhiễm khuẩn liên cầu, amidan của trẻ thường sưng to và bị bao phủ bởi những chấm trắng, trẻ có hơi thở hôi, cảm thấy rất mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 38oC.
– Bên cạnh đó, khi trẻ bị amidan trẻ sẽ cảm thấy miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm của trẻ có thể nổi hạch.
– Trong trường hợp trẻ bị viêm amidan mãn tính trẻ sẽ ngáy khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm. Tình trạng amidan mãn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức năng tai của trẻ.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm amidan
Bệnh tinh hồng nhiệt : do những độc tố của liên cầu trùng gây ra sẽ làm bệnh nhân nổi ban, hạch, đau họng , nhức đầu, sốt cao, viêm sưng to amidan .. dẫn đến viêm tai giữa hoại tử các xương con
Viêm khớp cấp : sẽ khiến bệnh nhân bị các triệu trứng sưng, nóng và đau các khớp tay, ngón tay, chân, các đầu gối khiến người mệt mòi dẫn đến các bệnh lý màng tim
Viêm cầu thận : Tần xuất bệnh viêm cầu thận sau viêm amidan khoảng 24%, và chuyển thành viêm thận cấp sau đó. Bệnh nhân có hiện tượng phù chân, phù mặt nhất là khi ngủ dậy.
Áp xe quanh amidan : do viêm amidan nhiều lần làm cho bệnh nhân đau họng, khó nuốt, sưng họng nói không ra tiếng, đau đầu, sốt cao, hơi thở hôi, chảy nước dãi, do không nuốt được. Khám họng phát hiện khẩu cái mềm bên áp xe bị đẩy ra trước, sờ mềm. Khi rạch dẫn lưu nhiều mủ đặc rất thối trong ổ áp xe.
Điều trị bệnh viêm amidan: Trẻ bị viêm amidan nên uống thuốc gì?
1. Sử dụng thuốc:
Viêm amidan do nhiễm liên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin. Đôi khi, đặc biệt ở trẻ nhỏ khó nuốt, penicillin được dùng đường tiêm. Kháng sinh điển hình cần dùng ít nhất 10 ngày. Mặc dù trẻ cảm thấy khá hơn trong 1 – 2 ngày, vẫn cần phải dùng kháng sinh đầy đủ đến hết đợt.
Dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, có thể bị viêm lại, có khả năng gây biến chứng nặng.
Đáng tiếc, hiện này chưa điều trị được virus gây viêm amidan. Điều này có nghĩa là cần tập trung vào các biện pháp bổ trợ trong đợt nhiễm virus. Có thể kéo dài từ 7 – 14 ngày cho tới khi trẻ bình phục hoàn toàn.
2. Phẫu thuật
Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết.
Nên cắt amiđan trong các trường hợp sau đây
- Amiđan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn
- Nghi ngờ ung thư amiđan.
- Viêm amiđan tái phát cấp hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm
- Viêm amiđan tái phát cấp do liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A ở người có kèm theo bệnh van tim hậu thấp hoặc ở trẻ có kèm theo tiền sử thường bị sốt cao co giật.
- Viêm amiđan mạn tính hoặc viêm amiđan tái phát cấp ở người mang mầm bệnh Liên cầu trùng mà không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
- Viêm amiđan mạn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ , hơi thở hôi.
- Mưng mủ quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
- Viêm amiđan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.
Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amidan. Cắt vào mùa nào cũng được vì hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại cắt amidan an toàn và không chảy máu.
Nếu có các bệnh khác kèm theo như: cao huyết áp, tim mạch, đái đường… thì chỉ định lại hạn chế.
Phòng ngừa viêm amidan cho trẻ
Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng ngừa amidan cho trẻ là giữ gìn vệ sinh răng miệng và vệ sinh đường hô hấp trên. Có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 9% để làm vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ khi bé bị sổ mũi. Ở trẻ nhũ nhi, sau khi trẻ bú xong cần làm vệ sinh bằng cách rơ miệng cho trẻ bằng gạc y tế.
Đối với những trẻ đã có khả năng súc miệng đánh răng, nên hướng dẫn cho trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Tránh để cho trẻ đưa tay vào miệng, hạn chế chơi và thổi bong bóng.
Trong thời tiết chuyển mùa, giữ cho trẻ đủ ấm cũng quan trọng không kém, đặc biệt là giữ ấm cổ và tay chân. Không nên để trẻ ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ với nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ máy điều hòa phù hợp đối với trẻ là 25oC – 28oC.
