Chào đón một thành viên mới trong gia đình vừa bé bỏng vừa rất đáng yêu, bạn là người làm cha, làm mẹ sẽ thấy vô cùng hạnh phúc.
Nhưng đôi lúc, em bé nhỏ xinh của bạn có thể làm cho cả nhà rối tung lên vì tiếng khóc của mình, mặc cho bạn đã dùng đủ mọi chiêu trò nhưng vẫn không thể nào dỗ bé nín, đặc biệt là khi trẻ hay khóc đêm sẽ càng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Nhưng các mẹ đã hiểu hết ý nghĩa tiếng khóc của bé cưng hay chưa???
Giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh
Khóc được xem là lời chào đầu tiên của bé với thế giới. Đau đớn, đói bụng, nhõng nhẽo hay sợ hãi đều là những nguyên nhân có thể khiến bé cưng khóc ré lên. Tùy từng mức độ và tình huống, tiếng khóc của bé có thể mang theo nhiều ý nghĩa khác nhau.
Bé khóc do sinh lý
– Đói bụng
Một tiếng khóc chậm, to, tiếng khóc này gắn chặt với tiếng khóc kia, hoặc bé khóc rồi dừng lại, rồi lại tiếp tục khóc, xen lẫn với những động tác mút tay có thể là dấu hiệu cho mẹ biết bé đang đói, đặc biệt nếu 2 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lần bú trước.
Bé cũng có thể khóc vì đói ngay sau 1 thời gian ngắn khi đã được cho bú, vì có thể mẹ thiếu sữa, hoặc bé bú chưa no, hoặc sữa pha nhạt quá. Bé cũng có thể khóc do khát, với biểu hiện là tiếng khóc không to như khi đói.Lúc này các mẹ cần nhanh chóng cho bé bú hoặc uống nước để giải tỏa cơn đói hay cơn khát của bé.
– Buồn ngủ
Để thông báo rằng mình đang buồn ngủ, bé có thể bắt đầu với một tiếng khóc nhỏ. Sau đó, nếu bé vẫn không ngủ được, tiếng khóc sẽ lớn dần và ngày càng ồn ào hơn. Lúc này, bạn cần vỗ về và an ủi một chút để nhóc có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.
– Sợ hãi
Bụng mẹ là môi trường bé đã quen thuộc suốt trong nhiều tháng liền. Chính vì vậy, nhiều bé sẽ cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc với một môi trường mới. Bé sẽ dễ giật mình và khóc. Nếu nhóc của bạn cũng đang như vậy, bạn nên an ủi con và tạo cho bé cảm giác an toàn và được bảo vệ.
– Cảm giác không thoải mái
Có rất nhiều nguyên nhân làm bé không thoải mái, như cảm giác khó chịu vì ẩm uớt, đầy hơi hay tiếng ồn ào… Tất cả đều có thể làm bé khóc. Những lúc như vậy, mẹ nên kiểm tra kỹ để tìm nguyên làm con khóc. Nếu khóc vì tã uớt, mẹ hãy thay tã cho bé. Còn nếu vì thời tiết quá nóng làm con khó chịu, mẹ nên thay quần áo mỏng và thấm hút hơn cho con.
– Bị đau
Nếu bạn nghe tiếng khóc thét lên của con, có thể bé đang bị đau một chỗ nào đó trên cơ thể. Có thể do côn trùng cắn hoặc cũng có thể là do bao tay qúa chặt làm con bị đau. Ngay lúc đó, mẹ nên kiểm tra toàn thân của con, xác định bé bị đau ở đâu và xoa dịu chỗ đau cho con. Nếu không thể làm con hết đau, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi. Không nên thử những cách dân gian chưa được khoa học chứng minh để giúp con giảm đau. Vì đôi lúc, cách này sẽ làm hại con hơn là giúp con.
– Buồn
Nếu bé khóc thật to và bạn đã kiểm tra hết tất cả những lý do trên mà vẫn không tìm được nguyên nhân làm con khóc? Rất đơn giản. Dành cho con một cái nhìn hoặc một cái vuốt ve. Bé chỉ khóc vì không thể cảm thấy được sự quan tâm từ bạn mà thôi.
Bé khóc do bệnh
– Viêm ruột, tiêu chảy, các vấn đề về tiêu hóa, ký sinh trùng… cũng là nguyên nhân làm con khóc. Bắt đầu với tiếng khóc ổn định, không nhanh không chậm nhưng nếu nhìn kỹ, mẹ có thể thất gương mặt nhợt nhạt, đẫm mồ hôi của con. Thậm chí bé có thể bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc khóc lớn hơn khi mẹ đụng vào bụng.
