Updated at: 08-05-2020 - By: admin

Cũng như những bệnh khác, trẻ sơ sinh bị sốt phát ban có trường hợp nặng, trường hợp nhẹ. Không chỉ vậy, sốt phát ban này có thể bắt nguồn từ nhiều thứ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Với tình hình này, mẹ cần làm gì? Và làm thế nào để bé nhanh chóng khỏi bệnh? Chúng ta cùng xem thế nào nhé!

Trẻ bị sốt phát banTình trạng sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Sốt phát ban có thể hiểu như thế nào?

Sốt phát ban được dùng để chỉ các kiểu sốt có kèm theo triệu chứng nổi nốt ban ở trên da. Độ tuổi dễ bị dạng sốt này nhất thường là những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới được 6 tháng đến 36 tháng tuổi. Đặc biệt là những bé trong giai đoạn 6 đến 12 tháng. Tình trạng sốt phát ban rất dễ gặp khi cơ thể của bé không đủ sức đề kháng, miễn dịch. Loại sốt này rất dễ lây lan và truyền bệnh từ người này sang người khác rất nhanh nên với những bé đang bị sốt phát ban đều cần được cách ly.

Trong thời gian đầu sau khi phát bệnh, sốt phát ban thường ở thể lành tính và chỉ sau 5 ngày hoặc 1 tuần là có thể khỏi. Tuy nhiên, bệnh có nhanh hết hay không sẽ còn tùy thuộc vào cách chăm sóc của cha mẹ. Nếu ba mẹ không nắm rõ và chăm sóc sai cách, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng. Đa số các bé sơ sinh đều có thể sẽ trải qua sốt phát ban ít nhất 1 lần.

Nguyên nhân gì khiến cho trẻ bị sốt phát ban?

Vì sốt phát ban bắt nguồn từ nhiều loại sốt khác nhau nên nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng có rất nhiều. Nhưng trong hầu hết các trường hợp sốt phát ban thì có đến 70-80% là bị nhiễm các loại virus. Những virus gây bệnh này có thể được phát tán từ bệnh Rubella, bệnh sởi, Adeno…, các loại virus gây hại khác như Rnterovirus, Dengue, Echo, virus của bệnh tay chân miệng…

Các loại virus này đều gây ra những biến chứng nghiêm trọng nên nếu không chăm sóc kỹ và đúng cách, bé có thể sẽ bị đi bị lại bệnh sốt phát ban. Trong số đó có 2 loại virus thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là virus gây ra bệnh sởi (tạo ra nốt ban đỏ) và virus gây ra bệnh Rubella (tạo các nốt ban đào).

Hiện tượng sốt phát ban là một loại bệnh dễ lây lan, nhất là những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi… Chỉ cần một cú hắt hơi hoặc ho cũng có thể truyền virus gây bệnh sang người khác. Vì thế, khi bé đã bị bệnh mẹ cần cách ly bé hoặc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh từ trước để khi đến nơi đông đúc không bị lây bệnh.

Trẻ bị sốt phát banVirus gây bệnh thủy đậu cũng có thể khiến bé bị sốt phát ban

Làm sao để nhận biết trẻ đang bị sốt phát ban?

Sốt phát ban xuất hiện từ nhiều căn bệnh khác nhau như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng, bệnh Rubella, bệnh sốt xuất huyết… Tuy nhiên, chúng đều tạo ra những biểu hiện giống nhau như trẻ sơ sinh bị sốt nổi mẩn đỏ khắp người. Thời gian đầu lúc mới bị bệnh, bé thường sẽ bị sốt. Tùy thể trạng và tùy bệnh gây ra mà triệu chứng sốt của trẻ có thể nhẹ từ 37 đến 38 độ C hoặc bị nặng hơn từ 39 đến 40 độ. Đến khi qua được vài ngày, tình trạng sốt của bé sẽ giảm và chuyển sang giai đoạn nổi các nốt ban. Màu của nốt ban có thể sẽ là màu hồng hoặc đỏ phụ thuộc vào tác nhân virus gây nên bệnh.

Đối với trường hợp bé bị bệnh Rubella, thời gian xuất hiện nốt ban là trong 3 ngày. Lúc đầu mặt bé sẽ có những nốt mẩn đỏ và di chuyển dần xuống chân sau đó. Màu của ban Rubella thường là hồng, đào và dày hơn các loại nốt ban khác. Bên cạnh đó, cổ của trẻ còn bị nổi lên những cục hạch cùng với cảm giác đau khớp. Khi mắc phải Rubella, các cơn sốt xảy đến với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ở mức độ nhẹ và lành tính. Tuy nhiên, trong trường hợp là phụ nữ mang thai bị Rubella thì sẽ rất nguy hiểm.

