Việc tiêm phòng bệnh uốn ván trong thai kỳ là điều vô cùng cần thiết đối với những mẹ bầu. Bởi lẽ, giai đoạn mang thai 9 tháng 10 ngày là một khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm, chị em nên tiêm uốn ván bà bầu để đảm bảo ngăn chặn tối đa những tác nhân gây bệnh.
Bệnh uốn ván là gì? Vì sao cần tiêm uốn ván bà bầu?
Uốn ván là 1 căn bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao cho trẻ sơ sinh do độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetan) gây ra. Trực khuẩn Clostridium tetan có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả khi đun sôi trong thời gian dài cũng vẫn không bị tiêu diệt.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong khi mắc uốn ván rất cao, có thể lên tới 90 – 95%. Khi trẻ mắc bệnh, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở trên cơ thể bé. Những mẹ bầu không chích ngừa uốn ván thai kỳ cũng có nguy cơ mắc phải uốn ván trong quá trình chuyển dạ, vì khi đó vi khuẩn nhiễm vào cơ thể qua đường sinh dục, dẫn đến uốn ván tử cung. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, nếu dụng cụ cắt rốn không được tiệt trùng, Clostridium tetan sẽ theo đường cắt rốn tấn công vào cơ thể trẻ, gây uốn ván rốn.
Uốn ván có những triệu chứng đầu tiên, điển hình đó là việc tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy sự tê, cứng cơ xuất hiện ở lưỡi miệng, sau đó lan nhanh tới vùng cổ, vai, lưng,… rồi tiếp tục đến các vùng khác của cơ thể.
Người mắc bệnh uốn ván thường có vẻ mặt nhăn nhó do cơ mặt bị tê cứng, co rút, đồng thời cơ thể luôn ở trong tư thế lưng cong, ưỡn lưng. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng co cơ trở nên nghiêm trọng có thể gây ra hiện tượng tím tái, ngưng thở và tử vong.
Dấu hiệu tiếp theo của uốn ván là xuất hiện các cơ co thắt, sốt cao, đổ mồ hôi. Trẻ sơ sinh bị uốn ván thường phát bệnh sau sinh khoảng 2 – 3 tuần với những dấu hiệu như: bỏ bú, quấy khóc, sốt, co giật, xuất hiện các cơn co cứng toàn thân. Thông thường, bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh khoảng 3-10 ngày, nhưng cũng có trường hợp sau 3 tuần mới phát bệnh. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý, thời gian ủ bệnh càng ngắn, nguy cơ tử vong do uốn ván càng cao.
Tiêm uốn ván bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Loại trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetan) có mặt ở khắp mọi nơi, khả năng sinh sôi và tồn tại của nó rất mạnh, rất khó tiêu diệt. Chính vì vậy, tiêm uốn ván khi mang thai là một trong những mũi tiêm bắt buộc phải có để phòng ngừa uốn ván cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Đây là phương pháp phòng ngừa 1 cách chủ động, an toàn và không tốn kém quá nhiều chi phí.
Tiêm phòng uốn ván không hề ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại vacxin uốn ván cho bà bầu lựa chọn: vắc-xin ngừa uốn ván đơn thuần, và vắc-xin kết hợp phòng ngừa “3 trong 1” (uốn ván, bạch hầu, ho gà). Mặc dù biết rằng việc tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ là rất cần thiết, tuy nhiên nhiều người vẫn mang tâm lý lo sợ sẽ vắc xin uốn ván có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Theo nhận định của các bác sĩ, việc tiêm uốn ván cho bà bầu thực chất là tiêm trước vắc xin phơi nhiễm để tạo kháng thể cho mẹ để tránh việc lây nhiễm trực khuẩn Clostridium tetan khi chuyển dạ. Đồng thời, kháng thể này có thể hỗ trợ sang cơ thể bé, để hạn chế tối đa việc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván khi cắt dây rốn. Chính vì vậy, việc tiêm uốn ván trong thời kỳ mang thai không những không có ảnh hưởng đến thai nhi, mà còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Khi nào cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?
Ngay khi có kế hoạch mang bầu, phụ nữ cần được tiêm một số loại vắc – xin để phòng ngừa các bệnh: sởi, bạch hầu, ho gà, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm,… Nhưng khi đã bước vào thai kỳ, chỉ cần tiêm uốn ván cho bà bầu vào những khoảng thời gian nhất định để phòng tránh các tác nhân gây bệnh.
Để biết được tiêm uốn ván bà bầu khi nào, chị em cần nắm rõ lịch tiêm phòng uốn ván theo tuổi thai và số lần mang thai theo quy định của Bộ Y tế. Theo thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 quy định, với những người chưa tiêm uốn ván, không nhớ rõ tiền sử tiêm vắc xin của mình, hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vacxin uốn ván cho bà bầu liều cơ bản như sau:
- Tiêm lần 1 khi có thai lần đầu.
- Tiêm uốn ván mũi 2 thì phải ngắt quãng ít nhất 1 tháng sau lần 1.
- Khi tiêm lần 3 thì ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau.
- Tiêm lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau.
- Tiêm lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.
Mẹ bầu cần nắm rõ lịch tiêm phòng để tiêm đúng và đủ
Đối với những mẹ bầu đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng uốn ván liều cơ bản thì tiêm như sau:
- Lần 1: Tiêm uốn ván khi mang thai lần đầu
- Tiêm lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1
- Tiêm lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2
Với những chị em mới mang thai lần đầu mà trước đó chưa tiêm phòng uốn ván lần nào hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin của mình sẽ được tiêm 2 mũi như sau:
- Mũi 1: Được tiêm khi thai nhi được khoảng 20 tuần tuổi trở lên, nhưng không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu thai nhi chưa ổn định có thể gây hại.
