Trẻ bị hen phế quản, còn gọi là hen suyễn có thể mắc ngay khi trẻ từ 2 – 10 tuổi. Nếu các triệu chứng bệnh không được phát hiện và xử lý sớm, căn bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Mời các mẹ cùng healthyblog.net theo dõi dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị hen suyễn và cách điều trị nhé.
Định nghĩa: Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính đường dẫn khí (phế quản), trong đó giữ vai trò là nhiều tế bào và nhiều thành phần của tế bào.
Viêm mạn tính đi kèm với sự quá nhạy cảm của đường dẫn khí dẫn đến các cơn suyễn tái đi tái lại của các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Các cơn suyễn đi kèm với việc lan rộng – nhưng rất thay đổi – của sự tắc nghẽn đường dẫn khí bên trong phổi mà thường là hồi phục tự nhiên hay do điều trị.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn, hen phế quản ở trẻ nhỏ
Hen khởi phát do vận động: xảy ra khi trẻ leo cầu thang, chạy nhảy, cười đùa nhiều, tập thể dục. Khi đó, trẻ cần nhiều oxy hơn nên sẽ thở nhanh qua miệng, đường thở phản ứng lại với không khí khô lạnh, bằng cách co thắt các cơ bao quanh phế quản, làm hẹp đường thở.
Những triệu chứng hay gặp là: Khò khè, ho, cảm giác nặng ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi vận động và đạt đỉnh điểm ở khoảng 5-10 phút sau khi ngưng vận động; sau đó chúng sẽ giảm dần sau khoảng 20 – 30 phút mà không cần sử dụng đến thuốc cắt cơn hen. Nên lưu ý về loại hình vận động, thời gian và cường độ tập luyện… phù hợp với tình trạng sức khỏe và thể chất của trẻ.
Hen dị ứng: chủ yếu xảy ra do trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bọ mạt, phấn hoa, hóa chất, hoặc một số thức ăn dễ gây kích hoạt cơn hen như bò, gà, trứng gia cầm, tôm, cua, cá biển….. Cách để kiểm soát cơn hen này chủ yếu là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tác nhân nào khiến trẻ dễ bị dị. Hãy cho con kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu để xem mức dị ứng thế nào.
Cha mẹ có thể nghi ngờ trẻ bị hen chứ không phải ho bình thường, nếu thấy con em mình có xuất hiện một số triệu chứng cụ thể như sau:
- Ho dai dẳng: Khác với ho thông thường, ho do hen suyễn có thể tự khỏi nhưng có thể nặng thêm trong các điều kiện nhất định như ho nặng hơn vào ban đêm, trong giấc ngủ hoặc trước khi rạng sáng. Đôi khi ho dẫn đến ói mửa
- Thở khò khè.
- Thở gắng sức.
- Nặng hơn vào ban đêm hoặc trước khi rạng sáng
- Nặng ngực ở trẻ lớn. Ở trẻ nhỏ, đôi khi, chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà, nhưng lúc hít vào không thấy ồn ào, thỉnh thoảng lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít.
Hen trẻ em cũng có thể biểu hiện dưới dạng viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho nhiều dịch tiết ra, không giống như hen kinh điển ở người lớn, cơn hen ở trẻ em bắt đầu và kết thúc không đột ngột.
Nhận biết các mức độ của bệnh hen phế quản, hen suyễn
Mức độ 1 (có cơn hen ngắt quãng nhẹ): thỉnh thoảng mới xảy ra và các triệu chứng thường xảy ra vào ban ngày dưới 1 tuần/lần, trẻ vẫn hoạt động bình thường.
Mức độ 2 (cơn hen dai dẳng nhẹ): xảy ra ở cấp độ nhẹ, triệu chứng hen xuất hiện ban ngày dưới 1 tuần/lần.
Mức độ 3 (cơn hen dai dẳng trung bình): các triệu chứng xảy ra hàng ngày, cơn hen gây ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ.
Mức độ 4 (cơn hen dai dẳng nặng): các triệu chứng xảy ra thường xuyên và kéo dài, hạn chế các hoạt động thể lực của trẻ và thường xuất hiện cơn hen vào ban đêm.
