Updated at: 07-05-2020 - By: admin

Mụn mủ (Pustule) là những mụn nhỏ trên da, bên trong có chứa chất lỏng, lâu ngày thành mủ, bao quanh là vùng da đỏ. Mụn mủ trông giống như mụn trứng cá nhưng đã phát triển nghiêm trọng hơn, nguyên nhân đa dạng và có thể mọc ở bất kì đâu trên cơ thể, khiến trẻ đau nhức, khó chịu và quấy khóc. Khi trẻ sơ sinh bị nổi mẫn đỏ, mụn đỏ có mủ, các mẹ phải làm sao? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ có biểu hiện như thế nào?

Mụn đỏ có mủ thường gặp ở trẻ sơ sinh khi thời tiết nắng nóng, thường tồn tại ở các dạng dưới đây:

  • Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh: Thông thường sau khi sinh khoảng 2- 4 tuần, trên mặt trẻ sẽ xuất hiện những nốt mụn màu đỏ có mủ, mọc nhiều ở má, mũi và trán. Không cần tác động gì nhiều, các nốt mụn này sẽ tự biến mất sau vài ngày, vài tuần, nếu lâu hơn có thể là vài tháng.
  • Mụn kê, mụn sữa ở trẻ: là những mụn đỏ có mủ trắng thường mọc nhiều ở đầu, hoặc vùng cánh tay, chân, má, cổ, cằm và mũi của trẻ sau khi mới chào đời.

Trẻ Nổi Mụn Đỏ Có MủTrẻ sơ sinh bị nổi mụn kê, mụn sữa có mủ

  • Trẻ bị nổi mụn đỏ có mủ do phát ban nhiệt: Vào những ngày nóng bức, trẻ sơ sinh thường ra nhiều mồ hôi khiến lỗ chân lông dễ bị bít lại, do đó trẻ bị nổi mụn đỏ có mủ. Vị trí mụn mủ thường xuất hiện ở những vùng có nếp gấp, thường xuyên bị ẩm ướt như vai, ngực, nách, mông, bẹn, cổ,…
  • Mụn mủ: Những chỗ da mỏng thường xuất hiện những vùng da đỏ, bên trên có chứa chất lỏng, lâu ngày sẽ tạo thành mủ trắng. Mụn mủ có thể mọc ở bất cứ nơi nào trên cơ thể trẻ, có thể mọc riêng lẻ hoặc thành từng cụm, khi chạm tay vào sẽ đau. Khi va chạm nhẹ, mụn có thể bị vỡ ra, chảy mủ vì lớp bao mụn rất mỏng. Chính vì vậy, mụn mủ trên da thường dễ vỡ và dễ bị viêm, nhiễm trùng, thậm chí tình trạng có thể nghiêm trọng hơn dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ

Trong những tuần đầu tiên khi mới sinh, những kích thích tố dư thừa từ người mẹ sẽ được chuyển sang cho em bé thông qua sữa mẹ. Các hormon dư thừa này không chuyển hóa được sẽ kích thích tuyến dầu của bé và phát triển thành một bã nhờn. Lượng bã nhờn ngày càng nhiều sẽ bịt kín các lỗ chân lông gây ra tình trạng mụn nhọt ở trẻ.

Khi đó các bé trai sơ sinh sẽ có nhiều mụn hơn các bé gái, chủ yếu là mụn trứng cá trên mặt, da đầu. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, mụn mủ ở trẻ có thể phát triển thành mụn đầu đen. Tất nhiên, khi bé bất chợt bị mụn đỏ có mủ, bé sẽ thường rất đau đớn và khó chịu, cho nên các mẹ cần kiên nhẫn để điều trị và chữa lành mụn cho con, tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.

Trẻ Nổi Mụn Đỏ Có MủKhi bị nổi mụn đỏ có mủ, bé sẽ rất đau đớn và khó chịu

Việc trẻ bị nổi mụn đỏ có mủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như cha mẹ vệ sinh da cho bé không đúng cách khiến tế các bào da chết và bụi bẩn không được làm sạch mà tích tụ trên da. Đồng thời, làn da của trẻ sơ sinh thường mỏng manh, yếu ớt, dễ bị vi khuẩn tấn công nên hay bị nổi mụn đỏ hơn. Chỉ cần có vùng da bị trầy xước là vi khuẩn có thể xâm nhập, sinh sôi, phát triển và nhiễm trùng tạo thành những nốt mụn đỏ có mủ trên da bé.

