Có lẽ nhiều người không còn xa lạ khi nghe đến cụm từ “trẻ tự kỷ”. Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ theo thống kê đến năm 1990 là 6/1000. Đến năm 2007 số liệu này đã tăng lên 1/150, trong đó tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái. Nhiều cha mẹ cũng băn khoăn về việc con mình có đang mắc chứng tự kỷ hay không và nếu con mình mắc bệnh thì nên làm gì để dạy trẻ tự kỷ và chữa trị, can thiệp ở đâu.
Bài viết dưới đây giúp cha mẹ giải đáp những thắc mắc trên để kịp thời giúp trẻ sớm khắc phục những khiếm khuyết mà căn bệnh gây ra, giúp trẻ giao tiếp hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống.
Trẻ tự kỷ và các dấu hiệu nhận biết:
Tự kỷ không chỉ là một trạng thái tâm lý mà là một hội chứng gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cho trẻ, dễ nhận thấy nhất chính là khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ không bình thường và hiệu quả như những trẻ không mắc tự kỷ. Hơn nữa, trẻ mắc tự kỷ không tự nhiên “khỏi bệnh” khi trẻ lớn hay trẻ có thể tự mình xử lý được. Vì vậy cha mẹ cần quan sát và nhận biết con có mắc bệnh tự kỷ hay không để hỗ trợ con chữa trị sớm.
Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện rất đa dạng và không giống nhau ở mỗi trẻ nhưng thông thường có những biểu hiện ở những khía cạnh sau đây:
Tương tác xã hội:
Trẻ tỏ ra ngại tiếp xúc với người lạ và bé thường tránh nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện hay tương tác. Điều này có thể nhầm lẫn với bé nhút nhát, tự ti hoặc gây khó chịu, khó khăn cho bố mẹ hoặc thầy cô khi giao tiếp với trẻ. Trẻ cũng thường thích chơi một mình, tự cô lập bản thân dù đang ở trong một môi trường tập thể, đông người. Có những trường hợp trẻ có thể không nhận biết người thân quen của mình.
Trẻ tự kỷ thường thích chơi một mình
Giao tiếp với người khác:
Khi trẻ có biểu hiện chậm nói hoặc chậm phản ứng khi được bố mẹ gọi tên có thể trẻ đã mắc chứng tự kỷ. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và sử dụng ngôn ngữ hơn so với bạn bè cùng tuổi.
Trẻ tự kỷ thường nói chậm do đó bé càng có xu hướng không muốn biểu đạt bằng lời nói thay vào đó là các dấu hiệu hoặc tránh né việc giao tiếp. Trẻ tự kỷ cũng thường lặp lại lời người khác nhưng không hiểu được ý nghĩa và không tương tác với lời nói của người xung quanh tốt.
Về mặt hành vi
Phụ huynh cũng cần lưu ý các dấu hiệu về mặt hành vi của trẻ tự kỷ sau đây: Trẻ mắc chứng tự kỷ thường có thói quen lặp đi lặp lại những hành động như xoay người, lắc đầu, vỗ tay,…và thường tự chơi một mình với một số đồ vật quen thuộc mà không có mong muốn phải thay đổi đồ chơi, địa điểm hay tư thế.
Khi bố mẹ nhận thấy trẻ hay gắn bó quá mức với một hoặc vài món đồ vật nào đó và thân thiết, xem như người bạn thân thiết của mình thì có thể trẻ đã mắc chứng tự kỷ.
Trẻ thường sắp xếp mọi vật theo một trật tự nhất định, nếu có sự xáo trộn trẻ sẽ cảm thấy hoang mang và có cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, giận dữ. Một số trẻ tự kỷ có khả năng đọc mặt chữ hay có trí nhớ tốt ngay từ nhỏ, trẻ có thể nhớ được câu chuyện hoặc các câu trả lời nếu được bố mẹ dạy học sớm mặc dù chưa hiểu hết về những gì được học.
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ:
Trẻ tự kỷ cần học cách giao tiếp bằng mắt
Dạy học cho trẻ tự kỷ cần hiểu rõ nguyên nhân, những khó khăn, khiếm khuyết mà từng trẻ gặp phải. Đồng thời, người giúp đỡ, dạy trẻ có thể là bố mẹ hoặc giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại nhà cần có phương pháp cùng như sự kiên nhẫn để áp dụng được vào từng trình trạng bệnh thực tế của trẻ.