Còn khi trẻ bị bệnh sởi, không giống như Rubella chỉ nổi mẩn ở mặt và chân, sởi sẽ tạo ra các vết ban trên toàn bộ cơ thể. Khi mới mắc bệnh, nhiệt độ cơ thể của bé tăng cao và gây nên tình trạng sốt cao. Sau một thời gian, sốt sẽ từ từ hạ dần và bắt đầu có các nốt ban trên cơ thể. Vị trí đầu tiên có các nốt này là ở sau tai rồi từ từ nó sẽ di chuyển đến mặt, ngực, bụng và sau cùng là toàn cơ thể. Điều đặc biệt ở bệnh này mà mẹ có thể nhận biết quá trình hồi phục và khỏi bệnh là trình tự xuất hiện và biến mất của chúng. Từ lúc bị bệnh, quá trình sốt và thứ tự có nốt ban sẽ theo như trên và lúc hết bệnh sẽ lại diễn ra theo chiều ngược lại.

Các nốt ban của bệnh sởi thường có màu đỏ, trông như bị rôm sảy, sờ vào sẽ có cảm giác sần. Đến khi những nốt này biến mất, mẹ sẽ thấy những chỗ từng nổi ban đó bị thâm hơn và có màu sậm. Ngoài triệu chứng sốt và phát ban, bệnh sởi còn khiến bé ho, đỏ mắt và chảy nước mũi. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể chuyển thành biến chứng viêm não, viêm phổi cực kỳ nguy hiểm.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách

Sốt phát ban không không phải là thể ác tính nhưng vẫn có khả năng trở thành biến chứng xấu nếu cách chăm sóc cho trẻ bị sai. Vì điều này, bố mẹ càng cần chú ý hơn trong khâu chăm sóc bé. Nếu không, bé có thể bị bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là tử vong.

  • Cho bé dùng thuốc hạ sốt dành cho trẻ em như paracetamol, babyplex, efferagant. Nhưng phải lưu ý đọc kỹ hướng dẫn để thực hiện cho chính xác hoặc mẹ cũng có thể hỏi qua bác sĩ trước khi cho bé uống.
  • Dùng khăn nhúng vào nước ấm và lau toàn bộ người bé
  • Có thể cho bé sử dụng một số loại thuốc mà được điều chế từ các loại thảo dược như rau tần, gừng hấp mật ong (chú ý không áp dụng với những bé dưới 1 tuổi), tắc chưng với đường phèn… giúp cho bé bớt ho, đau họng

Trẻ bị sốt phát banRau tần – bài thuốc trị ho hiệu quả cho trẻ

  • Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối loãng khi bé bị tắc mũi
  • Cho bé ăn những món mềm, lỏng, hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng nhưng vẫn có đủ các dưỡng chất. Không chỉ vậy, mẹ nên chia bữa ăn bình thường của bé thành nhiều bữa nhỏ vừa giúp bé không bị đói mà bé cũng dễ nuốt, dễ tiêu thức ăn hơn.
  • Cho những bé dưới 1 tuổi mà bị sốt phát ban uống nhiều sữa hơn. Điều này vừa bù lại lượng nước đã mất cho bé vừa giúp bé sản sinh được nhiều kháng thể ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển bệnh của các loại virus có hại.
  • Bên cạnh cho bé bú nhiều sữa mẹ, mẹ cũng nên cho bé uống nhiều nước đun sôi để nguội, oresol. Có thể cho bé uống nước trái cây để có thêm vitamin.
  • Mắt đỏ là một trong những biểu hiện của sốt do virus nên để giúp mắt bé đỡ hơn mẹ nên cho bé ăn uống các loại thực phẩm giàu vitamin A.
  • Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể cho bé mỗi ngày. Nhưng cần chú ý tắm nơi kín gió, không tắm lâu để bé không bị lạnh. Hoặc mẹ có thể mua lá chuyên dùng để tắm phát ban hay mướp đắng để tắm cho bé. Không tắm cho bé bằng rượu trắng vì có thể gây hại, làm cho bệnh tình trở nặng.
  • Khi mẹ thấy bé có những biểu hiện không giảm cơn sốt, ngủ mê man không biết gì, cơ thể hay lừ đừ, có chứng co giật, thở nhanh, thở mệt, đôi khi khó thở thì nên đưa bé đến ngay bệnh viện để khám và chữa trị.

