Ngoài việc sinh nở thì hậu sản cũng là một vấn đề khiến nhiều mẹ lo lắng. Trong đó, tình trạng hết sản dịch lại ra máu tươi là hiện tượng nhiều mẹ gặp phải. Liệu đây có phải dấu hiệu bất thường sau sinh? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu kỹ vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.
Hiện tượng hết sản dịch lại ra máu tươi khiến nhiều mẹ sau sinh lo lắng
Sản dịch sau sinh như thế nào là bình thường?
Dù là sinh thường hay sinh mổ, việc ra sản dịch sau sinh là điều hoàn toàn bình thường. Sau sinh, các mẹ sẽ thấy cơ thể có sản dịch chảy ra từ âm đạo, bao gồm máu, mô bóc tách từ niêm mạc tử cung, nhau thai còn sót lại và cả những vi khuẩn.
Trung bình, sản dịch sau sinh sẽ kéo dài khoảng 2-4 tuần, tùy theo cơ địa của mỗi người mẹ, nhưng tình trạng ra máu không kéo dài quá 6 tuần. Trong những ngày đầu sau sinh, sản dịch thường ra nhiều, có màu đỏ sậm hoặc đỏ tươi như máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Đến khoảng ngày thứ 4 sau sinh, sản dịch sẽ ra ít dần, lỏng hơn và có màu hồng nhạt.
Đến khoảng ngày thứ 10 sau sinh, sản dịch chỉ còn một vài giọt nhỏ dịch tiết có màu hơi vàng, lúc này thành phần chính là tế bào bạch cầu và niêm mạc tử cung. Trong 2 tuần tiếp theo, nếu không có gì bất thường xảy ra, sản dịch sẽ chuyển từ màu vàng sang trắng.
Tuy nhiên, các mẹ cũng lưu ý, thời gian xuất hiện 3 loại sản dịch trên chỉ mang tính tương đối, có thể sai lệch đi một vài ngày. Chính vì vậy, các mẹ không cần quá lo lắng nếu thời gian xuất hiện sản dịch vàng ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường.
Chỉ cần sản dịch không đi kèm các triệu chứng như sốt, đau bụng, đau trì tử cung,… thì các mẹ không cần quá lo lắng. Ngược lại, nếu sản dịch sau sinh kéo dài hơn 6 tuần kèm theo những triệu chứng như trên thì tốt nhất các mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
Hết sản dịch bao lâu thì có kinh trở lại?
Theo các bác sỹ chuyên khoa, phụ nữ có thể có kinh trở lại sau 6 tuần sinh con vì khi đó cơ thể họ đã được phục hồi, tử cung đã trở lại tình trạng như trước khi mang thai. Lúc này, các hormon như estrogen, progesteron, gonadotropin màng đệm người (HCG) cũng trở lại như ban đầu vốn có.
Tuy nhiên, thời gian người phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trở lại sau sinh cũng không giống nhau mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cho con bú, lượng hormon và thói quen sinh hoạt của người mẹ. Nếu mẹ cho con bú hoàn toàn và cho bú 2-3 lần ban đêm sẽ có kinh trở lại muộn hơn, có thể sau 6 tháng hoặc thậm chí là lâu hơn. Chỉ những mẹ không cho con bú mới có thể có kinh sau khoảng 6 tuần.
Nếu mẹ cho con bú hoàn toàn sẽ có kinh trở lại muộn hơn
Bên cạnh đó, hiện tượng kinh non sau sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hết sản dịch vẫn ra máu ở chị em. Đó là tình trạng ngay sau khi sản dịch kết thúc, ở những người mẹ không cho con bú hoàn toàn có thể bị ra máu đỏ tươi giống như kinh nguyệt.
Hiện tượng kinh non sau sinh cũng khá phổ biến, có thể xảy ra với 25% phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tuần đầu, do niêm mạc tử cung phục hồi và bong tróc gây chảy máu tươi. Ở những trường hợp bình thường, kinh non chỉ xuất hiện nửa ngày hoặc 1 ngày với lượng máu rất ít, cá biệt có trường hợp kéo dài 3-5 ngày. Nếu tình trạng ra máu đỏ tươi kéo dài trên 8 ngày được xem là bất thường, chị em nên đến bệnh viện để thăm khám, kiểm tra.
