Updated at: 06-05-2020 - By: admin

Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trẻ bị uốn ván rốn là do nhiều nguyên nhân, phổ biến là do cắt rốn không vô khuẩn khiến cho trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập và gây bệnh. Vậy uốn ván rốn là bệnh gì, triệu chứng và cách điều trị ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Theo các bác sĩ chuyên khoa, uốn ván sơ sinh là một bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc do trực khuẩn Clostridium tetani, gram (+) gây ra. Đây là loại bệnh hay gặp ở các nước đang phát triển, có tỉ lệ tử vong cao (34-50%). Mặt khác, số ca điều trị qua khỏi được uốn ván cũng có tỉ lệ di chứng như động kinh, kém phát triển tinh thần, vận động,… cũng không ít.

Trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn là do người đỡ đẻ không vô khuẩn các dụng cụ cắt rốn, thậm chí không có dụng cụ mà dùng bằng thanh nứa, bằng liềm, dao kéo bẩn,… Trẻ bị mắc bệnh thường là do không đến các cơ sở y tế mà đẻ tại nhà, đẻ rơi và do những người không có chuyên môn tiến hành đỡ đẻ.

Trực khuẩn gram (+) có tên là Nicolaier (Clostridium tetani) tồn tại ở dạng hoạt động hay dạng kén (nha bào) xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt rốn nên gọi là uốn ván rốn. Nha bào uốn ván tồn tại nhiều trong đất cát, bụi bẩn, nước bẩn, phân súc vật (trâu bò).

Uốn Ván Rốn Ở Trẻ Sơ SinhBệnh uốn ván rốn sơ sinh do trực khuẩn Clostridium tetani gây ra

Vi khuẩn uốn ván rất khó tiêu diệt, chúng có thể chịu đựng được với nhiệt độ cao ở 120°c trong 15 phút, ở 90°c trong 2 giờ mà không chết. Điều kiện thích hợp để nha bào Clostridium tetani trở thành dạng hoạt động là nhiệt độ 35-37°C (nhiệt độ cơ thể người) và pH: 6,8-7,4.

Khi đó, vi khuẩn uốn ván tiết ra hai loại độc tố, một loại tác động lên hệ thống vận động của thần kinh, gây ra các cơn co giật và co cứng cơ. Loại độc tố này rất mạnh, chỉ cần 1/50.000 – 1/90.000 của lml là đủ để gây chết 1 con chuột lang. Còn loại độc tố thứ hai có thể gây vỡ hồng cầu nhưng yếu và dễ bị phá huỷ hơn.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh trải qua 3 thời kỳ chính:

  •  Thời kỳ ủ bệnh: Kể từ khi trẻ được cắt rốn tới khi có dấu hiệu tê cứng hàm là thời kỳ ủ bệnh không báo trước, không có dấu hiệu gì rõ ràng. Thời gian từ khi ủ bệnh đến khi phát bệnh từ 4-15 ngày, thời kỳ ủ bệnh càng ngắn chứng tỏ bệnh càng nặng.
  •  Thời kỳ khởi phát: Trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại như đòi bú, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc nhiều hơn. Lúc này, nếu cha mẹ đè lưỡi trẻ ấn xuống thì thấy không phản ứng lại, đó là dấu hiệu cứng hàm (trismus). Thời kỳ khởi phát này chỉ kéo dài từ vài giờ đến một ngày rồi nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát.
  •  Thời kỳ toàn phát: Bệnh càng thể hiện rõ ràng thông qua triệu chứng cứng hàm với các cơn co giật và co cứng. Cơn co giật xảy ra một cách tự phát hay kích thích như khi có ánh sáng, hoặc được bế cho ăn.

Uốn Ván Rốn Ở Trẻ Sơ SinhNhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng

Cơn co giật ở trẻ bị uốn ván có thể kéo dài vài phút hoặc có khi tới 5-6 giờ liền. Nếu cơn co giật mạnh liên tục, có thể kèm theo cơn ngừng thở kéo dài 2-3 phút, thậm chí đến 20-30 phút do cơ thanh quản bị co thắt, đe doạ tính mạng trẻ.