Những điều kiêng kỵ dành cho trẻ sốt phát ban

Nhiều cha mẹ thường lo rằng sốt phát ban có thể trở nên tệ hơn và lâu khỏi nếu cho bé tiếp xúc với gió, nước và ăn uống hằng ngày. Vì vậy, mọi người thường chọn cách kiêng chúng. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn sai. Theo các nhà khoa học, giai đoạn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn đang trong thời gian phát triển và cần được bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết hơn người lớn. Nhờ đó, bé mới có thêm sức đề kháng, sức khỏe được tăng lên để kháng lại các virus gây hại. Chính vì vậy, mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa để chế biến cho bé. Để bé hấp thu dễ hơn, mỗi ngày mẹ nên cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ. Bên cạnh đó, bé vẫn có thể ra gió nhẹ và tắm táp bình thường. Chỉ cần lưu ý là tránh những nơi có gió to, gió rét và lau rửa cơ thể nhẹ nhàng khi tắm.

Với trường hợp là những bé dưới 6 tháng tuổi thì thường bị sốt phát ban dạng khác và ít bị ban sởi. Mặc dù vậy, để chẩn đoán được chính xác và trị bệnh kịp thời, mẹ vẫn nên đưa bé đi khám. Còn những bé đã được 6, 7 hoặc 8 tháng tuổi thì có nguy cơ cao là bị sốt phát ban từ bệnh sởi. Những trẻ 9 tháng tuổi cho đến 1 tuổi khi mắc phải sốt phát ban mà có triệu chứng sốt và có các nốt ban khắp cơ thể thì cũng có thể là đã bị sởi. Nhưng nếu đã được tiêm ngừa từ trước vắc xin sởi thì đây không phải là do bệnh sởi mà có khả năng là bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng…

Khi mẹ muốn dùng thuốc chữa bệnh cho trẻ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước, đặc biệt là những bé chưa đủ 6 tháng. Vì ở độ tuổi này, bé vẫn còn quá nhỏ, da bé rất nhạy cảm và dễ rơi vào tình trạng ngộ độc nếu dùng sai thuốc và sai liều lượng.

Mẹ cần làm gì để bé không bị sốt phát ban?

Một trong những cách tốt và hiệu quả nhất chính là cho bé tham gia tiêm phòng. Để phòng bệnh sởi, bé cần được tiêm vắc xin sởi mũi lần đầu lúc 9 tháng tuổi. Tiếp đó, chờ đến khi trẻ được 18 tháng tuổi, mẹ đưa bé đi tiêm mũi thứ 2. Chỉ khi tiêm đủ được cả 2 mũi, cơ thể bé mới có thể miễn dịch virus sởi đến 99%.

Trẻ bị sốt phát banTiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh

Còn muốn phòng được bệnh Rubella và quai bị, bé nên được tiêm vắc xin 3 trong 1. Mũi thứ nhất là khi bé 12-15 tháng tuổi và mũi thứ 2 là khi được 4-6 tuổi. Đối với phụ nữ bắt đầu mang thai được 3 tháng, mẹ sẽ được chích 1 liều duy nhất.

Ngoài ra, để tránh tình trạng lây nhiễm virus, mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh hay vừa hết bệnh. Và với bé đang mắc bệnh sốt phát ban cũng vậy, mẹ cũng cần cách ly bé với mọi người để bé không truyền bệnh cho người khác. Không chỉ vậy, mẹ cũng cần đảm bảo môi trường, không khí xung quanh được thoáng mát, không cho bé chạm vào các con vật nuôi trong nhà hay lông động vật khác. Với quần áo, mẹ nên cho bé mặc những bộ đồ rộng rãi, thoải mái.

Kết luận

Trẻ sơ sinh bị sốt phát ban nhanh khỏi nhưng cũng nhanh trở nặng. Phần lớn sẽ tùy thuộc vào cách thức chăm sóc bé của các ông bố bà mẹ. Chính vì vậy, bố mẹ cần quan tâm, để ý nhiều hơn và sẵn sàng làm bạn với con. Nhờ đó,  mẹ có thể hiểu bé hơn và bé cũng sẽ nhanh năng động trở lại.

Nguồn tham khảo

  • https://oeoe.vn/tre-bi-sot-phat-ban-man-do-phai-lam-sao-kieng-gi-bieu-hien-nguyen-nhan-cach-phong-chong-chua-tri.html
  • https://vicare.vn/bai-viet/phat-hien-som-sot-phat-ban-o-tre-so-sinh/
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/roseola/symptoms-causes/syc-20377283

 

Rate this post