Hơn nữa, nếu bé bị côn trùng cắn hay dị ứng thức ăn, môi trường, thời tiết cũng khiến da bị nổi mụn mủ. Đặc biệt, ở những trẻ bị mắc phải một số bệnh ngoài da như: ghẻ, vảy nến, thủy đậu, sởi,… cũng sẽ bị nổi mụn đỏ có mủ.

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ có nguy hiểm không?

Khi cơ thể trẻ có sức đề kháng tốt, những vi khuẩn có hại chỉ khu trú trong mụn, nhọt của trẻ. Nhưng nếu sức đề kháng của trẻ không tốt, vi khuẩn sẽ nhanh chóng di chuyển vào máu và gây nhiễm trùng huyết. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, có thể kèm theo co giật. Lúc này, nếu không được xử lý kịp thời, các mụn mủ này sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc bùng phát, có trường hợp trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ không được chữa trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Thậm chí, nếu phát hiện và điều trị trễ, tình trạng mụn mủ ở trẻ có thể gây ra các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi,… nguy hiểm đến tính mạng.

Khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ, bố mẹ nên làm gì?

Trong trường hợp trẻ bị nổi mụn đỏ có mủ nhưng lại mọc riêng lẻ, chỉ có một vài nốt mụn và bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Bởi lẽ, các nốt mụn này sẽ tự biến mất sau một thời gian mà không cần dùng bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào để can thiệp vào.

Tuy nhiên, khi trẻ bị mụn mủ, bố mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm cho trẻ bằng nước ấm (khoảng 33 độ C) mỗi ngày 2 lần để da bé luôn được sạch sẽ, lỗ chân lông được thông thoáng. Khi tắm cho trẻ, mẹ hãy vệ sinh tay sạch sẽ, sau đó dùng tay chà nhẹ lên các vùng da của bé thay vì dùng khăn để tránh làm xước da bé.

Trẻ Nổi Mụn Đỏ Có MủNên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tắm cho trẻ

Các mẹ nhớ nhé, tuyệt đối không ép hay chọc mủ ở các vết mụn bằng bất cứ hình thức nào với bất kỳ dụng cụ nào. Các nốt mụn này đến một thời điểm thích hợp sẽ “chín” và tự chảy mủ ra hết. Sau đó các vết mụn sẽ tự khô đi và đóng vảy lại, cuối cùng bong ra ngoài để trả lại làn da mịn màng cho bé.

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ – khi nào cần đến bệnh viện?

Không phải mọi trẻ bị nổi mụn mủ đều nguy hiểm cả. Chỉ khi trẻ bị mụn đỏ có mủ kèm theo triệu chứng như các nốt mụn đỏ có mủ ngày càng lan rộng thì cần nhanh chóng đưa bé đi thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác. Bên cạnh đó, nếu bé yêu cảm thấy khó chịu, gắt gỏng, ngứa ngáy và quấy khóc, thậm chí bỏ bú, bỏ ăn, lâu dần sẽ khiến trẻ bị còi cọc, chậm lớn.

Mặt khác, nếu xung quanh các nốt mẩn đỏ trở nên nóng, ửng đỏ tức là mụn đã  di chuyển vào máu và gây ra biến chứng. Đặc biệt, nếu bé bị mụn đỏ có mủ kèm theo sốt, nôn trớ kèm theo đó là tình trạng tiêu chảy thì cha mẹ không nên chủ quan mà cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị phù hợp như: sử dụng thuốc bôi, thuốc uống hoặc kết hợp cả hai loại trên.

Nếu trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ ung nhọt ngay, tránh trường hợp nổi thành hạch, mưng mủ với các biến chứng nguy hiểm, khó lường.