Trẻ bị uốn ván thường có vấn đề về tiêu hoá, hay bị táo bón. Hơn nữa, rốn trẻ thường bị rụng sớm và nhiễm khuẩn, có mủ hay bốc mùi hôi thối. Bệnh uốn ván sơ sinh thường kéo dài từ 2-3 tuần. Đặc biệt, trẻ rất dễ tử vong ở tuần thứ nhất và thứ hai do những cơn co giật hoặc biến chứng viêm phổi nguy hiểm.

Thời kỳ lui bệnh: Những trẻ vượt qua được tuần thứ hai, thứ ba tức là bệnh đang lui dần. Các cơn co giật, cứng hàm giảm dần và trẻ bắt đầu mở mắt, khóc được, trước nhỏ sau to dần. Vài hôm sau, trẻ có thể bú mẹ được. Tuy nhiên, phải từ 1,5-2 tháng thì trương lực cơ của trẻ mới trở lại bình thường.

Điều trị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Ngay khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn, cha mẹ cần phải chuyển trẻ đi bệnh viện, trước khi chuyển đi có thế đặt trẻ nơi yên tĩnh trong phòng tối, dùng khăn ướt lau sạch cổ, bẹn, nách và những vùng có nếp gấp. Ở những trẻ chưa rụng rốn, cha mẹ cần rửa rốn bằng nước đun sôi để nguội, nước muối sinh lý 9% hoặc cồn 70°.

Bên cạnh đó, cần hút hoặc lau sạch chất dịch ở mũi, họng để làm thông đường thở của trẻ. Nếu trẻ không bú được, cần vắt sữa mẹ và đút cho trẻ ăn bằng thìa nhỏ. Nếu cần, có thể tiêm một liều penicilin 200.000 UI và cho trẻ uống Seduxen 5mg x 1/2 viên trước khi chuyển đi bệnh viện.

Tại các cơ sở y tế, trẻ bị uốn ván rốn sẽ được điều trị đặc hiệu bằng cách tiêm huyết thanh chống uốn ván. Có hai loại huyết thanh: 1 là huyết thanh chống uốn ván lấy từ người, 2 là huyết thanh từ ngựa, được tiêm dưới da hay tiêm bắp thịt cho trẻ. Huyết thanh lấy từ người hiếm hơn, có ưu điểm là không gây phản ứng, tồn tại lâu, tiêm từ 5.000 – 10.000 đơn vị. Còn huyết thanh chống uốn ván lấy từ ngựa tuy không tốt bằng nhưng cũng được dùng rộng rãi hơn với liều lượng tiêm từ 10.000 – 20.000 đơn vị.

Việc điều trị các cơn co giật ở trẻ sơ sinh có vai trò rất quan trọng, vì các cơn co giật có thể gây tử vong đột ngột cho trẻ. Các bác sĩ có thể dùng các thuốc an thần và giãn cơ như: Penthobarbital và Secobarbital tiêm vào tĩnh mạch trẻ để làm giãn cơ bắp. Sau đó, dùng Barbiturate có tác dụng lâu như Phenobarbital, còn Meprobamate sẽ giúp làm tăng tác dụng của Barbiturate.

Bên cạnh đó, có thể cho thêm Chlorpromazine hoặc siro Chloral và Diazepam cho trẻ uống. Tuy nhiên, khi cho trẻ uống thuốc cần theo dõi chặt chẽ vì thuốc Hydrate Chloral có tác dụng ức chế hô hấp của trẻ, có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng. Trong suốt quá trình điều trị, cần phải bảo đảm thường xuyên làm thông đường thở cho trẻ.

Ở những trường hợp uốn ván rốn thể nhẹ, các bác sĩ sẽ dùng một hoặc hai loại thuốc an thần như Chlorpromazine, Diazepam để chống co giật ở trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp thì phải đặt nội khí quản để thông đường thở. Sau mỗi giờ, cha mẹ cần tiến hành hút đờm dãi cho đến khi trẻ vượt qua giai đoạn cấp tính.