Những trường hợp hen ác tính, các cơn hen liên tiếp xảy ra hàng ngày, thường nặng hơn về chiều và đêm. Trẻ bị mắc bệnh hen thường khó thở, không sốt, không lây. Bệnh hen tiến triển rất thất thường; một số trường hợp ổn định sau khi trẻ trên 5 – 6 tuổi, nhưng một số khác sau 15 năm bị hen lại, thậm chí sau 20 – 30 năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.
Tiến sĩ Emma Nurhema SpA, một bác sĩ nhi khoa của Bệnh viện Hữu nghị ở Jakarta cho biết.
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em cũng không hẳn sẽ diễn ra ở tuổi trưởng thành. Theo tiến sĩ Emma, 80% các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em sẽ giảm dần khi bước vào tuổi thiếu niên và có thể dừng lại hoàn toàn mặc dù đôi khi có thể tái phát một lần nữa nếu có các yếu tố kích thích bệnh tái phát.
Biến chứng của bệnh hen phế quản bội nhiễm
Suy hô hấp
Là tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ oxy để duy trì sự sống của các cơ quan và các tổ chức mô cấu trúc nên cơ thể. Bệnh thường gặp ở những người mắc hen ác tính hoặc hen cấp tính, với biểu hiện khó thở, thở nhanh, đôi khi ngừng thở, phải dùng máy hỗ trợ thở, tím tái liên tục. Suy hô hấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.
Ngừng hô hấp kèm theo tổn thương não
Tình trạng suy hô hấp kéo dài khiến não thiếu oxy, trong các thể hen nặng, có lúc ngừng hô hấp hay tim ngừng đập. Những trường hợp này bệnh nhân thường lên cơn ngạt thở đột ngột, làm tăng CO2 trong máu, dẫn đến hôn mê và tử vong.
Xẹp phổi
Một biến chứng nữa của bệnh hen phế quản bội nhiễm là xẹp phổi. Đây là tình trạng giảm hoặc mất sự giãn nở không hoàn toàn của nhu mô phổi do quá trình xẹp phế nang khu trú hoặc lan tỏa, làm mất thể tích phổi. Chức năng thông khí, trao đổi khí vùng phổi xẹp bị ảnh hưởng do lưu lượng khí qua vùng phổi xẹp rất nhỏ. Hơn 1/3 trẻ em gặp biến chứng xẹp phổi khi mắc bệnh hen suyễn. Khi hen ổn định thì tình trạng này sẽ khỏi.
Tràn khí màng phổi
Lúc này các phế nang giãn rộng, tại những vùng phế nang giãn mạch máu thưa thớt, áp lực trong phế nang tăng mạnh. Khi người bệnh ho mạnh hay hoạt động quá sức, các thành phế nang dễ bị bục vỡ. Tràn khí mang phổi hai bên là nguyên nhân gây tử vong ở người hen suyễn. Bệnh tràn khí màng phổi thường gặp ở khoảng 5% hen mãn tính.
Viêm phế quản
Bệnh thường có những biểu hiện như sốt, khó thở tăng, đờm nhiều, thường có màu vàng hoặc xanh do nhiễm khuẩn, xét nghiệm đờm thấy bạch cầu thoái hóa và tạp khuẩn. Xét nghiệm máu người bệnh thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa nóng – lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút sinh sôi, gây ra các đợt cúm, viêm nhiễm đường hô hấp và vùng tai – mũi – họng làm cho bệnh hen suyễn biến chứng nặng hơn.
Khí phế thũng
Khí phế thũng hay còn gọi là bệnh giãn phế nang, là tình trạng mà vách các phế nang trong phổi mất tính co giãn, các phế nang trở nên yếu và dễ vỡ, gây ra sự tắc nghẽn đường dẫn khí. Tính đàn hồi của mô phổi mất đi làm cho không khí bị bắt giữ trong phế nang, làm giảm khả năng trao đổi oxy và CO2 khiến bệnh nhân khó thở khi gắng sức, thở ra ít, môi và các đầu chi tím tái, ho khạc đờm nhiều.
Tâm phế mãn tính
Là trường hợp phì đại và giãn tâm thất phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi. Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc hen thể nặng. Triệu chứng điển hình là thở gắng sức, tím tái, gan có thể to hoặc mấp mé bờ sườn, đau vùng hạ sườn phải. Thời gian biến chứng thành bệnh tâm phế mãn tính ở người mắc hen phế quản khác nhau, có thể kéo dài 5, 10 năm hoặc lâu hơn.
