Updated at: 08-05-2020 - By: admin

Khác với giai đoạn sơ sinh, trẻ 8 tháng tuổi đã tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và cân nặng. Chính vì vậy, việc chăm sóc bé cũng khác. Vậy, chăm sóc như thế nào để trẻ lớn nhanh và khỏe mạnh? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Xem thêm:

Tổng Hợp Kiến Thức Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Dưới 12 Tháng Tốt Nhất Cho Mẹ

Trẻ 8 tháng tuổi đã phát triển như thế nào?

Nhiều mẹ thấy con mình gầy cứ sợ con bị nhẹ cân, chậm lớn. Vậy, trẻ 8 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là vừa? Thông thường, trẻ 8 tháng tuổi thì bé trai có cân nặng từ 7,0 – 10,5 kg và cao từ 66,5 – 74,7 cm. Còn bé gái 8 tháng có cân nặng từ 6,3 – 10,0 kg và chiều cao từ 64,3 – 73,2 cm.

Trẻ sơ sinh 8 tháng sẽ bắt đầu có hiện tượng mọc răng như tiêu chảy, sưng lợi, nứt lợi,… Thông thường, trong khoảng thời gian từ 4 – 7 tháng tuổi thì những chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ mọc ở hàm dưới lên và mọc 2 cái cùng một lúc. Trong khoảng thời gian từ 8 – 12 tháng tuổi, bé sẽ tiếp tục mọc thêm 2 chiếc răng cửa ở hàm trên.

Trẻ 8 tháng tuổiTrẻ 8 tháng tuổi có cân nặng từ 7 – 10kg và đã bắt đầu mọc răng

Tuy nhiên, việc mọc răng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng. Bố mẹ cũng không nên quá lo lắng về việc trẻ 8 tháng tuổi chưa mọc răng nhé. Bởi lẽ, có những trẻ mới sinh đã mọc sẵn 1-2 chiếc răng, nhưng cũng có những trẻ đến hơn 1 tuổi mới bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên cũng là việc hoàn toàn bình thường.

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm những gì?

Bé 8 tháng đã có rất nhiều kĩ năng mới, chân tay đã cứng cáp hơn và bé có thể bám vào cũi để đứng lên. Trong 1 – 2 tháng tới, bé sẽ chập chững bước đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu như con yêu chưa chịu tập đứng. Vì có một số bé sẽ mất nhiều thời gian để chuyển từ giai đoạn biết bò sang giai đoạn biết đi.

Ở độ tuổi này, con bắt đầu học cách làm những việc đơn giản như bò đi tìm và nhặt đồ chơi. Lúc này, con sẽ có ý thức tốt hơn về bản thân và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, bé bắt đầu thể hiện “cá tính” bằng cách thể hiện mình thích gì và không thích gì. Bé sẽ cau có, quấy khóc khi phải ăn những đồ ăn mà mình không thích hay tỏ ra vui mừng khi được ăn món “khoái khẩu”.

Mẹ có biết trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì không? Lúc này, trẻ đã có thể tự bò đi khắp nhà và rất hiếu động, thấy cái gì lạ cũng muốn cầm nắm, nghịch ngợm. Bởi vậy, bố mẹ cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, cất tất cả các chất tẩy rửa, mỹ phẩm, chất độc ra khỏi tầm tay của bé. Cầu thang trong nhà cần lắp rào chắn và các cửa đi ban công phải luôn đóng chặt để bé không bò đi lung tung.

Mẹ không nên cho bé xem tivi và các thiết bị điện tử khác cho đến khi con đủ 2 tuổi, dù đó có là chương trình ca nhạc, phim thiếu nhi hay giáo dục. Đọc truyện, hát, chơi đùa với đồ chơi, nói chuyện,… là cách giải trí tốt nhất cho bé yêu ở độ tuổi này.

Chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi như thế nào cho đúng?

Chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi đã dễ hơn rất nhiều so với trẻ sơ sinh rồi. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau.

  •  Thời gian ăn ngủ của trẻ 8 tháng: bé có thể ngủ thẳng giấc qua đêm mà không cần cho ăn. Tuy nhiên, một số bé sẽ vẫn thức giấc và cần 1 – 2 lần cho ăn trong đêm cho đến khi con đủ 9 tháng tuổi. Mẹ chú ý nhé, con cần ngủ từ 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần ngủ 2 – 3 giờ kết hợp với 11 – 12 giờ ngủ vào ban đêm.
  •  Giao tiếp với bé 8 tháng như thế nào? Những tiếng bi bô, ê a của bé sẽ bắt đầu có ý nghĩa. Mẹ sẽ thấy con gọi “bà”, “ba” hoặc “mẹ”, đồng thời, trẻ đã biết hướng ánh mắt về phía người được gọi. Trẻ 8 tháng đã có thể hiểu được một vài từ đơn giản như “tạm biệt” (bye bye), “sữa” và có thể vẫy tay để chào tạm biệt mọi người.

Lúc này, bố mẹ hãy lắng nghe và trả lời lại những tiếng bập bẹ của bé nhé. Như vậy bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm mà bố mẹ dành cho con. Đồng thời, đọc truyện hoặc kể chuyện cho bé nghe hàng ngày là cách giao tiếp tốt nhất mà bố mẹ nên làm.

  • Chọn quần áo cho bé: Trong giai đoạn này bé yêu đã phát triển rất nhanh nên mẹ không nên mua quá nhiều quần áo để tránh lãng phí. Khi mua đồ cho bé, mẹ cần chọn chất liệu dễ thấm mồ hôi, mềm mại, thoáng mát, không gây kích ứng da bé. Mẹ nên mua những đồ màu trắng để hạn chế phẩm nhuộm gây hại.
  • Chọn đồ chơi cho bé: Lúc này, bé đã bắt đầu thích thú với các đồ chơi có màu sắc sặc sỡ và sẽ đòi cầm để chơi ngay. Đối với trẻ 8 tháng tuổi, mẹ cần chọn đồ chơi làm từ chất liệu thiên nhiên, an toàn để không gây hại khi bé cầm nắm và cắn thử.

Trẻ 8 tháng tuổiMẹ cần cẩn thận khi chọn đồ chơi cho bé 8 tháng tuổi

Trẻ 8 tháng tuổi ăn được những gì?

Giai đoạn này, sữa mẹ hoặc sữa công thức và các chế phẩm từ sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu để giúp bé yêu phát triển. Có điều, do bé đã ăn dặm nên lượng sữa sẽ ít đi so với các tháng trước. Tuy nhiên, con vẫn cần được bú mẹ khoảng 4 lần/ ngày.

Đối với các bữa ăn dặm, mẹ nên cho con ăn các loại bột ngũ cốc, hoa quả, rau xanh và các loại thịt nghiền. Một số em bé sẽ rất hứng thú với việc ăn dặm nhưng có một số sẽ thờ ơ với việc này, thậm chí là quấy khóc. Sau đây là các lời khuyên cho câu hỏi trẻ 8 tháng tuổi ăn gì:

  • Trẻ 8 tháng cần ăn ít nhất 3 bữa ăn dặm/ngày
  • Bố mẹ nên cho bé uống khoảng 60 120ml nước/ ngày để chống khát nhưng cần đảm bảo con vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ.
  • Nên cho bé ăn dặm từ 2 3 phần ngũ cốc trẻ em/ ngày.
  • Trẻ 8 tháng cần ăn từ 2 3 phần rau cải/ ngày
  • Bổ sung thêm 1 phần protein và 1 phần sữa/ ngày (1 phần = ½ cốc sữa chua). Bên cạnh đó, mẹ nên cho con ăn các loại trái cây như lê, chuối, đào, khoai lang, thịt nghiền nấu chín.

Trẻ 8 tháng tuổiTrẻ 8 tháng tuổi đã ăn được nhiều thứ nhưng sữa mẹ vẫn là chủ yếu

Thực phẩm nào không nên cho trẻ 8 tháng tuổi ăn?

Thức ăn cho trẻ 8 tháng tuổi cần được nghiền nhỏ, tránh những loại đồ ăn có thể gây nghẹt thở như quả việt quất, cà rốt sống, nho tươi, nho khô,… cho dù chúng có được băm nhỏ. Đặc biệt là những đồ ăn dễ gây dị ứng cho trẻ dưới đây.

  • Mật ong: Bố mẹ nhớ nhé, tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong. Bởi vì trong mật ong chứa một loại trực khuẩn có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ có tên Clostridium botulinum. Với trẻ dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa hoàn thiện thì các nội bào tử này có thể chuyển hóa thành các vi khuẩn có hại và tạo ra chất độc trong ruột trẻ.
  • Các loại sữa bò và sữa thực vật: Sữa bò hay sữa đậu nành đều có chứa các chất mà bé dưới 1 tuổi chưa thể tiêu hóa được sẽ gây chướng bụng, ảnh hưởng tới chức năng thận của bé sau này. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của các trẻ dưới 1 tuổi chưa đủ khả năng xử lý hàm lượng đường lactose trong sữa bò và các chế phẩm khác từ sữa bò. Thậm chí, có nhiều trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đã bị xuất huyết đường ruột sau khi uống sữa bò. Trẻ uống sữa bò thường xuyên còn gây nên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
  • Một số loại rau củ chứa hàm lượng nitrat cao như: Củ cải, rau chân vịt (bina), thì là, rau xà lách,… là những loại rau có chứa hàm lượng muối nitrat khá cao. Bé dưới 1 tuổi không thể phá vỡ nitrat do thiếu lượng axit trong dạ dày. Chính vì vậy, hệ tiêu hóa của bé không đủ mạnh. Muối nitrat sẽ ngăn chặn khả năng vận chuyển oxy trong máu của trẻ, từ đó gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ.
  • Các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao: Cá thu, cá kiếm, cá ngừ,… là những loài cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao. Các loại cá này không tốt cho sức khỏe của trẻ dưới 1 tuổi. Với bé đủ 8 tháng tuổi, mẹ nên bắt đầu cho bé tập ăn các loại cá thịt trắng như: cá chép, cá trắm, cá rô,… và không nên ăn quá 1 lần/ 1 tuần.

Trẻ 8 tháng tuổiMẹ nên lưu ý kỹ những thực phẩm nên và không nên cho con ăn nhé

  • Muối: Trẻ em 8 tháng tuổi không cần ăn thêm muối trong bữa ăn dặm hàng ngày. Bởi lẽ, thận của bé dưới 1 tuổi chưa phát triển đầy đủ nên chưa thể xử lý được một lượng lớn natri trong thức ăn. Trong khi đó, lượng natri có trong sữa hay các thực phẩm tự nhiên vốn đã cung cấp đầy đủ lượng muối cần thiết cho các bé yêu rồi.
  • Các loại hạt: Các loại hạt như: hạnh nhân, đậu phộng, mắc ca, óc chó,… không chỉ chứa một hàm lượng chất gây dị ứng cao mà còn là một trong những thực phẩm phổ biến khiến trẻ bị tắc nghẽn đường thở từ đó gây tử vong.

Bởi lẽ, trẻ nhỏ rất hiếu động, gặp thứ gì cũng muốn cho vào miệng nuốt. Nếu cha mẹ không trông chừng cẩn thận thì trẻ có thể cầm chơi và nuốt chửng các loại hạt này. Đường thở của trẻ 8 tháng tuổi rất nhỏ và hẹp, ngay cả loại hạt nhỏ như hạt hướng dương cũng trở thành mối nguy hiểm với tính mạng của trẻ.

Kết luận

Trẻ 8 tháng tuổi đã lớn nên rất hiếu động và tò mò về mọi thứ xung quanh. Chính vì vậy, bố mẹ sẽ bận rộn trong việc trông chừng con từng giây, từng phút để tránh xa mọi sự nguy hiểm. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi của con cũng cần được chú ý và đảm bảo để giúp con phát triển khỏe mạnh và thông minh.

Xem thêm:

Tổng Hợp Các Vấn Đề Thường Gặp Ở Trẻ 9 Tháng Tuổi Mẹ Nên Biết

Nguồn tham khảo:

  • https://eva.vn/lam-me/tre-8-thang-tuoi-me-phai-cham-soc-nhu-the-nao-c10a322751.html
  • https://eva.vn/lam-me/tre-8-thang-tuoi-nang-bao-nhieu-kg-la-chuan-c10a389525.html
  • https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-development-8-month-old

 

5/5 - (1 vote)