Thường xuyên làm vệ sinh tấm chắn của máy điều hòa nhiệt độ và làm vệ sinh máy định kỳ là việc cần thiết phải làm để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp cho trẻ và cả gia đình. Nên để trẻ sống trong phòng kín gió, có nhiệt độ đủ ấm và thông thoáng.
Chăm sóc trẻ bị viêm Amidan như thế nào?
– Khi bé có những biểu hiện của viêm amidan, bạn cần làm theo những bước sau:
- Khám họng cho trẻ xem hai bên amidan có sưng không, có nổi mụt trắng không hay bé chỉ bị viêm họng thông thường.
- Kiểm tra nhiệt độ cơ thể, nếu trẻ sốt cao quá 38oC thì có thể hạ sốt bằng paracetamol và lau mát bằng nước ấm, mặc đồ thông thoáng cho bé.
- Dùng hai tay ấn nhẹ vào hai bên cạnh hàm để kiểm tra xem bé có bị nổi hạch cạnh hàm hay không.
- Kiểm tra tai và màng nhĩ xem tai bé có bị chảy mủ không.
- Cho bé uống nhiều nước giúp cho cơ thể bài tiết tốt và nhanh chóng hạ sốt.
- Không nên nài ép bé ăn trong lúc này, chỉ nên cho ăn thức ăn lỏng dễ nuốt như sữa hoặc cháo.
- Tránh cho trẻ súc miệng bằng nước muối và làm động tác ngửa cổ lên để khò nước. Việc này sẽ làm vi khuẩn lây lan nhiều hơn.
– Trẻ bị viêm amidan cấp hay mãn tính nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng.
– Gây apxe xung quanh amidan khiến toàn bộ vùng quanh amidan bị sưng tấy. Bệnh nhân bị sốt, nuốt thấy đau và bị nhiễm trùng nặng. Viêm amidan còn có thể gây nên viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản và khí phế quản.
– Viêm amidan còn gây nên những biến chứng rất nguy hiểm như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.
Những gợi ý sau có thể giúp làm nhẹ triệu chứng của viêm amidan
– Nghỉ ngơi nhiều. Ngủ giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Trẻ nên ở nhà cho tới khi không còn sốt và cảm thấy khỏe hơn.
– Uống nhiều nước, các chất lỏng dịu. Súp, nước thịt và chè rất tốt. Thực tế, súp gà có thể giúp kháng khuẩn.
– Súc họng bằng nước muối ấm. Đối với trẻ lớn, súc họng vài lần trong ngày có thể giúp làm giảm đau họng. Pha nửa tới một thìa cà phê muối trong 220 ml nước ấm. Phải nói với trẻ nhổ đi sau khi súc họng.
– Bác sỹ cũng có thể đưa cho trẻ dùng acetaminophen (Tylenol) để hạ sốt. Do nguy cơ của hội chứng Reye, không cho trẻ dưới 12 tuổi uống aspirin.
Cần cẩn thận với dùng quá liều acetaminophen. Uống liều cao, có thể gây rối loạn nặng ở gan. Để an toàn, không bao giờ cho trẻ dùng nhiều thuốc hơn liều khuyên dùng. Hãy hỏi bác sỹ hay dược sỹ nếu bạn có thắc mắc.
Đề phòng biến chứng khi trẻ hay bị viêm amidan
Mặc dù viêm amiđan thường không nặng, nó có thể gây biến chứng nếu không được điều trị. Hãy gọi cho bác sỹ nếu trẻ có hơn một tiêu chuẩn sau:
– Có các triệu chứng của viêm amiđan kéo dài trên 48 giờ, đặc biệt nếu kèm theo sốt cao từ 39,5oC trở lên.
– Có tiền sử viêm amiđan.
– Có đau họng nhiều hơn, mặc dù đã dùng kháng sinh.
– Đã bị viêm họng do liên cầu.
Hãy cho trẻ đi khám bệnh ngay nếu có khó thở hoặc khó nuốt hay có thêm dấu hiệu hoặc triệu chứng mới như đau đầu nặng, đau ngực, đau khớp, nổi ban hoặc nôn.
Làm gì khi trẻ bị viêm amidan liên tục?
Với những trẻ dưới 6 tuổi, thường thì không có chỉ định cho việc cắt hay nạo amidan vì sẽ mang lại nhiều biến chứng, vì vậy việc phòng tránh bệnh amidan cho trẻ bằng cách giữ ấm cho trẻ (nhất là phần cổ) chính là ưu tiên quan trọng nhất thời điểm này.