Chính vì việc cho con bú ảnh hưởng tới chu kỳ kinh, cho nên nhiều phụ nữ có kinh nguyệt bất thường sau sinh, điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, sự dư thừa hormon prolactin trong máu của người mẹ khi cho con bú có thể gây ra tình trạng thất thường này. Tuy nhiên, nếu quá 8 tháng sau sinh mà vẫn chưa có kinh, tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ để loại trừ một số khả năng mắc các căn bệnh khác như rối loạn tuyến giáp, ung thư hoặc bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.
Hết sản dịch lại ra máu tươi có phải dấu hiệu bất thường?
Trong quá trình hồi phục sau sinh, nếu không được chăm sóc cẩn thận, người mẹ sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Việc xuất hiện những đốm máu đỏ tươi sau vài tuần, khi sản dịch đã nhạt đi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang hoạt động quá mức dẫn đến suy kiệt và cần thêm thời gian để phục hồi.
Tình trạng hết sản dịch lại bị ra máu sau sinh là một vấn đề thường gặp, khiến cho rất nhiều mẹ “đứng ngồi không yên”. Thực ra, các chị em không cần quá lo lắng, chỉ cần cố gắng thư giãn, nghỉ ngơi thêm một thời gian là ổn. Nếu tình trạng ra máu tươi vẫn không thuyên giảm, thậm chí lượng máu ra ngày càng nhiều hơn thì tốt nhất các mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Ngoài ra, mẹ sau sinh cũng nên lưu ý khi gặp phải một số trường hợp sản dịch bất thường như: Sản dịch có mùi hôi đi kèm với triệu chứng đau quặn bụng dưới và sốt cao. Đây rất có thể là dấu hiệu mẹ đã bị nhiễm trùng tử cung và các phần phụ như buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc nhiễm trùng âm đạo.
Bên cạnh đó, hiện tượng ra máu nhiều bất thường, màu sắc ngày càng đỏ đậm và có xuất hiện cục máu nhỏ kèm theo người mệt lả, sắc mặt tái nhợt, choáng ngất,… Đây có thể là dấu hiệu băng huyết, mẹ cần được đưa đi cấp cứu ngay.
Không chỉ có vậy, nhiều mẹ sau sinh còn gặp phải hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung khiến quá trình sản dịch kéo dài và dịch ra không đồng đều. Tình trạng sản dịch bị ứ đọng bất thường như vậy còn gọi là bế sản dịch, nguyên nhân có thể do người mẹ ít vận động, nằm quá nhiều sau sinh.
Nếu đã hết hết sản dịch lại ra máu tươi có thể do quan hệ vợ chồng quá sớm gây rách tầng sinh môn hoặc bục chỉ ở vết khâu cũng khiến cho người mẹ bị chảy máu tươi. Trong khi đó, cơ thể người mẹ sau sinh cần ít nhất 6 tuần để hổi phục hoàn toàn. Chính vì vậy, mẹ cần hỏi ý kiến bác sỹ về thời gian quan hệ sao cho an toàn, tránh nhiễm trùng khiến vết mổ lâu lành.
Ở một số trường hợp, sản dịch hết nhanh nhưng người mẹ lại có cảm giác đau, trướng bụng, sờ bụng thấy nổi cục và đau trì bụng xuống có thể do tử cung có vấn đề, mẹ cần đi khám để tìm cách xử lý.
Hết sản dịch lại ra máu tươi có đáng lo hay không?
Phân biệt giữa sản dịch và băng huyết?
Trong thực tế, sản dịch rất khác với băng huyết. Trong khoảng 3 hoặc 4 ngày đầu sau sinh, sản dịch có màu đỏ tươi. Nhưng sau đó khi nội mạc tử cung đã co lại, lượng máu sẽ dần bớt đi và chuyển qua màu hồng nhạt hoặc màu nâu. Đến khoảng ngày thứ 10 sau sinh, sản dịch còn rất ít và có màu hơi vàng hoặc không màu, không mùi. Thông thường, lượng sản dịch tiết trung bình ở 1 người mẹ sau sinh là khoảng 2 chiếc băng vệ sinh đóng trong 4 giờ.
Còn hiện tượng băng huyết là một trong dạng chảy máu ồ ạt sau sinh. Khi đó máu dịch ra nhiều, có màu đỏ tươi chứ không thẫm màu và không nhớt như sản dịch. Khi đó, sản phụ buộc phải dùng nhiều bỉm to để đóng trong ngày, thậm chí trong trường hợp nặng hơn còn kèm theo những dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng hoặc đau tức ở vùng tầng sinh môn. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm được, gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Thông thường, sản dịch kéo dài 4-6 tuần, cho dù không gặp vấn đề về bế sản dịch hay băng huyết nhưng nếu như dịch tiết ra có mùi hôi cũng là dấu hiệu của viêm nhiễm âm đạo, mẹ nên chú ý đề phòng.
Làm thế nào để phòng tránh hiện tượng hết sản dịch lại ra máu tươi?
Cơ thể người mẹ sau sinh vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên cần được chăm sóc kỹ lưỡng, đề phòng những biến chứng hậu sản nguy hiểm. Khi đã hết sản dịch mà âm đạo ra máu màu hồng nhạt thì có thể đây là kinh non, mẹ có thể yên tâm vì đây là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Điều này chứng tỏ tử cung của người mẹ đang được phục hồi rất tốt.
Tuy nhiên, nếu sau thời gian 3 – 4 tuần khi sản dịch đã ra hết nhưng cứ cách khoảng 2 – 3 ngày là lại xuất hiện máu tươi hoặc dịch nhầy như nhựa chuối, có mùi hôi kèm theo các dấu hiệu như mẹ bị sốt, đau quặn bụng dưới,… thì đây là một trường hợp cần hết sức lưu ý. Bởi lẽ, hết sản dịch lại ra máu tươi có thể là dấu hiệu của hiện tượng sót nhau thai hay hiện tượng rong kinh do rối loạn nội tiết tố hoặc do viêm nhiễm vùng kín. Lúc này, tốt nhất mẹ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng hậu sản nguy hiểm về sau.
Để phòng tránh hiện tượng hết sản dịch lại ra máu tươi, mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng kín sau sinh bằng nước muối loãng ấm, nước lá trà xanh hoặc trầu không, nhất là sau khi đi vệ sinh xong. Sau đó, dùng khăn bông sạch để thấm khô vùng kín rồi mới lót băng vệ sinh.
Vệ sinh vùng kín sẽ giúp phòng tránh tình trạng hết sản dịch vẫn ra máu
Đồng thời, các mẹ cũng nên chú ý thường xuyên thay băng vệ sinh khoảng 3 – 4 lần/ngày cho đến khi hết sản dịch để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt, nên chọn loại băng vệ sinh chất lượng và tránh dùng tampon ít nhất là 6 tuần sau sinh vì như vậy sẽ rất dễ gây nhiễm trùng âm đạo.
Hàng ngày mẹ cần có chế độ ăn uống sau sinh khoa học và đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý để tâm lý thoải mái, cơ thể sẽ phục hồi tốt hơn. Các mẹ cần tránh lo âu, căng thẳng nhiều để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời đề phòng được các chứng hậu sản.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp hết sản dịch lại ra máu tươi đều cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên mẹ không nên lo lắng thái quá. Khi có các dấu hiệu bất thường mẹ nên lưu ý kết hợp với những biểu hiện của cơ thể, nếu không biết được chắc chắn thì đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Nguồn tham khảo: tudu.com.vn, marrybaby.vn
Xem thêm:
Sản Dịch Ra Máu Cục Có Phải Là Biểu Hiện Bất Thường Của Bệnh Viêm Nhiễm? BS Trả Lời