Trẻ tự kỷ có xu hướng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người khác vì chúng cảm thấy sợ sệt điều gì đó. Để giúp trẻ học giao tiếp bằng mắt, bố mẹ hoặc giáo viên có thể bắt đầu bằng việc thu hút sự chú ý của trẻ vào gương mặt mình như dán hoặc vẽ những hình ảnh ngộ nghĩnh lên trán, mũi, má và sau đó tương tác bằng mắt với bé hoặc nhắc bé nhìn vào mắt mình.
Khuyến khích trẻ nói bằng nhiều cách, trong đó bắt đầu bằng những sự vật, sự việc con thích hoặc liên quan đến trẻ hằng ngày, những món đồ chơi mà con yêu thích và chơi cùng con vừa trò chuyện mỗi ngày. Bố mẹ có thể yêu cầu trẻ nói khi cất đi đồ chơi ở một nơi bé không tự lấy được hoặc cần nhờ bố mẹ giúp mình trong một việc nào đó.
Trẻ tự kỷ có xu hướng phản xạ giao tiếp không tốt bằng các trẻ bình thường, do đó ngoài việc học nói cũng cần rèn cho trẻ khả năng nghe, cảm nhận và phản ứng với âm thanh. Hãy sử dụng tên của trẻ và nhắc lại nhiều lần với âm lượng lớn đến khi bạn nghĩ đã đạt được sự chú ý từ trẻ.
Hãy nói những điều có liên quan đến thời gian và những sinh hoạt hằng ngày của trẻ (lúc ăn, ngủ, tắm) và những điều được lặp đi lặp lại hàng ngày. Nên giúp trẻ có khả năng hiểu và tăng phản xạ ngôn ngữ cơ thể qua các bài hát quen thuộc hàng ngày có âm thanh từ nhỏ đến lớn dần, có hình ảnh sinh động và cử điệu để trẻ bắt chước và lặp lại.
Bố mẹ hoặc giáo viên cùng hát và nhảy múa, lặp lại các động tác chung với trẻ. Khuyến khích trẻ nhảy hoặc lắc lư, bắt chước theo đúng nhịp của bài hát, có thể nhấc bổng và nhảy hoặc quay tròn bé hoặc phối hợp với bé thực hiện những động tác chung. Khi hoạt động chung, hãy sử dụng những câu đơn giản để nói chuyện và tạo sự chú ý với trẻ “vặn nhỏ lại”, “cùng nhảy nào”,…
Những phương pháp dạy trẻ tự kỷ mới nhất thường sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ. Công nghệ mới và các phương pháp hỗ trợ trực quan hỗ trợ người dạy trẻ dễ dàng tập nói và cảm thấy vui vẻ hơn. Một số ứng dụng tương tác sinh động và trò chơi thiết kế riêng cho trẻ tự kỷ giúp việc học của các bé trở nên thú vị và đỡ nhàm chán hơn.
Cách dạy trẻ tự kỷ tại nhà:
Trẻ tự kỷ cần học được các kỹ năng cơ bản
Trẻ tự kỷ có thể được can thiệp tại nhà bằng cách bố mẹ dành thời gian tìm hiểu các kiến thức liên quan đến bệnh qua sách dạy trẻ tự kỷ, tài liệu dạy trẻ tự kỷ hoặc tham gia các khóa học dạy trẻ tự kỷ để tự giúp con tại nhà hoặc tìm đến giáo viên có kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ tại nhà hỗ trợ trẻ nếu cha mẹ không có điều kiện thuận lợi để đưa con đến các trung tâm hỗ trợ và chữa trị chứng tự kỷ.
Điều cần thiết khi điều trị trẻ tự kỷ là giúp trẻ nói và sử dụng được ngôn ngữ, một số cách dạy trẻ tự kỷ phát triển ngôn ngữ được cho là khoa học và đã áp dụng hiệu quả như dạy trẻ cách bật âm thanh, khuyến khích trẻ nói thay vì sử dụng dấu hiệu hay hành động, sử dụng được từ ngữ đơn giản để giao tiếp, trình bày mong muốn của bản thân bằng lời nói và phản ứng với lời nói từ bố mẹ hay mọi người xung quanh.
Cách dạy trẻ tự kỷ tập nói là để trẻ bắt đầu với những gì trẻ quan tâm hoặc một số hành động quen thuộc hằng ngày, khuyến khích trẻ lặp đi lặp lại các câu nói đơn giản như cảm ơn, xin lỗi, cách gọi ba mẹ, xin phép, chào hỏi. Khi trẻ nói hoặc hỏi, bố mẹ cần động viên và khen ngợi trẻ cũng như phản ứng, trả lời lại những gì trẻ nói.
