Chưa bao giờ tình trạng sức khỏe lại ở mưc báo động như hiện nay. Đừng nói hoa quả, thực phẩm bẩn từ Trung Quốc xuất hiện tràn lan mà ngay cả chính người Việt chúng ta cũng tự hại nhau bằng các hóa chất độc hại.
Mỗi ngày đi chợ, thay vì nơm nớp lo sợ, hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn đúng thực phẩm sạch để bảo vệ cả gia đình.
Phân biệt hoa quả “sạch” và hoa quả ngậm hóa chất
Bạn nên nhớ, thổ nhưỡng và khí hậu quyết định chất lượng, màu sắc, hương vị trái cây.
Về màu sắc, nếu như hoa quả “sạch” cầm lên thấy chắc tay, màu sắc tươi tắn, đường vân sớ vỏ rõ ràng thì trái cây “bẩn” nhất là từ Trung Quốc lại thường có màu lợt, cầm nhẹ, xốp, bổ ra màu sắc ruột thường không đồng nhất với nhau hoặc màu vỏ. Đặc biệt, hoa quả “sạch” mới hái cầm lên cảm giác mát tay thấy rõ sự tươi mới, cuống không bị héo, màu sắc đang chín có thể không đều, thường xanh từ cuống. Ngược lại, hoa quả cũ hoặc ngậm hóa chất có màu sắc bóng bẩy, quá đều màu và rực rỡ hay có vết thâm do tiêm hóa chất trên thân quả, cuống ngả màu nâu đen, đôi khi có lớp phấn trắng của bột bảo quản phủ bên ngoài.
Về hương vị, trái cây “sạch” luôn có mùi thơm đặc trưng nhất là khi bổ ra. Trái cây “bẩn” thường không có mùi thơm thậm chí còn có mùi lạ, một số trái cây như cam, quýt, táo còn có mùi ủng. Cắn miếng trái cây “sạch” thấy rõ độ ròn giai còn trái cây “bẩn” cảm giác bở và mềm, chảy nước.
Trái cây tự nhiên mang đặc điểm theo vùng miền. Chẳng hạn cam Vinh quả tròn to, vỏ có nhiều rám, đít hơi vàng đỏ, có vị ngọt đậm, thanh; cam Cao Phong nhỏ hơn cam Vinh, vỏ mỏng màu vàng tươi, vị nhạt ngọt dịu; cam Hà Giang vị ngọt rôn rốt, vỏ sần sùi; cam Xoàn miền Tây tròn, vỏ mỏng màu vàng nhạt, có xoáy như đồng tiền, ruột vàng, vị ngọt đậm, mát, mùi thơm nhẹ; cam Canh hơi giống quýt, vỏ mỏng, vị ngọt mát rất đặc trưng; cam Trung Quốc xanh vàng lẫn lộn, bổ ra không có hạt và rất nhiều nước, vị chua hoặc quá ngọt gần như ủng.
Một điều vô cùng quan trọng là lựa trái cây phải theo mùa. Chẳng hạn, nho Ninh Thuận đúng mùa là từ tháng 2 – 7, mùa khác rất ít hoặc đắt đỏ; mùa Nhãn miền Bắc rộ nhất từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9; mùa Xoài thường rộ vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch; mùa Thanh long rộ nhất từ tháng 5 đến tháng 8; Cam Vinh từ cuối tháng 10 đến hết Tết âm lịch; cam Hà Giang thu hoạch nhiều vào trung tuần tháng 11 âm lịch… Mùa nào thức nấy thì trái cây tươi mới, ít nguy cơ còn ăn đồ trái mùa thì bạn sẽ gặp phải đồ bảo quản, tiêm hóa chất vì phải vận chuyển từ nơi xa đến.
Phân biệt rau “sạch” và rau “bẩn”
Rau xanh là loại thực phẩm dùng hàng ngày khó phân biệt nhất. Nhiều mẹ có kinh nghiệm là rau có chút sâu thì an toàn. Tuy nhiên nhận biết như vậy nhiều khi cũng oan cho người bán rau bởi vì nhiều nhà do chất đất màu mỡ, cách chăm sóc tốt, đúng vụ khiến rau xanh non. Ngược lại, nhiều nhà phun thuốc nhưng lại bắt thêm sâu bỏ vào đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí, có một số siêu thị rau sạch, sáng sớm mua rau ngoài chợ về đóng gói cẩn thận, bán với giá đắt và quảng cáo là rau sạch khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Tốt nhất là các mẹ nên có một vài địa chỉ mua rau tin cậy để mua thường xuyên. Dành một chút thời gian nói chuyện với người bán hàng giúp các mẹ biết được nguồn gốc của rau là do mua buôn hay do tự trồng, rau ở vùng nào.
