Bé biết lẫy được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng cho thấy sự phát triển của bé. Do đó, không ít các bà mẹ thắc mắc về câu hỏi trẻ mấy tháng biết lẫy? Và phải tập lẫy cho con như thế nào là đúng cách? Tất cả những thắc mắc trên của bạn sẽ được Healthyblog.net đề cập đến trong bài viết này.
1. Lợi ích của việc bé sớm biết tập lẫy là gì?
Có thể nói, khi bé bắt đầu tập lẫy thì ba mẹ sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi cớ, ngoài việc bạn phải thường xuyên canh chừng bé tập lẫy (vì trong quá trình tập bé có thể gặp tai nạn), nhiều bé khi tập lẫy có thể khóc và bố mẹ phải thường xuyên trợ giúp bé. Tuy nhiên, việc tập lẫy sớm có rất nhiều ích lợi đối với trẻ sơ sinh để có thể phát triển một cách toàn diện hơn. Do đó, trước khi đặt ra câu hỏi bé mấy tháng biết lẫy thì các chị em cần hiểu rõ về những lợi ích của việc bé biết lẫy sớm.
- Nếu bố mẹ chỉ đặt bé nằm ở một chỗ, việc nằm quá nhiều rất dễ khiến bé bị bẹp đầu vì đầu trẻ sơ sinh rất mềm. Bé biết lẫy sớm sẽ hạn chế tình trạng bẹp đầu, móp đầu một cách đáng kể.
- Tập lẫy là một bước quan trọng giúp các cơ của bé chắc khỏe, cứng cáp hơn. Từ đó bé mới đủ sức để tập trườn, bò hay ngồi.
- Tập lẫy thường xuyên cũng sẽ giúp các bé ngăn ngừa được tình trạng trẹo cổ không mong muốn.
- Bé lẫy nhiều thì có thể dễ dàng quan sát thế giới xung quanh ở nhiều góc độ hơn. Nhờ đó, việc tập lẫy sẽ giúp các bé phát triển trí tuệ một cách nhanh chóng hơn.
Vì những ích lợi nêu trên mà các bậc phụ huynh đừng nên bỏ qua việc tập lẫy cho bé yêu đúng cách, đúng thời điểm nhé.
2. Trẻ mấy tháng biết lẫy?
Vậy thì trẻ sơ sinh mấy tháng biết lẫy? Thật ra, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà thời gian biết lẫy của các trẻ sơ sinh cũng không giống nhau. Khi tìm hiểu về thời gian trẻ sắp biết lẫy, các khảo sát đã cho thấy phần lớn các bé sơ sinh sẽ bắt đầu biết lẫy trong khoảng thời gian từ 4 tháng. Đến 5 tháng thì hầu hết các bé đều đã biết lẫy. Một số bé biết lẫy sớm có thể bắt đầu học lẫy từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng. Số ít các bé chậm hơn thì có thể biết lẫy vào khoảng tháng thứ 6, thứ 7 hay thậm chí đến tháng thứ 8, thứ 9 (nhưng tỉ lệ này rất ít). Nếu các bé đến tháng thứ 6 mà vẫn chưa lẫy nghĩa là bé chậm lẫy và bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra nhé.
Một số chị em sinh sớm thường thắc mắc vì không biết trẻ sinh non mấy tháng biết lẫy? Với các bé sinh thiếu tháng, các bé có thể yếu hơn các trẻ sơ sinh khác nên thời gian lẫy của các bé có thể sẽ chậm hơn. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé vì khoảng tháng thứ 6 là các bé sinh thiếu tháng cũng đã đủ khỏe và cứng để có thể lẫy được rồi.
3. Dấu hiệu nhận biết bé đã có thể tập lẫy?
Đến đây thì bạn đã trả lời được câu hỏi trẻ mấy tháng biết lẫy? Thế thì một câu hỏi khác được đặt ra đó là “Làm sao để nhận biết bé đã đến thời điểm học lẫy?” Healthyblog.net xin được chia sẻ đến các chị em một số dấu hiệu để nhận biết rằng bé nhà bạn đã sẵn sàng tập lẫy rồi như sau:
- Thứ 1, bé rất hay nằm nghiêng. Đây là một dấu hiệu cho thấy não của bé đã có ý thức về việc tập lẫy.