Theo một số nhà khoa học, đối với những trường hợp bệnh uốn ván rốn có diễn biến nặng, trước tiên cần phải đặt nội khí quản cho trẻ, sau đó mở khí quản, đặt ống thông để thông khí cho cả hai phổi giúp trẻ thở được dễ hơn. Phương pháp điều trị này phải được một tập thể bác sĩ lành nghề theo dõi chặt chẽ, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Chăm sóc trẻ bị bệnh uốn ván rốn

Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh bị uốn ván là một việc đặc biệt quan trọng. Thông thường, các bác sĩ sẽ đặt trẻ trong lồng ấp có nồng độ oxy và nhiệt độ thích hợp. Đối với những cơ sở y tế không có lồng ấp thì phải đặt trẻ trong một căn phòng yên tĩnh, ít ánh sáng.

Cha mẹ không nên động chạm vào người hoặc bế ẵm trẻ để tránh các cơn co giật có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trong giai đoạn đầu của bệnh, nếu trẻ bị lên cơn co giật nhiều, không thể nuốt được thì phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Mặt khác, cần bảo đảm nhu cầu về nước, chất điện giải và các chất dinh dưỡng cho trẻ.

Khi các cơn co giật giảm dần, nên cho trẻ ăn sữa mẹ qua ống thông được đặt từ mũi đến dạ dày số lượng khoảng 50ml, chia làm 8 lần mỗi ngày. Nếu bệnh viện không có điều kiện nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, nên đặt ống thông từ mũi – dạ dày trẻ ngay sau khi vào bệnh viện để có thể kết hợp bơm sữa mẹ và cho uống các loại thuốc kháng sinh, vitamin,… để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Đối với vết thương ở rốn, nên điều trị bằng cách rửa sạch rốn nhiễm trùng với nước oxy già và dùng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ có tác dụng kiềm chế trực khuẩn uốn ván, ngăn chặn được tình trạng bội nhiễm nhưng không kiềm chế được việc sản xuất độc tố của vi khuẩn.

Uốn Ván Rốn Ở Trẻ Sơ SinhRốn của trẻ bị uốn ván rất dễ bị nhiễm trùng

Phòng bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Tiêm phòng uốn ván: Cơ thể người vốn không có các kháng thể miễn dịch tự nhiên với vi khuẩn Clostridium tetani, nếu muốn có miễn dịch phải tiêm phòng uốn ván. Việc tiêm phòng thực chất là tiêm trước vắc xin phơi nhiễm, tạo ra kháng thể cho người mẹ để tránh việc lây nhiễm trực khuẩn Clostridium tetan khi chuyển dạ. Đồng thời, kháng thể này có thể giúp trẻ sơ sinh không bị nhiễm trùng uốn ván khi cắt dây rốn.

Đối với phụ nữ mang thai, cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván vào 2 tháng cuối. Mũi thứ hai cần được tiêm sau mũi thứ nhất một tháng và phải trước ngày dự sinh ít nhất là 15-30 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ được sinh ra trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ thì vẫn có thể tiêm phòng uốn ván SAT với liều lượng 1500 đơn vị, tiêm vào bắp tay hoặc bắp chân một lần sau sinh.

Uốn Ván Rốn Ở Trẻ Sơ SinhTiêm phòng là cách tốt nhất để phòng ngừa uốn ván

Vô khuẩn khi cắt rốn: Nữ hộ sinh trước khi đỡ đẻ phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hay nước sôi để nguội, đồng thời, cần sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay vào dung dịch thuốc sát trùng. Các dụng cụ cắt rốn như kéo cắt, chỉ buộc, băng rốn phải được hấp ở nhiệt độ 120°C trong 20 phút, hoặc đun sôi trong 2 giờ. Khi cắt rốn cho trẻ, cần tránh chạm tay vào móm cắt rốn gây nhiễm trùng.

Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh diễn biến âm thầm với thời gian ủ bệnh ngắn cho nên khi phát hiện được thì trẻ đã rơi vào tình trạng nguy hiểm. Cho nên, khi mang thai, người mẹ cần được tiêm phòng uốn ván đầy đủ và khi cắt rốn cho trẻ phải chú ý vệ sinh để tránh nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván tấn công.

Xem thêm:

Tiêm Uốn Ván Phải Kiêng Gì, Những Lưu Ý Không Thể Bỏ Qua

Nguồn tham khảo:

  • https://www.dieutri.vn/bgsanphukhoa/bai-giang-uon-van-ron/
  • https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-be-so-sinh-chet-vi-uon-van-cach-ngua-uon-van-ron-so-sinh-n113797.html
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3594855/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5496662/

 

Rate this post