Chọn rau đúng mùa vụ thì khả năng an toàn cũng cao hơn.
Kinh nghiệm chọn rau củ là đừng tham đẹp mã, tham to. Ví dụ quả cà chua chín tự nhiên thì màu đỏ không thẫm, cuống còn tươi, thậm chí có thể lẫn quả xanh hoặc xanh một phần, không có chất lạ màu trắng bám ngoài vỏ; bắp cải, xà lách cuộn chặt cầm chắc tay, các lá khép đều nhau; các loại rau nói chung nên chọn cuống nhỏ vì nếu phun nhiều kích thích thì cuống và thân cũng sẽ phình to lên, rau có màu xanh đặc trưng của mỗi loại và có vẻ ngoài sần, đường gân rau quả tự nhiên chứ không nên chọn rau quả to, nõn nà và bóng bẩy mướt mát quá.
Nếu có sâu, chú ý xem vết sâu cắn hay vết sâu vẽ bùa trên lá (tức vết sâu bò) mới hay cũ. Vết tương đối cũ thể hiện rau đã ngoài thời gian cho phép kể từ khi phun các loại thuốc thực vật, đủ an toàn sử dụng.
Phân biệt thịt, cá, trứng “sạch” và “bẩn”
Thịt ngâm hóa chất biển đổi từ ôi thành tươi hoặc lợn thành bò nhận biết dựa vào quan sát bề mặt và xung quanh miếng thịt. Thịt ngâm lâu bề mặt bị rã thiếu độ săn chắc, ấn vào thấy mềm và có chút nước chảy ra.
Xem phần bì miếng thịt nếu ngâm hóa chất phần bì cũng sẽ đổi màu theo nhưng ngấm không sâu nên màu lợt không đặc trưng, không đều. Thịt ôi thiu còn có mùi lạ và không có được màu đỏ tự nhiên.
Cá tiêm nước hoặc nuôi bằng thức ăn tăng trưởng thường nhẹ cân hơn cá “sạch” với cùng kích thước. Ví dụ bạn thấy một con cá nhỏ với kinh nghiệm mua hàng của bạn định con cá đó tầm 1kg nhưng khi cân lên chỉ được 8 lạng thì bạn cần phải xem xét lại.
Cá nuôi thường bụng to, trắng, và quẫy yếu ớt chứ không khỏe bằng cá tự nhiên. Còn với cá đông lạnh thì để phân biệt đồ tươi và đồ có ngâm u-rê (giữ tươi lâu) thì bạn nhìn mắt con cá lồi, đàn hồi, hiện rõ màu các tròng mắt, vảy óng ánh bám chắc, miệng ngậm kín, mang đỏ hồng, ấn nhẹ tay lên mình cá thấy rõ độ chắc và đàn hồi là cá tươi.
Trứng gà giả không khó để phát hiện ra bằng cách khi đập ra thì lòng trắng và đỏ sẽ tan vào tự nhiên. Trường hợp trứng bảo quản lạnh lâu khó tan thì hãy mang thả vào nước đang sôi, lòng trắng sẽ đông lại nhưng còn giữ độ mềm, màu trắng còn trứng giả thì không.
Trứng bị tẩy trắng rất dễ nhận biết khi quan sát lớp vỏ vì trứng tự nhiên thì bao giờ cũng nổi rõ các đường vân màu trên vỏ, vỏ không quá nhẵn nhụi và có độ bóng, màu phớt hồng.
Chọn trứng mới và cũ ở chợ bằng cách giơ quả trứng ra ánh sáng, thấy trứng nào có khoảng trống trên đầu nhiều là trứng đã để lâu. Trứng còn mới thì khoảng đó rất nhỏ.
Chúc các mẹ sẽ có một bữa ăn sạch để bảo vệ sức khỏe cả gia đình!
Xem thêm:
Hai Cách Dạy Con Ngoan Cực Hiệu Quả Mà Nhiều Cha Mẹ Việt Bỏ Qua