Gia đình cũng được xem là môi trường tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ vì cho trẻ cảm giác thân thuộc, có thể sử dụng tất cả các phương tiện sinh hoạt tại nhà như các đồ dùng dạy trẻ tự kỷ để tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào thực hành các kỹ năng chăm sóc bản thân bên cạnh sự quan sát, giúp đỡ của cha mẹ. Các bố mẹ có con tự kỷ hoặc giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại nhà cần kiên nhẫn cũng như khuyến khích trẻ tự làm những công việc đơn giản thay vì che chở hay làm thay con quá mức vì sẽ khiến con càng cô lập và trở nên tách biệt khỏi cuộc sống vì không thể làm được những việc như các bạn khác.
Giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần kiên nhẫn với trẻ
Ngoài ngôn ngữ và kỹ năng cơ bản, có thể dạy trẻ tự kỷ học toán khi trẻ bắt đầu lên 5 tuổi, lúc này trẻ đã có khả năng nhận biết và ghi nhớ số cơ bản. Trẻ càng được tiếp xúc với toán học càng phát triển về tư duy và trí tuệ. Ban đầu bố mẹ chỉ nên cho trẻ học đếm cơ bản từ 1-10 bằng ngón tay, que tính hoặc các dụng cụ đếm số màu sắc. Sau Khi học đếm nên giúp trẻ biết so sánh số nào lớn hơn hay nhỏ hơn, hoặc so sánh độ lớn nhỏ giữa các đồ vật với nhau như ngôi nhà với quả bóng, cái ly với cái bàn,…
Có nên cho trẻ đến các trung tâm dạy trẻ tự kỷ?
Cần kết hợp trị liệu cho trẻ cả ở trung tâm và ở nhà. Tại mỗi trung tâm trị liệu trẻ tự kỷ thường được trang bị đầy đủ trang thiết bị thiết bị, giáo cụ trực quan, sinh động, có đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên về phương pháp dạy trẻ tự kỷ trong lớp hòa nhập và có giáo trình dạy trẻ tự kỷ được biên soạn cụ thể. Các chuyên gia tâm lý, giáo viên trị liệu sẽ lắng nghe và hướng dẫn những phương pháp can thiệp và trị liệu phù hợp giúp cho trẻ tự kỷ và người thân biết cách cải thiện tình trạng khó khăn của trẻ.
Một số trường dạy trẻ tự kỷ ở thành phố Hồ Chí Minh có chức năng phát hiện sớm, can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ, trong đó có trẻ gặp hội chứng tự kỷ và triển khai các chương trình hỗ trợ học đường cho trẻ gặp khiếm khuyết, khó khăn có cơ hội việc làm cũng như hòa nhập tốt vào cuộc sống như trường dạy trẻ tự kỷ Rồng Việt, trung tâm dạy trẻ tự kỷ Sao Mai và trung tâm Hướng Dương.
Tương tự cũng có các trường dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội như Trung tâm Thiên Thần Nhỏ có đội ngũ giáo viên sẵn sàng hỗ trợ trẻ, Trung tâm chăm sóc, dạy trẻ tự kỷ Phúc Tuệ có học phí bằng 1/3 học phí tại các trung tâm khác hoặc Trung tâm chăm sóc và giáo dục chuyên biệt Ánh Sao có có chương trình hỗ trợ đa dạng dành cho từng trường hợp khác nhau.
Ngoài ra tại các tỉnh thành khác cũng có những cơ sở hỗ trợ trẻ tự kỷ khác như Trường dạy trẻ tự kỷ ở Cần Thơ có Trường tiểu học Ngôi Sao & mầm non Ngôi Sao 2, Trường dạy trẻ tự kỷ ở Bình Dương có thể nhắc đến Trường Mầm non chuyên biệt Đại Nam, Trường dạy trẻ tự kỷ ở Hải Phòng có Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hải Phòng, Trung tâm dạy trẻ tự kỷ tại Đà Nẵng có Trường chuyên biệt Tương Lai hoặc Trung tâm Hướng Dương.
Kết luận
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên cần rất nhiều sự đồng hành và hỗ trợ từ cha mẹ, giáo viên cũng như cộng đồng xung quanh bé. Hiểu được những cách dạy trẻ tự kỷ là hành trang bước đầu trong việc chữa trị cho trẻ tự kỷ. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin bổ ích và thiết thực hỗ trợ phần nào các bậc phụ huynh trong hành trình tìm lại sự hòa đồng và cuộc sống bình thường cho con.
Nguồn tham khảo:
http://tretuky.org.vn/chi-tiet-tin/mot-so-phuong-phap-day-tre-tu-ky-335.html
https://baomoi.com/day-tre-tu-ky-tai-nha-can-su-quyet-tam-va-dong-long-cua-gia-dinh/c/23182243.epi