Nếu bị viêm amidan, trẻ có thể bị đau tai, sốt, đau đầu hoặc khi trẻ há miệng thì có thể nhìn thấy hai bên họng của trẻ bị sưng đỏ, có một lớp phủ màu trắng hoặc màu vàng có thể có thể được hình thành trên amidan. Trẻ bị viêm amiđan cũng có thể thay đổi giọng nói và có hơi thở hôi. Ngoài ra, khi thấy trẻ có triệu chứng đau bụng và nôn những gì đã ăn thì cũng rất có thể đó là dấu hiệu viêm amidan.
Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm amidan khi thời tiết thay đổi. Khi bị viêm, trẻ sẽ bị sốt kéo dài từ 3 – 5 ngày, lúc này cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng và độ tuổi.
Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ, mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Phổ biến nhất hiện nay là paracetamol (acetaminophen) vì thuốc tương đối an toàn, hạn chế tác dụng phụ không mong muốn do thuốc không ảnh hưởng tới dạ dày, ruột.
Liều hạ sốt của paracetamol được tính theo cân nặng của trẻ từ 10 đến 15 mg cho mỗi kg thể trọng trong một lần uống.Khoảng cách giữa hai lần uống là từ 4 đến 6 giờ.
Hiện nay, có rất nhiều loại biệt dược của Paracetamol với nhiều dạng hàm lượng khác nhau nên các bà mẹ cần xem kỹ hàm lượng thuốc và dạng dùng trên mỗi loại thuốc để chia liều cho đúng khi cho bé uống. Tránh vừa uống vừa nhét hậu môn thuốc hạ sốt cùng lúc vì sẽ gây quá liều thuốc.
Ngoài ra, khi trẻ bị sốt, mẹ cần chườm ấm, mặc quần áo mỏng cho trẻ để tránh co giật. Cho trẻ uống bù nước và điện giải.
Làm gì khi trẻ bị tái phát thường xuyên viêm amidan?
Đối với trường hợp viêm amidan ở trẻ cho tái phát thường xuyên, trong việc điều trị mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng nhiều thuốc tây vì sẽ gây nhờn thuốc và gây nhiều tác dụng phụ.
Mẹ có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để trị bệnh cho bé, hiệu quả không mang lại tức thì, có thể kéo dài ngày hơn nhưng lại khá an toàn và hiệu quả.
Nếu sử dụng các biện pháp trên mà bé vẫn không khỏi, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để được điều trị triệt để. Khi con thường xuyên bị nhiễm trùng amidan và con thấy khó thở vì của viêm amidan, thì các bác sĩ sẽ khuyên nên cắt bỏ amidan. Đây là liệu pháp điều trị cuối cùng mới cần áp dụng vì dù sao amidan cũng rất quan trọng với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Không nên lạm dụng kháng sinh khi trẻ hay bị viêm amidan
Viêm amiđan là một trong những bệnh hay gặp trong các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là ở trẻ em. Các bà mẹ thường sốt ruột, cứ thấy con viêm là lạm dụng kháng sinh, rất nguy hiểm.
TS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trước thói quen của nhiều bà mẹ: cứ thấy bé sưng amiđan là “nã” kháng sinh cho con.
Theo TS Định, viêm amiđan có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó, hai nguyên nhân phổ biến là viêm amiđan do virus và do vi khuẩn (như vi khuẩn liên cầu, tụ cầu…). Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi như sự thay đổi thời tiết đột ngột thì ăn đồ lạnh, môi trường bụi bặm… cũng là những tác nhân gây nên tình trạng này. Và với mỗi nguyên nhân gây viêm khác nhau đều phải có cách điều trị riêng, không thể áp dụng chung.trong một đơn thuốc cho mỗi lần viêm amiđan.
Trẻ bị viêm amiđan, đa phần người bệnh đều có các biểu hiện như: Mệt mỏi, kém ăn, sốt cao tới 39-40oC, đau họng, họng khô, rát, nóng, nuốt nước bọt cũng thấy đau, ho, có khi ho từng cơn. Đặc biệt ở trẻ em thường thở khò khè, ngáy to. Trong một số trường hợp, người bệnh có hơi thở rất hôi. Người bệnh không thể tự phân biệt mình viêm amiđan do virus hay vi khuẩn nếu chỉ dựa trên những triệu chứng này.