– Nghet mũi, nhức đầu, cảm cúm: Trong những trường hợp này, bé sẽ khóc liên tục không ngừng nghỉ, đặc biệt là vào ban đêm. Kèm theo đó là sốt, khó thở và bỏ bữa. Nếu bé ngừng khóc và có dấu hiệu khò khè, bé có thể bị viêm phổi. Nếu tiếng khóc đi kèm với tiếng rên rỉ liên tục, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.
– Viêm tai: Nếu khóc, sốt và liên tục lắc đầu hay xoa tai, rất có thể bé bị viêm tai giữa. Mẹ nên đưa con đi khám để bác sĩ kiểm tra cẩn thận hơn.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nếu bé khóc suốt ngày, hoảng sợ và đổ nhiều mồ hôi, nhất là những lúc mẹ “xi”, có lẽ bé bị viêm đường tiết niệu. Nếu bé có nôn mửa và trong phân có máu, bé có thể bị lồng ruột.
Trẻ khóc “dạ đề” do tăng nhu động ruột
Với một số bé sơ sinh, có thể do chưa thích ứng được với môi trường mới nên mắc chứng “khóc đêm” hay còn gọi là khóc “dạ đề”. Các bé này ban ngày rất ngoan, nhưng đến đêm là bắt đầu khóc. Tình trạng này thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng sau sinh, và sẽ hết dần khi bé lớn lên.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do bé bị tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột của bé điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một số yếu tố y học chưa xác định được sẽ làm cho nhu động ruột tăng lên, hoạt động không đều gây đau bụng dữ dội làm cho bé khóc, hết cơn thì thôi. Tiếng khóc của các bé trong trường hợp này thường làm bố mẹ bị nhầm lẫn với nguyên nhân do thiếu canxi. Bé có thể khóc độ 15 – 20 phút, có bé khóc hàng tiếng đồng hồ, càng khóc bụng càng cứng vì đầy hơi.
Nếu đã kiểm tra và thấy không có biểu hiện bệnh lý hay sinh lý nào, các mẹ nên nghĩ đến trường hợp bé khóc “dạ đề”. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng khóc “dạ đề” có thể làm cho bé mất sức và gây tâm lý căng thẳng cho bố mẹ. Vì vậy, những lúc như thế các mẹ nên bế bé ở tư thế thật thoải mái để tạo cảm giác ấm áp và an toàn cho bé.
Sau một thời gian vật lộn với bé Na, chị Hoa cũng đã phát hiện ra con mình không đau ốm gì mà bé chỉ khóc dạ đề. Tìm hiểu kinh nghiệm của người chị họ bên Mỹ, mẹ Mai đã áp dụng một biện pháp rất hữu hiệu là ấp bụng bé lên bụng mẹ và xoa vuốt nhẹ vào lưng bé, hơi ấm của mẹ sẽ làm bé nhanh chóng cảm thấy thư thái hơn.
Các mẹ cũng có thể quấn bé trong một cái mền, massage cho bé hay bật nhạc êm dịu cho bé nghe để hai mẹ con cùng thư giãn.
Tại sao trẻ sơ sinh hay quấy khóc vào ban đêm?
Khóc dạ đề là biểu hiện khóc đêm của việc bé dưới 6 tháng tuổi. Bé quấy khóc rất lâu gần như liên tục hơn 3 tiếng và lặp lại nhiều lần trong tuần… Và đây cũng là nỗi ám ảnh của các bậc làm cha mẹ, đôi khi khiến họ mệt mỏi và căng thẳng…
Dấu hiệu nhận biết trẻ khóc dạ đề:
- Khóc kéo dài hơn ba giờ/ngày.
- Khóc ba ngày hoặc nhiều hơn/tuần.
- Khóc hơn ba tuần/tháng.
Nguyên nhân trẻ khóc dạ đề:
- Có một số trường hợp trẻ khóc dạ đề do trẻ không dung nạp thức ăn, thiếu hụt men tiêu hoá trong đường ruột, gây đau bụng từng cơn nhẹ
- Khóc dạ đề không phải là bệnh lý, nên nếu trẻ quấy khóc có ra mồ hôi trộm hoặc biếng ăn, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa để phát hiện bệnh.
Khi trẻ khóc dạ đề phải như thế nào:
- Nếu bé được xác định là hệ tiêu hoá không dung nạp được thức ăn, bác sĩ sẽ cấp cho mẹ một đơn thuốc bổ sung lactic cho nhu động ruột của bé hoạt động tốt hơn
- Còn nếu bé được bác sĩ xác định hoàn toàn không có vấn đề về bệnh lý. Thì các mẹ cứ yên tâm là con vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, trẻ khóc dạ đề cả đêm có thể khiến cả nhà mất ngủ, gây ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ của chung của bé và mọi người.