Chẩn đoán phân biệt hen phế quản
Cần chẩn đoán phân biệt hen phế quản với các bệnh lý có khò khè. Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đợt khò khè đầu tiên thường xảy ra trong mùa dịch virus hợp bào hô hấp (RSV) và viêm tiểu phế quản cấp thường là nguyên nhân của đợt khò khè này. Ở trẻ lớn hơn và những trẻ có những đợt khò khè tái diễn thì hen phế quản và các bệnh lý tăng đáp ứng đường thở (reactive airways disease) là những nguyên nhân quan trọng nhất gây khò khè.
Một số bệnh lý có khò khè cần được chẩn đoán phân biệt với hen phế quản :
Viêm tiểu phế quản cấp
Khò khè xuất hiện lần đầu trong mùa dịch RSV.
Thường gặp ở trẻ < 2 tuổi.
Ngực căng phồng và gõ trong.
Rút lõm lồng ngực.
Nghe phổi có thể có ran nổ mịn hoặc ran rít.
Ăn, bú mẹ hoặc uống kém do khó thở.
Khò khè không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
Khò khè kèm với ho hoặc cảm lạnh
Hầu hết các đợt khò khè đầu tiên ở trẻ < 2 tuổi đều có liên quan với ho hoặc cảm lạnh.
Trẻ không có tiền sử dị ứng trong gia đình (chàm, viêm mũi dị ứng…). Các đợt khò khè thưa hơn khi trẻ lớn lên.
Khò khè thường đáp ứng tốt với Salbutamol uống tại nhà.
Một số nhiễm khuẩn hô hấp
Như viêm phổi do virus hoặc viêm phổi do Mycoplasma có thể kèm theo khò khè.
Dị vật đường thở
Hạch bạch huyết chèn ép vào phế quản
Hạch lao, u lympho và các khối u hạch bạch huyết khác.
Giải pháp cấp cứu kịp thời khi trẻ lên cơn hen suyễn
Khi trẻ lên cơn hen cấp thì đưa trẻ ra chỗ thoáng, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở. Nếu trẻ lên cơn hen nhẹ, dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: Ventolin, Atrovent, Bricanyl,… Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ, nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.Nếu cơn hen nặng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Bệnh hen phải chữa trị lâu dài, các cơn hen không giống nhau, có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống lâu dài của trẻ.
Phương pháp điều trị và thuốc cho trẻ bị bệnh hen phế quản, hen suyễn
Nếu trẻ bị khò khè lần đầu và không khó thở thì chỉ cần chăm sóc tại nhà, không cần thuốc giãn phế quản.
Nếu trẻ có khó thở và khò khè tái diễn thì cho Salbutamol dưới dạng phun sương (nebulizer) hoặc bình hít có liều định sẵn (metered-dose inhaler = MDI). Nếu không có Salbutamol thì cho Epinephrine tiêm dưới da. Đánh giá lại trẻ sau 30 phút để quyết định bước điều trị tiếp theo:
Nếu trẻ hết khó thở và không còn thở nhanh : khuyên bà mẹ chăm sóc và về nhà điều trị với Salbutamol uống (si-rô hoặc viên).
Nếu trẻ còn khó thở: cho trẻ nhập viện và điều trị với thở oxy, các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và những thuốc khác được trình bày ở phần sau.
Nếu trẻ có tím trung tâm hoặc không uống được: Cho trẻ nhập viện và điều trị với thở oxy, các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và những thuốc khác được trình bày ở phần sau.
Khi trẻ nhập viện, cần cho thở oxy ngay, cho một thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và một liều steroids (uống hoặc tiêm tĩnh mạch). Nên đánh giá đáp ứng với điều trị trong 30 phút bằng các dấu hiện như đỡ khó thở, và thông khi phế nang cải thiện khi nghe phổi. Nếu không cải thiện thì tiếp tục cho thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh với khoảng cách có thể 1 giờ 1 lần. Sau khi đã cho 3 liều thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh mà trẻ vẫn không đáp ứng thì cho thêm Aminophylline tiêm tĩnh mạch.