- Thứ 2, nếu bạn đặt bé nằm úp xuống và thấy bé có thể chống tay hay cố gắng nâng phần đầu và ngực lên được thì cho thấy bé đã đủ cứng cáp để có thể tập lẫy.
- Thứ 3, khi cho bé nằm sấp, bạn nhận thấy bé có động tác như đang bơi bằng tay. Khi để một đồ vật gì ở gần bé, bé sẽ hướng đến đồ vật đó và cố gắng giơ tay như muốn chạm đến. Điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng tập lẫy và sắp lẫy được.
- Thứ 4, bạn nhận thấy gần đây bé rất hay nhấc hai chân lên và đưa qua đưa lại? Bé cũng thường cố đưa tay để nắm lấy bàn chân của mình? Vậy thì bạn có thể tập lẫy cho bé rồi đấy vì đây là dấu hiệu phổ biến ở các trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn sắp lẫy.
Dựa vào các dấu hiệu nhận biết nêu trên, bố mẹ có thể nhận ra rằng con yêu của mình đã đủ cứng cáp để sẵn sàng cho việc tập lẫy. Vì vậy, bố mẹ đừng quên chú ý và hỗ trợ để bé yêu sớm biết lẫy nhé.
4. Tập lẫy cho con đúng cách như thế nào?
Trẻ em mấy tháng biết lẫy đã có câu trả lời. Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để tập lẫy cũng đã có. Việc của các ông bố bà mẹ bây giờ là hỗ trợ và giúp con yêu tập lẫy đúng cách. Cách giúp bé tập lẫy:
Ban đầu khi mới tập lẫy cho bé, mẹ nên nhẹ nhàng đặt bé nằm sấp trên sàn hoặc nằm sấp trên ngực mẹ. Sau đó đặt đồ chơi trước mặt bé để giúp bé tập ngẩng đầu lên.
Sau khi bé đã ngẩng đầu quen một chút, mẹ nên đặt đồ chơi cách tầm tay bé một chút để bé học cách với lấy đồ chơi. Mẹ cũng có thể nằm cạnh bé, vỗ tay và mời gọi bé đến gần mẹ.
Các bé cần phải cảm thấy việc tập lẫy thật thú vị thì mới có thể thường xuyên và chủ động tập được. Vì vậy, mẹ hãy thường xuyên ở bên cạnh, động viên, khen ngợi và hỗ trợ bé nhé.
Ngoài ra, việc massage cho bé sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó thúc đẩy khả năng vận động của các bé.
5. Lưu ý khi tập lẫy cho bé:
Khi tìm hiểu về vấn đề: “bé mấy tháng biết lẫy”, các chị em cũng cần ghi nhớ những lưu ý sau đây nếu có tập lẫy cho bé:
- Mỗi ngày bạn chỉ nên tập lẫy cho bé tầm 4 – 5 lần, mỗi lần chỉ nên kéo dài khoảng 3 – 5 phút để tránh làm bé quá mệt mỏi và sẽ quấy khóc trong những lần tập lẫy tiếp theo.
- Mẹ tuyệt đối không nên tập lẫy cho bé sau khi bé vừa bú no vì sẽ khiến bé bị tức ngực, dễ dẫn tới tình trạng ọc sữa.
- Mẹ cần lựa chọn vị trí tập lẫy cho bé thích hợp: sàn đủ rộng, bằng phẳng và tránh ở trên cao để tránh trường hợp bé gặp phải tai nạn trong khi tập như đụng phải đồ đạc gì đó hay té xuống sàn.
Khi được ba mẹ hỗ trợ đúng cách, bé sẽ dễ dàng và yêu thích việc tập lẫy hơn. Do vậy, bố mẹ cần nắm rõ “trẻ mấy tháng biết lẫy” từ mặt thời gian, dấu hiệu nhận biết, các lưu ý cho đến cách tập lẫy cho con để có thể trở thành người đồng hành tuyệt vời nhất cùng bé bước qua từng cột mốc phát triển quan trọng nhé.