Nhưng làm cách nào giúp trẻ ngưng khóc dạ đề và ngủ ngon giấc?!
- Trước tiên, hãy chắc chắc rằng bé đã bú no đủ. Nếu bé chưa no thì dùng bình sữa, giữ cho bé nút bình sữa hoặc nếu bé đã no thì dùng ti giả cho bé mút, thói quen ngậm ti sẽ giúp bé dễ chịu hơn và dễ đi vào giấc ngủ hơn
- Dùng khăn bông mềm mịn, vắt nước ấm và lau mát khắp người bé. Sau đó, thay một bộ đồ cotton thoáng mát, giúp trẻ dễ đi sâu vào giấc ngủ hơn
- Dùng túi chườm ngâm nước nóng 70 độ C và vớt lên đắp vào thành bụng của bé, giúp bụng bé ấm áp, dễ chịu hơn
- Giọng hát ru ngọt ngào của mẹ giúp bé cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Hoặc nếu mẹ không biết hát thì mở nhạc nhẹ du dương, nhất là loại nhạc quen thuộc khi con còn trong bụng mẹ
- Đung đưa bé nhẹ nhàng bằng xe đẩy, nôi hoặc bế trên tay, ôm vào lòng mà đưa nhè nhẹ. Nhịp điệu êm đềm này sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ ngon.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm: Bình thường hay bất thường?
Trong thời gian từ 6-8 tuần tuồi, ngoài thời gian ngủ, bé thường dành 3 tiếng để khóc mỗi ngày. Phần lớn khoảng thời gian này rơi vào ban đêm và khiến các bà mẹ trở nên bối rối
Trẻ hay quấy khóc có đáng lo ngại hay không?
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khóc được xem như một báo hiệu về sự phát triển của trẻ trong những tháng đầu tiên. Sau khi sinh, bé có xu hướng khóc nhiều vào 2-3 tuần đầu tiên và đạt “mốc” ở tuần thứ 6-8. Sau thời gian này, thời gian bé khóc sẽ giảm xuống cho đến tháng thứ tư của con. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ hay khóc đêm, vì đây là khoảng thời gian giải tỏa căng thẳng trong một ngày dài.
Theo giả thuyết mới đây của David Haig, một chuyên gia về sinh vật học và di truyền thuộc trường đại học Harvard được công bố trên tạp chí Evolution giải thích nguyên nhân bé hay khóc đêm là trì hoãn việc mang thai lần kế tiếp của mẹ bằng cách khiến mẹ kiệt sức và không rụng trứng.
Báo cáo cũng cho rằng, việc thức đêm cho con bú cũng là một trong những cách ngừa thai hiệu quả, gọi là cho bú vô kinh. Giáo sư David Haig cũng cho biết thêm, những bé bú mẹ thường có xu hướng khóc đêm nhiều hơn, nhất là từ tháng thứ 6 trở đi.
Ngoài ra, có khoảng 20% trẻ sơ sinh có xu hướng bị “hội chứng quấy khóc” hay còn gọi là khóc dạ đề. Hội chứng quấy khóc là một thuật ngữ y khoa dùng để mô tả tình trạng khóc dai dẳng không nín ở một em bé khỏe mạnh. Nếu bé dưới 5 tháng tuổi khóc không nín hơn 3 giờ liên tục, trong vòng 3 ngày một tuần trở lên và trong ít nhất 3 tuần mà không có một lời giải thích y khoa nào khác cho biểu hiện trên, bé có thể đang gặp phải hội chứng quấy khóc.
Nếu bé mắc phải hội chứng quấy khóc, bụng bé thường căng to, đầu gối co lên, lưng cong đồng thời xì hơi khi khóc. Tuy nhiên, càng khóc, bé càng nuốt nhiều không khí hơn vào bụng. Điều này làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Hiện nay không có cách chữa trị cũng như “thuốc đặc trị” cho tình trạng trẻ hay quấy khóc nói trên. Tuy nhiên, bác sĩ có thể gợi ý cho các bậc cha mẹ cách giúp bé giảm quấy khóc hay những biểu hiện khó chịu khác. Một điểm tốt cần được nhắc đến là tình trạng này sẽ cải thiện sau 3 đến 4 tháng. Tình trạng trẻ hay quấy khóc sẽ biến mất khi bé được 5 tháng tuổi.