Thở oxy
Cho thở oxy 1-2 lít/phút đối với những bệnh nhân hen phế quản có khó thở. Nên cho thở oxy qua ống thông có 2 nhánh vào 2 mũi (nasal prongs) (đây là phương pháp tốt nhất cho trẻ nhũ nhi) hoặc qua ống thông mũi. Ngoài ra có thể cho thở oxy qua ống thông mũi họng. Cần cho thở oxy cho đến khi nào trẻ không còn dấu hiệu thiếu khí nữa. Y tá nên kiểm tra mỗi 3 giờ xem thử các ống thông có đặt đúng vị trí không, hoặc có bị tắc bởi chất nhầy không và các chổ nối có đảm bảo không.
Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh
Cho 1 trong 3 loại thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh sau:
Salbutamol khí dung: Nguồn khí truyền cho máy phun sương phải truyền được 6-9 L/phút, thường là máy nén khí hoặc bình oxy. Nếu không có, có thể dùng bơm đạp chân. Liều Salbutamol: 2,5 mg (ví dụ 0,5 ml dung dịch 5 mg/ml) pha với 2-4 ml nước muối sinh lý. Liều này có thể cho mỗi 4 giờ, rồi giảm xuống mỗi 6-8 giờ khi trẻ cải thiện. Trong trường hợp nặng, nếu cần có thể cho mỗi 1 giờ.
Salbutamol liều định sẵn (MDI) với bầu hít (spacer device): Bầu hít thể tích 750 ml hiện có bán trên thị trường. Xịt 2 cái (200 mcg) vào bầu hít, đợi cho trẻ thở bình thường 3-5 lần rồi mới nhấc bầu hít ra. Liều này có thể lập lại mỗi 4 giờ, sau đó giảm xuống mỗi 6-8 giờ khi trẻ cải thiện. Trong trường hợp nặng, nếu cần có thể cho mỗi 1 giờ. Đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, để trẻ hợp tác tốt hơn với điều trị, cần gắn mặt nạ với bầu hít. Nếu không có bầu hít chuẩn, có thể sử dụng bầu hít tự tạo bằng chai nước nhựa loại 1 lít, khi đó phải xịt 3-4 cái và để cho bệnh nhân thở trong 30 giây rồi mới nhấc bầu hít ra.
Epinephrine (adrenaline) tiêm dưới da: Nếu không có Salbutamol khí dung hoặc Salbutamol liều định sẵn, thì tiêm dưới da 0,01 ml/kg Epinephrine (adrenaline) loại 1:1000 (tối đa 0,3 ml). Nên sử dụng loại bơm tiêm 1ml để đo chính xác liều lượng thuốc. Sau 20 phút, nếu không cải thiện, có thể lập lại một lần nữa.
Thuốc giãn phế quản uống
Khi trẻ đã cải thiện và có thể ra viện, nếu không có Salbutamol dạng hít, có thể cho Salbutamol dạng viên hoặc xi-rô. Liều lượng Salbutamol uống:
Trẻ từ 2-12 tháng : 1 mg mỗi 6-8 giờ.
Trẻ từ 12 tháng-5 tuổi : 2 mg mỗi 6-8 giờ.
Steroids
Nếu trẻ bị cơn khò khè cấp tính nặng và trong tiền sử đã có khò khè tái diễn nhiều lần thì cho Prednisolone uống với liều 1 mg/kg 1 lần/ngày trong 3 ngày. Nếu trẻ vẫn còn nặng thì tiếp tục điều trị cho đến khi cải thiện. Thông thường không cần dùng steroids trong đợt khò khè đầu tiên.
Aminophylline
Nếu trẻ vẫn không cải thiện sau khi đã cho 3 liều thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh kết hợp với prednisolone uống thì cho Aminophylline tiêm tĩnh mạch với liều khởi đầu 5-6 mg/kg (tối đa là 300 mg), sau đó duy trì liều 5 mg/kg mỗi 6 giờ. Cần phải cân trẻ cẩn thận và mỗi liều thuốc phải được tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất 20 phút hay tốt nhất là trong 1 giờ. Aminophylline tiêm tĩnh mạch có thể nguy hiểm khi cho quá liều hoặc tiêm quá nhanh. Nếu bệnh nhi đã được dùng bất kỳ dạng Aminophylline nào (ví dụ Theophylline) trong vòng 24 giờ trước đó thì hãy bỏ qua liều khởi đầu. Cần phải ngưng thuốc ngay lập tức nếu trẻ bắt đầu nôn, mạch > 180 lần/phút, nhức đầu hoặc co giật. Nếu không có Aminophylline tiêm tĩnh mạch thì có thể sử dụng Aminophylline dạng đặt hậu môn.
Kháng sinh
Không nên cho kháng sinh một cách thường qui đối với những trẻ bị hen phế quản có thở nhanh nhưng không có sốt. Chỉ cho kháng sinh khi trẻ bị sốt kéo dài và có các dấu hiệu khác của viêm phổi.
Chăm sóc
Bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch cho nhu cầu hàng ngày của bệnh nhi. Lượng dịch này được tính theo tuổi của trẻ. Khuyến khích bà mẹ cho trẻ bú mẹ nhiều và uống nhiều nước cũng như cho ăn đầy đủ thức ăn bổ sung ngay khi trẻ ăn được.
Theo dõi
Khi nhập viện, trẻ cần được y tá theo dõi và đánh giá mỗi 3 giờ, hoặc mỗi 6 giờ khi trẻ đã cải thiện (ví dụ như tần số thở giảm, đỡ rút lõm lồng ngực và đỡ khó thở) và phải được bác sĩ theo dõi ít nhất 1 ngày 1 lần. Cần theo dõi tần số thở và đặc biệt là các dấu hiệu của suy hô hấp. Nếu kém đáp ứng với điều trị thì cho Salbutamol thường xuyên hơn, có thể mỗi 60 phút. Nếu vẫn không hiệu quả thì cho Aminophylline.
Biến chứng
Nếu trẻ không đáp ứng với các điều trị ở trên hoặc tình trạng trẻ đột ngột xấu đi, cần cho chụp X-quang phổi để tìm dấu hiệu tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi có chèn ép biểu hiện bằng suy hô hấp nặng và trung thất bị đẩy qua phía bên kia. Lúc này cần dẫn lưu khi màng phổi ngay cho đến khi không còn khí thoát ra và nhu mô phổi trở lại bình thường.
Xem thêm: Hướng dẫn dùng thuốc hen suyễn
Chế độ ăn uống, kiêng kị cho người bị Hen phế quản
Hen phế quản có liên quan đến các yếu tố gây dị ứng ở môi trường như khói, bụi, sơn, phấn hoa, thức ăn… Do đó, ngoài việc phòng tránh những yếu tố có thể gây dị ứng, luyện tập để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì chế độ ăn uống cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát bệnh. Cơ chế gây ra bệnh hen suyễn cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ và rất phức tạp, không phải bất cứ trường hợp hen suyễn nào cũng do nguyên nhân từ bên ngoài gây ra, tức nguyên nhân ngoại sinh như thời tiết, phấn hoa, bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường…mà còn có những cơn hen do chính yếu tố bên trong cơ thể gây ra như stress, bệnh dạ dày, ruột,…
Tuy nhiên, phần lớn hen suyễn thường khởi phát do các yếu tố dị ứng với chất lạ như dị ứng theo mùa, bụi bặm, nấm mốc và phấn hoa… Nếu bạn chắc chắn biết được yếu tố nào gây bất lợi làm bùng phát những cơn suyễn của mình thì càng hạn chế tiếp xúc với yếu tố đó càng tốt. Ví dụ như khói thuốc lá, mùi nồng từ thuốc trừ sâu, mùi keo xịt tóc, mùi sơn, các loại dầu thơm…
Các loại thực phẩm không nên dùng: thường xuyên là những thức ăn có nhiều gia vị thường thấy ở các món salad, các loại uống giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm dấm hoặc làm dưa chua, các loại trái cây khô đóng gói, chế biến sẵn hay một số đồ ăn biển (tôm, cua, ghẹ, mắm nêm). Tất nhiên không phải mọi thực phẩm trên đều cần phải kiêng mà bạn nên theo dõi xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn suyễn để phòng ngừa và cách ly. Ngoài ra cần cảnh giác ngay với chính một số thuốc chữa bệnh như kháng sinh, thuốc Aspirin…
Nên kiêng cữ: những thức ăn có thể gây dị ứng đối với cơ địa riêng của mỗi người. Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo Omega 3. Người ta nhận thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiểm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyển, đặc biệt là đối với trẻ em.