Có nên sử dụng các loại lá cây để tắm cho trẻ không? Câu trả lời là không nên. Việc sử dụng những loại lá cây cỏ trong vườn bừa bãi theo hình thức “truyền miệng” dân gian để tắm cho trẻ mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt có thể làm trẻ bị viêm da thêm, thậm chí khiến tình trạng của mụn nhọt tệ hại hơn. Bởi lẽ, làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vốn khá mỏng và yếu ớt, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng tự bảo vệ rất kém nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, mẩn đỏ nhiều hơn.

Cũng có một số loại lá cây, quả theo đông y thực sự có tác dụng, có thể tắm cho trẻ để làm dịu các vết mụn mủ như: rau rệu, cỏ mực, khổ qua (mướp đắng), lá chè xanh, chanh,… Tuy nhiên, còn tùy cơ địa của từng trẻ, cha mẹ không nên dùng tùy tiện vì không phải trẻ nào cũng có thể tắm được. Không chỉ có vậy, có nhiều loại lá cây lại mọc ở bờ bụi, nếu cha mẹ không rửa kỹ mà đem tắm cho con, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn da càng cao hơn.

Để phòng tránh mụn nhọt ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần làm gì?

Trước hết, cha mẹ hãy giữ gìn vệ sinh môi trường sống của bé thật tốt để vi khuẩn gây bệnh không còn chỗ sinh sôi. Khi trẻ bị mụn đỏ có mủ một phần là do môi trường sống không được đảm bảo. Chính vì vậy, cha mẹ nên để cho phòng ngủ của con được thoáng mát, nhà cửa luôn được lau chùi sạch sẽ, thường xuyên mở rộng cửa sổ đón khí trời thoáng mát. Chăn, ga, gối, đệm của trẻ cần được giặt sạch và phơi nắng thường xuyên khoảng 2 tuần/lần.

Đồng thời, để phòng tránh mụn mủ ở trẻ em, khi tắm cho trẻ, mẹ cần giữ cho đôi tay mình được luôn sạch sẽ, nhớ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi bế trẻ. Hàng ngày khi tắm gội cho bé, bố mẹ nên sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội dành riêng cho trẻ em với công thức an toàn từ thảo dược thiên nhiên là cách trị mụn mủ cho trẻ sơ sinh tốt nhất.

Trẻ Nổi Mụn Đỏ Có MủNên tắm cho trẻ bằng các loại sữa tắm dịu nhẹ có nguồn gốc thảo dược

Hơn nữa, cha mẹ nên sử dụng quần áo cho trẻ mặc có chất liệu mềm mịn, thoáng mát và thấm hút tốt như cotton. Cần chú ý thay quần áo cho bé mỗi khi thấy con bị ướt mồ hôi, ấm, dính vết bẩn do thức ăn,… cũng là cách phòng ngừa mụn mủ trên người trẻ.

Một điều đặc biệt lưu ý với các bậc phụ huynh khi chăm sóc cho trẻ bị mụn đỏ tuyệt đối không được cạy, chà xát các vết rôm sảy, mụn mủ, mụn nước,… trên da của trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến da của bé dễ bị mọc mụn mủ và lây lan ra khắp người.

Song song với đó, cha mẹ cũng nên cho trẻ vui chơi, sinh hoạt ngoài trời vào một số khoảng thời gian trong ngày, chẳng hạn vào lúc chiều tối khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Nếu có thể, các mẹ nên cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt để giúp bé tăng cường sức đề kháng, và đây cũng chính là một cách phòng chống trẻ sơ sinh bị nổi mụn đỏ có mủ hiệu quả.

Xem thêm:

Trẻ Bị Nổi Mẩn Đỏ Như Muỗi Đốt: Nguyên Nhân, Biểu Hiện

Nguồn tham khảo

  • https://www.conlatatca.vn/benh-tre-em/tre-so-sinh-bi-noi-mun-do-co-mu-bo-me-nen-lam-gi-66232.html
  • https://nutifood.com.vn/blog/tre-so-sinh-bi-noi-mun-mu-phai-lam-sao.html
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/323926.php
  • https://www.healthline.com/health/childrens-health/baby-acne

 

Rate this post