- Mũi 2: Tiêm sau mũi tiêm đầu ít nhất 30 ngày và phải tiêm trước ngày dự sinh ít nhất là 1 tháng.
Việc tiêm phòng uốn ván 1 mũi nhắc lại cho bà bầu cũng rất quan trọng, các chị em mang thai lần 2, lần 3 cần chú ý tiêm cho đúng. Với những chị em đã tiêm phòng đủ 5 mũi uốn ván trước khi mang thai mà mũi cuối cùng cách thời gian mang thai không quá 10 năm thì không cần phải tiêm phòng lại.
Với những phụ nữ tiêm uốn ván khi mang thai lần 2 nếu thời gian tiêm quá 10 năm thì cần phải tiêm nhắc lại 2 mũi. Còn với những mẹ bầu ở thai kỳ trước đã tiêm 2 mũi uốn ván, đến thai kỳ sau cách không quá 10 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi từ tuần thứ 20 trở đi là được.
Tiêm uốn ván hết bao nhiêu tiền?
Hiện nay, vacxin uốn ván cho bà bầu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, cho nên chị em có thể đến tại trạm y tế của địa phương để được tiêm miễn phí loại vắc xin này. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý là các trạm y tế thường có quy định một ngày nhất định để tiêm vắc xin cho thai phụ.
Nếu có dự định tiêm phòng tại trạm y tế thì chị em cần nắm rõ lịch để đến đúng ngày. Trên thực tế, có nhiều trường hợp chị em đến đăng ký tiêm uốn ván tại trạm y tế sau ngày tiêm quy định nên đã phải chờ gần 1 tháng sau mới được tiêm.
Và mẹ bầu cần lưu ý thời điểm tiêm mũi thứ 2 của vắc xin uốn ván cần được thực hiện trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng. Nếu để chậm trễ, không được tiêm phòng đầy đủ phác đồ 2 mũi vắc xin uốn ván có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con.
Tiêm uốn ván không hề đắt như nhiều người vẫn nghĩ
Để chủ động hơn về thời gian, chị em có thể chọn tiêm vắc xin uốn ván tại các dịch vụ tư nhân ở bên ngoài. Bởi theo khuyến cáo, nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván lần nào trong vòng 5 năm gần nhất, thai phụ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván, trong đó bắt buộc mũi thứ 2 phải tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và phải tiêm trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
Mặt khác, nhiều chị em còn băn khoăn không biết tiêm uốn ván giá bao nhiêu. Thực ra, vắc xin uốn ván không hề đắt. Theo bảng giá cập nhật tại các trung tâm dịch vụ tiêm chủng, vắc xin phòng uốn ván dành cho bà bầu có giá dao động từ 35 đến 100 nghìn đồng tùy loại vắc xin của Việt Nam hay của Pháp. Đồng thời, vắc xin phòng uốn ván luôn có sẵn, chị em không phải chờ lâu và sẽ chỉ mất phí mua vắc xin, không phải trả thêm bất cứ khoản phí nào khác.
Khi tiêm uốn ván cho bà bầu cần lưu ý những gì?
Việc tiêm phòng uốn ván có thể khiến chị em bị sưng đau hoặc dị ứng tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không cần lo lắng quá vì đây đều là những tác dụng phụ không quá nghiêm trọng của vắc xin. Các vết sưng đau sẽ tự khỏi, chị em cũng không cần sử dụng thuốc, hay chườm đắp vào vị trí sưng.
Việc tiêm uốn ván khi mang thai cần dựa vào tuổi thai và số lần mang thai, mẹ bầu không nên tự ý đi tiêm mà phải theo lịch của Bộ Y tế đưa ra. Đồng thời, khi tiêm phòng uốn ván, chị em cần lưu ý nên tiêm từ tuần thứ 20 trở đi và mũi cuối cách ngày sinh ít nhất 30 ngày.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, phụ nữ mang thai chỉ cần tiêm vắc xin phòng uốn ván là đủ. Bên cạnh đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC, phụ nữ mang thai từ 27 -35 tuần tuổi có thể tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván để phòng bệnh ho gà sớm cho trẻ sơ sinh nếu trước khi mang bầu chị em chưa được tiêm vắc xin này. Trong trường hợp mẹ bầu chẳng may bị vật nuôi như chó, mèo, khỉ,… cắn thì cần tiêm phòng dại theo sự chỉ định của bác sĩ.
Khi tiêm phòng uốn ván, các mẹ bầu có thể đến các cơ sở y tế và bệnh viện trên toàn quốc.
Tiêm uốn ván bà bầu là điều hết sức cần thiết, bất cứ chị em “bầu bí” nào cũng không được bỏ lỡ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Chị em cần đi khám thai định kỳ, tham khảo ý kiến bác sỹ về các loại vắc xin cần tiêm trong thai kỳ và nắm rõ lịch tiêm chủng để tiêm phòng cho đúng, góp phần quan trọng giúp con yêu chào đời khỏe mạnh.
Xem thêm:
Uốn Ván Rốn Ở Trẻ Sơ Sinh Có Nguy Hiểm
Nguồn tham khảo
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau-nhu-nao-hieu-qua-nhat/?link_type=related_posts
- https://www.marrybaby.vn/suc-khoe-dinh-duong/tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau
- https://extranet.who.int/rhl/topics/preconception-pregnancy-childbirth-and-postpartum-care/antenatal-care/who-recommendation-tetanus-toxoid-vaccination-pregnant-women
- https://www.who.int/reproductivehealth/publications/maternal_perinatal_health/immunization_tetanus.pdf