Tật ngậm mút tay là thói quen rất thường gặp ở trẻ em và có rất nhiều bậc cha mẹ cố gắng tác trẻ ra khỏi thói quen này vì lo ngại ngậm mút tay không hợp vệ sinh dễ dẫn các bệnh cho con. Nhưng các mẹ cũng nên để ý vì ngậm mút tay là biểu hiện của nhiều dạng tâm lý khác nhau ở trẻ.
Nguyên nhân bé hay mút tay?
Bàn về hiện tượng mút tay, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết rằng vào những năm tháng đầu đời, việc ngậm mút tay được xem là một trong những trò chơi thú vị của trẻ. Lúc trẻ ngậm mút tay sẽ kích thích não trẻ sản xuất ra chất endophin (chất giảm đau nội sinh), giúp cơ thể trẻ được thư giãn và tạo cho trẻ cảm giác thích thú, tương tự như khi trẻ đang được ăn những món ăn mà trẻ yêu thích.
Theo diễn tiến tự nhiên, sau 6 tháng đầu tiên phản xạ ngậm mút tay của trẻ sẽ giảm dần. khoảng 70 – 90% số trẻ em có thói quen mút ngón tay cái, nhưng hầu hết các trẻ này sẽ tự động bỏ việc ngậm mút tay lúc được 3-5 tuổi.
Trẻ ngậm mút tay còn là biểu lộ trẻ đang cần sự trợ giúp để tìm được cảm giác bình yên khi trẻ đang đối diện với những lo lắng, căng thẳng nhất là khi không có mẹ bên cạnh. Ngậm mút tay tạo cho trẻ cảm giác được gần gũi, ấm áp như khi đang được bao bọc trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Thêm vào đó, trẻ thích ngậm mút nay có thể được lý giải bởi do trẻ đang cảm thấy đói. Theo nhận định từ những chuyên gia của Hiệp hội Nhi khoa Hoa kỳ (American Association of Pediatrics – AAP) thì hầu hết trẻ trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay. Ngậm mút tay giai đoạn này là một trong những biểu hiện của việc trẻ đói và có nhu cầu được bú sữa. Phần lớn trẻ sẽ bỏ tật mút tay khi được 1-2 tuổi, nhưng sẽ có khoảng 15% vẫn tiếp tục ngậm mút tay cho đến 4 tuổi. Cũng có một số trẻ thích mút ngón tay vào ban đêm hoặc thỉnh thoảng khi bị stress (căng thẳng tinh thần) quá nhiều dù đã lớn, vì mút ngón tay là phản xạ tự nhiên để trẻ tự làm dễ chịu bản thân mình khi mệt mỏi, buồn chán, đói hoặc cần thư giãn.
Thế nhưng thói quen mút tay ở trẻ cũng mang lại một số tác hại nhất định, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai. Vì vậy các bậc cha mẹ nên lưu ý và kiểm soát thói quen này của trẻ để giúp trẻ điều chỉnh tốt hơn. Vì bé từ 2 tuổi trở lên mà vẫn còn mút tay thì đó lại là biểu hiện của thói quen xấu.
Những điều gì không tốt do thói quen mút tay của trẻ mang lại?
Bé mút tay là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu khả năng miễn dịch của bé không tốt, rất có thể dẫn đến những bệnh truyền nhiễm. Khi tự thọc tay quá sâu vào miệng khiến bé dễ bị nôn/trớ, nhất là sau khi ăn.
Nếu bé mút tay quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ mặt. Hàm trên, hàm dưới cũng gặp những tác động, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của răng, và tổng quan là ảnh hưởng đến khuôn mặt của bé. Mút ngón tay thường khiến răng cửa của bé mọc hô về phía trước. Mức độ hô của răng phụ thuộc vào thời lượng bé mút ngón tay và vị trí mà bé đặt ngón tay. Nhưng các nha sĩ chỉ ra rằng độ lệch lạc của răng sữa do mút ngón tay không ảnh hưởng tới răng bắt đầu mọc hẳn khi trẻ khoảng 6 tuổi. Nếu bé gần 6 tuổi mà vẫn mút ngón tay, mẹ có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách ngăn chặn các vấn đề về răng.
Bé mút tay nhiều, lâu và dùng lực mạnh không chỉ làm bẹp đầu ngón tay, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương tay. Khi bé có răng mà vấn tiếp tục thích “món ăn” này, rất có thể sẽ khiến ngón tay bị thương khi bé vô tình nghiến vào.
Có rất nhiều bé cảm thấy chỉ mút tay là đủ. Đó không chỉ là “bữa ăn” khoái khẩu, mà còn là cách bé đùa nghịch với chính bản thân. Do đó, bé sẽ không muốn tham gia các hoạt động nào khác ngoài việc nằm cả ngày và măm măm ngón tay cái. Điều này lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, trí tuệ và sự hình thành tính cách của bé.
Cha mẹ phải làm gì?
Để giúp bé từ bỏ thói quen mút tay, các bậc cha mẹ hãy cùng tham khảo một số cách dưới đây:
– Khiến bé chú ý đến đồ vật khác: Ngay khi bé định đưa ngón tay lên miệng, bạn thử đánh lạc hướng bé, bằng cách động viên bé tham gia vào một trò chơi mà bé phải sử dụng cả hai tay.
– Sự hỗ trợ của bạn bè: Bạn bè đóng vai trò quan trọng với các bé ở mọi độ tuổi. Nếu mẹ cho bé làm quen với những bạn không có tật mút tay thì điều này sẽ tác động tốt đến bé. Nên nhờ các bạn của bé nhắc nhở khi thấy bé mút tay, dần dần, bé sẽ tự động rời xa thói quen này.
– Chọn thời điểm bé đã sẵn sàng: Nếu bé nói “Mẹ ơi, mút tay là xấu phải không? Con không muốn xấu” thì bé đang cần sự trợ giúp của bạn. Lúc này, bé đã biết xấu hổ, vì thế, 2 mẹ con nên có những “ám hiệu” riêng; ví dụ, khi bé đưa ngón tay lên miệng một cách vô thức, bạn thử tìm cách ra hiệu bí mật để bé “tỉnh ra”.
– Biện pháp khác: Quấn băng dính vào ngón tay mà bé hay mút, nhắc bé đây là hành vi không được phép. Nếu hành vi mút tay tái diễn nghiêm trọng, bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ. Để ngăn ngừa chứng mút tay vô thức, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một loại dung dịch bôi vào ngón tay cho bé.
Ngậm mút tay là thói quen bình thường của trẻ ở độ tuổi từ 1 -3. Cha mẹ cần lưu ý thói quen vệ sinh cần thiết cho trẻ như nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh. Đặc biệt là cha mẹ không nên quở mắng, đánh tay, hạn chế… vì như thế sẽ càng khiến trẻ mút tay nhiều hơn, dễ biến việc mút tay trở thành một sở thích.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về thói quen ngậm mút tay của trẻ. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên về tâm lý trẻ em để có biện pháp khắc phục hiệu quả hơn nếu trẻ có biểu hiện nghiện mút tay ở độ tuổi đã đề cập ở trên.
Xem thêm: