Updated at: 21-04-2020 - By: admin

Viêm phổi là một căn bệnh chủ yếu do virus, vi khuẩn gây nên và đặc biệt nguy hại đối với trẻ sơ sinh. Để giúp điều trị hiệu quả căn bệnh viêm phổi ở trẻ em, bố mẹ cần biết cách nhận biết triệu chứng qua từng nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị cũng tùy theo từng tình trạng bệnh.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?

Theo thống kê của tổ chức UNICEF, ước tính mỗi năm trên thế giới có hơn 3 triệu trẻ sơ sinh bị chết bởi bệnh viêm phổi. Bệnh viêm phổi ở ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong rất cao.

Viêm phổi là bệnh gây ra bởi phổi bị nhiễm trùng, khi đó các túi khí trong phổi (phế nang) của trẻ sẽ chứa đầy mủ và các chất dịch khác khiến cho oxi không thể đi vào máu. Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có thể bị sốt, ho hoặc khó thở. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể được điều trị khỏi trong vòng 1 – 2 tuần nếu phát hiện sớm.

Viêm phổi ở trẻTrẻ sơ sinh bị viêm phổi có thể bị sốt, ho hoặc khó thở

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh được chia thành các loại khác nhau, cụ thể là:

  • Bệnh viêm phổi thùy: bệnh này do vi khuẩn gây nên, có thể gây áp xe, nhiễm trùng, tràn dịch màng phổi và có thể gây ra viêm màng não.
  • Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh (còn gọi là viêm phế quản phổi): là tình trạng nhiễm khuẩn ở phế quản và nhu mô phổi của trẻ. Tình trạng này có thể làm rối loạn quá trình trao đổi khí, dễ gây ra suy hô hấp và tử vong. Đặc biệt, những trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh này nên bố mẹ cần hết sức lưu ý.

Dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Thông thường, triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh có sự khác nhau tùy vào từng độ tuổi, mức độ bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Nhưng về cơ bản, có thể gói gọn trong những dấu hiệu dưới đây:

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh dễ thấy nhất là trẻ mệt mỏi, kém ăn, nằm li bì, lười hoạt động và chỉ muốn ngủ liên tục. Bởi lẽ, bệnh viêm phổi ảnh hưởng tới hệ hô hấp khiến cho bé hô hấp khó khăn hơn, cần dùng nhiều lực để hít thở hơn nên dễ bị kiệt sức.

Bên cạnh đó, trẻ bị sốt cao, thường trên 39 độ cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm phổi. Tuy nhiên, một số trẻ trên 3 tháng cũng bị sốt trên 39 độ nhưng do các nguyên nhân khác. Vì vậy, bố mẹ cần phải chẩn đoán bệnh kết hợp với những dấu hiệu kèm theo khác.

Viêm phổi ở trẻTrẻ sơ sinh bị viêm phổi thường mệt mỏi, kém ăn, nằm li bì

Bé bị viêm phổi còn bị tức ngực hoặc đau bụng, quấy khóc, nôn trớ hoặc tiêu chảy. Mặt khác, bé bỏ bú hoặc bú ít, điều này dễ gây mất nước và suy kiệt cơ thể. Một biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường thấy nữa là trẻ hay bị khó thở, thở gấp gáp hơn mức bình thường. Thay vì chỉ dùng phần ngực để thở như bình thường thì bé phải dùng cả phần bụng để co bóp và cố gắng hít lấy nhiều oxy hơn.

Không chỉ có vậy, bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh còn có những dấu hiệu như ho khan vào thời gian đầu và thời gian sau lại có đờm màu trắng rồi chuyển sang màu xanh hoặc vàng. Môi và da của bé có thể tím tái, xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống do cơ thể không lấy đủ oxy.

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ bị nhiễm vi trùng, virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng trong môi trường. Hiện nay, hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phổi đều là do nhiễm virus.

Các loại nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp là:

  • Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn: Có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, trong đó, liên cầu khuẩn pneumoniae là phổ biến nhất. Ngoài ra, bệnh viêm phổi còn có nguyên nhân từ các loại liên cầu khuẩn nhóm A, liên cầu khuẩn nhóm B, Staphylococcus aureus,…
  • Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh do virus: Thông thường, bệnh viêm phổi được gây ra bởi các loại virus như: virus Parainfluenza, virus cúm, virus hợp bài hô hấp RSV (thường gặp nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi), Adenovirus,…
  • Viêm phổi do nấm Mycoplasma: loại viêm phổi này khác hẳn so với 2 loại trên, thường khiến trẻ sơ sinh bị viêm phổi nhẹ, ảnh hưởng tới hầu hết các nhóm tuổi.
  • Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm phổi khác như do hít phải khí độc, bụi bẩn hoặc do nấm, dị ứng do thức ăn hay chất lỏng nào đó.

Viêm phổi ở trẻTrẻ bị viêm phổi do nhiều nguyên nhân như khí độc, bụi bẩn

Cách điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể gây nên nhiều ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực tới sức khỏe, sự phát triển của bé yêu. Nếu trẻ không được chữa trị và chăm sóc kịp thời, bệnh viêm phổi có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, viêm màng não, nhiễm trùng máu, còi xương, kém phát triển,…

Để điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh, các bố mẹ nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện để có những phương pháp, phác đồ chữa trị phù hợp tùy vào từng tình trạng bệnh của bé. Bởi lẽ, đa phần biến chứng của bệnh viêm phổi đều rất dễ dẫn tới tử vong, vì vậy bố mẹ cần chú ý điều trị và chăm sóc trẻ đúng cách.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em cũng sẽ có những cách chữa riêng, tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

Điều trị bệnh viêm phổi do virus gây nên: Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh do virus và mycoplasma gây nên thì thường bố mẹ không cần cho trẻ sử dụng kháng sinh và có thể tự điều trị tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ đối với những trường hợp bệnh nhẹ.

Điều trị viêm phổi ở trẻ do vi khuẩn: Đối với tình trạng bệnh viêm phổi do vi khuẩn gây nên, trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh. Khi đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của trẻ để kê đơn thuốc và liều lượng cho phù hợp. Tuy nhiên, bố mẹ cần tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi

Khi điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần có chế độ chăm sóc phù hợp để giúp trẻ khỏi nhanh, tránh bệnh tái phát trở lại. Việc chăm sóc trẻ cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, chú ý thực hiện chườm ấm để hạ sốt cho trẻ. Nếu cần, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị ho có đờm, bố mẹ nên thực hiện long đờm cho trẻ bằng thao tác vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả. Quan trọng nhất là cần vệ sinh cá nhân trẻ và môi trường xung quanh sạch sẽ để tăng sức đề kháng, giúp bệnh mau lành.

Khi trẻ bị viêm phổi, bố mẹ cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, có nước để dễ tiêu, dễ nuốt. Những trẻ sơ sinh bú mẹ thì cần tăng cường cho bú, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tuyệt đối không ép trẻ ăn để tránh nôn trớ.

Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, thoáng mát. Khi cho trẻ nằm ngủ, nên gối đầu cao hơn một chút hoặc cho trẻ nằm ngửa để tránh nước mũi, đờm làm tắc đường thở. Chú ý thường xuyên thay đổi tư thế ngủ cho trẻ để giúp máu lưu thông được dễ dàng.

Cách phòng tránh bệnh viêm phổi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Một số bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể được ngăn chặn bằng vắc xin. Chính vì vậy, trẻ được tiêm chủng bắt đầu từ 2 tháng tuổi thông thường có thể chống lại được phế cầu khuẩn Haemophilusenzae và bệnh ho gà.

Đối với những trẻ sinh non, sức đề kháng rất yếu nên có biện pháp điều trị tạm thời chống lại RSV vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn thông thoáng, khô ráo, không ẩm thấp. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần khoa học, hợp lý, chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Cần cách ly trẻ khỏi những nơi có nguồn gây bệnh hoặc nghi ngờ có nguồn bệnh để tránh tái phát. Đối với bệnh viêm phổi ở sơ sinh cần được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của trẻ bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để có những chẩn đoán đúng và xử lý kịp thời. Chẳng hạn như con ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi thì nên nhập viện ngay để theo dõi và điều trị vì đây có thể là triệu chứng của bệnh viêm phổi dạng nhẹ.

Viêm phổi ở trẻKhi trẻ có dấu hiệu bệnh viêm phổi, cần đưa trẻ đi khám ngay

Mặt khác, khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt nhẹ, nghẹt mũi kèm theo đó là chán ăn, quấy khóc, bỏ bú, viêm họng, ho, mệt mỏi, không muốn vận động. Đó có thể là biểu hiện của viêm phổi dạng trung bình ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm.

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như sốt cao, đổ mồ hôi, da có hiện tượng đỏ ửng lên, xuất hiện cảm giác ớn lạnh, trẻ khó thở, thở khò khè thì đây chính là những dấu hiệu trẻ bị viêm phổi dạng nặng. Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ, chữa trị kịp thời.

Kết luận

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh cần phải được phát hiện và điều trị sớm, tránh để bệnh đi vào giai đoạn mãn tính khiến cho việc chạy chữa tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Chính vì vậy, bất cứ khi nào các bố mẹ cảm thấy nghi ngờ về sức khỏe của con mình đều có thể đưa trẻ đi thăm khám tại bệnh viện. Ngoài ra, hãy chú ý tới những dấu hiệu và những triệu chứng của bệnh viêm phổi ở trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay.

Xem thêm:

Bệnh Vàng Da Ở Trẻ Sơ Sinh, Dấu Hiệu, Nguyên Nhân, Cách Điều Trị Từ BS

Nguồn tham khảo:

  • https://eva.vn/lam-me/viem-phoi-dau-hieu-nhan-biet-cach-dieu-tri-va-cham-soc-tre-c10a388723.html
  • https://www.marrybaby.vn/benh-tre-em/tre-so-sinh-bi-viem-phoi
  • https://kidshealth.org/en/parents/pneumonia.html

 

5/5 - (1 vote)