“Bác sĩ khám bệnh, nếu thấy hai viên amiđan sưng nhưng chỉ đỏ rực bề mặt thì phần lớn là viêm amiđan virus. Còn nếu thấy ngoài dấu hiệu sưng, đỏ rực lại thêm những chấm mủ trắng trên amiđan thì bệnh nhân được xác định viêm amiđan do vi khuẩn, buộc phải điều trị bằng kháng sinh để phòng bội nhiễm…”, BS Định nói.
Cụ thể, với những trường hợp viêm amiđan do vi rút, thường chỉ sau 4-5 ngày là bệnh tự khỏi mà không phải dùng thuốc kháng sinh. Bác sĩ chỉ cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt, giảm ho theo cân nặng, từ 4-6 tiếng một lần khi sốt cao 39oC trở lên. Người bệnh cần xúc miệng thường xuyên bằng nước xúc miệng diệt khuẩn, nâng cao thể trạng bằng dinh dưỡng hợp lý… bệnh sẽ lui nhanh chóng.
Nhưng với những trường hợp viêm amiđan do vi khuẩn, ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, súc miệng… thì bắt buộc phải uống kháng sinh theo chỉ dẫn để phòng biến chứng như áp xe tại chỗ, gây viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản…
Vì thế, khi có dấu hiệu viêm amiđan, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị đúng theo chỉ định của thầy thuốc, tránh lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết.
Để phòng viêm amiđan, mọi người cần hạn chế ăn đồ lạnh. Thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối pha loãng, đặc biệt trong các đợt dịch cúm, sốt xuất huyết… Tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, vitamin C để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng.
Trẻ hay bị viêm amidan tái phát có nên cắt amidan hay không?
– Trong thời gian qua, rất nhiều phụ huynh cũng đã gởi thư cho các bác sĩ tư vấn để thắc mắc về việc có nên cắt amidan cho trẻ hay không và nên cắt như thế nào? Như đã nói ở trên, amidan chính là cơ quan phòng vệ hữu hiệu nhất trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vì thế , nếu trẻ lên cân đều đặn, phát triển bình thường, amidan trắng hồng, trơn láng và không bị viêm mãn tính thì không nên cắt amidan cho trẻ. Rất nhiều người có quan niệm “cắt amidan trẻ sẽ lớn nhanh hơn”, đây là một quan niệm sai lầm.
– Chỉ nên cắt amidan khi trẻ bị viêm amidan cấp hơn một lần, amidan nhiễm trùng và có mủ. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm amidan mãn tính, khó nuốt khi ăn, ngủ ngáy, khó thở và có khả năng ngừng thở khi ngủ vì amidan sưng quá to. Amidan viêm sưng tái phát nhiều lần ảnh hưởng tới sức khỏe của bé (trên 5 lần/năm).
– Chỉ định cắt amidan phải được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa Tai – mũi – họng và bé cần phải được khám lâm sàng thật kỹ trước khi quyết định cắt amidan. Phẫu thuật cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản nhưng cũng có khá nhiều biến chứng tiềm ẩn bên trong vì khu vực amidan liên quan đến nhiều dây thần kinh quan trọng và thường ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng.
– Tạm thời không cắt amiđan khi: đang có viêm cấp hay có biến chứng tại chỗ; đang có nhiễm khuẩn toàn thân, có bệnh mạn tính chưa ổn định; có bệnh dịch hay ở vùng có bệnh dịch; phụ nữ có tha, kinh nguyệt.
– Có thể cắt amiđan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường 4-5 tuổi trở lên mới cắt. Tuy nhiên có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt vì amiđan quá to, cản trở hoặc gây biến chứng. Viêm amiđan cũng nằm trong bối cảnh bệnh lý đường hô hấp trên, vì thế vấn đề phòng bệnh đóng vai trò mấu chốt nhất. phòng bệnh ở đây chủ yếu là chống nhiễm lạnh và ô nhiễm không khí (chủ yếu là do hút thuốc lá).
Tổng hợp các tư vấn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm
Hỏi: Điều trị cho trẻ viêm amidan
Con tôi năm nay 3 tuổi đi khám bác sĩ nói bị viêm amidan và kê đơn cho cháu uống thuốc Augmentin Biểu hiện của cháu là 2 bên amidan to, khi ngủ ngáy to, khò khe. Tôi muốn hỏi nếu cháu không sốt, không ho, vẫn chơi bình thường thì có cần thiết phải uống kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ không, nếu uống liệu amidan có giảm kích cỡ không . Nếu không uống có sao không? (Nguyễn Diễm Ngọc)
Trả lời:
Qua triệu chứng mà bạn kể thì trẻ có thể bị viêm amidan quá phát. Đây là tình trạng viêm nhiễm lâu và xảy ra nhiều lần dẫn tới tổ chức Amidan trở lên to hơn cấu trúc bình thường. Amidan là hai tuyến hạnh nhân nằm hai bên hốc cạnh gốc lưỡi, ngay nơi tiếp giáp giữa hầu và họng, là cơ quan bảo vệ, có tác dụng trấn thủ ở ngõ của cơ thể, nơi mà các vi sinh vật hay qua đó để thâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Bởi vậy các cụ mới có câu ví là ” Bệnh vào từ miệng”. Agmentine là một kháng sinh có phối hợp giữa Amoxiclin với một hoạt chất có tên là Clavulanate, thuốc có tác dụng tốt trong các nhiễm khuẩn đường hô hấp và hầu họng cũng như những nhiễm khuẩn vùng thận tiết niệu.
Viêm amidan nếu không được điều trị triệt để có thể làm ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ của bé cũng như khả năng hay tái phát và một tỉ lệ gây thấp tim ở trẻ trên 5 tuổi, nếu những viêm nhiễm tại đây gây nên bởi một loại vi khuẩn có tên là Liên cầu Bêta tan huyết nhóm A.
Bác sĩ điều trị khi cho thuốc, kê đơn cho bệnh nhân bao giờ cũng phải cân nhắc hết sức cẩn trọng để sao cho thuốc có hiệu quả điêù trị cao nhất, ít gây ảnh hưởng nhất tới sức khoẻ của người bệnh nhất là đối với trẻ nhỏ.Vì thế bạn nên tôn trọng và thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Chúc bạn và bé khoẻ!
Hỏi: Giải pháp khi trẻ nhỏ bị viêm amidan mãn tính
Con gái em nay được 3,5 tuổi. Hồi tháng 2 bé có tình trạng ngủ ngáy và thở bằng miệng kể cả ban ngày, em đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) khám. Bác sĩ chỉ định nội soi và nạo VA. Nạo xong bé hết thở miệng nhưng vẫn ngủ ngáy.
Một tháng sau bé vẫn ngủ ngáy kèm sổ mũi, em đưa khám lại thì bác sĩ nói bé bị viêm amidan mãn tính, cho uống kháng sinh. Mỗi tháng bé lại uống 1 tuần trong 3 tháng liên tiếp.
Em thấy lo quá nên em tiếp tục cho bé qua bệnh viện Tai mũi họng (Trần Quốc Thảo) khám thì bác sĩ đầu tiên nói bé bi viêm amidan quá phát và yêu cầu cho cắt ngay, nhưng thấy bé còn quá nhỏ nên em lo và không cắt. Bác sĩ nói ‘nếu không cắt thì vì súc miệng bằng muối cho bé chứ theo bác không nên uống thuốc.
Vẫn lo lắng nên hôm sau em lại đưa đến bệnh viện này nhưng gặp bác sĩ khác. Bác cũng nói bé bị amidan quá phát nhưng cố gắng chịu cực mà chăm cho bé trên 5 tuổi rồi cắt. Bác cho 1 tuần kháng sinh. Sau 1 tuần tái khám lại gặp bác sĩ khác, bác này nói bé bớt rồi và cho thêm 1 tuần kháng sinh và cũng nói đợi lớn rồi cắt.
Từ đó đến nay gần 2 tháng bé không nóng sốt cũng không ho, ăn uống bình thường, bé được 16,5kg, nhưng có điều 2 amidan của bé lúc nào cũng sưng to, và ngủ ngáy, bé hoàn toàn không nằm ngửa được.
Vậy bác sĩ cho em hỏi trường hợp của bé khi lớn lên amidan có teo lại không? Và hiện tại có cách nào giúp bé cải thiện giấc ngủ không? Em cảm ơn Bác sĩ tư vấn nhiều ạ!
Trả lời:
Chào bạn,
Muốn trẻ em phát triển thể chất và tinh thần bình thường, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ, bắt buộc cháu phải ngủ ngon.
Vì ngủ ngon giúp trẻ nhanh lớn. Cháu sẽ ngủ ngon nếu đường thở thông thoáng. Tư thế trẻ ngủ ngon là nằm rất thoải mái và hít thở nhẹ nhàng, gần như không có âm thanh khi hít thở, môi hồng…
Viêm amidan là một dạng nhiễm trùng. Mỗi người sinh ra có 2 amidan nằm ở họng ngang với lưỡi gà có tác dụng bảo vệ vùng họng.