Một số nghiên cứu thấy ở những người bệnh suyển, lượng vitamin C trong cơ thể thường ít hơn 50% so với những người bình thường. Vitamin C tự nhiên có nhiều trong các loại rau quả như cà chua, cà rốt và rau xanh như rau dền, rau diếp … Rau quả xanh cũng có nhiều magnesium. Magnesium có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản. Ngoài ra các nhà khoa học cũng khuyên người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm có chứa những acid béo Omega 3 như các loại cá, các loại quả hạch, mè, hạt hướng dương, dầu cá thu, dầu lanh… Ngoài việc tăng cường sức miển dịch và một số lợi ích khác, những loại acid béo Omega 3 là một yếu tố chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng để ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp.
Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh bị hen suyễn
Với trẻ có nguy cơ cao, người mẹ từ khi có thai, cho con bú phải kiêng những thức ăn gây dị ứng. Cho trẻ thời gian tập thử những loại thức ăn có nguy cơ dị ứng. Trẻ cần ăn ít muối, hạn chế uống coca, thức ăn chiên bằng dầu cũ.
Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính của đường thở. Khi lên cơn suyễn, đường thở sẽ phù nề, tăng tiết đàm và co thắt lại làm cho trẻ khò khè, khó thở. Bệnh liên quan tới các yếu tố dị ứng như bụi, thức ăn, thuốc, thời tiết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) hen suyễn là bệnh mãn tính, lâu dài, vì thế cần phải chú ý tới việc nuôi dưỡng trẻ. Trong quá trình điều trị phải dùng nhiều loại thuốc có thể dẫn tới nguy cơ loãng xương, chậm phát triển chiều cao, do đó, một chế độ ăn hợp lý là rất cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ.
Một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm là trẻ khi bị hen suyễn cần phải kiêng thức ăn nào và nên ăn gì để khỏe mạnh. Bác sĩ Hoa đưa ra lời khuyên, lúc trẻ không bị bệnh, cần cho trẻ ăn theo lứa tuổi như trẻ bình thường nhưng hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng.
Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm sữa, trứng, các loại hạt như đậu phộng, đậu nành, hải sản, lúa mì, rượu đỏ… Ngoài ra cũng cần tránh các thức ăn sinh lưu huỳnh như nước coca, tránh thức ăn chiên bằng dầu cũ, chiên đi chiên lại nhiều lần. Trẻ cũng cần được cho ăn ít muối.
Với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất. Nếu sữa mẹ không cung cấp đủ, nên bổ sung thêm sữa thủy phân một phần để giảm nguy cơ dị ứng với đạm sữa bò ở trẻ. Giai đoạn này cần cung cấp đủ 150ml sữa/ ngày/ 1 kg cân nặng của trẻ. Trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm trái cây và rau. Đặc biệt trẻ cần ăn đủ đạm, đạm quý để bù lại lượng đạm đã mất do dùng thuốc. Chú ý bổ sung thêm vitamin D, vitamin C, canxi, sắt cho trẻ.
Khi trẻ đang lên cơn suyễn, không cho trẻ ăn để tránh bị sặc. Ngoài cơn suyễn, cần cho trẻ uống nhiều nước để làm lỏng đàm. Cần cho trẻ ăn ít để tránh trào ngược dạ dày thực quản. Thay vào đó, nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo trẻ không suy dinh dưỡng. Đồng thời, khi trẻ mắc bệnh, nên ăn chất béo vừa phải.
Bác sĩ Hoa lưu ý, với những trẻ có tiền sử dị ứng của gia đình, có ông bà, bố mẹ, anh chị em, người thân bị bệnh dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, suyễn, chàm…, cần nghĩ đến nguy cơ dị ứng và chú trọng hơn đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ đầu.
Với trẻ có nguy cơ dị ứng cao thì người mẹ ngay từ khi có thai và cho con bú phải kiêng ăn những thức ăn gây dị ứng. Vẫn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, chỉ cho trẻ bú bình và ăn trứng khi trẻ trên 12 tháng.
Chưa chắc bé dị ứng với tất cả các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, vì thế cần cho bé thời gian tập ăn thử từng loại. Khi ăn thức ăn mới, cần phải bắt đầu thử dần dần một ít. Nếu ăn 2 ngày trẻ không có biểu hiện dị ứng thì ăn tiếp. Cứ thế nên duy trì thử trong vòng 1 tuần để có kết quả và nên đánh dấu vào một cuốn sổ riêng là loại thức ăn mới này trẻ có ăn được hay không.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo, trong quá trình thử thức ăn, không cho trẻ ăn một lúc nhiều loại thức ăn mới vì như vậy sẽ không biết bé thích ứng hay dị ứng với thức ăn nào. Khi thức ăn không phù hợp với trẻ, cần chú ý tìm loại thực phẩm thay thế phù hợp, tương ứng theo các nhóm chất để bé vẫn được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Với những trẻ ít có nguy cơ dị ứng, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng và không nên để trẻ bị béo phì. Thông thường, béo phì thường làm đường thở của trẻ bị hẹp, dễ co thắt.