Colic – Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh
Như các bạn đã biết, hội chứng colic tự nhiên xảy ra và cũng sẽ tự nhiên mất đi. Tất cả những gì bạn cần để đối phó với ‘thử thách” này là thời gian và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, vẫn có một số biện pháp giúp bạn chủ động khắc phục và làm chủ được tình huống. Dưới đây là những cách thức giúp bạn xoa dịu cơn khóc quấy của bé.
Colic là gì?
Colic là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng khóc dai dẳng không nín ở một đứa trẻ khoẻ mạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hội chứng này thông thường bắt đầu từ khi bé được 2 – 4 tuần tuổi kéo dài cho đến khi được 3 – 4 tháng tuổi. Việc dỗ bé nín không hề dễ dàng, đôi khi có thể khiến bố mẹ cảm thấy bất lực. Colic là một hội chứng tự phát, điều này có nghĩa là không có nguyên nhân rõ ràng cũng như không có “thuốc đặc trị”.
Triệu chứng ra sao?
- Khóc thét dữ dội, mặt đỏ ửng lên, xảy ra cùng một thời điểm trong ngày – thường là khóc về chiều, tối và khuya (dân gian gọi là “khóc dạ đề”)
- Tay nắm chặt, bụng căng, đầu gối co lên, và lưng cong
- Giấc ngủ không sâu và bé thường khóc ré lên khi đang ngủ.
- Viêc ăn uống cũng bị đứt quãng bởi những cơn khóc quấy.
- Bé ợ hơi khi đang khóc to.
- Khóc từng cơn với cường độ khác nhau, không thể dỗ dành được.
Nguyên nhân?
Các nhà khoa học đang cố gắng tìm câu trả lời hơn 50 năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này.
Có một giả thuyết cho rằng đó là do hệ tiêu hoá non nớt của trẻ đang dần hình thành, nên có thể trẻ sẽ bị đau dạ dày vì bị dị ứng hoặc không dung nạp được một số chất có trong sữa mẹ và sữa công thức.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như hệ thần kinh của trẻ vẫn còn đang phát triển và chưa ổn định, hoặc trẻ thấy đau khi ợ hơi.
Colic có nguy hiểm không?
Câu trả lời là không, ngoại trừ việc nó gây căng thẳng cho bố mẹ. Nếu quá sốt ruột, bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ nhi để kiểm tra xem trẻ có mắc chứng thoát vị hay một căn bệnh nào hay không.
Nên nhớ chứng khóc quấy này không làm bé đau đớn gì cả, có chăng là bố mẹ thấy ‘không chịu đựng nổi’ mỗi khi thấy con mình khóc mãi không thôi.
Cách “chữa trị”
Tuỳ theo từng nguyên nhân mà có biện pháp riêng cho từng trường hợp:
Phản ứng tiêu hoá hoặc dị ứng với sữa:
Nếu bé bú sữa mẹ, có thể trong sữa mẹ có một số chất từ thực phẩm gây ra hội chứng colic như: sữa bò, sô-cô-la, rượu, trà, rau cải, hành, thức ăn cay và đậu. Các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và thay đổi sang một chế độ ăn uống cân bằng, có lợi cho sức khoẻ hơn.
Nếu bé bú sữa công thức, bé có thể bị dị ứng sữa. Trong trường hợp này nên đổi sang loại sữa ít gây dị ứng hơn. Chỉ nên cho bé bú khi thật sự đói. Đây được gọi là “cho ăn theo nhu cầu”.
Hệ thần kinh chưa hoàn thiện và ổn định:
- Ôm chặt lấy bé hoặc quấn bé vào một chiếc khăn/mền mỏng.
- Tạo môi trường yên tĩnh, giảm bớt tiếng ồn, tắt bớt đèn.
- Ẳm bé lúc lắc trên tay hoặc đung đưa trên nôi/võng.
- Những tiếng ồn hoặc rung động lặp đi lặp lại có thể làm dịu cơn khóc quấy của bé. Thử bật các thiết bị như: máy hút bụi, máy giặt, máy sấy tóc…
- Có thể cho bé ngậm núm vú giả, ngón tay bé
- Cho bé đi tắm hoặc mát-xa bé nhẹ nhàng.
Ợ hơi
Vỗ lưng cho bé ợ hơi sau khi bú xong. Ẵm bé tựa trên vai, đặt bé ngồi thẳng trên đùi bạn, hoặc lật úp người bé cho nằm trên chân bạn, sau đó vỗ hay xoa nhẹ vào lưng bé.
Nếu bé bú mẹ nên chú ý tư thế cho bé bú sao cho bé càng đứng thẳng càng tốt. Ngoài ra nến kiểm tra xem bé có ngậm ti mẹ đúng cách chưa.
Nếu bé bú bình, đảm bảo bé không nuốt hơi từ bình sữa. Cho bé ngồi thẳng khi cho bú.
Làm gì khi bố mẹ bị căng thẳng?
Nếu bé của bạn khóc dai dẳng và bạn không thể dỗ bé nín, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy kiệt sức. Hội chứng colic có thể gây ra stress cho bạn và cả chồng bạn. Bạn càng lo lắng, căng thẳng, bạn càng khó xoa dịu được bé.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy “không chịu đựng nổi”, hãy đặt bé nằm ở một nơi an toàn như nôi/cũi và bước ra bên ngoài để giữ cho mình bình tâm trở lại. Ngoài ra có thể giao bé cho người thân để bạn nghỉ ngơi một chút. Nghỉ giải lao “giữa hiệp” sẽ có lợi cho cả mẹ và con. Tinh thần bạn thư giãn, thoải mái, không bị kích động thì bé có xu hướng “bắt chước” theo bạn đấy.
Điều quan trọng cần ghi nhớ việc bé khóc quấy không phải do lỗi của ai cả cũng như bé sẽ không hề bị tổn hại gì. Colic là một “hiện tượng thoáng qua” trong giai đoạn phát triển của bé. Khi bé càng lớn, hội chứng này càng bớt đi và sẽ biến mất trước khi bạn nhận ra điều đó.
Mẹ nên làm gì khi con khóc?
– Nói chuyện với cục cưng của bạn: Không phải tất cả các trường hợp bé khóc đều bày tỏ sự khó chịu hoặc đưa ra một “đòi hỏi” nào đó. Đôi khi đó chỉ là cách bé muốn mẹ biết về sự hiện diện của mình. Những lúc này, giọng nói của bạn chính là cách tốt nhất để tâm trạng của bé dịu xuống.
– Kiểm tra nhu cầu cơ bản của bé: Thông thường, bé khóc để bày tỏ những mong muốn và nhu cầu của mình. Con có đang cần thay tã? Con đói hay cảm thấy đau? Một số bé khóc vì cảm thấy không thoải mái với vị trí hiện tại của mình hoặc chỉ cần được dỗ dành.
Ngoài tiếng khóc, mẹ có thể quan sát một số cử chỉ của bé khi khóc. Chẳng hạn như lúc đói, bé thường khóc và mút ngón tay. Chú ý những hành động nhỏ của con có thể giúp mẹ nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân làm con khóc.
– Massage cho bé: Tâm lý của bé sẽ được thoải mái hơn nếu được mẹ massage cho. Đồng thời, massage cho bé cũng là cách giúp ngăn ngừa và loại bỏ khó chịu trong trường hợp bé bị đầy hơi.
– Cho bé nghe nhạc: Tương tự người lớn, những âm điệu nhẹ nhàng có thể giúp bé thư giãn và thoải mái hơn. Mở cho con nghe những bài nhạc mẹ thường nghe khi mang thai. Theo thống kê, nhiều bé có dấu hiệu ngừng khóc ngay khi tiếng nhạc vừa cất lên.
Lưu ý: Khi trẻ khóc thét từng cơn có thể là triệu chứng tắt ruột ở trẻ sơ sinh
Bé đang khỏe mạnh đột nhiên khóc thét, đau quằn quại, đồng thời bé giơ cao chân. Lúc này, ba mẹ cần nghĩ ngay tới khả năng bé bị tắc ruột. Một đặc trưng để phân biệt tình trạng này với hội chứng quấy khóc là các triệu chứng trên ngày càng dồn dập và nghiêm trọng đi kèm với hiện tượng bé bị nôn ói.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu bị lồng ruột, một loại tắc ruột thường xảy ra ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn từ 5 tháng đến 2 tuổi. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng trẻ, vì vậy cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức vì bé có thể cần được phẫu thuật.
Đối phó với một thiên thần nhỏ đang “mè nheo” dù vì bất cứ lý do gì cũng khiến các mẹ bối rối và lo âu. Tuy nhiên, do tâm trạng mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến bé, vì vậy các mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân bé khóc để tìm ra cách xử lý phù hợp.
Nên nhớ dù bé khóc vì nguyên nhân gì, các mẹ hãy nhanh chóng dỗ nín bé, vì nếu để mặc bé sẽ khóc nhiều hơn và vất vả hơn. Khi la khóc quá lâu bé sẽ hít thở không khí quá nhiều vào đường ruột và dạ dày, có thể gây nên chứng bệnh phình bụng to và ảnh hưởng lâu dài đến phát triển tâm lý của bé.