Khi amidan gây rắc rối nặng đến mức không chữa được bằng thuốc (trở nên gây hại), người ta có chỉ định cắt bỏ.
Cắt amidan phải rất cân nhắc, không phải thích cắt là cắt do giữ lại có lợi hơn:
– Chỉ cắt khi amidan sưng, đỏ, có mủ trên 4 lần/năm trong 2 năm liên tiếp.
– Khi được xác định là ổ chứa vi khuẩn liên cầu gây thấp khớp hở van tim.
– Khi amidan quá lớn gây chèn ép đường ăn đường thở.
– Khi amidan lớn 1 bên nghi ngờ ung thư và một số chỉ định đặc biệt để mở đường cho các phẫu thuật khác.
Trường hợp con bạn tôi thấy nên quyết tâm cắt amidan cho cháu. Mục đích là để khai thông đường thở vì con bạn có triệu chứng tắc nghẽn đường thở rõ như ngáy và không thể ngủ nằm ngửa.
Không nên chờ đợi nữa vì con bạn không thể chịu đựng khó thở thêm đến vài năm. Khó thở ngày càng tăng có thể gây tắc thở trong khi ngủ, nguy hiểm tính mạng.
Đó là chưa kể còn phải dùng rất nhiều thuốc kháng sinh không có lợi cho cơ thể trong vài năm nữa.
Cắt amidan gây mê trẻ em bây giờ làm rất nhiều. Bạn nên yên tâm vì hiện nay thuốc gây mê rất tốt và có nhiều loại thuốc gây mê rất an toàn cho trẻ em.
Chúc bạn nhanh có quyết định sáng suốt cho sức khỏe con mình.
Hỏi bác sĩ: Bé bị sưng amidan thường xuyên, phải làm sao?
Thưa bác sĩ,
Con trai tôi 3 tuổi. Cháu rất hay bị sưng amidan, tôi cho uống thuốc kháng sinh mà không thấy đỡ. Đi viện BS kê đơn mua kháng sinh, thuốc tiêu viêm, hạ sốt. Uống thuốc cháu chỉ bớt sốt còn amidan vẫn sưng to. 1 tháng cháu phải uống thuốc kháng sinh 2 lần là ít. Cháu hiện rất còi, tôi cũng chịu khó bồi bổ nhưng cháu vẫn vậy.
Xin hỏi bác sĩ, tôi phải làm gì để con tôi khỏi bệnh? BV nào chữa bệnh của con tôi là tốt nhất? Mong BS giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
3 tuổi là thời kỳ hệ miễn dịch chưa đầy đủ, sức đề kháng còn yếu. Do đó, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm siêu vi trùng và vi trùng. Nếu kèm theo tình trạng suy dinh dưỡng thì tình trang nhiễm bệnh còn cao hơn.
Bởi vậy, để trẻ khỏe mạnh, bạn phải có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vui chơi, môi trường sống… phù hợp với thể chất từng cháu. Chăm sóc cháu cẩn thận, chu đáo, vệ sinh sạch sẽ, phòng bệnh tích cực, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh: nơi đông người, trời lạnh hay nóng quá, môi trường ô nhiễm, điều trị tích cực các bệnh nhiễm siêu vi tránh các biến chứng nhiễm trùng…
Con bạn hay bị viêm amidan là hệ quả tất yếu của tiến trình này. Sau 4-5 tuổi, khi cơ thể khỏe mạnh hơn, sức đề kháng đầy đủ hơn, cháu sẽ bớt nhiễm bệnh.
Nếu cháu viêm amidan thường xuyên, gây ảnh hưởng tới phát triển thể chất (suy dinh dưỡng, khó thở, hơi thở hôi…), hay có những biến chứng nặng như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tim, viêm khớp… có thể phải cắt amidan. Bạn nên đưa cháu tới bệnh viện có BS chuyên khoa Tai Mũi Họng khám và điều trị tích cực nhé!
Các BV Nhi, BV Tai Mũi Họng hay các BV đa khoa có BS chuyên khoa Tai Mũi Họng đều có thể theo dõi, điều trị cho cháu được.
Chúc cháu chóng bình phục sức khỏe!
Xem thêm:
Trẻ Bị Viêm Họng Cấp, Sốt Cao Nhiều Ngày Liên Tục Có Nguy Hiểm Không?