Phòng bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ
Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần,hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng. Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở tạo thành tiếng rít, như tiếng cò cử, không cần ống nghe của bác sĩ, người bệnh và người bên cạnh tự nghe thấy tiếng rít khó thở này. Cơn khó thở tùy nặng nhẹ có thể từ 5-10 phút cho đến hàng giờ.
Sau đó tự lui dần với cơn ho, khạc đờm trong đặc quánh. Đây vừa là triệu chứng vừa là tất cả phiền toái của bệnh cần điều trị, nên chữa HPQ thực chất là chữa cơn khó thở. Hiếm gặp hơn là cơn hen ác tính khó thở trầm trọng, có khi ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp dẫn đến tử vong.
Vì lý do nêu trên, chữa bệnh hen phế quản nhằm vào điều trị cắt cơn hen, dự phòng cơn hen và điều trị dự phòng để các cơn hen càng thưa ra càng tốt. Người bệnh bị HPQ đã quá quen với các thuốc cắt cơn hen, các loại thuốc xịt, thuốc dạng hít đã được bác sĩ chỉ định cho nhiều lần nên vấn đề cắt cơn hen không khó khăn đến mức phải vào viện như hồi xưa, nhưng cần chú ý là luôn luôn mang theo thuốc bên người trong mọi hoàn cảnh để không bị động.
Nếu để lên cơn hen rồi mới lo chạy đi mua thuốc thì rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Định kỳ 6 tháng đến 1 năm vẫn phải đi khám chuyên khoa hô hấp với thầy thuốc quen chữa cho mình để được đánh giá, điều chỉnh lại loại thuốc và liều dùng nhằm chủ động kiểm soát được cơn khó thở.
Điều trị dự phòng cơn hen là mục tiêu chính mà cả thầy thuốc và người bệnh ao ước nhất vì không có gì sung sướng hơn khi đỡ được những cơn hen như đè ngực bóp cổ, gây hốt hoảng tột độ. Dự phòng lâu dài bằng thuốc nên có chỉ định của bác sĩ dùng các loại thuốc dạng hít và thuốc xịt, khí dung vì ít gây tác dụng phụ kết hợp thuốc chống viêm loại corticoid. Cũng theo định kỳ khám lại để điều chỉnh thuốc men cho phù hợp.
Nhưng dự phòng tốt nhất là điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt và phòng tránh những yếu tố bất lợi. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng một điều nhiều người biết và đã thực hiện có kết quả rất tốt là thay đổi khí hậu vùng miền. Những người ở phía bắc chuyển vào nam hoặc ngược lại từ nam ra bắc sẽ dần dần giảm đến hết hẳn cơn hen. Ngoài ra, các cách dự phòng dễ hiểu dễ làm là:
Tránh xa các dị nguyên gây dị ứng như thức ăn gây dị ứng, phấn hoa có mật độ cao trong mùa hoa nở rộ, các loại bụi khói, khói thuốc lá, lông chó mèo và các loại sợi bông, sợi nhân tạo của chăn, đệm, thảm trải nhà.
Cũng nên tránh những stress để khỏi bị những cảm xúc bất lợi dẫn đến cơn khó thở.
Điều cuối cùng, rất hữu hiệu nhưng đòi hỏi sự kiên trì rèn luyện là tập thở. Có thể tham gia các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời để có bạn cùng giúp nhau kiên trì tập thở. Động tác tập thở cũng đơn giản nhưng cũng phải kiên trì: tập thở bụng, dùng co giãn của cơ hoành để hít vào được sâu nhất, nhiều oxy nhất và khi thở ra tống được hết khí cặn ra ngoài. Mỗi ngày dành ra 2 – 3 lần, mỗi lần 20-30 phút tập thở ở nơi thoáng khí, yên tĩnh, thế là “thiền”, là phòng được bệnh và cải thiện được sức khỏe.
Xem thêm:
Trẻ Bị Nhiễm Giun Kim; Giun Móc – Các Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị