Giai đoạn ăn dặm là một mốc quan trọng trong sự thay đổi thực đơn hằng ngày của bé. Đây cũng là lúc cơ thể bé sẽ phải thích ứng và quen dần với những món ăn mới. Cho nên, việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ sao cho phù hợp, dễ ăn, cơ thể có thể tiếp nhận từ từ và nạp được nguồn dinh dưỡng có trong món ăn mới này là điều mà nhiều mẹ quan tâm.
Và để giảm sự lo lắng của mẹ, chúng tôi đã tổng hợp những thực đơn theo từng lứa tuổi để mọi người có thể tham khảo.
Làm sao để xây dựng được thực đơn ăn dặm đầy đủ dưỡng chất?
Thực đơn ăn dặm cho bé 4 tháng
Ở thời điểm 4 tháng tuổi, thức ăn chính của hầu hết các bé đều là sữa mẹ và chưa ăn thêm món gì khác. Tuy nhiên, có một số trường hợp người mẹ bị thiếu sữa, cạn sữa dẫn đến bé không có sữa để uống. Lúc này, nhiều mẹ thường dùng tới giải pháp cho bé ăn dặm để thay thế. Nhưng việc cho trẻ ăn quá sớm là điều không tốt và dễ khiến cho bé bị thiếu chất vì một số thành phần dinh dưỡng chỉ có trong sữa mẹ.
Hơn nữa, không phải bé 4 tháng tuổi nào cũng có thể ăn dặm. Nếu cơ thể vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận thức ăn mới này thì mẹ cũng không thể cho bé ăn. Bên cạnh đó, dù trẻ có thể ăn dặm nhưng mẹ cũng cần cho bé uống thêm sữa ngoài nếu mẹ không có sữa. Như vậy, cơ thể bé mới cung cấp được đầy đủ các chất cần thiết.
Nhưng trước khi lên thực đơn cũng như chế biến, mẹ cũng cần lưu ý: nên cho bé ăn loãng để dễ nuốt và tiêu hóa, đảm bảo được dưỡng chất (tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin, chất béo) trong mỗi bữa ăn, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau mà nên nấu riêng để nhận biết vị giác và món bé bị dị ứng, khi nấu món cá nên lựa cá thịt trắng, không nêm thêm gia vị để bảo vệ thận của bé.
Để dễ dàng cho việc tập ăn dặm của bé, mẹ nên áp dụng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật.
- Tuần thứ nhất: nấu cho bé những chén cháo trắng và loãng. Giờ ăn cháo các ngày trong tuần luôn là 10h sáng, những thời điểm còn lại thì mẹ cho bé bú sữa. Bên cạnh đó, vào 3 ngày đầu của tuần thứ nhất này, mẹ nên cho trẻ ăn khoảng 5ml và tăng dần lên 10ml vào những ngày sau đó.
Lúc bắt đầu cho bé tập ăn dặm, mẹ nên cho bé làm quen với những chén cháo trắng nấu loãng trước
- Tuần thứ 2: ở tuần thứ 2 này, mẹ sẽ nấu cháo loãng kết hợp với một số loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, cà chua. Giờ ăn của bé cũng là 10h sáng trong một tuần và uống sữa vào những giờ còn lại. Nhưng ở tuần thứ 2, lượng ăn dặm của bé sẽ tăng lên một chút. Trong 2 ngày đầu tiên, cho bé ăn 20ml cháo cà rốt với tỷ lệ cháo 15ml và cà rốt là 5ml. Đến 2 ngày tiếp theo, mẹ sẽ đổi sang cháo bí đỏ cho bé với lượng là 25ml (cháo 20ml, bí đỏ 5ml). Và 3 ngày cuối cùng là ăn cháo cà chua 30ml với lượng cháo là 25ml và cà chua là 5ml.
- Tuần thứ 3: sang đến tuần tiếp theo này, mẹ sẽ đổi loại rau củ nấu chung với cháo và cũng tăng lượng ăn từng bữa lên. Cho bé ăn dặm 10h sáng và uống sữa vào những giờ khác. Ngày thứ 1 và thứ 2, mẹ nấu cho bé cháo rau ngót 40ml với cháo 30ml và rau ngót 10ml. Ngày thứ 3 và 4, bé ăn dặm món cháo su hào 45ml với cháo 35ml và su hào 10ml. Ngày thứ 5,6,7, đổi sang món cháo cải bó xôi 50ml với cháo 40ml và cải bó xôi 10ml.
- Tuần thứ 4: ở tuần cuối cùng này, lượng ăn dặm của bé và thời gian ăn dặm mỗi ngày sẽ giống với tuần 3 và chỉ đổi loại rau củ. Hai ngày đầu cho bé ăn cháo rau ngót, 2 ngày tiếp theo cho bé ăn cháo bắp cải và 3 ngày cuối cùng là ăn cháo rau cải. Những giờ khác mẹ cho bé uống thêm sữa.
Sau khi kết thúc 4 tuần, bé đã quen với việc ăn dặm. Sang đến tháng thứ 5 tiếp theo, mẹ sẽ cần thay đổi lại thực đơn ăn dặm của bé cho thích hợp.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng
Thời điểm thích hợp nhất để bé tập ăn dặm thường là từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 15 sau khi chào đời. Với tháng thứ 5 này, chế độ ăn dặm của bé sẽ có chút khác biệt. Không như tháng thứ 4 bé chỉ có thể tập ăn các món dặm với rau củ. Đến tháng thứ 5 này, bé sẽ được trải nghiệm với những thực phẩm chứa chất đạm và những món được phối hợp từ nhiều loại. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên ăn những món đạm và kết hợp nên trẻ sẽ cần thời gian để thích nghi. Vì vậy, trong những ngày đầu, bé vẫn cần ăn thêm món cháo trắng nấu loãng.
- Tuần thứ nhất: món cháo ăn dặm đầu tiên sẽ là cháo trắng. Khi dạ dày của bé đã quen được với món cháo trắng này trong những ngày đầu thì về sau sẽ dễ ăn những món kết hợp khác hơn (chú ý vào những ngày đầu mẹ nên cho trẻ ăn 5ml từng bữa, mấy ngày sau thì có thể tăng thêm thành 10ml).
- Tuần thứ 2: vì bé đã quen dạ với ăn dặm, mẹ có thể chuyển qua nấu những món cháo cùng với rau củ bên trong. Trong 3 ngày đầu, cho bé ăn cháo cà rốt theo tỷ lệ 3:1 (nghĩa là cháo sẽ nhiều hơn cà rốt 2 thìa). 4 ngày còn lại, mẹ có thể cho bé ăn thử món cháo rau cải và cũng theo tỷ lệ 3:1.
Sau khi bé thích ứng được với cháo trắng, mẹ có thể chuyển sang cháo cà rốt cho bé
- Tuần thứ 3: khi đã đến tuần thứ 3 thì cũng là lúc mẹ nên cho bé thử qua những món đạm. Với 2 ngày đầu tiên, 15 và 16, để bé ăn thử món cháo bí đỏ đậu hũ theo tỷ lệ 3:2:1. Hai ngày tiếp theo, 17 và 18, mẹ cho bé ăn cháo rau cải có cá thịt trắng với tỷ lệ 3:2:1. Ngày thứ 19, nấu cho bé cháo cà rốt có cá thịt trắng, tỷ lệ 3:2:1. Ngày thứ 20, đổi sang món cháo củ cải cá thịt trắng với tỷ lệ 3:2:2. Và ngày cuối tuần thứ 3, mẹ cho bé ăn cháo khoai lang cá thịt trắng, tỷ lệ 3:3:3.
- Tuần thứ 4: lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã được làm quen với các chất đạm và rau củ. Vì vậy, mẹ có thể đổi sang nấu những món kết hợp với nhau thay vì nấu riêng như trước. Thêm nữa, món ăn dặm mỗi ngày đều có thể thay đổi và không cần ăn nhiều ngày để thích ứng. Ở ngày thứ 22, ăn cháo rau cải cùng cá thịt trắng, tỷ lệ 3:2:3. Ở ngày thứ 23, nấu món cháo bí đỏ cùng cá thịt trắng và đậu hũ, tỷ lệ 3:1:1:1. Sang ngày thứ 24, nấu món cháo rau cải cùng củ cải và cá thịt trắng, tỷ lệ 4:2:1:1. Ngày thứ 25, cho bé ăn cháo rau cải và đậu hũ, tỷ lệ 3:2:1. Đến ngày thứ 26, chuyển sang món cháo khoai lang với củ cải và cá thịt trắng, tỷ lệ 3:3:1:1. Ở ngày thứ 27, mẹ đổi món cho bé thành cháo rau cải cá thịt trắng, tỷ lệ 5:1:1. Và từ ngày 28 đến hết tháng, nấu món cháo rau cải cá thịt trắng với tỷ lệ 5:4:1.
Khi đã ăn dặm xong 4 tuần tháng thứ 5, bé sẽ bước sang tháng tuổi thứ 6 và cần được đổi sang những món ăn dặm khác.
Xem thêm:
Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé Từ 3-4-5 Tháng Chuẩn Viện Dinh Dưỡng
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
Khi cho trẻ ăn dặm ở tháng thứ 6, mẹ cần chú ý bé ăn đủ 2 bữa mỗi ngày vì lúc này bé đã lớn hơn, nhanh đói hơn và tiêu hóa cũng đã khá hơn. Giờ ăn tốt nhất nên ăn vào 10h sáng và 7h tối. Cháo cho bé ăn nên nấu loãng và chứa đầy đủ các chất đạm trong đậu hũ, trứng; tinh bột trong cháo và chất xơ, vitamin trong rau củ. Và luôn khởi đầu ăn dặm cho bé với lượng 5ml và tăng dần đều vào những ngày tiếp theo trong tháng.
- Tuần thứ nhất: mẹ cho bé ăn cháo trắng trước nhưng sẽ không giống như ở tháng thứ 4 và 5. Ở tháng thứ 6 này, cho bé ăn cháo kèm với 10ml rau ngót, 5g đậu hũ, 10ml bắp cải. Bên cạnh đó, lượng cháo mà trẻ có thể ăn lúc này là từ 30 đến 40ml. Sau bữa ăn, bé có thể ăn thêm sữa chua nguyên chất không đường.
- Tuần thứ 2: nấu 10 đến 25ml cháo cùng với 5ml cà rốt, 5g đậu hũ, 5ml bí đỏ, ⅔ lòng đỏ trứng và 5ml cà chua cho bé. Sau cùng, để bé ăn sữa chua nguyên chất không đường.
- Tuần thứ 3: nấu hỗn hợp cháo 30 đến 40ml với 10ml rau ngót, 10ml su hào, 10ml cải bó xôi, 5g đậu phụ, ⅔ lòng đỏ trứng và ăn tráng miệng sữa chua nguyên chất không đường.
- Tuần thứ 4: mẹ cho trẻ ăn 30 đến 40ml cháo nấu chung với 10ml rau ngót, 10ml bắp cải, 10ml rau cải, 5g đậu hũ, ⅔ lòng đỏ trứng. Sau bữa ăn, cho bé ăn thêm sữa chua nguyên chất không đường.
Cho bé tráng miệng bằng sữa chua nguyên chất không đường
Ngoài thực đơn ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cũng có thể áp dụng thực đơn ăn dặm blw cho trẻ (một dạng thực đơn cho phép trẻ tự ăn những món mình thích). Không như kiểu Nhật là do ba mẹ quyết định để bé ăn, blw giúp trẻ chủ động trong việc ăn uống. Nhờ đó, bố mẹ sẽ biết được rõ khẩu vị của con. Những loại thực phẩm chủ yếu dùng trong phương pháp này là bông cải xanh hấp, cà rốt hấp, bí đỏ hấp, bơ chín, dưa chuột, dưa gang, măng tây, mỳ ý, ngô ngọt, khoai lang nướng, hấp, lê hấp, táo hấp.
Xem thêm:
Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 6-7 Tháng Chuẩn Viện Dinh Dưỡng
Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng
Tới thời điểm tháng thứ 7, trẻ chắc chắn đã được trải qua những tháng đầu làm quen ăn dặm rồi nên việc ăn dặm cho những bé 7 tháng không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Tuy vậy, thực đơn ăn dặm vẫn cần được mẹ chú ý và cẩn thận từ khâu chọn thức ăn đến khâu chế biến.
Đương nhiên là không thể bỏ qua lượng dinh dưỡng có bên trong cùng lượng trẻ có thể ăn từng bữa. Không chỉ vậy, ở thời điểm này bé có thể dùng thêm những loại thức ăn khác như đậu đỏ, cá ngừ, gan gà, phần ức gà, cá hồi, xà lách, ớt chuông, rau dền. Nhưng sẽ có một điểm sẽ khác chính là giờ ăn của bữa thứ trong ngày, không phải là 7h tối nữa mà là 5h chiều.
- Bữa thứ nhất trong ngày lúc 10h sáng, mẹ có thể sắp xếp cho bé ăn các món sao cho hợp lý và không gây ngán: món súp khoai tây đậu Hà Lan và tráng miệng sữa chua; món súp bí đỏ thịt gà và tráng miệng sữa chua; món cháo thịt đậu bắp ăn kèm với cải bó xôi và bí đỏ, sau cùng là sữa chua dâu; món cháo khoai lang gan gà ăn cùng súp bí đỏ và dâu tây nghiền; món cháo bánh mì khoai lang dùng với súp cá rau cải cùng sữa chua sau bữa ăn; món cháo đậu bắp rong biển với súp đậu thịt hành và tráng miệng bằng xoài miếng nhỏ; món cháo gà bắp cải và đu đủ thái miếng nhỏ; món cháo thịt bò rau dền và chuối thái miếng.
- Còn ở bữa ăn lúc 5h chiều, những món ăn đều sẽ thay đổi giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn: nấu món súp bí đỏ hạt sen cùng canh gà viên; nấu súp khoai tây bí đỏ cùng nước hầm vỏ tôm; nấu mì trứng gà cùng súp cà chua cá; món cháo trắng nấu với cá hồi và rau ngót; món cháo đậu bắp rong biển và súp đậu thịt hành, dùng xoài miếng nhỏ tráng miệng cho bé; món súp khoai tây cá hồi với susu luộc; món cháo gà bắp cải và đu đủ thái miếng nhỏ; món cháo khoai lang gan gà ăn với súp bí đỏ và dâu tây nghiền.
Cũng giống như tháng thứ 6, những trẻ đang ở tháng thứ 7 cũng có thể được áp dụng blw trong bữa ăn dặm hằng ngày. Trong thực đơn ăn dặm blw cho bé 7 tháng, mẹ sẽ chế biến các món như gà rim, bánh mì nhúng trứng rán, bánh mì nhúng chuối rán, tôm rim thịt, sốt hummus, các loại rau củ luộc được thái dài cho bé dễ cầm, sốt bơ…
Món gà chiên cho kiểu ăn dặm
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng
Bước vào giai đoạn 8 tháng tuổi, nhiều mẹ có thể sẽ lo lắng là thức ăn dặm cho bé đã đầy đủ dinh dưỡng và ăn đều đặn rồi nhưng trẻ lại không mập mà chỉ roi roi, tăng cân rất ít. Thực chất, đây là điều hoàn toàn bình thường, sức khỏe và khả năng phát triển của bé không hề bị ảnh hưởng. Mẹ chỉ cần bình tĩnh và kiên nhẫn. Chắc chắn sau khi bé đã được 1 tuổi, bé không những tăng cân mà còn có ý thức tự giác ăn hơn, ít khi lười ăn. Nếu mẹ không an tâm thì cũng có thể cho bé uống thêm sữa.
Với thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng, mẹ có thể áp dụng một trong hai phương pháp sau:
- Ăn dặm kiểu Nhật: cháo cá và cà rốt, cháo thịt heo và nấm rơm, cháo thịt heo và cải ngọt, cháo thịt heo với bí đao, cháo trứng gà với dưa leo, cháo đậu hũ với cà chua.
- Ăn dặm blw: bánh mì phô mai ăn với chả gà hấp và rau củ hấp; cơm nắm lươn mồng tơi; trứng cuộn cải xoăn khoai lang; chả tôm với rau củ hấp và cơm nắm mè đen; bánh mì phô mai cá hồi với bông cải xanh; trứng cuộn rau củ và rau củ hấp, cơm nắm mè; chả lá lốt với khoai lang hấp cùng rau củ hấp; cơm nắm puree bí đỏ cá hồi; trứng chiên ăn với bí ngòi hấp và cơm nắm mè đen; mì ý sốt susu cá hồi; củ cải trắng với cá hồi áp chảo, bí xanh, cơm nắm rau dền dầu mè, bông cải xanh; cá rô chiên giòn với rau củ hấp và cơm nắm; cơm nắm lươn mồng tơi dầu mè với đậu ván hấp; bí xanh và bông cải hấp, cơm trứng luộc dầu mè; cơm nắm với thịt bò xào tỏi cùng rau củ hấp.
Xem thêm:
Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 8-9 Tháng Cần Tuân Thủ Những Gì?
Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng
9 tháng tuổi cũng là lúc bé đã lớn hơn nhiều, bé cũng đã quen với ăn dặm có các chất đạm và rau củ. Ở thời điểm này, độ thô các món dặm của bé cũng có thể tăng lên. Không những thế, số bữa ăn chính có thể tăng thành 3 bữa thay vì chỉ là 2 bữa lúc còn nhỏ. Ngoài ra, mẹ cũng cần cho bé uống thêm sữa, ăn trái cây hoặc nước ngọt. Và với những bé 9 tháng, thực đơn ăn dặm cũng có 2 kiểu:
- Ăn dặm kiểu Nhật: cháo sườn với hột gà, cháo óc heo với đậu hà lan, cháo gan gà với khoai lang bí, cháo cật heo với cải trắng, súp bông cải xanh, súp khoai lang, súp cá hồi với khoai tây, súp gà với nấm, súp gà với ngô ngọt.
- Ăn dặm blw: canh rau cải ngọt với dứa xào, táo hấp, cải ngọt, bánh mì sandwich và thịt luộc; chả cá cùng nui xào, hành tây, bí đỏ và tráng miệng bằng thanh long; chả lá lốt với canh rau dền, rau củ rong biển, cơm mè đen và kiwi; bắp cải xào cà chua ăn với chả băm viên nướng, bí đao và bí đỏ hấp, cơm cuộn rong biển; cơm vừng ăn kèm tôm áp chảo, khoai lang, bí đỏ, đậu đũa, cà rốt hấp, tráng miệng là nhãn; bánh khoai hạt chia cùng canh rau ngót, cơm rong biển, bí đao luộc, cá trắm áp chảo; nem rán, gà tẩm bột chiên và bí đao, thịt luộc, kiwi;…
Thực đơn ăn dặm cho bé 10 tháng
Thực đơn dành cho những bé 10 tháng tuổi cũng tương tự như trẻ 9 tháng, mỗi bữa ăn đều cần đảm bảo đầy đủ 3 bữa ăn chính trong ngày, kèm thêm 2 bữa ăn phụ nhỏ có thể là trái cây hoặc sữa chua và bú sữa mẹ. Trong đó, từng bữa ăn dặm đều phải có tinh bột là cháo; chất đạm từ thịt, trứng, cá, tôm, cua; chất béo trong dầu mỡ và vitamin cùng chất xơ, khoáng chất có trong rau củ hoa quả.
- Ăn dặm kiểu Nhật: cháo gà nấm rơm, cháo lươn khoai môn cà rốt, bột thịt rau dền, cháo ếch lá sen, súp củ cải, nấm hương cùng đậu hà lan, cháo sườn non, cháo thịt heo nấu với củ cải và cà chua, súp khoai lang, cháo cá rô.
Cháo gà nấm rơm cho trẻ 10 tháng tuổi
- Ăn dặm blw: cháo ruốc cá lóc ăn với canh cải thảo, khoai sọ nấu sữa, bí đỏ và củ cải hấp; cháo đậu cove với cà rốt nấu sữa, trà lúa mạch, thịt luộc, đậu cove hấp; udon củ cải cùng khoai lang tím nấu sữa, canh rau bina và tráng miệng món chuối sữa hạt chia; cháo bánh mì chuối với canh cải và hành tây; cháo bí đỏ trứng gà ăn cùng với giá đỗ và rau bina; cháo cá rau mồng tơi ăn kèm cà rốt nấu cam, canh bí ngòi, bí xanh và ớt chuông hấp;…
Thực đơn ăn dặm cho bé 11 tháng
Khi mẹ còn đang loay hoay chưa biết thay đổi món dặm cho bé thành món gì mới lạ và ngon miệng thì hãy tham khảo những món ăn sau theo 2 phương pháp:
- Ăn dặm kiểu Nhật: bữa sáng lúc 8h: món cháo yến mạch với cà rốt, món cháo tôm cùng rau mồng tơi. Bữa trưa lúc 12h: món cháo gà với hạt sen, cháo thịt lợn nấu với khoai lang và cà rốt. Bữa tối lúc 6h: cháo cật heo nấu với cải trắng, cháo gan gà và khoai lang. Khi chế biến món ăn dặm kiểu Nhật cho bé, mẹ không nên sử dụng thực phẩm hộp, luôn gọt rửa sạch trước khi chế biến, phải cho bé ăn chín, không nêm gia vị hay dùng mật ong vì chúng không tốt cho bé, không nấu bằng bơ, mỡ lợn vì có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến thận.
- Ăn dặm blw: nui xào trứng cùng ngô và đậu, tráng miệng bằng quả đào; món nui bỏ lò với cá hồi ăn kèm với súp lơ xanh, miến xào thịt gà với mộc nhĩ với rau cải xanh và tráng miệng dâu tây; cơm gạo lứt ăn chung với súp lơ xanh xào tôm và cà rốt, cá hồi rán và sau khi ăn cho bé ăn dâu tây.
Thực đơn ăn dặm cho bé 12 tháng
Ở độ tuổi 12 tháng, trẻ đã có thể ăn những món ăn ở mức độ cứng vừa phải và không cần phải làm quá mềm hay loãng như trước. Ngoài món cháo mẹ hay nấu, mẹ cũng có thể cho bé ăn dần với cơm nhưng mềm hơn của người lớn. Còn những món ăn mặn kèm với cơm, mẹ có thể xem qua một số món sau:
- Ăn dặm kiểu Nhật: bí đỏ nấu với thịt bằm, món rau cải thảo cuốn thịt bằm, món cơm cuộn trứng, đậu hũ chiên với thịt bằm, cơm nắm có nhân cá và súp lơ, món chiên bánh mì sandwich nhúng lòng đỏ trứng.
- Ăn dặm blw: bánh mì ăn với thịt bò, dưa leo và tráng miệng là táo; cơm ăn với tôm và bông cải xanh, tráng miệng bằng 1 quả chuối; khoai tây, thịt heo cùng đậu cove và bơ; mì sợi với cá viên, bí đỏ và tráng miệng quả lê; xôi thịt gà măng tây; khoai lang với cua ghẹ cùng đậu hũ xào; bánh gạo, bánh ngũ cốc với ngô bao tử và nho;…
Xem thêm:
Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 10-11-12 Tháng Chuẩn Viện Dinh Dưỡng
Kết luận
Khi đã đến thời điểm ăn dặm, bé đã dần thích ứng được với nguồn cung cấp dinh dưỡng mới. Bên cạnh đó, với thực đơn ăn dặm tổng hợp theo từng lứa tuổi này, mẹ sẽ biết nên nấu món gì cho con mà không lo thiếu chất. Nhờ vậy, bé sẽ luôn vui khỏe mỗi ngày, mẹ cũng an tâm hơn.
Xem thêm:
2 Tuyệt Chiêu Tập Bé Bú Bình Hiệu Quả Nhất Đã Kiểm Chứng
Nguồn tham khảo
- http://blogmeyeucon.com/mach-me-thuc-don-dam-kieu-nhat-cho-be-4-thang-tuoi/
- https://ameovat.com/thuc-don-an-dam-kieu-nhat-cho-be-5-thang-tuoi
- http://blogmeyeucon.com/thuc-don-an-dam-kieu-nhat-cho-be-6-thang-tuoi/
- https://baodinhduong.com/thuc-don-dam-kieu-nhat-cho-7-thang/
- https://baomoi.com/thuc-don-blw-hap-dan-giau-dinh-duong-cho-be-8-thang-tuoi-me-khong-phai-dau-dau-tim-mon-cho-con-nua/c/27685880.epi
- https://baodinhduong.com/mot-mon-dam-kieu-nhat-cho-9-thang-tuoi/
- https://www.marrybaby.vn/nuoi-day-con/thuc-don-cho-be-10-thang-tuoi-bieng-an
- https://www.conlatatca.vn/dinh-duong-cho-be/thuc-don-an-dam-kieu-nhat-cho-be-11-thang-vua-de-lam-vua-bo-duong-61257.html
- https://www.mabu.vn/an-dam-kieu-nhat-giai-doan-4-thuc-don-an-dam-cho-be-12-18-thang-tuoi.html
- https://wholesomebabyfood.momtastic.com/babymenu.htm